Nhiều lần chia sẻ trên blog của tôi với độc giả rằng từ đồng âm luôn được định nghĩa qua ngữ cảnh. Thế mà trường hợp tôi kể ngay dưới đây, ngữ cảnh chưa đủ giúp người ta hiểu được lời nói, mà thiên kiến và hiểu biết của riêng mỗi người cũng là những nhân tố dẫn ta đến câu chuyện người nói truyền một đằng, người nghe nhận một đằng khác.
Mới hôm kia tôi ngồi cà phê với một anh chuyên nghiên cứu và phê bình cải lương. Có đoạn anh kể về nguồn gốc của bản Dạ cổ hoài lang. Một trong những thuyết được đưa ra, đại ý xuất xứ của Dạ cổ hoài lang là từ việc Cao Văn Lầu nghe được giai điệu một bài ca khi có ban nhạc xứ Huế đến Bạc Liêu trình diễn. Bài ca mang tên "Hành dâng".
Đến đây khoan nha. Cần phải làm rõ trên phương diện tôi đang là người nghe, giọng mẹ đẻ của tôi là giọng Bắc, còn người nói đến từ Tây Nam Bộ. "Hành dâng" là những gì tôi bắt được bằng âm thanh. Do cụm từ này không có nghĩa, tự tiềm thức tôi sửa nó thành "Hành dân".
- Ngữ cảnh thứ nhất: Anh giải thích bài "Hành dân" vốn là một bài xàm xí đú của miền Trung, không phải là một bản nhạc sang. Nhạc thượng lưu của xứ Huế thời đó phải là nhã nhạc cung đình.
- Yếu tố phi ngôn ngữ: Kiến thức hạn hẹp. Tôi hoàn toàn không biết nội dung của bản nhạc "Hành dân".
- Thiên kiến 1: Tôi tiếp xúc nhiều với các nội dung báo chí chính thống mang yếu tố chính quyền hạch sách nhân dân.
- Thiên kiến 2: Anh giới thiệu bản thân là con nhà nòi bốn đời cộng sản. Thiên kiến ở chỗ, nhà nòi cộng sản sẽ đánh giá những nội dung chê trách chính quyền "hành dân" là tầm bậy tầm bạ.
- Ngữ cảnh thứ hai: Bài "Hành dân" xuất phát từ nhân dân, không phải từ triều đình nhà Nguyễn. Thế nên tôi suy huỵch toẹt ra nghĩa tục, không nghĩ đến Hán Việt.
Bằng đấy thứ, từ ngữ cảnh, đến hiểu biết cá nhân, đến thiên kiến cá nhân đã đủ cho tôi kết luận âm thanh tôi nghe được "Hành dâng" có ý nghĩa "Hành dân".
Đến đoạn anh đề cập lại tên bài hát với cách phát âm khác: "Hành vâng". Mọi quy kết trong tôi đều sụp đổ và tôi phải hỏi lại ngay, "hành vâng" nghĩa là gì vậy anh.
Anh bảo, "hành vâng" nghĩa là mây trôi. Lúc đó tiềm thức tôi sửa nó thành "Hành vân" ngay lập tức. Tôi mới hiểu hành trong xuất hành, hành trình, nghĩa là đi. Còn vân là mây.
Vậy mới thấy câu chuyện truyền đạt đã khó, làm cho người nghe hiểu theo ý mình còn khó hơn bội phần. Thiên kiến cá nhân chính là một phần của trải nghiệm con người. Chúng ta chấp nhận nó như một loại kiến thức đồng hành, và cần hạn chế nó sai khiến chúng ta đưa ra những quyết định thiếu văn minh, không qua suy xét.
Ảnh bởi
Seth Doyle
trên
Unsplash