Thi Đại học- bài kiểm tra năng lực hay trò chơi may rủi?
Em là 2k3er vừa hoàn thành kì thi THPTQG năm nay, đã nhận được kết quả và hoàn thành xét tuyển Đại học. Trong bài viết này, để rõ ràng...
Em là 2k3er vừa hoàn thành kì thi THPTQG năm nay, đã nhận được kết quả và hoàn thành xét tuyển Đại học. Trong bài viết này, để rõ ràng hơn trong việc bày tỏ quan điểm, em xin phép xưng "tôi".
Đến hẹn lại lên, hè năm nào cũng vậy, cả nước lại dồn sự quan tâm cho một kì thi quan trọng nhất với các sĩ tử tuổi 18- kì thi THPTQG, hay nói như cách của thế hệ đi trước, là kì thi Đại học. Kì thi ấy là sự tổng kết cho một quá trình học tập kéo dài 12 năm, quyết định 4 năm tới bạn sẽ học ở đâu, đi theo ngành nghề gì, đôi khi, nó còn quyết định luôn cả tương lai xa hơn về công việc, tiền bạc. Bởi thế mà, đâu chỉ sĩ tử, kì thi ấy kéo theo sự lo lắng của cả người thân, gia đình, bạn bè. Nhà nào có con lên lớp 12, hay chuẩn bị thi Đại học đều căng thẳng như chuẩn bị bước vào cuộc chiến. Hai ngày thi kết thúc, là lúc người khóc kẻ cười, nhà này mở tiệc, nhà kia lại vang tiếng trách móc nhau. Ngay trong lớp tôi- "con chim đầu đàn" của trường, cũng không phải ngoại lệ. Nhiều bạn điểm thấp hơn thực lực, nhiều bạn điểm khá cao nhưng lại không sắp xếp nguyện vọng hợp lí,... Tất cả đã dẫn đến một mùa thi không thành công, mà nói thô hơn, là "bết bát".
"Ôi, đi thi giờ ăn may là chính ấy mà"
Câu nói ấy thốt ra không chỉ từ một vài thí sinh, mà cả từ một vài phụ huynh, sau khi nghe con cái họ nói về hình thức thi trắc nghiệm mới chỉ áp dụng vài năm gần đây. Có thật thi trắc nghiệm thì phụ thuộc nhiều vào may mắn không? Xin thưa là không
Bản thân tôi suốt năm lớp 12, vật vờ cả một ngày, ngủ 5 tiếng, sáng đi học từ 7h, tối về đến nhà 21h, tự học tiếp đến 1h. Rồi đến giai đoạn nước rút lại phải tự học vì dịch bệnh, tôi đã phải khổ sở biết bao vì tự bơi trong bể sách vở, kiến thức cần ôn lại. Nhưng, tự so sánh một cách nghiêm túc, so với ngay những người bạn cùng lớp, tôi vẫn "được" xếp vào danh sách học sinh không chăm lắm. Liệu, một năm trời vất vả như vậy, để bước vào một kì thi may rủi, có xứng đáng hay không?
Dù là genX, genY, hay genZ, dù hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm, thi Đại học trong mắt tôi vẫn là một kì thi đánh giá kiến thức và sự chăm chỉ. Thi trắc nghiệm, số lượng câu hỏi nhiều, lại được chia rõ 4 mức độ: Nhận biết- Thông hiểu- Vận dụng- Vận dụng cao, đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức vững, mà phải có kĩ năng làm bài, phân chia thời gian hợp lí, rồi cả tư duy làm bài theo hướng nhanh nhất, đáp án chuẩn nhất, nắm vững cả lí thuyết lẫn bài tập. Mà để đạt được những điều ấy, một bộ não tốt là chưa đủ, ta còn cần cả sự luyện tập bền bỉ, luyện đề đến thuộc bài, nhớ dạng thì thôi. Bởi thế nên, dù có là vị thần xác suất, nhà tiên tri đại tài, hay ông tổ may mắn, cũng chẳng dám tự tin khoanh bừa tất cả 40-50 câu mà đạt điểm cao. Có chăng, không dính điểm liệt đã là may mắn lắm rồi.
Nhưng tôi không phủ nhận hoàn toàn vai trò của sự may mắn trong một bài thi trắc nghiệm. 9,6 và 10, hai con số ấy có lúc chỉ hơn nhau ở sự may mắn. Có người khoanh bừa 5 câu, "trúng" 3 câu, có người khoanh bừa 10 câu, lại chẳng trúng câu nào. Đó cũng là hạn chế của việc thi trắc nghiệm, nhưng so với những ưu điểm của hình thức thi này, trong việc đánh giá học sinh, mà tôi có nói ở trên, thì rõ ràng, nó là hình thức thi tối ưu hơn so với tự luận. Thi tự luận cũng đâu phải không có may mắn. Như với môn Văn, sự may mắn vẫn nằm ở tác phẩm văn học trong đề nghị luận, nhiều học sinh vẫn mải mê chạy theo "tủ" Văn, để rồi vào phòng thi, người khóc, người reo, rồi kẻ đỗ, kẻ trượt.
