Thiền & Sự nhận thức về bản thân
“Nếu đi sâu vào bản chất của thiền thì bạn sẽ thấy cốt lõi chỉ có một: làm thế nào để giải phóng bạn ra khỏi trạng thái tự động.” -...
“Nếu đi sâu vào bản chất của thiền thì bạn sẽ thấy cốt lõi chỉ có một: làm thế nào để giải phóng bạn ra khỏi trạng thái tự động.” - Trích sách “Đàn ông” của Osho
Hàng ngày chúng ta làm biết bao nhiêu hoạt động khác nhau. Từ lúc thức dậy, ta đánh răng, rửa mặt; thay quần áo; đi làm, gục mặt vào công việc; về nhà ăn uống, (có thể làm việc thêm một chút); tối thức muộn để “dành lại” thời gian thư giãn, giải trí; đánh một giấc ngủ không quá sâu rồi lại bắt đầu ngày mới.
Vô vàn hoạt động như thế, nhưng có biết bao nhiêu thời gian chúng ta thực sự đặt toàn bộ tâm trí, cơ thể vào trong từng hành động của ngày?
Chúng ta có thể dậy một cách tự động, đánh răng, rửa mặt trong khi đầu óc vẩn vơ danh sách công việc phải hoàn thành trong ngày.
Chúng ta có thể gồng mình làm việc như một cỗ máy, rồi đâu đó “ước mong được đi chơi xa”, “ước mong cho đến kỳ nghỉ lễ”; nếu chúng ta mắc kẹt trong công việc, ta có thể vội vàng trách móc chính mình “sao mình không thể giỏi hơn?” hoặc trong ta dấy lên sự nghi ngờ về những lựa chọn của ta trong quá khứ cùng với hàng loạt suy nghĩ “giá mà…”
Đáng tiếc hơn nữa là khi chúng ta thực sự có thời gian cho bản thân, ta vẫn để tâm trí của mình bận rộn với hàng tá sự căng thẳng trong công việc. Chúng đeo bám chúng ta vào tận giấc ngủ, giấc mơ của mình.
Cuộc sống cứ như vậy, chuỗi ngày lặp đi lặp lại không hồi kết. Ta trống rỗng, có chút buồn tẻ; nhưng chưa biết phải làm gì để khác đi. Chỉ biết là ta đang dần mất kết nối với chính mình. Nhưng thay đổi làm sao đây? Thay đổi như thế nào? Rồi ta lại thức dậy, tiếp tục với sự tẻ nhạt nhưng rất đỗi quen thuộc của cuộc sống.
Thiền cho ta một cơ hội để trở nên tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là nhận thức được những gì đang xảy ra trong chúng ta, hay theo Osho, là “nhận biết, chứng kiến từ nơi xa về mọi hoạt động của tâm trí và cơ thể”. Để bạn dễ hình dung hơn, tôi chia sẻ sự tỉnh thức thành ba mức độ như sau:
Nhận thức về cơ thể
Nhiều người khi mới bắt đầu thiền lại cảm thấy đau. Vì sao ư? Có lẽ họ đã dành thời gian quá lâu để bỏ quên chính cơ thể của mình. Hàng ngày chúng ta đặt rất nhiều áp lực cho cơ thể, ta còng lưng ngồi vài tiếng đồng hồ, ta gồng đôi vai để gõ bàn phím, ta căng đầu để xử lý hàng tá công việc liên hồi không ngắt quãng.
Thực hành thiền tạo cơ hội để bạn hỏi thăm từng bộ phận cơ thể của mình, để “tỉnh thức” những cảm giác (feeling) trên người bạn. Vai bạn hôm nay có bị đau? Lưng của bạn có cảm thấy mỏi? Ngón tay của bạn có rã rời? Chỉ với vài phút mỗi ngày như thế, thực sự chú tâm vào những gì đang xảy ra trong cơ thể của mình, bạn đã có thể chủ động thực hiện những thay đổi giúp bạn thấy xoa dịu hơn. Nếu cơ thể bạn đang phải chịu áp lực, bạn sẽ học cách để thả lỏng và thư giãn. Nếu cơ thể bạn đang thoải mái, bạn sẽ học cách nuôi dưỡng những cảm giác tích cực đó. Khi bạn hiểu nhu cầu của cơ thể, bạn sẽ biết rõ giới hạn của mình, và chọn lựa để nghỉ ngơi thật đúng lúc.
Nhận thức về hoạt động của tâm trí
Nhiều người lầm tưởng rằng khi luyện tập các bài thiền, tâm trí chúng ta phải trở nên “trống rỗng”. Điều này không chính xác, thiền giúp chúng ta bước ra khỏi cuộc chạy đua đang diễn ra trong đầu, để quan sát những “vận động viên suy nghĩ” chạy trên đường băng. Trong chuỗi thiền của Healthy Soul, tôi được tiếp cận với một hình ảnh vô cùng thú vị khi thiền:
“Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi bên vệ đường để quan sát những chiếc xe với màu sắc khác nhau chạy ngược xuôi trên đường. Bạn không cần phải đuổi theo hay chú tâm quá nhiều vào chiếc xe bất kỳ, bạn chỉ cần ngồi trên lề và quan sát chúng. Đó chính là cách bạn quan sát suy nghĩ của mình khi thiền.”
Khi bạn hiểu như vậy về thực hành thiền, bạn sẽ đặt mình ở một vị trí chủ động hơn. Chúng ta có xu hướng bám víu một số suy nghĩ nhất định, và để chúng ảnh hưởng đối với tinh thần của ta. Nhưng khi bạn học cách quan sát và để chúng qua đi; bạn đặt mình vào vị trí của người quyết định sự ảnh hưởng của những suy nghĩ đối với trạng thái tinh thần, cảm xúc của bạn.
Nhận thức về những gì trong trái tim
Một ngày chúng ta trải qua không biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc. Cái chúng ta gặp khó khăn đó là phản hồi với những cảm xúc đó. Chúng ta không biết tận hưởng trọn vẹn niềm vui, niềm hạnh phúc; và chúng ta làm trầm trọng hóa những cảm xúc tiêu cực.
Bạn có nhận thấy điều này không? Những khoảnh khắc bạn thấy hân hoan có đi kèm sau đó những lo lắng (Hạnh phúc này có kéo dài hay không? Bây giờ vui vẻ với anh ấy/cô ấy nhưng sau này thì sao?...)? Rồi những nỗi buồn, căng thẳng, lo toan có đeo bám bạn và gây ra cảm giác đau đớn dai dẳng? Thiền cho chúng ta một không gian để nuôi dưỡng sự yêu thương, lòng từ bi và thấu cảm. Bạn sẽ tự tạo cho mình những khoảng lặng để ngồi với chính cảm xúc của mình, để cảm nhận một cách đơn thuần, không phán xét, không dán nhãn.
Đây là 3 mức độ nhận thức cơ bản nhất mà tôi rèn luyện được trong quá trình thiền với Healthy Soul. Với cá nhân tôi, sự tỉnh thức không chỉ dừng lại ở việc nhận biết cơ thể và tâm trí; mà nó còn bao hàm việc bạn hiểu lý do cho những lựa chọn của mình, ý thức rõ hành động của bạn đang đóng góp cho mục tiêu nào, và dành ra cho mình khoảng thời gian có ý nghĩa. Sau cùng là sống một cuộc đời có ý nghĩa. Có lẽ tôi sẽ đi sâu về chủ đề này trong bài viết khác.
Hy vọng qua những chia sẻ này bạn đã hiểu rõ hơn vai trò của thiền định trong việc giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình, về những nhu cầu của thân-tâm-trí; để rồi bạn có thể tìm lại sự cân bằng, an yên trong chuỗi ngày căng thẳng, áp lực.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất