Bài viết này thuộc Théâtre en Pourpre, dự án dịch toàn tập kịch của Oscar Wilde ra tiếng Việt và đăng tải miễn phí cho cộng đồng người yêu văn chương, do Nguyễn Tuấn Linh (Tornad) thực hiện. Mời xem thông tin chi tiết về dự án ở đây. Mời tải PDF các vở kịch đã hoàn thành ở đây.

VERA hay, Những người Hư vô chủ nghĩa

Oscar Wilde
Nguyễn Tuấn Linh (Tornad) dịch từ nguyên tác tiếng Anh Vera; or, The Nihilists

TIỂU DẪN CỦA NGƯỜI DỊCH

Vera; hay, Những người Hư vô là vở kịch đầu tiên của Oscar Wilde, và được ra mắt đại chúng vào năm 1882. Ở ngay từ vở kịch này chúng ta đã sớm thấy các bút pháp quen thuộc của Wilde như nghịch biện, biền ngẫu, châm biếm. Ngoài ra chúng ta còn được thấy rất nhiều phiên bản ban đầu của những trích dẫn thú vị mà sau này Wilde sẽ còn dùng lại trong các tác phẩm khác, mà nổi tiếng nhất trong số đó là châm ngôn “Kinh nghiệm là cái tên người đời đặt cho sai lầm của mình.”
Bối cảnh của vở kịch là nước Nga cùng thời với tác giả, tức thế kỉ thứ mười chín. Nội dung vở kịch viết về các âm mưu ám sát Sa hoàng, mà dường như được lấy cảm hứng từ cuộc đời của Sa hoàng Alexander II – một Hoàng đế đã may mắn sống sót qua nhiều vụ ám sát, và rốt cuộc đã không qua khỏi vụ ám sát năm 1881. Nhân vật chính của vở kịch là Vera, được lấy cảm hứng một cách không bám sát từ cuộc đời của nhà cách mạng Vera Zasulich. Những cảm hứng trên kết hợp với phong trào Hư vô Nga – thuật ngữ mà bấy giờ vẫn hay bị lạm dụng ở châu Âu mỗi khi người ta nói về các phong trào cách mạng ở Nga – đã tạo nên nội dung vở kịch này.
Vera, vốn chỉ là một thôn nữ bình thường, ngày ngày vẫn phụ việc ở quán trọ của cha mình. Cha nàng là người ít học và thực dụng, ông mang niềm tin như bao người dân nhu nhược rằng mình chỉ cần lo cho bản thân mình là đủ, chuyện đất nước cứ để Sa hoàng lo; và nếu mình cứ sống yên phận thì chắc chắn chính quyền sẽ không gây khó dễ gì.
Quán trọ của ông nằm trên con đường áp giải tù nhân đến Siberia, ông già vẫn khấp khởi mừng thầm rằng mình sẽ phất lên nhờ có cơ hội phục vụ cho giới quan chức có nhiệm vụ áp giải. Nhưng vấn đề nảy sinh khi ông già thấy đứa con trai duy nhất của mình chính là tù nhân bị áp giải. Kể từ đó, người cha sống yên phận phải hứng chịu bi kịch mất đi vĩnh viễn người con trai, và cũng gần như vĩnh viễn mất đi cô con gái.
Bởi vì Vera, từ một nàng thôn nữ hiền lành nhưng sau thảm kịch của anh trai, nàng đã trở thành người đàn bà nguy hiểm nhất của phong trào Hư vô. Để gia nhập hội Hư vô, nàng phải thề vứt bỏ tình yêu và chỉ còn nỗi hận trong tim, nhưng con tim mang lí lẽ khác với lí trí, nên từ đó nhiều bi kịch khác nối tiếp nhau xảy ra.
Mời bạn đọc thưởng thức vở kịch đầu tay của Oscar Wilde: Vera; hay, Những người Hư vô.
Vở kịch này được viết vào năm 1881, và bây giờ (1907) được xuất bản lần đầu tiên với những chỉnh sửa và bổ sung của chính tác giả dựa trên bản thảo gốc, mà đã từng được lưu hành nội bộ ở New York, 1882. Các bản in lậu là phiên bản được in từ các bản sao của kịch bản nhắc diễn.
Bản quyền văn chương và kịch nghệ của tác phẩm này thuộc về Robert Ross.
NHÂN VẬT TRONG PHẦN MỞ ĐẦU
PETER SABOUROFF (Một ông chủ quán trọ)
VERA SABOUROFF (Con gái ông chủ quán)
MICHAEL (Một anh nông dân)
DMITRI SABOUROFF
NICOLAS
ĐẠI TÁ KOTEMKIN
NHÂN VẬT TRONG VỞ KỊCH
SA HOÀNG IVAN
HOÀNG THÂN PAUL MARALOFFSKI (Thủ tướng của nước Nga)
HOÀNG THÂN PETROVITCH
BÁ TƯỚC ROUVALOFF
HẦU TƯỚC POIVRARD
NAM TƯỚC RAFF
ĐẠI TƯỚNG KOTEMKIN
Một tiểu đồng
Ngài Đại tá đội Cảnh vệ
CÁC NHÀ HƯ VÔ CHỦ NGHĨA
PETER TCHERNAVITCH (Chủ tịch hội Hư vô)
MICHAEL
ALEXIS IVANACIEVITCH (được biết đến dưới tư cách một Sinh viên Y dược)
GIÁO SƯ MARFA,
VERA SABOUROFF,
Lính tráng, mưu sĩ, v.v.,

PHẦN MỞ ĐẦU

CẢNH TRÍ
Một lữ điếm vùng thôn dã nước Nga. Cửa lớn mở toang trông ra cảnh tuyết phía sau sân khấu.
[PETER SABOUROFF và MICHAEL hiện có mặt.]
PETER. [Hơ tay bên bếp lò.] Con Vera vẫn chưa về hả mày, Michael?
MICHAEL. Dạ, vẫn chưa, ông bô ạ; từ đây đến bưu điện phải già ba dặm, rồi thì em ấy phải vắt sữa đàn bò nữa, và cái con bò lông nâu xám ấy thì tay chân thôn nữ khó mà trị được lắm.
PETER. Thế sao mày không đi cùng nó, hả thằng ngố? Nó không đời nào yêu mày đâu trừ phi mày lẽo đẽo theo gót nó suốt ngày; giống đàn bà là thích được làm phiền.
MICHAEL. Em ấy bảo con làm phiền em ấy nhiều quá rồi, ông bô ạ, con sợ em ấy chẳng đời nào chịu yêu con đâu.
PETER. Rõ khỉ nhà mày, sao lại không chịu? Mày đang trai tráng và mặt mũi cũng không đến nỗi nào, nếu như Chúa Trời hoặc mẹ mày chịu nặn cho mày cái bản mặt khác. Chẳng phải mày có một chân trông bãi săn cho Hoàng thân Maraloffski sao; và mày lại có mẫu ruộng xanh cỏ, cùng với con bò tốt giống nhất làng nữa? Một đứa con gái còn muốn gì hơn?
MICHAEL. Nhưng Vera, ông bô ạ…
PETER. Vera, mày ơi, nó nhiều kiến thức lắm; bản thân tao không bận tâm mấy đến kiến thức; tao vẫn sống tốt mà chẳng cần đến kiến thức đấy thôi; sao con cái tao không thế được nhỉ? Thằng Dmitri ấy! Đáng ra nó phải ở đây tiếp quản quán trọ; trong thời kì khó khăn này nhiều trai trẻ hẳn đã vồ lấy vị trí ấy; nhưng nó, cái thằng đầu đất vô tổ chức ấy, cứ nhất định lên Moscow học luật cơ! Chả biết nó học luật làm gì! Mỗi người cứ làm tròn bổn phận của mình thôi, tao cam đoan, thì sẽ không ai động đến họ cả.
