Mấy nay đang nóng vụ tòa đang xử vụ chuyến bay giải cứu liên quan một loạt quan chức ngành ngoại giao.
Ảnh: Phiên tòa xét xử vụ máy bay giải cứu.
Ảnh: Phiên tòa xét xử vụ máy bay giải cứu.
Trên thế giới khó tìm được nơi nào lợi dụng đau khổ của đồng bào để trục lợi ghê gớm và nhẫn tâm như ở ta.
Nếu không vỡ lở ra, biết bao người vẫn mơ mộng khát khao với hai tiếng "ngoại giao" đầy sang chảnh.
Thực tế, tôi biết từ lâu, đa số cán bộ đối ngoại chẳng có lý tưởng gì cao siêu ngoài kiếm tiền bằng mọi giá. Ai ở nước ngoài vài năm đều thấm thía điều này.
VUI BUỒN CHUYỆN NGOẠI GIAO
Tôi có nhiều người quen làm trong ngành ngoại giao (già có trẻ có, to có nhỏ có) nên viết bài này khá động chạm. Có gì không phải, mong các bác hiểu là “chắc nó chừa mình ra.”
Từ rất lâu, rất nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi, luôn trân trọng và ngưỡng mộ cán bộ ngoại giao và ngành ngoại giao. Trước đây, mấy tiếng quan hệ quốc tế, nhà ngoại giao, đại sứ, tùy viên, tham tán…đối với tôi có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tôi từng ao ước được hoạt động trong ngành ấy. Tôi đã học tiếng Anh cũng hòng để được làm thỏa chí "quan hệ quốc tế".
Nhưng khi đi ra nước ngoài, tiếp xúc với anh chị em Việt kiều, chứng kiến cuộc sống và công việc của dân ngoại giao, tôi hiểu rằng mọi thứ không thơ mộng và cao cả như tôi tưởng. Nhất là nghe chuyện cụ Vũ Khoan năm xưa đi khất nợ các nước lớn mà ứa nước mắt.
Phần đa số để kiếm được chân tùy viên, tham tán hoặc đại sứ, cán bộ ngoại giao của ta phải bỏ ra một lượng tiền chạy chọt tầm dăm tỷ. Khi sang đến nơi, nhiệm vụ đầu tiên của họ là thu hồi vốn và mong có lãi. Cuộc chơi đại sứ là cuộc chơi cả đời nên chi phí cơ hội cao lắm. Họ có những trò kiếm tiền rất cò con và bẩn thỉu mà mấy người bạn tôi ở châu Phi nói, ngoài sức tưởng tượng. Bẩn đến mức không dám kể ra đây.
Gia hạn/làm visa, hộ chiếu là một trò làm tiền điển hình. Cái này cũng giống như cò công chứng, cò giấy tờ, sổ đỏ ở trong nước vậy.
Ngoài ra họ còn kinh doanh, mua bán hàng xách tay. Lợi dụng quyền lợi đặc biệt cho cán bộ ngoại giao, họ được mua hàng ưu đãi, ít bị tra khảo hải quan nên thường xách hàng về bán. Trong đó đương nhiên thỉnh thoảng có cả hàng cấm như ngà voi, sừng tê. Thuốc lá và rượu thì quá thường. Họ còn nhờ những sinh viên trẻ chuyển đồ về giúp. Hàng ghim chặt kín mít rất nặng, sinh viên chỉ việc chuyển về mà không biết có gì bên trong. Tôi đã bị dính chưởng một lần do non nớt và cả nể.
Khuyến cáo các bạn trẻ: Nếu có cán bộ ngoại giao nào nhờ chuyển đồ về nước thì nên từ chối thẳng thừng. Rất có thể bạn ngồi bóc lịch. Kẻ chủ hàng thì phủi tay làm ngơ. Đừng tin họ là cán bộ Đảng hay nhà nước mà chỉ số đạo đức hơn ta. Tiền với họ là số một.
Thêm nữa, để nhanh hoàn vốn, đa số cán bộ ngoại giao của ta còn đưa vợ con, người thân sang lao động để kiếm thêm. Một ngày làm cửu vạn ở Tây thì bằng giáo sư của ta làm quần quật cả tuần nên cách này cũng đem lại lợi nhuận đáng kể.
Cách kiếm tiền nữa là khai gian chi tiêu. Ví dụ thế này: Bạn dùng văn phòng phẩm chưa hết nhưng báo là hết rồi. Đãi khách hết 10 USD thì báo là hết 20 USD. Liên kết với chủ nhà hàng, làm giả hóa đơn.
Trồng cần sa trộm, buôn vây cá mập, hàng quốc cấm...thì chỉ có dân trong nghề mới biết là nó phổ biến như thế nào với dân ngoại giao ở châu Phi. Miễn bàn thêm. Vì sao vậy? Vì luật pháp ở châu Phi rất yếu. Cảnh sát và buôn lậu là một phường làm ăn chung. Ai đi châu Phi đều thừa nhận điều này.
Thì ra ngoại giao hay đại sứ cũng chỉ là một nghề kiếm tiền như bao nghề khác. Không có gì lung linh và thiêng liêng cả. Cái khổ là chúng ta tự khoác lên nó tấm áo hào nhoáng để rồi thất vọng mà thôi.
Tôi nói có sách, mách có chứng. Xin mời các thánh ngoại giao nhảy vào phản biện và chất vấn. Trân trọng!