Ta không phải đứa con của thần may mắn, nên hãy cứ tự kiểm soát sự may mắn của bản thân trước. Trắc nghiệm thì không để mất điểm ở những câu cơ bản, tự luận thì không học tủ. Ra khỏi phòng thi, ta không còn sự sợ hãi, lo lắng, nuối tiếc nữa. Hãy tưởng tượng mà xem, giữa mất điểm ở một câu ta không thể làm được và khoanh bừa, với một câu ta hoàn toàn làm được nhưng làm sai, bạn sẽ áy náy, dằn vặt với cái nào hơn? Có lẽ, bạn đã có câu trả lời rồi đấy.
Điểm thấp thì sao, điểm cao thì sao?
Để mà phân tích về nguyên nhân điểm thi thấp, thì nhiều lắm, có đến hằng hà sa số các lí do: đề khó, tâm lí không vững, sức khỏe không tốt,... Nhưng sau cùng, dù nguyên nhân có là gì, sĩ tử ấy vẫn mãi cảm thấy day dứt, đôi khi bị gia đình, thầy cô trách móc, tồi tệ hơn là trở nên tiêu cực, muốn kết thúc cuộc đời. Sau mùa thi, thấy bạn bè buồn vì điểm thấp, tôi rất muốn nói bạn "đừng buồn nữa", nhưng nghĩ lại thấy câu nói ấy rất buồn cười, con người không phải cái máy, buồn hãy cứ buồn, khóc hãy cứ khóc.
Nhưng, đừng vì nỗi buồn ấy mà u uất tới quên cả tương lai. Thi Đại học, đúng nghĩa là một kì thi, mà sau ấy, điều ta nên quan tâm là ta sẽ học cái gì và ở đâu. Điểm thấp không làm hỏng tương lai của ta, mà chính thái độ và sự lựa chọn sau kì thi mới là điều quyết định. Tôi luôn tự nhắc nhở mình (và các bạn) dù có buồn, cũng phải dành thời gian nghiên cứu điều chỉnh nguyện vọng các trường cho hợp lí. Để khi có kết quả, dù điểm không cao nhưng vẫn được học một ngành, một trường phù hợp với mình, lại có sự chuẩn bị, tìm hiểu từ trước. Đừng mua 10 nguyện vọng, điền 5 NV đầu là những gì mình thích, 5 NV sau lại "điền bừa". Hãy nghĩ đến mọi trường hợp, tìm hiểu thật kĩ và chuẩn bị tâm lí rằng mình sẽ đỗ bất kì một nguyện vọng nào trong 10 NV đó, kể cả là NV cuối cùng. Đây cũng là một kinh nghiệm xương máu dành cho 2k4, để thí sinh sẽ không ở thế bị động, hay trải qua 4 năm Đại học trong buồn bã, day dứt.
Người khóc thì luôn có kẻ cười. Các bạn đạt kết quả tốt, dù vì bất cứ lí do nào: thực lực hay may mắn, đều có quyền tự hào với những gì bạn đã đạt được. Đó là thành tựu lớn trong suốt 12 năm đi học, là bước ngoặt của cuộc đời học sinh, hơn nữa, nó cũng cho ta cơ hội đến gần hơn với mái trường ta mơ ước, với ngành nghề ta khát khao, vậy vì cớ gì, ta không có quyền tự hào và nói về nó. Nhưng xin đừng biến niềm tự hào của bạn trở thành sự tự ti và nỗi đau của người khác. Đừng rao giảng câu nói bất hủ: "Ôi tao không học gì nhưng điểm vẫn cao", hay khoe khoang từ MXH cho đến đời thực 7749 lần về điểm số của mình. Với bạn, đó là cách để thỏa mãn niềm vui, nhưng nó không khác gì con dao cứa vào trái tim những bạn có kết quả thi không như ý.
Chốt lại, điều mà tôi muốn nói ở đây, là đừng xem nhẹ kết quả thi đại học và quá trìnhcố gắng để đạt được điều ấy. Đừng tin những câu nói kiểu như: "So gì điểm thi Đại học, 10 năm nữa so tài sản mới biết ai hơn ai". 10 năm nữa là chuyện của 10 năm nữa, còn thi Đại học, là kết quả của 12 năm cố gắng, sao có thể không là gì. Nhớ rằng, nó không phải một kì thi thử sức hay thử vận may, mà là một kì thi có yếu tố quyết định. Và cũng bởi thế, ta phải cẩn trọng trước mọi quyết định đưa ra, trước, trong và cả sau kì thi ấy.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất