"Nỗi đau của chàng Werther" - Khi tình yêu trở thành niềm đam mê cực đoan
Khi nói đến Johann Wolfgang von Goethe, C.Mác đã từng tôn vinh: “Goethe là người Đức vĩ đại nhất và là nhà thơ vĩ đại nhất”, bởi những...
Khi nói đến Johann Wolfgang von Goethe, C.Mác đã từng tôn vinh: “Goethe là người Đức vĩ đại nhất và là nhà thơ vĩ đại nhất, bởi những tác phẩm mà ông để lại nền văn chương tuyệt mĩ với tầm ảnh hưởng sâu sắc và kì vĩ không chỉ gây tiếng vang cho nền văn học nước nhà, mà còn cho cả nền văn học thế giới”. Một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của Goethe chính là "Nỗi đau của chàng Werther". Quyển tiểu thuyết thể hiện chủ nghĩa duy cảm và mang nhiều tính bi kịch thông qua số phận nhân vật Werther, qua cách phản ứng của chàng với nghịch cảnh và thói tục xã hội. Dẫu câu chuyện chính là tình yêu, dẫu mọi tâm cảm đều xoay quanh ái tình, nhưng điều khiến cuốn tiểu thuyết trở thành một cuốn tiểu thuyết để lại nỗi khắc khoải trong lòng bao thế hệ, có lẽ chính là cách Goethe biến tình yêu thành một dạng tín ngưỡng của niềm đam mê, một niềm đam mê cực đoan dẫn đến sự hủy diệt.
Chính Goethe đã từng nói: "Tôi gọi cổ điển là khỏe mạnh, còn lãng mạn là ốm yếu". Ở các tác phẩm mang nặng yếu tố lãng mạn, các nhân vật có thiên hướng thích dòng nước mắt; lẩn trốn trong cái tôi, trong giấc mơ, trong thiên nhiên, trong nỗi cô đơn và dễ rơi vào những bi kịch tinh thần. Bi kịch là khi con người ta ý thức được chính nỗi đau thực tại của mình, đau khổ khi không thể thực hiện ước mơ của mình. Còn nếu như thỏa hiệp với nỗi đau và chấp nhận hiện thực thì đó không phải là bi kịch.
Werther, Lothéa, Anbec là ba nhân vật chính của tiểu thuyết tình yêu này. Werther rơi vào cảnh giằng xé giữa nhiệt thành và sự thật, giữa bầu nhiệt huyết của tình yêu và những ngăn cách do hoàn cảnh quy định. Chính sự giằng xé đó làm cho Werther tự hủy hoại mình. Werther quen biết với Lothéa - một thiếu nữ xinh đẹp con vị pháp quan. Nhan sắc và tính tình giản dị, chân thật, nhạy cảm của nàng lập tức chinh phục Werther. Lothéa trẻ đẹp, đầy sức sống đến mức Werther cũng không thể nào miêu tả được vẻ đẹp ấy “Nàng hoàn hảo như thế nào ,vì sao nàng hoàn hảo, chỉ biết rằng: nàng đã bắt giam trọn vẹn cả hồn tôi.” Đồng thời Werther cũng đau khổ vì biết Lothéa đã đính hôn với Anbec. Còn cô thiếu nữ quí tộc địa phương kia mặc dù quả có cảm tình với Werther nhưng vẫn quyết giữ vững lời hẹn hôn nhân với Anbec. Cho nên, nàng rất giữ khoảng cách với Werther. Werther biết mình phải tôn trọng cả Lothéa lẫn Anbec vì họ đã đính hôn, nhưng chính khoảng cách ấy lại có lực hấp dẫn mãnh liệt vô cùng. Nó thôi thúc con tim, khát vọng của chàng đến mức: “Và chỉ đến với nàng tôi mới cảm thấy mình là mình, mới cảm thấy được diễm phúc mà con người được hưởng”.
Cái chết của Werther đã phản ánh sâu sắc hiện thực thời đại: Đó là sự thất bại tạm thời của tầng lớp tư sản còn non trẻ khi họ đang cố vượt ra khỏi chế độ phong kiến ngày một suy yếu để vươn tới một thời đại mới, thời đại mà giai cấp tư sản sẽ là những người tiên phong đi đầu. Tác giả Goethe xây dựng nhân vật Werther có tính chất của chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực. Là một người thường thoát li cuộc sống hiện thực, Werther luôn coi trọng tình cảm, luôn sống vì tình cảm. Nhưng chàng cũng luôn cô đơn, u sầu và nổi loạn với cuộc sống hiện thực. Cuối cùng, Werther rơi vào bi kịch.
“Tôi có rất nhiều, rất nhiều, nhưng tình yêu dành cho nàng đã cuốn đi tất cả. Tôi có rất nhiều, rất nhiều, nhưng không có nàng tất cả hóa hư không.” - Johann Wolfgang von Goethe -
Sự việc cuối cùng dẫn đến kết thúc bi kịch chính là lời cầu khẩn của chính Lothéa với mong muốn Werther giữ khoảng cách với nàng để nàng và chồng dịu đi căng thẳng. Lời thỉnh cầu khiến Werther ý thức được rằng chỗ lánh nạn cuối cùng của chàng nay đã không còn nữa. Để giải quyết mâu thuẫn và xung đột nội tâm, Werther đã vi phạm lời hẹn ước, tìm gặp Lothéa một lần cuối, ngâm cho nàng nghe một bài ca và trong lúc xúc động, đã ôm lấy Lothéa mà hôn. Sau đó, chàng lấy cớ sẽ đi du lịch và cần súng. Mượn được khẩu súng của Albert, chàng tự kết liễu đời mình. Trên bàn làm việc của chàng còn để lại vở kịch của Lessing Emilia Galotti, cái mà có thể biện hộ, bào chữa về mặt đạo đức cho chàng. Tác phẩm là tiếng lòng nức nở chua xót của những thế hệ thanh niên không những ở trong nước Đức mà cả ở những nước khác trên thế giới, đồng thời là vấn đề thời sự của lớp người trẻ tuổi. Nỗi "nhức nhối thế gian" khởi nguồn từ sự bất dung hòa của tư tưởng và thực tại ấy, là vấn đề không phải của chỉ riêng mình chàng, mà bất cứ ai có lẽ cũng từng gặp phải trong tuổi trẻ của mình.
Có một lần, nhân nói chuyện về Werther, cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, đại thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe đột ngột hỏi viên lục sự thành phố tới thăm ông: – Thế nào, anh đã say bao giờ chưa? Chắc có chứ? Người chân chính nào mà lại chẳng có lần để lại lời đàm tiếu sau lưng mình! Không đợi viên lục sự trả lời, ông nói tiếp: – Thế đấy, chỉ khác một điều là cơn say của anh ngủ qua đêm là hết, còn cơn say của tôi thì lưu lại trên trang sách!
Tác phẩm được truyền tải dưới dạng những bức thư do chàng Werther gửi cho người bạn thân khi chàng đang đi thực tập nghề luật sư ở một miền quê. Đó là những lá thư thấm đẫm nước mắt, sự dằn vặt, nỗi khát vọng bị kìm hãm của một cái tôi lãng mạn đau khổ và cùng cực. Những trang viết chàng gửi cho bạn mình cũng có thể là viết cho chính mình, vừa là tự sự, vừa là độc thoại. Người bạn ấy, có chăng chính là sự phân thân của chàng. Những dòng văn nhiều lần khiến tôi phải thốt lên bực bội và tự hỏi, sao chàng ta sến sẩm, uỷ mị, hèn yếu đến thế. Nhưng rồi, ngẫm ngợi kĩ hơn, tôi lại càng thông cảm cho nỗi dằn vặt, đớn đau khôn xiết của chàng. Ai trong chúng ta cũng vậy, ngỡ mình lí trí nhưng rơi vào lưới tình cũng ắt hoá thành kẻ yếu đuối và cảm tính. Cái chết của Wether chính là hồi kết đầy bi thảm của một trái tim rực lửa yêu thương nhưng cùng đường, lạc lối trong tình yêu.
“Nỗi đau của chàng Werther” bị cấm xuất bản tại nhiều quốc gia. Ở Leipzig, bang Sachsen, nước Đức, cuốn tiểu thuyết không những bị cấm xuất bản mà các trang phục giống Werther cũng bị cấm bắt chước. Nỗi đau đớn và giày vò của chàng trai trẻ Werther đã biến Goethe từ một cây bút vô danh trở thành đại văn hào trong một đêm. Nhưng song song đó, kết thúc tiêu cực của nhân vật chính cũng gây ra một làn sóng tự sát. Nhiều nạn nhân được tìm thấy trong trang phục tương tự như lời Goethe miêu tả về Werther (áo khoác Tailcoat xanh lam và quần nhung vàng), tự sát bằng một khẩu súng y hệt như trong câu chuyện của chàng thanh niên này. Đặc biệt hơn, cuốn tiểu thuyết cũng xuất hiện tại hiện trường các vụ tự tử đó.
Nỗi đau của Werther chính là nỗi đau của rất nhiều người trẻ tuổi đương thời trong xã hội Đức, khi những khát vọng và ước mơ của tuổi trẻ sôi nổi bị ghìm nén trước áp lực của xã hội phong kiến. Đây là tác phẩm đã làm nên “cơn sốt Werther ”, “vi rút Werther” lan nhanh và được độc giả đón nhận nồng nhiệt, đưa tên tuổi của Goethe trở nên nổi tiếng khi ông đang ở tuổi 25. Tác phẩm đã gây nên một phong trào sáng tác thơ, kịch, nhạc mô phỏng Werther ở châu Âu trong ngót nửa thế kỷ. Suốt hơn 200 năm qua, "Nỗi đau của chàng Werther" vẫn giữ vị trí một kiệt tác kinh điển quan trọng, liên tục được xuất bản trên toàn thế giới.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất