Mất kết nối của tác giả Johann Hari vẫn được xem là một trong những quyển sách phải nhắc đến khi bàn về chủ đề trầm cảm, được nhiều người trong và ngoài giới chuyên môn đánh giá cao.
Cái duyên của tôi với quyển sách này có thể nói được bắt nguồn từ sự tò mò với chia sẻ của chị Dương Ngọc Hân, Tổng Biên tập Saigon Books, cũng là đồng biên tập sách “Bản thảo này, có lẽ là cuốn sách khoa học mà tôi biên tập kỹ nhất từ trước đến nay tại Saigon Books, hơn cả cuốn Sang chấn tâm lý”.
Nếu bạn nào có đọc qua quyển Sang chấn tâm lý sẽ biết quyển này không chỉ khủng về độ dày mà còn chứa một lượng kiến thức khổng lồ trong nội dung. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để đặt sự kỳ vọng ở Mất kết nối.
Nhưng hơn cả những gì tôi mong đợi, Mất kết nối thực sự đã thổi một làn gió mới vào tuyển tập những sách khoa học tâm lý trong lĩnh vực này.
Điểm khác biệt đầu tiên là Mất kết nối được viết ra bởi một phóng viên, một người đã từng vượt qua trầm cảm kể về hành trình của mình. Một kẻ hoàn toàn ngoại đạo cả về lĩnh vực y tế và trị liệu tâm lý. Do đó, quyển sách “Mất kết nối” mang đậm dấu ấn cá nhân với những nhận định có phần chủ quan.
Điểm khác biệt thứ hai, đến từ quan điểm nhìn nhận về trầm cảm của tác giả.
Trong khi ngày nay, trầm cảm đã được nhìn nhận như một căn bệnh sinh lý cần được điều trị bằng thuốc, với nguyên nhân được cho là có liên quan đến “sự mất cân bằng” hoá chất trong não, chủ yếu do gene và di truyền. Thì Johann Hari lại cho rằng nguyên nhân gây ra trầm cảm đến từ các thành tố tâm lý và xã hội, mà theo tác giả gọi là “Mất kết nối”, cụ thể là: mất kết nối với một công việc ý nghĩa/ người khác/ những giá trị ý nghĩa/ một tuổi thơ bi kịch/ danh dự và sự kính trọng/ thế giới tự nhiên/ tương lai an toàn . Và dĩ nhiên, dựa trên những nguyên nhân này, tác giả đề xuất những cách chữa trầm cảm từ góc nhìn môi trường và xã hội, chứ không chỉ là vấn đề của riêng cá nhân dựa vào những liều thuốc đặc trị của các y bác sĩ.
Luận điểm này của Johann không quá mới, đã có nhiều nhà xã hội học phân tích trầm cảm ở góc độ “bị tác động, đè nén từ bên ngoài” chứ không chỉ do “cấu trúc gene”. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi đọc được một quyển sách mổ xẻ chi tiết và kỹ lưỡng đến từng khía cạnh xã hội và bản ngã khiến con người hụt chân vào chiếc hố trầm cảm đến thế. Có lẽ do từng kinh qua tất cả các trải nghiệm của một bệnh nhân, chật vật trong từng đoạn đường tự chữa lành, nên Johann có thể vẽ ra từng cảm xúc phức tạp một cách rõ ràng trước mắt độc giả. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mất kết nối chỉ là một chuỗi những nhận định chủ quan. Khi lật giở từng trang sách, tôi tin bạn sẽ nhận ra Johann đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và tra cứu nhiều thông tin khoa học dựa trên những trải nghiệm của mình thông qua luận điểm logic, sắc bén.
Điểm khác biệt kế tiếp khi nói về nội dung sách đó là Johann thẳng thừng phủ nhận tác dụng của thuốc và hệ thống y tế trong việc điều trị trầm cảm. Điều này dĩ nhiên “động chạm” đến không ít người và khiến Mất kết nối hứng nhiều gạch đá. Giữa cơn mưa những ý kiến trái chiều, trên quan điểm cá nhân, tôi nghiêng về phía tác giả nhiều hơn. Các bạn có thể thấy trong cùng một môi trường, với những người có hệ gene tương tự nhau (như anh em chị ruột) không phải người nào cũng có biểu hiện bệnh trầm cảm như nhau.
Tôi không nghĩ thuốc đặc trị trong trường hợp này hoàn toàn vô dụng, nhưng với những thứ có ý nghĩa quan trọng như đời sống tinh thần khỏe mạnh, chúng ta nên nhìn nhận nghiêm túc, cải thiện nhiều hơn về mọi mặt của lối sống, thế giới quan,… chứ không nên biếng nhác chỉ chọn cách giải quyết tạm thời là đơn thuốc từ nhà trị liệu.
Tôi tin đây là quyển sách hiếm hoi về tâm lý có thể chạm đến cảm xúc của bạn vì sự chân thực về nội dung và cái tâm sáng trong việc chia sẻ của tác giả. Quyển sách sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn toàn diện để có thể cảm thông với những người trầm cảm và mang đến sự chữa lành từ việc lấy lại kết nối với chính mình từ bên trong chứ không chỉ phụ thuộc vào thuốc.
Và cuối cùng, không cần biết bạn đang ở đâu trong chặng đường chiến đấu với trầm cảm, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ, đừng vượt qua nó một mình!