Người dịch: Nguyễn Hoàng Thi Thơ
Người rà soát bản dịch: Nguyễn Thùy Trang
Trước khi đi vào nội dung bản dịch, tôi xin phép giới thiệu sơ lược tác giả của quyển sách - Carol J. Adams.
Bà là một nhà văn, nhà hoạt động vì quyền động vật người Mỹ, bà còn là một học giả theo chủ nghĩa nữ quyền thuần chay (sự kết hợp giữa chủ nghĩa nữ quyền - feminism và chủ nghĩa thuần chay - veganism)*. Carol J. Adams tốt nghiệp đại học Rochester, sau đó theo học thạc sĩ tại Yale Divinity School (YDS). Bà là tác giả của các quyển sách: The Sexual Politics of Meat: A Feminist - Vegetarian Critical Theory, Animals and Women Feminist Theoretical Explorations, Neither Man nor Beast: Feminism and the Defense of Animals, The Pornography of Meat… và nhiều bài báo học thuật khác.
(mọi nội dung được gắn ký hiệu * trong bài dịch đều là chú thích của người dịch)
Carol J. Adams rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ động vật cũng như mối liên hệ giữa vấn đề này với việc giải phóng phụ nữ. Trong một buổi phỏng vấn trên Geez Magazine, bà chia sẻ: “Tại sao những người thực sự quan tâm đến công bằng xã hội lại không coi các loài động vật (trừ con người)* là một phần của vấn đề?” [1] Bà còn thẳng thừng bày tỏ thái độ không đồng tình trước ý kiến “chủ nghĩa nữ quyền là quan niệm cấp tiến khi cho rằng phụ nữ cũng là con người” [1], bởi theo bà thực chất “con người cũng là động vật” [1] nhưng chính vì con người tự cho/đặt mình vào vị trí độc tôn, đứng đầu chuỗi thức ăn nên từ lâu trong mầm móng tư tưởng xã hội đã sinh ra cấu trúc nhị nguyên con người - động vật bên cạnh cấu trúc nhị nguyên quen thuộc là đàn ông - đàn bà.
Bản thân tôi khi đọc những chia sẻ của bà trong buổi phỏng vấn cũng cảm thấy tâm đắc ở một vài ý, điển hình như: “Nếu chúng ta xem kẻ hiếp dâm hoặc kẻ hành hung người khác đang hành động “như con vật” (animal-like) thì điều chúng ta đang làm là cố gắng ngụ ý rằng đó là hành vi mà con người không thể kiểm soát. Tức nó thuộc về bản chất của phần “con” chứ không phải phần “người”. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang phớt lờ và phủ nhận những hành động trên vốn có chủ ý và được lên kế hoạch [...]” cũng như dùng “quyền tự quyết (của loài người)* để phỉ báng các loài động vật khác, như thể tất cả các loài động vật đều có “bản chất” bạo lực.” [1]
Nhìn chung, các công trình của Carol J. Adams mang đến những góc nhìn khá độc đáo về mối quan hệ giữa việc áp bức phụ nữ và ăn thịt động vật trong xã hội gia trưởng. Quyển The Sexual Politics of Meat thể hiện rất rõ góc nhìn trên. Trong khả năng có hạn, tôi chỉ dịch những chương mà tôi cảm thấy hứng thú và có thể dịch bằng vốn kiến thức hạn hẹp của mình. Rất mong nội dung bài dịch sẽ khơi gợi những ý tưởng mới lạ và thú vị trong lòng độc giả.
Xin trân trọng cảm ơn!
