Thích Nhất Hạnh đưa Đạo Phật vào cuộc đời: “Thấy và hiểu để làm gì nếu ta không hành động?”
Thích Nhất Hạnh được gọi là “người thầy của chánh niệm”, người tiên phong khởi xướng phong trào Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism)...
Thích Nhất Hạnh được gọi là “người thầy của chánh niệm”, người tiên phong khởi xướng phong trào Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism) với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu.
Với tầm ảnh hưởng của mình, thầy được xem là nhà sư Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thầy cũng được Mục sư Martin Luther King đề cử cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967 như "một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động".
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Thích Nhất Hạnh đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về vai trò của Phật giáo trong xã hội đương đại, bằng cách soi chiếu từ sự ra đời của Phật giáo dấn thân trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, cho đến khi phong trào này vượt ra bên ngoài những khuôn khổ các bài kinh hay giáo lý để trở thành một “phong cách sống” thật sự.
Hành trình đến với Đạo Phật của Thích Nhất Hạnh
16 tuổi xuất gia
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tên khai sinh là Nguyễn Đình Lang, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 tại cố đô Huế. Thầy là con thứ trong gia đình có 3 người anh lớn, 1 người chị và một em trai sinh sau Thầy không lâu.
Trong nhiều bài pháp thoại sau này, Thầy thường nhớ lại một khoảnh khắc vô cùng quan trọng, có lẽ vào năm Thầy lên chín tuổi, khi tình cờ nhìn thấy hình Bụt trên bìa của một tạp chí Phật giáo mà anh Nho - anh trai của Thầy - mang về. Hình ảnh Bụt ngồi thật an nhiên trên bãi cỏ với nụ cười từ bi đã chiếm lấy tâm trí của cậu bé và để lại trong cậu một dấu ấn sâu đậm về sự bình an và tĩnh lặng.
Đến năm Thích Nhất Hạnh khoảng mười một tuổi, vào một buổi tối sau khi ăn cơm xong, Thầy cùng các anh trai và hai người bạn ngồi chơi, trò chuyện với nhau về ước muốn mình sẽ làm gì khi lớn lên. Có người muốn làm bác sĩ, có người muốn làm luật sư. Anh Nho của Thầy là người đầu tiên trong nhóm muốn trở thành một người tu hành. Ban đầu, ý tưởng đi tu thật là mới mẻ với những người còn lại trong nhóm, nhưng sau một hồi nói chuyện với nhau thì cả nhóm đều đồng ý là sẽ đi tu hết. Sau này, khi kể lại kỷ niệm trên, Thầy đã nói rằng: “Trong buổi nói chuyện đó, có một ước muốn đi lên trong thầy rất rõ ràng. Thầy biết là tận sâu trong lòng mình, thầy muốn làm một người tu hành”.
Năm 1942, lúc 16 tuổi, Thích Nhất Hạnh đã xuất gia tại chùa Từ Hiếu với pháp tự là Phùng Xuân, có nghĩa là “đi gặp mùa xuân“. Từ lúc ở chùa Từ Hiếu, thầy đã được dạy phải hoàn toàn có mặt và chú tâm vào công việc, từ những nhiệm vụ hàng ngày như đốn củi, gánh nước giếng, quét sân chùa, làm vườn, chăn bò đến giúp gặt, đập và xay lúa,...
Nghiên cứu về Đạo Phật để thích ứng với thời đại
Trong số những kinh sách mà thầy đọc ở chùa Từ Hiếu, những bài viết của Thiền sư Mật Thể và nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã gây cảm hứng rất lớn cho thầy về việc đạo Phật có thể đem lại một mùa xuân mới cho đất nước, mở một con đường thoát khỏi hoài nghi, chán nản và bê tha trụy lạc.
Đến năm 1947, trong thời gian cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra, ý tưởng về đạo Phật như một giải pháp cho tinh thần hòa bình, bất bạo động càng thêm được củng cố trong thầy.
Ý tưởng này phần nào bị ảnh hưởng bởi những nội dung trên tạp chí Phật giáo cấp tiến - tờ Tiến Hóa. Tờ báo khai thác ý tưởng về một đạo Bụt không chỉ chú trọng đến việc chuyển hóa tâm thức, mà còn chuyển hóa môi trường và các điều kiện xã hội trên một bình diện rộng lớn hơn, bao gồm những nguyên nhân kinh tế, chính trị sâu xa đưa đến nghèo đói, áp bức và chiến tranh. Báo Tiến Hóa đăng các bài viết nói về sự quan trọng của việc nghiên cứu khoa học và kinh tế để hiểu gốc rễ thật sự của khổ đau, chứ không chỉ tụng niệm và cầu nguyện.