MICHAEL. Dạ! Nhưng, ông bô ơi, người ta bảo một luật sư giỏi có thể phạm luật bao nhiêu lần tuỳ thích, mà không ai cản được họ. Nếu một người hiểu luật thì cũng hiểu bổn phận của mình.
PETER. Đúng thế, Michael, nếu một người hiểu luật thì không có gì bất hợp pháp mà họ lại không làm được nếu thích làm: đó là căn nguyên tại sao người ta muốn trở thành luật sư. Bọn họ chỉ có mỗi thế là tài mà; thế rồi thằng ôn con ở lại sống trên đó, và bốn tháng nay không viết một dòng gửi về – con với cái có hiếu quá, mày nhỉ?
MICHAEL. Gượm, gượm, ông bô ạ, chắc thư của anh Dmitri thất lạc thôi – thằng đưa thư mới vào làm không biết đọc cũng nên; trông nó đần lắm, còn Dmitri, than ôi, anh ấy là người giỏi giang nhất làng. Ông bô có nhớ lần anh ấy bắn con gấu trong kho thóc vào đợt đại hàn không?
PETER. Có, bắn quá giỏi; đến tao bắn cũng không giỏi hơn được.
MICHAEL. Nhảy cũng giỏi nữa, anh ấy làm ba người chơi đàn vĩ mệt đến kiệt sức vào mùa Giáng sinh hai năm trước.
PETER. Phải, phải, thằng bé ấy tính tình vui nhộn. Cái đứa em gái nó thì lại nghiêm túc – dạo này con bé cứ nghiêm nghị như linh mục suốt cả ngày.
MICHAEL. Vera lúc nào cũng nghĩ cho người khác.
PETER. Đó là sai lầm của nó đấy, mày ạ. Hãy cứ để Chúa Trời và vị Cha già Sa hoàng của chúng ta trông nom thế gian. Việc của tao đâu có phải là lợp lại mái rạ cho nhà hàng xóm. Hỡi ôi, mùa đông năm ngoái cụ Michael chết cóng trong cỗ xe trượt tuyết giữa cơn bão tuyết, vợ con cụ thì chết đói sau đó lúc thời kì khắc nghiệt kéo đến; nhưng đó có phải việc của tao không? Tao không tạo ra thế gian. Hãy cứ để Chúa Trời và Sa hoàng lo. Rồi thì nạn rệp vừng kéo đến, rồi cái chết đen theo sau, và các linh mục chôn người không kịp, người ta nằm chết đầy đường – cả đàn ông lẫn đàn bà. Nhưng đó có phải việc của tao không? Tao không tạo ra thế gian. Hãy cứ để Chúa Trời và Sa hoàng lo. Hay hai mùa thu trước, lúc nước sông đột ngột tràn bờ, tụi học trò bị cuốn đi và chết chìm hết cả trai lẫn gái. Tao không tạo ra thế gian – hãy cứ để Chúa Trời và Sa hoàng lo.
MICHAEL. Nhưng, ông bô ơi…
PETER. Thôi, thôi, mày ạ; không ai sống nổi nếu cứ phải đèo bòng giúp hàng xóm đâu.
[VERA mặc bộ váy nhà nông đi vào.]
A, con gái, con đi lâu quá – thư từ đâu rồi?
VERA. Hôm nay không có, cha ạ.
PETER. Biết ngay mà.
VERA. Nhưng mai sẽ có, cha ơi.
PETER. Khốn nạn, thằng con vô ơn.
VERA. Ôi cha ơi, đừng nói thế; anh ấy hẳn đang bệnh.
PETER. Vâng! Bệnh vì hoang đàng, chắc thế.
VERA. Sao cha dám nói anh ấy thế chứ? Cha biết không phải thế mà.
PETER. Thế tiền của đi đâu cả rồi? Michael, nghe. Tao cho thằng Dmitri phân nửa gia tài của mẹ nó để trả tiền học luật ở Moscow. Nó chỉ gửi thư về ba lần, và lần nào cũng đòi thêm tiền. Nó được gửi thêm thật, nhưng không phải do tao, mà do con kia [chỉ VERA], và đến nay đã năm tháng, gần sáu tháng, mà nhà tao vẫn bằn bặt tin tức từ nó.
VERA. Cha ơi, anh ấy sẽ trở về.
PETER. Phải! Thằng con hoang đàng nào rồi chả quay về; nhưng nó đừng hòng bước vào cửa nhà này lần nữa.
VERA. [Ngồi trầm ngâm suy nghĩ.] Tai hoạ nào đó đã ập vào anh ấy; hẳn anh ấy đã chết! Ôi! Michael, em khổ vì anh Dmitri quá.
MICHAEL. Em chưa bao giờ yêu ai ngoài anh ấy ư, Vera?
VERA. [Mỉm cười.] Em không biết; trên đời còn có nhiều việc phải làm ngoài yêu.
MICHAEL. Không có việc nào đáng làm ngoài yêu, Vera.
PETER. Tiếng ồn gì thế, Vera? [Tiếng kim khí xủng xoảng vẳng lại.]
VERA. [Đứng dậy đi ra cửa.] Con không biết, cha ạ; nghe không giống tiếng chuông gọi gia súc, hay là Nicholas đi chợ phiên về chăng. Ối cha ơi! Có lính tráng đang từ đồi đi xuống – có một người cưỡi ngựa. Trông họ uy phong quá! Nhưng đi theo họ là vài người bị xiềng! Chắc đó là phường trộm cướp. Ôi! Đừng cho họ vào, cha ạ; con không muốn gặp họ.
PETER. Người bị xiềng! A ha, vớ bẫm rồi, con gái! Ta được nghe đây là con đường mới dẫn đến Siberia, để đưa bọn tù đến hầm mỏ; thế mà ban đầu ta không tin. Vận phất lên rồi! Mau lên, Vera, mau! Rốt cuộc ta cũng được chết trong cảnh giàu sang. Từ giờ ta sẽ không thiếu khách hàng phong lưu nữa. Thi thoảng một người thiện lương cũng phải có cơ hội kiếm chác nhờ hạng vô lại chứ.
VERA. Những người đó là hạng người vô lại sao cha? Họ đã làm gì?
PETER. Ta đoán chúng là bọn Hư vô chủ nghĩa mà linh mục vẫn cảnh báo nên tránh xa. Đừng đứng đực ra như thế, con gái.
VERA. Vậy con đồ rằng thảy họ đều độc ác.
[Tiếng lính tráng bên ngoài vẳng đến; có tiếng hô “Dừng!” rồi bước vào là một sĩ quan Nga cùng lính tuỳ tùng và tám người bị xiềng ăn mặc tồi tàn; lúc bước vào một người trong họ hấp tấp bẻ cổ áo bành tô lên quá tai và che mặt; vài người lính đi ra gác cửa, số còn lại ngồi; các tù nhân đứng.]
ĐẠI TÁ. Chủ quán!
PETER. Dạ, thưa Đại tá.
ĐẠI TÁ. [Chỉ những người Hư vô.] Cho bọn kia tí bánh với nước.
PETER. [Độc thoại.] Đơn hàng này không kiếm được mấy rồi.
ĐẠI TÁ. Về phần ta, mày có gì đáng ăn không?
PETER. Con có chút thịt nai khô hảo hạng, thưa ông – và chút uýt-ki lúa mạch.
ĐẠI TÁ. Mỗi thế?
PETER. Dạ, rất nhiều uýt-ki, thưa ông.
ĐẠI TÁ. Đúng là lũ bần nông quê kệch! Mày có phòng nào khá hơn ở đây chứ?
PETER. Dạ có, thưa ông.
ĐẠI TÁ. Dẫn ta qua đó. Trung sĩ, phái quân lính ra ngoài, và trông không cho lũ khốn kiếp kia giao tiếp với ai. Không viết gì cả, lũ chó, bằng không thì ăn roi. Giờ thì thịt nai đâu. [Nói với PETER đang đứng cúi mình.] Tránh ra, tên đần! Con kia là ai? [Nhìn VERA.]
PETER. Con gái của con, thưa ông.
ĐẠI TÁ. Nó biết đọc viết không?
PETER. Dạ, nó biết, thưa ông.
ĐẠI TÁ. Thế thì nó là con đàn bà nguy hiểm. Nông dân không được phép biết những việc như thế. Cày ruộng, gặt hái, trả thuế, và vâng lời chủ nhân – đấy mới là bổn phận của chúng mày.
VERA. Ai là chủ của chúng tôi?
ĐẠI TÁ. Con kia, những thằng này đang trên đường đến hầm mỏ mãn kiếp vì hỏi cùng một câu hỏi ngu xuẩn như thế đấy.
VERA. Vậy thì họ đã bị kết tội một cách bất công.
PETER. Vera, giữ mồm giữ miệng. Con bé non dại quá, thưa ông, nó nói nhiều quá.
ĐẠI TÁ. Đàn bà nào cũng nói nhiều. Nào, thịt nai đâu? Mang ra, ta đang đợi đấy. Sao mày có thể trông mong gì được ở hạng con gái tay chân thô ráp nhỉ? [Đi cùng PETER và viên tuỳ tùng vào phòng trong.]
VERA. [Nói với một người Hư vô.] Sao anh không ngồi? Chắc anh mệt lắm rồi.
TRUNG SĨ. Đi ngay, cô gái, không được nói chuyện với tù nhân của ta.
VERA. Tôi phải nói chuyện với họ. Ông muốn bao nhiêu?
TRUNG SĨ. Cô có bao nhiêu?
VERA. Ông sẽ cho họ ngồi nếu tôi đưa ông vật này chứ? [Tháo chiếc dây chuyền nhà nông ra.] Đây là thảy những gì tôi có; của mẹ tôi để lại.
TRUNG SĨ. Ồ, trông đẹp đấy, cũng nặng nữa. Cô muốn gì ở những người này?
VERA. Họ đang đói khát và khổ sở. Cho tôi lại gần họ nhé?
MỘT NGƯỜI LÍNH. Chiều ý cô thôn nữ đi, nếu cô nàng trả tiền.
TRUNG SĨ. Được, cứ tự nhiên. Nhưng nếu Đại tá bắt gặp, cô có thể phải đi theo bọn này đấy, người đẹp ạ.
VERA. [Lại gần những người Hư vô.] Ngồi đi; chắc các anh mệt lắm. [Cho họ đồ ăn.] Các anh là ai?
TÙ NHÂN. Người Hư vô chủ nghĩa.
VERA. Ai xiềng xích các anh?
TÙ NHÂN. Cha già Sa hoàng của chúng ta.
VERA. Vì sao?
TÙ NHÂN. Vì quá yêu tự do.
VERA. [Nói với người tù đang che mặt.] Anh muốn làm gì?
DMITRI. Mang tự do đến cho ba triệu người đang làm nô lệ cho một người.
VERA. [Giật mình vì giọng nói ấy.] Tên anh là gì?
DMITRI. Tôi không có tên.
VERA. Bạn bè anh đâu?
DMITRI. Tôi không có bạn.
VERA. Hãy cho tôi nhìn mặt anh!
DMITRI. Cô sẽ không thấy gì ngoài thống khổ. Họ đã tra tấn tôi.
VERA. [Giằng tấm áo khỏi mặt anh.] Ôi, lạy Chúa! Dmitri! Anh ơi!
DMITRI. Suỵt! Vera; bình tĩnh. Em không được để cha biết; ông ấy đau lòng đến chết mất. Anh những tưởng mình có thể giải phóng được nước Nga. Anh nghe người ta nói về Quyền Tự do ở quán cà-phê đêm nọ. Anh chưa từng nghe đến từ ngữ ấy trước đây. Dường như họ đang nói về một Thiên Chúa mới. Anh gia nhập bọn họ. Tất cả tiền bạc đã đổ vào đấy. Năm tháng trước chúng bắt bọn anh. Chúng phát giác anh đang in tài liệu. Anh bị đày đến mỏ chung thân. Anh không viết thư được. Anh nghĩ tốt hơn nên để em nghĩ anh đã chết; bởi chúng đang đưa anh đến một nấm mồ sống.
VERA. [Nhìn quanh.] Anh phải trốn đi, Dmitri. Em sẽ thế chỗ anh.
DMITRI. Không được! Em chỉ có thể trả thù cho anh thôi.
VERA. Em sẽ trả thù cho anh.
DMITRI. Nghe này! Có một ngôi nhà ở Moscow…
TRUNG SĨ. Tù nhân, chú ý! – Đại tá đang đến – cô gái, hết giờ rồi.
[ĐẠI TÁ, VIÊN TUỲ TÙNG và PETER đi vào.]
PETER. Con mong ông lớn hài lòng với món thịt nai. Con tự săn đấy ạ.
ĐẠI TÁ. Tốt hơn là mày ít mồm lại. Trung sĩ, chuẩn bị đi. [Rút hầu bao cho PETER.] Đây, thằng làm tiền bịp bợm!
PETER. Vận phất lên rồi! Đội ơn ông lớn. Con mong ông lớn sẽ năng đi qua con đường này hơn.
ĐẠI TÁ. Thề có Thánh Nicholas, tao mong là đừng. Chỗ này quá lạnh với tao. [Nói với VERA.] Con kia, lần sau đừng hỏi những chuyện không liên quan đến mày. Tao sẽ không quên mặt mày.
VERA. Tôi cũng không quên mặt ông, và hành động của ông.
ĐẠI TÁ. Lũ nông dân chúng mày càng ngày càng hỗn láo kể từ khi thôi làm nông nô, và roi da là trường lớp tốt nhất để cho chúng mày học chính trị. Trung sĩ, lên đường.
[ĐẠI TÁ quay lưng đi lên đỉnh sân khấu. Các tù nhân đi ra theo hàng đôi; lúc DMITRI đi ngang qua VERA, anh thả một mẩu giấy xuống đất; nàng giẫm chân lên và vẫn đứng bất động.]
PETER. [Đang đếm số tiền ĐẠI TÁ trả cho.] Đội ơn ông lớn. Con mong sớm có đợt áp giải mới. [Đột nhiên thoáng thấy DMITRI lúc anh đi ra khỏi cửa, lão hét lên và lao đến.] Dmitri! Dmitri! Lạy Chúa! Sao con ở đây? Thằng bé vô tội, tôi xin cam đoan. Tôi sẽ chuộc nó. Cầm lấy tiền đi [ném vung tiền xuống đất], lấy hết tiền của tôi đi, trả cho tôi đứa con. Quân độc ác! Quân độc ác! Các người đưa nó đi đâu?
ĐẠI TÁ. Đến Siberia, lão già.
PETER. Đừng, đừng; để tôi đi thay nó.
ĐẠI TÁ. Nó là bọn Hư vô.
PETER. Dối trá! Dối trá! Nó vô tội. [Lính tráng chĩa súng đuổi lão lùi lại rồi đóng sầm cửa trước mặt lão. Lão đấm thình thình lên cửa.] Dmitri! Dmitri! Người Hư vô! Người Hư vô! [Ngã xuống nền nhà.]
VERA. [Vẫn đang đứng bất động, lúc này mới nhặt mảnh giấy dưới chân lên và đọc.] “Số 99 phố Tchernavaya, Moscow. Đè nén mọi tình cảm trong mình; không gửi tình yêu cũng như nhận tình yêu; không rủ lòng thương cũng như nhận lòng thương; không trao hôn ước cũng như nhận hôn ước, cho đến ngày cùng tận.” Anh trai, em sẽ giữ lời thề. [Hôn lên mảnh giấy.] Anh sẽ được trả thù!
[VERA đứng bất động, nắm mảnh giấy trong bàn tay đang giơ. PETER đang nằm dưới nền. MICHAEL, vừa mới bước vào, anh cúi mình bên lão.]
KẾT THÚC PHẦN MỞ ĐẦU