---------
Thần thoại từ người San:
"Trong những thời kỳ đầu, đàn ông và phụ nữ sống tách biệt, đàn ông sống hoàn toàn dựa vào săn bắt động vật còn phụ nữ thì tồn tại bằng cách hái lượm. Họ mang theo lửa khi đi tìm thức ăn, tuy nhiên, đàn ông - những sinh vật bất cẩn thường làm tắt lửa còn phụ nữ - những người cẩn thận lại luôn giữ được lửa bên mình. Sau khi săn được một con linh dương nhảy, nhóm 5 người đàn ông rất cần lửa để nướng nó, vì vậy một trong số họ buộc phải đi tìm lửa, anh ta băng qua sông và bắt gặp một người phụ nữ đang thu lượm hạt. Khi anh hỏi xin lửa, cô đã mời anh đến trại phụ nữ của mình. Tại đó, cô nói: “Anh đang rất đói, chờ tôi giã nát những hạt giống này, tôi sẽ nấu nó cho anh ăn” và cô đã nấu cho anh một ít cháo. Sau khi ăn xong, người đàn ông chia sẻ: “Món này rất ngon, cho nên tôi chỉ muốn ở lại đây thôi”, và anh ở lại thật. Nhưng những người anh em của anh lại không biết điều này, vì thế họ tiếp tục chờ đợi bên cạnh con linh dương nhảy (và dĩ nhiên là vẫn chưa có lửa để nướng nó)*. Đến người thứ hai đi tìm lửa, anh ta cũng bị cám dỗ bởi món ăn của người phụ nữ và ở lại trại của họ. Điều tương tự cũng xảy ra với người thứ ba. Việc này làm hai người đàn ông còn lại rất sợ hãi. Họ nghi ngờ đã có điều gì đó tồi tệ xảy đến với đồng đội của mình. Họ tung xương bói quẻ nhưng các dấu hiệu đều cho thấy mọi thứ đang diễn ra rất yên bình và thuận lợi. Ngay sau đó, người thứ tư cũng buộc phải đi tìm lửa trong một trạng thái lo âu, sợ sệt, rồi anh gặp gỡ và nhập bọn cùng đồng đội của mình. Chỉ còn người cuối cùng, anh càng trở nên hoảng loạn trong khi con linh dương nhảy đã thối rửa và phân hủy. Người đàn ông liền nhanh chóng chợp lấy cây cung và mũi tên của mình rồi bỏ chạy."
Tôi rời Thư viện Anh và tiếp tục nghĩ về nghiên cứu của mình - xoay quanh một số phụ nữ sống trong những năm 1890, những người mà báo chí nữ quyền và báo chí phục vụ giai cấp lao động của họ đã đề xuất chế độ “ăn không thịt”, vừa nghĩ tôi vừa băng qua hàng ăn tự chọn ở một nhà hàng gần đó. Với đồ ăn chay trong tay, tôi bước xuống tầng hầm. Một bức tranh vẽ Henry VIII đang ăn một chiếc bánh nhân thận và bít tết chào đón ánh nhìn của tôi. Ở hai bên Henry đang ăn ngấu nghiến là chân dung của sáu người vợ và những người phụ nữ khác. Tuy nhiên, họ không ăn bánh nhân thận và bít tết cũng như bất cứ thứ gì làm từ thịt. Catherine of Aragon cầm một quả táo, Nữ bá tước Mar cầm một cây củ cải trắng, Anne Boleyn là chùm nho đỏ, Anne of Cleaves là một quả lê, Jane Seymour là chùm nho xanh, Catherine Howard là một củ cà rốt và Catherine Parr là một bắp cải.
(Có chăng?)* Những người nắm quyền lực thì luôn ăn thịt.
Tầng lớp quý tộc châu Âu tiêu thụ lượng lớn món ăn với đủ loại thịt trong khi tầng lớp người lao động tiêu thụ các loại carbohydrate phức tạp. Điều này cho thấy thói quen ăn uống phản ánh sự phân biệt giai cấp cũng như sự phân biệt giữa nam và nữ trong chế độ gia trưởng.
Phụ nữ, công dân hạng hai (second-class citizens), có khuynh hướng ăn những thức ăn được coi là thức ăn hạng hai (second-class foods) trong nền văn hóa nam trị như rau củ, trái cây và ngũ cốc thay vì thịt. Sự phân biệt giới tính trong việc ăn thịt là một hình thái tóm lược của sự phân biệt giai cấp với một điểm nhấn đáng chú ý: một thứ “định kiến huyền thoại” ăn sâu vào tư tưởng của mọi giai cấp rằng thịt là thức ăn nam tính và việc ăn thịt là hành vi thuộc về đàn ông.

Nhân diện nam giới và Hành vi ăn thịt

Các xã hội ăn thịt đạt được sự nhận diện nam giới thông qua việc lựa chọn thức ăn và những cuốn sách viết về thịt ủng hộ mạnh mẽ nhận định này. Quyển “Thịt Chúng Ta Ăn” (tên tiếng Anh: The Meat We Eat) tuyên bố thịt là “một loại thức ăn thuộc về nam giới và mang tính bảo vệ” do đó “việc cung cấp đầy đủ thịt luôn được gắn với hình ảnh một dân tộc hạnh phúc và cường tráng (cụm từ thường được gán cho nam giới)*” [2] Trong quyển “Công nghệ về thịt” (tên tiếng Anh: Meat Technology) cho biết: “chủng tộc người Úc mạnh mẽ và đầy nam tính là một ví dụ điển hình về những người ăn nhiều thịt” [3] Bên cạnh đó, những người sành ăn hàng đầu thì cho rằng việc “mút não (bằng muỗng) trực tiếp ra khỏi đầu con bê nướng là một hành động thể hiện sự nam tính.” [4]
Cụm từ “Virile” được lặp lại nhiều lần trong các dẫn chứng trên mang nghĩa: thuộc về nam giới hoặc sở hữu những đặc điểm của một người đàn ông trưởng thành, trong đó “vir” nghĩa là người đàn ông. Từ những ngữ liệu được đề cập, có thể nhận định: hành vi ăn thịt là một thước đo nam tính của cá nhân và xã hội.
Thịt là thức ăn của nam giới nhưng không là thức ăn của nữ giới.
Đây là vấn đề đầy thương tâm mà chúng ta có thể nhận thấy qua tình hình đói nghèo hiện nay. Phụ nữ đang chết đói với một tỷ lệ không cân xứng so với đàn ông. Lisa Leghorn và Mary Roodkowsky đã khảo sát hiện tượng này trong cuốn sách của họ “Ai Thực Sự Đói? Phụ nữ và Nạn đói trên thế giới” (tên tiếng Anh: Who Really Starves? Women and World Hunger) Nhóm tác giả kết luận, chính phụ nữ cũng tham gia vào việc chủ động tước đoạt quyền tự chủ, họ cung cấp cho nam giới những món ăn “tốt nhất” bất chấp nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Lisa và Mary cho người đọc biết được điều này thông qua ví dụ về “Giới nữ ở Ethiopia bất kể thuộc giai cấp nào đều phải chuẩn bị hai bữa ăn, một bữa dành cho nam giới và một bữa thứ hai - thường không có thịt hoặc protein đáng kể khác dành cho phụ nữ.” [5]
Trên thực tế, nhu cầu protein của nam giới ít hơn so với phụ nữ mang thai và cho con bú nhưng sự phân phát không đồng đều nguồn protein lại xảy ra khi nhu cầu protein của phụ nữ đang ở mức cao nhất. Điểm thú vị là hiện nay chúng ta được khuyên rằng nên ăn thịt (hoặc cá, rau củ, sô cô la và muối) ít nhất sáu tuần trước khi mang thai nếu muốn sinh con trai. Nhưng nếu muốn có con gái thì không cần ăn thịt mà hãy ăn sữa, phô mai, các loại hạt, đậu và ngũ cốc. [6]
Các câu chuyện cổ tích đã dạy cho chúng ta những bài học vỡ lòng từ khi ta còn nhỏ về động lực cũng như vai trò giới trong mối quan hệ với việc ăn. Ví dụ Nhà Vua đã ăn 24 con chim hoét/hét đen trong một chiếc bánh (ban đầu là 24 cậu bé hư hỏng) trong khi Hoàng hậu ăn bánh mì và mật ong trong phòng ăn của họ. Thêm nữa, việc ăn thịt đồng loại trong truyện cổ tích thường là một hành động của nam giới, như Jack, sau khi leo lên cây đậu thần đã nhanh chóng biết được điều này. Văn hóa dân gian của tất cả các dân tộc đều miêu tả người khổng lồ là nam và “thích ăn thịt người” [7] Phù thủy - những người kỳ lạ và quái dị trong mắt của xã hội gia trưởng - trở thành những người phụ nữ ăn thịt người điển hình.
Một ví dụ từ Kinh Thánh về đặc quyền của nam giới đối với thịt khiến Elizabeth Cady Stanton, một nhà nữ quyền tiêu biểu của thế kỷ 19, cảm thấy khó chịu, có thể thấy rõ điều này qua lời bình luận ngắn gọn của bà về Lê-vi Ký 6 (Leviticus 6) trong quyển “Kinh Thánh của Phụ nữ” (tên tiếng Anh: The Woman’s Bible): “Các linh mục nấu thịt một cách khéo léo bằng củi và than trên bàn thờ, trên vải lanh sạch sẽ, không có phụ nữ nào được phép nếm thử, chỉ có những người con trai trong số con cái của Aaron làm điều này.” [8]
Hầu hết những điều cấm kỵ về thức ăn đều liên quan đến việc tiêu thụ thịt và chúng đặt ra nhiều hạn chế cho nữ giới hơn là nam giới. Các loại thức ăn thông thường bị cấm đối với phụ nữ có thể kể đến là gà, vịt và lợn. Việc cấm phụ nữ ăn thịt trong các nền văn hóa không có sự tồn tại của công nghệ cao càng làm tăng thêm quyền lực của thịt và việc ăn thịt. Ngay cả khi phụ nữ nuôi lợn, như ở quần đảo Solomon, họ hiếm khi được ăn thịt lợn. Nếu họ nhận được một ít thì đó cũng là do chồng họ cho phép/phân định. Ở Indonesia, “thịt được coi là tài sản của nam giới. Trong các bữa tiệc, các dịp quan trọng thì thịt được phân phát cho các hộ gia đình theo mức độ uy tín hoặc/và vị thế của người đàn ông… Do đó, Hệ thống phân phối này càng làm củng cố địa vị của nam giới trong xã hội.” [9]
Tập tục gia trưởng này còn được tìm thấy trên toàn thế giới. Ở châu Á, một số nền văn hóa cấm phụ nữ tiêu thụ cá, hải sản, gà, vịt và trứng. Ở vùng xích đạo Châu Phi, việc cấm phụ nữ ăn thịt gà là chuyện phổ biến. Ví dụ, phụ nữ Mbum Kpau không ăn gà, dê, chim đa đa hoặc các loại chim săn mồi khác. Người Kufa ở Ethiopia trừng phạt phụ nữ ăn gà bằng cách biến họ thành nô lệ, trong khi người Walamo “xử tử bất kỳ ai vi phạm lệnh hạn chế ăn gia cầm.” Theo đó, rau củ và các loại thực phẩm không phải thịt được coi là thức ăn của nữ giới. Điều này khiến chúng trở thành “cái gai” trong mắt nam giới. Đàn ông Nuer cho rằng việc ăn trứng là “ẻo lả”, “như đàn bà”. Ở những nhóm khác, họ dùng sốt để che giấu việc họ đang ăn thức ăn của phụ nữ. “Nam giới thích ăn cháo kèm với nước sốt thịt và đôi khi họ sẽ từ chối ăn nước sốt làm từ rau xanh hoặc các loại rau khác, những thứ được cho là thực phẩm của phụ nữ.” [10]

Thịt - CHỈ dành cho Đàn Ông

Không có gian hàng nào trong cửa hàng mà việc bán hàng đảm bảo chất lượng có thể mang lại nhiều lợi ích cũng như việc bán hàng kém chất lượng có thể gây ra nhiều tác hại như ở gian hàng thịt. Đó là vì phần đông phụ nữ không coi mình là những người có năng lực thẩm định chất lượng thịt, thay vào đó họ thường chọn mua ở những nơi mà họ tin tưởng vào người bán. (Hinman và Harris, Câu chuyện về thịt: 11)
Trong các xã hội công nghệ, sách dạy nấu ăn phản ánh giả định rằng nam giới ăn thịt. Một cuộc khảo sát ngẫu nhiên về sách dạy nấu ăn cho thấy các phần thịt nướng trong hầu hết loại sách này đều được chú trọng và hướng tới nam giới. Các món ăn được khuyến nghị cho buổi Trà chiều vào ngày của mẹ không bao gồm thịt, nhưng trái lại vào Ngày của Cha, bữa tối nên bao gồm món London Broil vì “bít tết luôn được các ông bố yêu thích và không thể chối từ” [12] Trong một chương về “Lòng hiếu khách của Phụ nữ”, người đọc được hướng dẫn phục vụ rau củ, salad và canh. Cuốn sách nấu ăn New McCall's cũng gợi ý rằng bữa tối yêu thích của nam giới là London Broil, song “Bữa trưa của các Quý bà” sẽ bao gồm các món làm từ phô mai và rau củ, tức không có thịt. Một phần của cuốn sách còn được đề tựa “Chỉ dành cho Nam giới”, điều này càng củng cố sự hiện diện vô hình của thịt trong cuộc sống của đàn ông. Cái gì (ý chỉ thức ăn)* chỉ dành cho nam giới? London Broil, bít tết lập phương, và bữa tối với thịt bò. [13]
Các cuốn sách dạy nấu ăn ở thế kỷ 20 chỉ phục vụ mục đích xác nhận mô hình lịch sử được tìm thấy trong thế kỷ 19 khi các hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Anh không đủ khả năng mua thịt để nuôi tất cả thành viên. Cụm từ “Chỉ dành cho nam giới” (For the man only) xuất hiện liên tục trong nhiều thực đơn của những gia đình này khi đề cập đến thịt. Tuân theo các huyền thoại của một nền văn hóa (nam giới cần thịt; thịt mang lại sức mạnh như một con bò đực), người đàn ông làm “trụ cột gia đình” thực sự nhận được thịt. Các nhà nghiên cứu lịch sử xã hội cho biết phần lớn thịt đều thuộc về người chồng.
Vậy thì phụ nữ ăn gì trong suốt thế kỷ 19? Vào các ngày Chủ nhật, họ có thể ăn một bữa tối khiêm tốn nhưng ngon miệng. Trong những ngày còn lại, thức ăn của họ là bánh mì phết bơ hoặc mỡ, trà pha loãng, bánh pudding và rau củ. “Người vợ, trong những gia đình nghèo, có lẽ là người được nuôi dưỡng (có khẩu phần ăn)* tồi tệ nhất trong gia đình”, đây là nhận định của Tiến sĩ Edward Smith trong cuộc khảo sát thực phẩm quốc gia đầu tiên về chế độ ăn uống của người Anh vào năm 1863, ông còn phát hiện và chỉ ra sự khác biệt lớn nhất trong chế độ ăn uống giữa nam và nữ trong cùng một gia đình nằm ở lượng thịt tiêu thụ. [14] Các nhà nghiên cứu sau đó được biết rằng phụ nữ và trẻ em trong một vùng nông thôn ở Anh, “ăn khoai tây và nhìn vào thịt.” [15]
Ở đâu mà sự nghèo đói xảy ra dẫn đến con người buộc phải phân phát thịt một cách có chủ ý thì ở đó, đàn ông là người nhận được nó. Nhiều phụ nữ nhấn mạnh rằng họ đã để dành thịt cho chồng của họ.
Chính họ là người củng cố định kiến giữa việc ăn thịt với vai trò và địa vị của nam giới: “Tôi giữ thịt cho anh ấy, anh ấy phải có nó.” Nhiều mẫu thực đơn dành cho công nhân ở phía Nam London cho thấy “có thêm thịt, cá, bánh, hoặc một loại thịt khác đảm bảo chất lượng dành cho nam giới.” Phụ nữ chỉ ăn thịt một lần mỗi tuần với con cái của họ, trong khi người chồng ăn thịt và thịt xông khói “gần như mỗi ngày.
Đầu thế kỷ 20, nhóm phụ nữ Fabian ở London đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài bốn năm, trong đó họ ghi lại chi tiêu hàng ngày của ba mươi hộ gia đình trong cộng đồng người lao động. Số liệu đã được thu thập và giải thích trong cuốn sách giàu lòng trắc ẩn “Khoảng một Bảng mỗi Tuần” (tên tiếng Anh: Round about a Pound a Week). Tại đó, người đọc nhận thức rất rõ cái gọi là chính trị giới tính của thịt: “Trong những hộ gia đình họ tốn 10 shilling (tức khoảng 50 xu hiện nay)* hoặc thậm chí ít hơn cho việc mua thức ăn, họ chỉ có thể áp dụng duy nhất một chế độ ăn uống, và đó là chế độ ăn phục vụ cho nam giới, còn bọn trẻ sẽ ăn những gì còn thừa lại. Theo chế độ ăn này, vào ngày Chủ nhật trong tuần bắt buộc phải có một bữa ăn với thịt, hoặc nếu không thì ít nhất cũng phải có một món thịt vào Chủ nhật để làm thoả mãn mong muốn của người cha về loại thức ăn mà ông thích và theo lẽ tự nhiên - vốn thuộc về nam giới.
Nói một cách ngắn gọn, chúng ta được biết rằng: “Thịt được mua cho nam giới” và phần thịt thừa từ bữa tối Chủ nhật, “được người đàn ông ăn nguội vào ngày hôm sau” [16] Nghèo đói cũng quyết định ai là người xắt thịt. Như Cicely Hamilton đã phát hiện trong cùng thời kỳ rằng phụ nữ xắt thịt khi họ biết không có đủ thịt cho tất cả mọi người. [17]
Trong hoàn cảnh dư thừa thịt, những giả định về mối quan hệ giữa vai trò giới và thịt không hiện diện trên bề mặt. Vì lẽ đó, chế độ ăn của phụ nữ và đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu ở Anh giống nhau nhiều hơn so với chế độ ăn của phụ nữ tầng lớp thượng lưu với chế độ ăn của phụ nữ tầng lớp lao động. Hơn nữa, lượng thịt dồi dào ở Hoa Kỳ (trái ngược với lượng thịt hạn chế ở Anh) đủ để cung cấp cho tất cả mọi người, trừ khi nguồn cung bị kiểm soát. Ví dụ, những người đàn ông da đen làm nô lệ nhận mỗi ngày nửa pound thịt (khoảng 230 gram thịt), trong khi phụ nữ da đen làm nô lệ thường chỉ nhận hơn một phần tư pound (khoảng 114 gram thịt) [18] Ngoài ra, trong các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20, mô hình tiêu thụ thịt gợi sự liên tưởng đến mô hình của các gia đình lao động ở Anh vào thế kỷ 19 với một biến thể: “người lao động” (mà thường là đàn ông)* trong hộ gia đình và người lính là những đối tượng được nhận thịt, còn người dân thì được khuyến khích học cách nấu ăn mà không cần thịt.
Tài liệu trích dẫn:
[1] James Wilt, After The Sexual Politics of Meat: An Interview with Carol J. Adams, nguồn: geezmagazine.org, đăng ngày: 12/07/2015, truy cập ngày 20/04/2024
[2] P. Thomas Ziegler, The Meat We Eat (Danville, IL: The Interstate Printers and Publishers, 1966), pp. 5, 1.
[3] Frank Gerrard, Meat Technology: A Practical Textbook for Student and Butcher (London: Northwood Publications, Inc., 1945, 1977), p. 348.
[4] Waverley Root and Richard de Rochemont, Eating in America: A History (New York: William Morrow, 1976), p. 279.
[5] Lisa Leghorn and Mary Roodkowsky, Who Really Starves: Women and World Hunger (New York: Friendship Press, 1977), p. 21.
[6] Lloyd Shearer, “Intelligence Report: Does Diet Determine Sex?”, summarizing the conclusions of Dr. Joseph Stolkowski, Parade 27 June 1982, p. 7.
[7] William S. Baring-Gould and Ceil Baring-Gould, The Annotated Mother Goose (New York: Bramhall House, 1962), p. 103.
[8] Elizabeth Cady Stanton, The Woman’s Bible: Part I (New York: European Publishing Co., 1898; Seattle: Coalition Task Force on Women and Religion, 1974), p.91.
[9] Frederick J. Simoons, Eat Not This Flesh: Food Avoidances in the Old World (Madison: University of Wisconsin, 1961, 1967), p. 12. The quotation in the following paragraph is found in Simoons, p. 73.
[10] Bridget O’Laughlin, “Mediation of Contradiction: Why Mbum Women do not eat Chicken,” Woman, Culture, and Society, ed. Michelle Zimbalist Rosaldo and Louise Lamphere (Stanford: Stanford University Press, 1974), p. 303.
[11] Robert B. Hinman and Robert B. Harris, The Story of Meat (Chicago: Swift & Co., 1939, 1942), p. 191.
[12] Sunset Books and Sunset Magazines, Sunset Menu Cook Book (Menlo Park, CA: Lane Magazine and Book Co., 1969), pp. 139, 140.
[13] Oriental Cookery from ChunKing and Mazola Corn Oil.
[14] Edward Smith, M.D., Practical Dietary for Families, Schools and the Labouring Classes (London: Walton and Maberly, 1864), p. 199.
[15] Laura Oren, “The Welfare of Women in Laboring Families: England, 1860–1950,” Feminist Studies 1, no. 3–4 (Winter-Spring 1973), p. 110, quoting B. S. Rowntree and May Kendall, How the Labourer Lives: A Study of the Rural Labour Problem (London: Th omas Nelson and Sons, 1913). The quotations in the following paragraph are from Oren, p. 110, quoting Rowntree and Maud Pember Reeves, Round About a Pound a Week.
[16] Maud Pember Reeves, Round About a Pound a Week (G. Bell and Sons, 1913, London: Virago Press, 1979), pp. 144 and 97.
[17] Cicely Hamilton, Marriage as a Trade (1909, London: The Women’s Press, 1981), p. 75.
[18] Todd L. Savitt, Medicine and Slavery: The Diseases and Health Care of Blacks in Antebellum Virginia (Urbana and Chicago: University of Illinois Press, 1978), p. 91.