Cũng có những nhận định cho rằng lý tưởng về một đạo Phật đổi mới của Thích Nhất Hạnh bị ảnh hưởng bởi quan điểm của nhà cải cách Phật giáo Trung Quốc Thái Hư về Phật giáo nhân sinh, vốn đã được dịch và phổ biến ở Việt Nam vào những năm 1930. Điểm cốt tuỷ của Phật giáo nhân sinh là cách tân để thích ứng được với những thay đổi trong xã hội, bằng cách khuyến khích các chương trình tái thiết Thần học Phật giáo theo đường hướng của triết học tân thời và dùng giáo pháp của đức Phật để cải thiện xã hội.
Với mong muốn có cái nhìn sâu sắc hơn về Phật giáo, vào năm 1948, Thích Nhất Hạnh cùng bạn quyết tâm đến Sài Gòn tu học. Tại đây, thầy cùng những người bạn của mình đã tận dụng thư viện Quốc gia để học thêm những môn tân học như khoa học, văn chương thế giới, ngoại ngữ, triết học và tâm lý học - điều vốn không được cho phép trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Sau này Thầy có chia sẻ rằng: “chúng tôi tin rằng những môn học này có thể giúp chúng tôi làm cho sự thực tập đạo Phật gần gũi với đời sống. Ta cần nói ngôn ngữ của thời đại để giảng bày giáo lý của Phật theo một cách mà mọi người có thể hiểu được.“
Đến mùa xuân năm 1950, cuốn sách đầu tiên của thầy về Phật học, có tên là “Đông phương luận lý học” đã được ấn hành. Quyển sách bàn thảo về luận lý học Đông Phương trong ánh sáng của triết học Tây Phương theo Aristotle, Hegel, Marx và Engels.
Sau đấy không lâu, vào năm 1955, trước việc chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam củng cố đạo Cơ đốc giáo và đàn áp Phật giáo, ông Vũ Ngọc Các – chủ bút của nhật báo Dân chủ, một tờ báo trung lập – đã mời Thích Nhất Hạnh viết một loạt 10 bài báo để chứng minh rằng đạo Phật không hề bất cập hay lỗi thời. Đó cũng là khi thầy có một cái nhìn rõ ràng hơn về đạo Phật dấn thân - Engaged Buddhism (còn gọi là đạo Bụt nhập thế, đạo Bụt ứng dụng). Theo đó, đạo Phật dấn thân là thực hành có thể được ứng dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại, kể cả giữa những bất ổn của xã hội hiện hành.
Tư tưởng này cũng được thầy “chứng thực” rõ ràng hơn trong khoảng thời gian du học tại phương Tây. Năm 1961, Thích Nhất Hạnh được chương trình Fulbright Fellowship cấp học bổng sang Hoa Kỳ học ngành Tôn Giáo tại trường đại học Princeton từ năm 1961 đến năm 1962. Sau đó, từ năm 1962 đến 1963, Thầy ở lại Hoa Kỳ tiếp tục công việc nghiên cứu tại Chủng viện Thần học (Union Theological Seminary) trực thuộc đại học Columbia.
Trong lá thư làng Mai số 25, Thầy đã viết: “Chính năm 1962 tại trường đại học Princeton nơi tôi cư trú, tôi bắt đầu có những cái thấy rất sâu sắc, hoa trái của sự thực tập. Tôi có thì giờ rất nhiều để đi thiền hành, để làm chín những cái thiền quán chưa được chín lúc đó.”
Cụ thể, “hoa trái của tuệ giác” được thầy “thu hoạch” trong thời gian này chính là cuốn sách “Bông Hồng Cài Áo”, đem đến những chỉ dẫn để người đọc có thể thật sự hiện diện, “có mặt” cùng mẹ và cảm nhận sự màu nhiệm của mẹ trong giây phút hiện tại.
Thích Nhất Hạnh chia sẻ rằng để an lạc trong giây phút hiện tại, ta sẽ cần năng lượng từ chánh niệm. “Chữ niệm viết theo chữ Hán hay lắm: phía trên có chữ kim, có nghĩa là bây giờ; phía dưới có chữ tâm, có nghĩa là tâm của mình. Tâm trở về giây phút hiện tại là chánh niệm. Và chính năng lượng chánh niệm đó giúp cho ta trở về với giây phút hiện tại để thật sự có mặt.”
Định nghĩa này về chánh niệm đã trở thành cốt lõi cho phong trào Phật giáo dấn thân mà Thích Nhất Hạnh khởi xướng trên toàn cầu. Hành trình nghiên cứu về Phật giáo trong bối cảnh xã hội đương thời này cũng gợi mở cho thầy về vai trò của Phật giáo trong “cuộc chiến” giành lại hòa bình cho Việt Nam.
Phát động phong trào hòa bình cho Việt Nam
Từ khuôn khổ quốc gia
Vào năm 1963, sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến việc các tu sĩ Phật giáo tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp này.
Lúc này, khi vẫn đang học tập tại Mỹ, Thích Nhất Hạnh đã trở thành phát ngôn viên tích cực của phong trào Phật Giáo Hòa Bình diễn ra ở Việt Nam. Thầy đã có nhiều buổi diễn thuyết và trả lời phỏng vấn của giới truyền thông cũng như trình lên Liên Hiệp Quốc một báo cáo về hành động vi phạm nhân quyền, đàn áp Phật giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Đồng thời, Thầy cùng với các cộng sự cũng thành lập nhà xuất bản Lá Bối để nói lên tiếng nói của một đạo Bụt mới, khởi xướng một con đường chấm dứt bạo động. “Chúng tôi sử dụng văn hóa và nghệ thuật như một ‘vũ khí’ để chống lại sự đàn áp,” Thầy giải thích. “Sáng tác của các cây bút phản chiến, các nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ, dù là bất hợp pháp, đều được phát hành rộng rãi. Các bản nhạc phản chiến được hát trên đường phố và trong lớp học, và văn học phản chiến trở thành loại sách được bán nhiều nhất ở Việt Nam, thậm chí còn lọt vào các đơn vị quân đội.”
Đến năm 1965, lo ngại quân cộng sản chiếm ưu thế, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B Johnson đã gửi một đội quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đến Việt Nam. Lúc này, thầy và các nhà trí thức hàng đầu ở Việt Nam nhận ra rằng gốc rễ của cuộc chiến thực sự nằm ở Tây phương. Vì vậy, sự yểm trợ của các nhà lãnh đạo tâm linh và nhân quyền nổi tiếng ở Tây phương là rất cần thiết để giúp công luận có một cái nhìn khác về cuộc chiến Việt Nam.
Vì lý do đó mà Thầy đã viết thư cho Mục sư Martin Luther King Jr vào tháng 6 năm 1965, giải thích về lòng từ bi ẩn chứa trong hành động tự thiêu của các tu sĩ Phật giáo cho hòa bình.
Đến phạm vi toàn cầu
Mùa xuân năm 1966, tiến sĩ George Kahin của trường đại học Cornell mời Thầy sang Hoa Kỳ để giảng dạy và chia sẻ về tình trạng của Việt Nam tại khoa Chính trị học về Đông Nam Á của trường. Sau đó, Alfred Hassler, Thư ký điều hành của Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of Reconciliation – gọi tắt là F.O.R), một tổ chức liên tôn về hòa bình và công bằng xã hội nổi tiếng ở Hoa kỳ lúc bấy giờ, tổ chức cho thầy có một chuyến du thuyết tại các trường đại học và nhà thờ khắp Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á và châu Úc để kêu gọi hòa bình.
Tại Hoa Kỳ, thầy đã gặp các nhà hoạt động cho hòa bình và các tu sĩ Cơ đốc giáo có tiếng cũng như các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ như Bộ trưởng Bộ quốc phòng McNamara, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, Thượng nghị sĩ George McGovern. Thầy cũng gặp Mục sư Martin Luther King Jr., người mà thầy đã bắt đầu liên lạc vào năm trước. Ngày 31 tháng 05 năm 1966, Mục sư King và Thầy mở một cuộc họp báo tại khách sạn Sheraton ở Chicago. Đó là lần đầu tiên Mục sư King công khai tuyên bố chống chiến tranh Việt Nam.
Chuyến đi năm 1966 là một chuyến đi khá căng thẳng. Sau buổi hội thảo với Mục sư King ở Chicago, ngày hôm sau Thầy bay về Washington D.C. Tại đây, trong cuộc họp báo vào ngày 01 tháng 06, Thầy đưa ra một bản kiến nghị gồm năm điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trong đó có đề nghị Hoa Kỳ ngưng bắn ngay lập tức và có lịch trình rút quân khỏi Việt Nam. Ngay ngày hôm đó, giới truyền thanh, báo chí và chính quyền miền Nam Việt Nam (chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu) đã tố cáo Thầy tội phản quốc. Thầy bị tước quyền được trở về nước và bắt đầu cuộc sống lưu vong kéo dài trong 39 năm.
Chính khoảng thời gian này, vì không thể trở về quê nhà, những giáo lý về Phật giáo dấn thân đã được Thích Nhất Hạnh phát triển và phổ biến ra toàn cầu, cũng như một cách để “chữa lành” chính bản thân thầy trước những biến cố của thời đại.
Hành trình của Phật giáo dấn thân
Triết lý của đạo Phật dấn thân
Như đã đề cập ở trên, Phật giáo dấn thân đã được Thích Nhất Hạnh khởi xướng từ những năm 1960, trong tình hình chiến tranh diễn ra khốc liệt tại Việt Nam. Phật giáo dấn thân là cách thức để đưa đạo Phật đến gần với cuộc đời hiện thực, để hiện đại hóa đạo Phật, giúp ích cho mọi người nhưng vẫn giữ được các giá trị cốt lõi.
Trong tác phẩm “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, nội hàm Phật giáo dấn thân được Thích Nhất Hạnh nêu lên một cách khái quát là Phật giáo có mặt từng phút từng giây trong cuộc đời và Phật giáo dấn thân là nguồn tuệ giác để đáp ứng lại những gì xảy ra trong hiện tại bây giờ và ở đây.
Với Phật giáo dấn thân, có hai điều mà người theo học cần thực hiện là:
Đầu tiên là tu học, hướng đến đời sống hạnh phúc, an lạc tự thân
Yếu tố đầu tiên thể hiện rõ trong những thực hành chánh niệm mà Thích Nhất Hạnh khuyến khích mỗi người làm theo. Thầy từng chia sẻ “Chánh niệm là một phần của cuộc sống. Khi bạn chánh niệm, bạn hoàn toàn sống động, bạn hiện diện đầy đủ...Khi bạn có chánh niệm, bạn có thể nhận ra, ôm lấy và xử lý nỗi đau, nỗi buồn trong bạn và xung quanh bạn để mang lại cho bạn sự nhẹ nhõm.”
Nền tảng chánh niệm cho Phật giáo dấn thân có thể được nhìn từ góc độ của Tứ Diệu Đế - bốn sự thật mầu nhiệm là Khổ, gốc rễ của Khổ, sự vắng mặt của Khổ và sự thực tập nhổ rễ cái Khổ.
Bạn có thể hiểu rõ hơn về Tứ Diệu Đế thông qua video về Lịch sử Phật giáo của Spiderum tại đây: LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN của PHẬT GIÁO VIỆT NAM | Spiderum | THẾ GIỚI
Yếu tố thứ hai mà Phật giáo dấn thân yêu cầu là: cống hiến khả năng của mình trong việc cứu đời, giúp cho con người vơi đi nỗi thống khổ bằng các việc làm cụ thể
Yếu tố thứ 2 này thể hiện rõ trong chia sẻ của Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “An lạc từng bước chân” là: “Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều xóm làng bị bom đạn tàn phá. Đồng bào khắp nơi rên xiết quằn quại. Cùng với các thầy, các sư cô, sư chú trong chùa, sau nhiều băn khoăn suy nghĩ, chúng tôi quyết định rời thiền viện để ra cứu giúp đồng bào. Đạo Phật bắt đầu đi vào cuộc đời từ lúc đó. Bởi vì thấy và hiểu để làm gì nếu ta không hành động?”
Yếu tố này cũng có thể thấy qua các hoạt động vận động hòa bình, nỗ lực hòa hợp tôn giáo và xây dựng nền tảng đạo đức mang tính phổ quát mà Thích Nhất Hạnh đã tiến hành trong những năm “xa xứ”.
Đưa tư tưởng về đạo Phật dấn thân ra thế giới
Từ những những thập niên 50 và 60 ở Việt Nam cho tới thời gian hoạt động ở Paris trong những năm 70, Thích Nhất Hạnh đã nhận thấy việc tạo lập môi trường sống bình an và xây dựng những cộng đồng sống chánh niệm là con đường chắc chắn nhất để chữa lành những vết thương chiến tranh, khổ đau và gieo trồng hạt giống của bình an, trị liệu, hòa giải và tỉnh thức trên thế giới.
Năm 1982, tại vùng thung lũng sông Dordogne, miền Tây Nam nước Pháp, Thầy và các cộng sự đã thành lập một trung tâm tu học chánh niệm có tên là Làng Mai, cái tên bắt nguồn từ 1250 cây mận (hay còn được gọi là cây mai) được trồng trên mảnh đất màu mỡ này.
Trong hai thập niên tiếp theo, Làng Mai đã phát triển thành một trung tâm tu học Phật giáo lớn nhất ở Tây phương, thu hút thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới, với hơn 4000 người vào mỗi mùa hè và đón hơn 10.000 thiền sinh đến tu học mỗi năm.
Tại Làng Mai, các thiền sinh trước hết sẽ được dạy về cách hít thở, hành thiền, chánh niệm, các phương pháp để lấy ra những căng thẳng trong thân, trong tâm, tập nhận diện và ôm ấp những sợ hãi, đau buồn, lo lắng của mình: Từ nhìn sâu vào mình để có thể nhận diện được bản chất tâm hành, đến nhìn vào người thân của mình để thấy trong họ có căng thẳng trong thân, trong tâm, từ đó phát khởi lòng thương, chấp nhận họ. Đó chính là hiểu và thương.
Tư tưởng của Thích Nhất Hạnh về chánh niệm trong từng bước đi, trong cách ăn uống, cũng cho thấy cách mỗi người có thể sống chậm rãi trong từng khoảnh khắc và “làm việc” với sự thiếu kiên nhẫn, sự bồn chồn hay bất mãn không ngừng của bản thân. Hơn cả, thầy còn chỉ ra cách yêu “đơn giản” như thế nào, chỉ bằng việc thật sự hiện diện bên cạnh người mình yêu, “ở đây vì người ấy”.
Với những người phương Tây tìm kiếm một hướng đi tâm linh nhưng không muốn bị mắc kẹt trong những giáo điều của tôn giáo, họ tìm thấy trong những lời giảng của Thích Nhất Hạnh lời giải cho vấn đề của mình. Khác với những yêu cầu nghiêm ngặt hơn của những tôn giáo khác (hay cách thiền định của những thiền sư Phật giáo khác), cách thức mà Thích Nhất Hạnh đưa ra rất đơn giản, bất cứ ai đều có thể thực hiện được.
Một yếu tố nữa khiến lý tưởng của Thích Nhất Hạnh được đón nhận rộng rãi ở phương Tây là vì ý niệm “Đạo Phật không biên giới”. Thích Nhất Hạnh nói: “Đạo Phật của chúng tôi là một đạo Phật không biên giới”. Thầy khuyến khích mọi người giữ đạo gốc của mình, thay vì đổi theo đạo Phật . Đối với Thầy, “ai cũng có thể hưởng được lợi lạc từ giáo lý và sự thực tập đạo Phật. Đạo Phật là một gia tài của cả nhân loại chứ không riêng của những người Phật tử.”
Hiện nay, làng Mai đã có 11 cơ sở trải dài từ châu Á đến châu Âu, với hơn 1,000 tu sĩ trên toàn cầu.
Ảnh hưởng của Thích Nhất Hạnh tại Việt Nam
Trước khi Thích Nhất Hạnh bị trục xuất vào năm 1966
Với công chúng toàn cầu, Thích Nhất Hạnh nổi tiếng như một người thầy của chánh niệm, đưa thực hành Phật giáo vào cuộc sống theo những cách thức đơn giản nhất. Còn tại Việt Nam, trước khi bị trục xuất vào năm 1966, dấu ấn của Thích Nhất Hạnh có thể thấy rõ nhất qua việc vận động Phật giáo dấn thân như một hình thức hướng đến hòa bình.
Tư tưởng này cũng thể hiện trong tác phẩm “Bây giờ mới thấy”, thầy đã viết rằng “Chúng tôi muốn cống hiến một đạo Phật lột xác có khả năng thả một bè lau, cứu được đất nước ra khỏi tình trạng tranh chấp, qua phân và chiến tranh.“
Điều này thể hiện trong ba khía cạnh chính sau:
(1) Nỗ lực thống nhật Phật giáo Việt Nam
Năm 1956, khi trở thành chủ bút của nguyệt san Phật giáo Việt nam, cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng hội, thầy đã đề xuất những cải cách với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như tiêu chuẩn hóa việc giảng dạy, chương trình và trang phục của tu viện giữa các khu vực, đồng thời tập trung hóa lãnh đạo và tài chính, hướng đến thống nhất Phật giáo miền Bắc và miền Nam.
Thầy đào sâu vào lịch sử Việt Nam để đề ra một con đường đưa đất nước ra khỏi hoàn cảnh hiện tại, góp phần đẩy mạnh việc thống nhất các truyền thống Phật giáo lại với nhau thành một giáo đoàn duy nhất, có đủ sức mạnh đứng vững và đáp ứng lại các hiểm họa và thử thách từ các thế lực chính trị.
Đến năm 1963, Thích Nhất Hạnh cũng đưa ra kiến nghị để cộng đồng Phật giáo có thể góp phần vào việc chấm dứt tình trạng chia rẽ và bạo động trên đất nước, trong đó có việc Giáo hội nên đứng lên kêu gọi anh em miền Nam và miền Bắc Việt Nam ngồi lại tìm giải pháp chung để chấm dứt chiến tranh cốt nhục tương tàn.
Dù vậy, nỗ lực thống nhất Phật giáo của Thầy đã không thành công, một mặt vì sự chống đối của những thành phần thủ cựu trong tổ chức Phật giáo, một mặt vì tư tưởng về một đạo Phật mới của Thầy chưa được giới cư sĩ hưởng ứng.
(2) Làm mới Phật giáo, hướng Phật tử trở thành những nhà hoạt động xã hội
Trong suốt thời gian đầu sống ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, Thích Nhất Hạnh đã quan sát thấy rằng Phật giáo truyền thống, bị cô lập trong các ngôi chùa, không giải quyết được những mối quan tâm của người dân trong thời kỳ chiến tranh đầy biến động.
Để thật sự đưa Phật giáo vào cuộc sống, Thích Nhất Hạnh đã xây dựng lớp trí thức mới hướng đến các giáo lý cốt lõi của đạo Phật ứng dụng trong cuộc sống, đồng thời thúc đẩy một xã hội phát triển hơn, dựa trên các giáo lý của Phật.
Điều này thể hiện qua việc thầy cải tiến chương trình giảng dạy tại chùa Ấn Quang để kết hợp các môn học truyền thống của Phật giáo với các môn thế học vào năm 1954, và thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội năm 1964.
Không dừng lại ở việc cập nhật tư tưởng Phật giáo phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, thầy còn mong muốn thúc đẩy Phật tử trở thành những nhà hoạt động xã hội. Điều này thể hiện trong việc từ năm 1964, thầy cùng cộng sự xây dựng hai làng thí điểm: làng Cầu Kinh và làng Thảo Điền. Các tác viên xã hội trẻ, cả xuất sĩ và cư sĩ, đã giúp dân làng xây trường học và khởi sự dạy chữ cho trẻ con trong làng.
Đến mùa hè năm 1965, thầy lại tiếp tục thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH), một mô hình chính quy cho các dự án thí điểm mà Thầy và một nhóm các sinh viên trẻ – còn được gọi là nhóm “13 cây tùng”- khởi xướng trước khi Thầy rời Việt Nam. Hướng đi của trường là xây dựng nên một tổ chức hoạt động xã hội chính quy, gắn liền với quần chúng, trung lập về chính trị, một nơi đào luyện cho người trẻ những kỹ năng thực tế và giúp họ có tinh thần vững vàng để có thể giúp đỡ người dân.
Khoảng thời gian đó được Thầy ghi lại như sau: “Chúng tôi muốn mở một mặt trận chống lại nghèo đói, ngu dốt, bệnh tật và vô tổ chức”.
(3) Đấu tranh cho hòa bình từ lập trường trung lập
Tháng Hai năm 1966, Thích Nhất Hạnh thành lập dòng tu Tiếp Hiện, một dòng tu mới dựa trên giới Bồ Tát truyền thống, trình bày được cái thấy mới về một đạo Bụt dấn thân hiện đại. Dòng tu Tiếp Hiện chuyên chở giáo lý của Thầy về việc “không theo phe trong một cuộc tranh chấp”, và nhấn mạnh đến việc không bị vướng mắc vào một quan điểm hoặc một ý thức hệ nào. Đối với Thầy, những giới này chính là “câu trả lời trực tiếp cho vấn đề chiến tranh, là câu trả lời trực tiếp cho chủ nghĩa giáo điều khi mà người ta sẵn sàng giết hoặc chết cho niềm tin của mình”.
Sau này, trong cuốn sách “Love in action”, thầy viết rằng: “Chiến tranh Việt Nam, trước hết và trên hết, là một cuộc tranh đấu về ý thức hệ. Để bảo đảm cho sự sống còn của dân tộc, chúng tôi phải vượt qua thái độ cuồng tín của cả hai phía cộng sản và chống cộng sản và duy trì sự trung lập một cách cực kỳ nghiêm mật. Người Phật tử làm hết sức mình để nói lên tiếng nói của cả dân tộc mà không theo phe phái…”.
Khi Thích Nhất Hạnh trở lại Việt Nam
Đến năm 2005, Thích Nhất Hạnh mới được trở về Việt Nam, theo sau đó là những chuyến viếng thăm vào năm 2007, 2008 và cuối cùng là vào năm 2018, thầy trở về dưỡng bệnh cho đến lúc viên tịch vào đầu năm 2022.
Khoảng thời gian này, cốt lõi những giá trị mà Thích Nhất Hạnh đem đến Việt Nam là:
(1) Truyền tải giá trị về Phật giáo dấn thân
Dù có gốc rễ từ Việt Nam và đã phổ biến trên toàn cầu nhưng đến tận năm 2005, các cuốn sách và bài giảng của thầy về Phật giáo dấn thân mới được tìm đường trở về Việt Nam. Cuộc hành hương vào năm 2005 của Thích Nhất Hạnh kéo dài 3 tháng, xuyên suốt các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, với một phái đoàn làng Mai gồm 200 vị, một nửa là các thầy, các sư cô, một nửa là các vị cư sĩ đại diện cho trên ba mươi quốc gia.
Những giá trị cốt lõi của Phật giáo dấn thân đã được thầy truyền tải thông qua các khóa tu, bài giảng diễn ra trong chuyến thăm này. Đó là những thực hành tại làng Mai như ý tưởng về không đến không đi, tương tức - interbeing, thực tập với tăng thân,...
(2) Hàn gắn và chữa lành vết thương chiến tranh
Năm 2007, Thích Nhất Hạnh trở lại Việt Nam để chủ trì ba “Đại trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan”, cầu nguyện cho hàng triệu người đã thiệt mạng trong chiến tranh. Trong chuyến đi này, thầy cũng tổ chức các buổi diễn thuyết, pháp thoại, các ngày quán niệm, các khóa tu cho giới xuất gia hoặc tại gia, các buổi thiền hành,....
Ý tưởng về hàn gắn và chữa lành thông qua sự kiện này được thầy chia sẻ trong một buổi chỉ dẫn thiền tập là: “Mỗi bước chân, ta đi cho sáu triệu đồng bào đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Ta mời các vị đi với chân của chúng ta để quý vị cùng được tiếp xúc với đất nước, quê hương và bao nhiệm mầu của sự sống đang có mặt. Mỗi hơi thở, ta có thể thở cho 82 triệu đồng bào còn sống để hộ niệm cho sự nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những thương tích mà cuộc chiến còn để lại, hoặc trong tâm ý hoặc ở hình hài. Ta phải đi, phải thở, phải cầu nguyện trong từng giây phút. Mỗi bước chân và mỗi hơi thở phải là một lời cầu nguyện”.
Điểm đặc biệt là các “Đại trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan” này được tổ chức để cầu nguyện cho tất cả mọi người đã hy sinh trong chiến tranh, không kể hai chiến tuyến Nam - Bắc. Cụ thể, bức thư làng Mai số 31 đã viết về sự kiện này như sau: “Bình đẳng ở đây có nghĩa là người Nam cũng là người Việt như người Bắc, người Công giáo cũng là người Việt như người Phật giáo, người không cộng sản cũng là người Việt như người cộng sản, và những thương đau oan ức của người Nam cũng lớn lao như những thương đau oan ức của người Bắc.”
(3) Ứng dụng đạo Bụt cho một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh
Năm 2008, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về nước một lần nữa để thực hiện một bài phát biểu quan trọng nhân dịp đại lễ Phật Đản quốc tế (Vesak) do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Hà Nội. Cụ thể, trong bài phát biểu của mình, thầy đã chỉ ra những ảnh hưởng mà thực hành Phật giáo nói chung và thực hành đạo Phật dấn thân nói riêng có thể đem đến.
Dưới đây là trích đoạn trong tài liệu căn bản sử dụng trong các buổi pháp đàm tại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008, in trong lá thư làng Mai số 32:
Một xã hội công bằng: Có rất nhiều phương cách mà đạo Bụt và sự thực tập Năm giới có thể đem tới thêm nhiều từ bi và công bằng cho xã hội. Khi trong ta có chánh niệm, từ bi và hiểu biết, những hành xử của ta sẽ tự nhiên trở thành nguồn trị liệu cho các mối quan hệ cá nhân, cho cộng đồng và cho xã hội. Chúng ta có ý thức trước những tình trạng bất công như kỳ thị giới tính, coi thường người phụ nữ, đàn áp thiểu số, lạm dụng trẻ em và người nghèo. Chúng ta có rất nhiều cách nói lên trình trạng bất công và lên tiếng cho những ai đang khổ đau mà bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng ta có thể tổ chức những buổi thiền hành cho hòa bình, từng bước chân bước trong bình an. Đó sẽ không phải là những cuộc biểu tình hay để phản đối một ai, đó là cách thức chân chính nhất để thực tập thể hiện hòa bình, thể hiện tình huynh đệ.
Phát triển bền vững: Tuệ giác của đạo Bụt là tuệ giác tương tức, là Chánh Kiến - cái thấy đúng về thế giới, rằng vạn vật nương nhau mà biểu hiện. Vì vậy, Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ loài người. Chúng ta không chỉ là thân, là tâm mà còn chính là môi trường. Môi trường của chúng ta là y báo của cộng nghiệp. Sống đơn giản hơn, tập thương yêu và hiểu biết, chăm sóc môi trường, cùng nhau cam kết hành động cho một sự phát triển bền vững, đó là chúng ta đang đi theo con đường của Phật vậy.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm năm 2008 này, Thầy đã có cuộc gặp gỡ chính thức với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Trong những cuộc gặp này, thầy đã đưa ra những lời khuyến nghị để giúp đem lại một nền đạo đức, thịnh vượng và tiến bộ trên các lĩnh vực như xã hội dân sự, giáo dục và quan hệ quốc tế.
(4) Ý nghĩa về cội nguồn
Sau khi bị xuất huyết não vào năm 2014, Thích Nhất Hạnh đã chữa trị và tịnh dưỡng tại Pháp và Thái Lan, để rồi quyết định trở về chùa Từ Hiếu vào năm 2018, sau đó ở lại đây cho đến ngày thầy viên tịch.
Trong lá thư gửi chư vị tôn đức và con cháu Tổ đình Từ Hiếu, thầy đã chia sẻ tâm niệm rằng: 'Tôi đã quyết định trở về Việt Nam để được sống nơi đất Tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này'.
Một học trò của thầy - Pháp Dung - đã chia sẻ trong bài phỏng vấn với Vox rằng: “Thầy ấy đã quay về với cội nguồn của mình, như một thông điệp rằng chúng ta không đến từ hư không. Chúng ta có nguồn gốc. Chúng ta có tổ tiên. Chúng ta đều là một phần của dòng chảy.”
Điều này cũng tương đồng với học về thuyết vô ngã trong Phật giáo là không chấp nhận có tồn tại một ngã thể cá biệt (ngã có nghĩa là cái Ta). Phật giáo chủ trương mỗi con người được trưởng thành từ một tập hợp của nhiều yếu tố nhân duyên: từ cha, mẹ, gia đình, học đường, xã hội, văn hoá… Do đó, sự tồn tại của một con người là một tổng hợp của biệt nghiệp (nghiệp cá nhân) và cộng nghiệp (nghiệp chung). Trong một con người luôn mang nhiều nhân duyên khác nhau: đó là một trong tất cả, và tất cả trong một.
Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa về cội nguồn và nhân duyên, như những giá trị mà Thích Nhất Hạnh truyền tải vẫn luôn còn đấy trong mỗi người, như chia sẻ của Pháp Dung rằng: “Sự trở về của thầy giống như ánh sáng của một ngọn nến được truyền đến ngọn nến tiếp theo, và những ngọn nến tiếp theo nữa. Đối với tôi, cảm giác như thể ánh sáng được thắp lên trong mỗi người vậy.”
Tạm kết
Trước khi ra đi, Thích Nhất Hạnh từng căn dặn học trò: “Xin đừng xây tháp cho thầy. Đừng để tro của thầy vào lọ, nhốt thầy trong đó và giới hạn thầy là ai. Thầy biết điều này sẽ khó khăn cho một số trong các con. Nhưng nếu vẫn phải xây một cái tháp, hãy để một tấm bia trên đó ghi “Tôi không ở đây”, sau đó, cũng có thể thêm một cái biển nữa ghi “Tôi cũng không ở ngoài kia”, cuối cùng sẽ là một tấm biển ghi “Nếu tôi có ở đâu, thì đó là ở trong hơi thở tỉnh thức và từng bước chân an lạc của bạn”.
Có lẽ như chia sẻ của Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “The World We Have”: “Cuộc đời của chúng ta chính là thông điệp”. Hành trình dấn thân của thầy, cùng những bài học mà thầy truyền dạy, sẽ vẫn còn đây, “trong từng hơi thở tỉnh thức và từng bước chân an lạc”, của mỗi Phật tử lựa chọn “dấn thân” theo con đường thầy đã “khởi phát”.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất