MẬU THÂN 1968 - RỐT CUỘC THÌ VIỆT NAM ĐÃ THẮNG MỸ NHƯ THẾ NÀO?
Vừa xem Money Heist xong và mình bị ấn tượng bởi cái cách băng cướp sử dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm con bài đối...
Vừa xem Money Heist xong và mình bị ấn tượng bởi cái cách băng cướp sử dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm con bài đối phó với cảnh sát. Chợt nhớ ra thời chiến tranh Việt Nam, Mỹ cũng đã từng dính phải một ngón đòn đau như vậy.
CHÚNG TA CHƯA ĐƯỢC DẠY TỬ TẾ VỀ MẬU THÂN 1968
Ngày còn đi học có lẽ chúng ta đã thuộc lòng cụm từ “nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo” mỗi khi đến tiết học nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng liệu đã có thầy cô nào giảng giải chi tiết về “đường lối quân sự” ấy? Nhân ngày lấy lại được acc Spiderum, xin góp vui bằng một bài viết về chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - nơi đánh quỵ ý chí chiến tranh của chính quyền Mỹ, và là bản lề quan trọng để mở ra thắng lợi năm 1975 trong chiến tranh Việt Nam.
TURNING POINT: BIẾT NGƯỜI - BIẾT TA
Bàn về Mậu Thân, các học giả về chiến tranh Việt Nam thường sử dụng cụm từ turning point (điểm biến chuyển, bước ngoặt). Với Mỹ, chiến lược tại Việt Nam do Bộ trưởng quốc phòng McNamara và Tư lệnh MACV Westmoreland thiết kế là: Bịt chặt thủy bộ xâm nhập miền Nam; dùng siêu hỏa lực Mỹ chủ động "Tìm và diệt"; tính toán rằng sẽ tiêu hao đối phương đến mức độ Việt Cộng (VC) không thể bổ sung nguồn lực tại chỗ và miền Bắc không thể xâm nhập kịp để bổ sung tiêu hao. Khi nào tiêu hao vượt trội khả năng bổ sung thì Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam coi như thua. Và thắng lợi của Mỹ sẽ là miền Bắc từ bỏ yêu sách thống nhất với miền Nam. Hiểu đơn giản, turning point Mỹ tính cho miền Bắc là hiệu số [bổ sung - tiêu hao], bao giờ sát 0 như Bắc thua.
Với miền Bắc, từ 1967, tài liệu mật Pentagon Papers đã chỉ ra chiến lược của Bắc tóm gọn trong câu nói của Hồ Chí Minh từ thời đánh Pháp, đại ý: "Anh giết tôi 10, tôi giết anh 1, và rồi anh phải bỏ cuộc trước". Như vậy, chiến lược của Bắc là trường kỳ kháng chiến, chấp nhận tiêu hao, chấp nhận hy sinh và sẵn sàng bổ sung thiếu hụt, duy trì cuộc chiến vô hạn định cho đến khi chính quốc của ngoại xâm không thể chịu đựng mất mát, sẽ phải chán và bỏ cuộc rút về. Quân viễn chinh về nước thì quân VNCH chắc chắn sẽ thua. Vì vậy, 2 câu nói Trường kỳ kháng chiến và Mỹ cút Ngụy nhào chính là keywords.
Turning point Bắc tính cho Mỹ là SỨC ÉP dư luận tại Mỹ dành cho nội các Mỹ, và nội các Mỹ thì có điểm yếu là 4 năm bầu cử 1 lần, nên rất có thể sẽ có thay đổi chính sách nếu không thắng được nhanh tại VN. Để ý rằng: 2 bước ngoặt lớn của chiến tranh VN diễn ra vào năm 1968 và 1972, chính là 2 đợt bầu cử tổng thống Mỹ. Thậm chí, VC dự kiến giải phóng miền nam vào năm 1976, cũng chính là năm bầu cử.
NGHI BINH VÀ SAI LẦM
Đến cuối 1967, tổng thống Mỹ đương nhiệm Johnson và các cố vấn hàng đầu đã thấy rõ nguy cơ bế tắc: miền Bắc sẽ nhất định không chịu bỏ cuộc dù bị tiêu hao nặng nề. Sức ép dư luận bắt đầu tăng lên. Do vậy, Johnson triệu tập hội nghị "nhóm thông thái” (The Wise Men) - bao gồm các chuyên gia quân sự hàng đầu nước Mỹ cùng các cố vấn tổng thống của chính quyền trước để thảo luận về chiến lược tại Việt Nam. Họ khuyên John tìm cách động viên dư luận Mỹ kiên nhẫn bằng việc cho Westmoreland đi khắp Mỹ rêu rao rằng “chiến thắng đang ở trong tầm tay”. Việc này còn liên quan đến kỳ bầu cử 1968. Johnson làm theo, và có vẻ đây là 1 sai lầm chiến lược.
Miền Bắc qua các nguồn tin công khai biết được: Mỹ đã tăng quân kịch trần + Mỹ rêu rao sắp thắng không sát với thực tế chiến trường đã lộ ra điểm yếu chết người: sốt ruột đồng nghĩa với ngưỡng sức ép dư luận đã thành vấn đề với nội các. Như vậy MỘT CÚ SỐC vào thời điểm này sẽ có thể đánh quỵ ý chí của Mỹ, và CÚ SỐC này có thể làm được vì sức mạnh cuối 1967 của QGP là khá tốt (thể hiện trên bản đồ kiểm soát và thực lực quân số tại miền Nam). Nếu đánh đủ làm sốc dư luận Mỹ về quy mô tính chất và sự bất ngờ, sẽ tạo ra turning point.
1968, trong khi Westmoreland vẫn mải mê đếm xác VC để tính hiệu quả thì QGP bắt đầu triển khai kế hoạch liên hoàn. Từ cuối 1967, nghi binh đánh nhiều trận tiêu diệt đồn bốt nhỏ gần biên giới Campuchia (vùng gần SG), biết thừa Westmoreland sẽ tung quân ra xa càn quét theo lý thuyết Tìm - Diệt để nhử chủ lực Mỹ ra xa SG. Ở Quảng Trị gần giới tuyến phi quân sự, quân Bắc Việt tập trung bao vây đe dọa tiêu diệt Khe Sanh theo kiểu Điện Biên Phủ. Nếu Khe Sanh - trung tâm của hàng rào điện tử Mcnamara hỏng coi như chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ hỏng (không bịt được biên giới tại vĩ tuyến 17 thì quân Bắc tự do xâm nhập vào Nam và bổ sung cho tiêu hao sẽ không còn là vấn đề). Việc nhử ở Khe Sanh đạt kết quả tốt, khi hút được khoảng 40% lực lượng Mỹ phải tập trung gần đó để sẵn sàng ứng cứu. Cả nước Mỹ cũng hồi hộp dõi theo địa điểm mà theo họ là "sẽ diễn ra một trận đánh xoay chuyển cục diện chiến tranh VN". Tuy nhiên việc hút quân Mỹ về biên giới Cam không như ý, vì tướng Weyand tỉnh táo vẫn giữ quân quanh SG.
NÓI DỐI
Diễn biến Mậu Thân thì ai cũng rõ: VC đánh mạnh khắp hơn 40 đô thị, và đặc biệt là đánh Đại sứ quán Mỹ ở SG làm choáng váng dư luận Mỹ. Ngày nào cũng 5h chiều được ĐSQ thông báo tình hình tốt đẹp mà nay chính ĐSQ cũng bị úp sọt. Để mô tả mức độ bịp của Mỹ với báo chí, sau Mậu Thân, báo chí đã giễu họp báo chiều là “5 o’clock of follies” (tạm dịch: lảm nhảm 5 giờ chiều ), được dùng cho đến ngày nay mỗi khi nghi ngờ chính quyền Mỹ lại định tuyên truyền fake news về chiến trường nào đó. (Không phải ngẫu nhiên mà trong phần Tết Mậu Thân, sách giáo khoa lịch sử lớp 5 dành hầu hết thời lượng để tường thuật lại trận đánh kinh thiên động địa của Biệt động SG vào sứ quán Mỹ. Các bác soạn sách đều có dụng ý hết cả).
Giờ đến cú sốc tại Mỹ: West thấy giết được nhiều VC, nhưng biết là sẽ chỉ có cơ hội chiến thắng nếu tăng thêm quân. Ông tính toán vật lý rằng 206k quân là đủ, nhưng lại thiếu khôn ngoan khi xin nhiều vậy mà không tính đến phản ứng dư luận trong nước. Việc xin thêm quân bị leak càng làm dư luận Mỹ sững sờ nghi hoặc: Sao tuyên bố chiến thắng Mậu Thân (“ánh sáng cuối đường hầm”) mà lại xin thêm nhiều vậy? Họ bắt đầu lên đồng tập thể.
John đành cách chức McNamara và thay Bộ trưởng quốc phòng mới, ra lệnh nghiên cứu xem 206k có khả thi không về cả quân sự và chính trị. Tân Bộ trưởng QP Clark Clifford cho ra báo cáo đáng buồn:
- Các tư lệnh Mỹ không biết 206k có đủ không, và cũng chẳng biết bao nhiêu thì đủ, lúc nào thì thắng, thắng thế nào...
- Về mặt chính trị, nước Mỹ còn có khó khăn nữa là phải bắt quân dịch khi phản chiến lên cao, thêm tiền cho chiến tranh trong khi lạm phát bắt đầu xuất hiện...
- Ngoài ra kỳ bầu cử tổng thống sắp đến còn làm cho các đối thủ chính trị tha hồ tấn công John. Bạn nào theo dõi bầu cử Mỹ cũng hiểu, chỉ cần có 1 sơ sót nhỏ thì sẽ bị phe kia bới móc ra kinh khủng tới mức nào.
- Về mặt chính trị, nước Mỹ còn có khó khăn nữa là phải bắt quân dịch khi phản chiến lên cao, thêm tiền cho chiến tranh trong khi lạm phát bắt đầu xuất hiện...
- Ngoài ra kỳ bầu cử tổng thống sắp đến còn làm cho các đối thủ chính trị tha hồ tấn công John. Bạn nào theo dõi bầu cử Mỹ cũng hiểu, chỉ cần có 1 sơ sót nhỏ thì sẽ bị phe kia bới móc ra kinh khủng tới mức nào.
Sau khi mang kết quả nghiên cứu tham vấn nhóm thông thái, họ đều xác nhận bế tắc và đề nghị đàm phán để thoát ra. Chán nản, John tuyên bố chỉ tăng ít quân tượng trưng, và rút lui khỏi bầu cử tổng thống. Quá đủ cho miền Bắc hiểu rằng Mỹ đã đạt tới turning point. Tuy nhiên miền Bắc cũng hiểu (hoặc đoán) rằng thành công về mặt quân sự quá khiêm tốn là chưa đủ thuyết phục giới diều hâu Mỹ xuống thang chiến tranh. Nên họ chấp nhận đánh thêm đợt 2 và đợt 3 dù hy sinh rất lớn, nhằm củng cố thành quả của phát đạn chính trị bắn vào dư luận Mỹ.
Kết quả tiếp theo càng làm QGP quyết tâm dù mất người mất đất rất nhiều:
Sau đợt 2: Mỹ bỏ Khe Sanh, coi như xác nhận chiến lược chiến tranh cục bộ phá sản.
Sau đợt 3 (sát bầu cử tổng thống): Mỹ dừng ném bom phía Bắc miền Bắc, tuyên bố đến Paris hòa đàm nghiêm túc.
Vậy thời điểm của turning point chính là ngày John lên TV tuyên bố thôi không tranh cử TT nữa.
HỆ QUẢ
Hậu chiến, thì Mậu Thân 1968 mang lại nhiều kết quả tích cực cho Quân giải phóng:
- Kích phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ
- Ép được Mỹ ngồi vào bàn đàm phán
Về quân sự, Mặt trận thiệt hại nặng: mất hầu hết địa bàn hoạt động, phần lớn lực lượng chính quy dạt sang Cam, chưa kể sau Mậu Thân Mỹ cùng VNCH đẩy mạnh chiến dịch Phụng Hoàng tróc rễ hầu hết các cơ sở của cách mạng gầy dựng trong nhiều năm.
Nhưng thành công lớn nhất và quan trọng nhất về quân sự là chiếm được Khe Sanh, làm đường Trường Sơn Đông xâm nhập miền Nam dễ hơn (trước kia phải đi TS Tây qua Lào rất khó khăn).
Thành quả quân sự thứ 2 là Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, nên miền Bắc có điều kiện xây dựng hậu phương tốt hơn trước.
Về chính trị, buộc được Mỹ đàm phán vô điều kiện theo hướng dần rút khỏi VN, là cái được Bắc VN trông đợi.
Và phần còn lại là lịch sử như chúng ta đã biết: Mỹ dần rút quân,
Như vậy, không hề quá khi nói rằng, Mậu Thân 1968 là cú đấm chiến lược để kéo Mỹ lên bàn đàm phán. Nếu không có Mậu Thân thì chưa biết chúng ta sẽ thắng Mỹ như thế nào.
Tham khảo: The Vietnam War - A film by Ken Burns & Lynn Novick
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất