Thế nào là chống nạnh đúng cách?
Hai tay đặt lên hông, chân có hơi dang rộng một tí, gương mặt thất thần hay kênh kiệu đều được. Chỉ cần vài động tác cơ bản thôi, bạn...
Hai tay đặt lên hông, chân có hơi dang rộng một tí, gương mặt thất thần hay kênh kiệu đều được. Chỉ cần vài động tác cơ bản thôi, bạn đã thuần thục tư thế chống nạnh “kinh điển” để có thể tham gia hùng biện hoặc hóng chuyện mà không sợ bị lu mờ nơi công cộng.
Đó chính là chống nạnh đúng cách, theo một cách suy nghĩ phổ thông nhất. Còn việc của mình là đưa các bạn đến với một kiểu “chống nạnh” khác, nan giải hơn và cũng cấp bách hơn.
Vâng, “nạnh” ở đây chính là thói tị nạnh đó!
Bộ não con người luôn hướng chúng ta về những điều tiêu cực. Bất cứ thứ nhỏ nhặt gì chạm nhẹ đến lợi ích của bản thân, ai nấy đều sẵn sàng “xù lông” lên lập tức. Nạnh cũng như vậy, đó là một lối suy nghĩ so bì hơn thiệt, phục vụ chính mình, và tất nhiên, đa phần là không đáng có.
Chúng ta không nạnh với trời, với đất hay với con mèo trước ngõ, mà là với người khác, thường là những người gần gũi với mình. Mình xin phép thu hẹp cái phạm vị “gần gũi” đó lại thành một ví dụ, đó là cuộc sống ở trọ cùng với bạn bè mình.
Có lẽ không đâu nhiều đất diễn cho thói tị nạnh hơn là những căn trọ sinh viên. Và ở câu chuyện của mình, 6 vị công tử đến từ 6 hộ gia đình có dịp được tựu chung về một chốn. Nói chung cũng thân thiết, và thời gian đầu cũng tạm gọi là suôn sẻ. Cho đến nửa năm sau, “giông bão” mới bắt đầu kéo đến.
Những trận cãi nhau, phân bua công việc kéo đến khá thường xuyên, và thường vào những khi nấu nướng hay dọn dẹp. Người đông nhưng tính tự giác thì thưa thớt, thằng này sợ làm nhiều hơn thằng kia, thằng nọ lười nên nhờ vả thằng còn lại. Nói chung là nạnh nhau từng tí một đó. Tất nhiên, trải qua vài trận nạnh như thế, căn phòng cũng chẳng còn được như xưa nữa.
Ngày tháng tiếp theo là khoảng thời gian nằm dài ra sàn, sinh hoạt, giờ giấc vớ vẩn. Vì sợ nếu tự nấu, tự dọn một mình thì cái tính nạnh nó lại xảy đến. Ban đầu, cứ nghĩ là thói nạnh chỉ xảy ra khi một lũ công tử tập hợp lại như này thôi. Nhưng hỏi qua nhiều người, té ra già trẻ, gái trai, quý tử hay nhà gia giáo,... họ đều tị nạnh nhau cả, chẳng qua là ít hay nhiều thôi.
Tệ hơn, có người còn nói tị nạnh là bệnh truyền nhiễm. Vì dù bản chất có siêng năng cỡ nào, chỉ cần trong phòng có một con “sâu lười”, dịch nạnh cũng sẽ bắt đầu.
Vậy muốn chống nạnh phải làm thế nào?
Những gợi ý này vẫn sẽ áp dụng trong phạm vị phòng trọ, vì mình không có gan đánh giá những quy mô sống tập thể khác.
Khỏi làm là khỏi nạnh
Vì đứa nào cũng đóng vai nạn nhân, nên “thủ phạm” đích thị là lũ xoong nồi, chổi hót kia. Thôi khỏi nấu, khỏi dọn, khỏi đụng đến thằng nào. Có đói thì xách mông ra ngoài ăn, nhà có bẩn thì phủi qua loa rồi sống tạm sống bợ. Trừ khi bạn không chịu được lũ gián, lũ chuột… thì như thế vẫn đỡ hơn là nạnh qua nạnh lại nhiều.
Khỏi ở chung là khỏi nạnh
Nhanh gọn lẹ, phắn một cái là thoát khỏi bầu không khí toxic mỗi khi nấu nướng dọn dẹp liền. Được cái nữa là vẫn giữ gìn tình anh em khăng khít, chứ cứ nạnh nhau miết cũng có ngày bằng mặt không bằng lòng.
Cơ mà cách này chỉ áp dụng với ai có điều kiện để ở một mình, hoặc là có nhà họ hàng để ở thôi. Còn nếu không thì đừng có rướn chi cho khổ.
Chia sẻ và giải quyết “dịch nạnh”
Vắc xin đơn giản nhất để chống “dịch nạnh” chính là sự bảo ban. Vừa hiệu quả, vừa tình nghĩa. Chia sẻ cho nhau những suy nghĩ, nỗi lòng đã sứt đầu mẻ trán vì “nạnh”, chắc chắn đứa nào cũng phải mủi lòng mà ít nhiều tự vứt bỏ cái tôi đi. Còn đến cách này mà đứa nào vẫn không nghe, áp dụng cách 2 cho nó.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của việc bảo ban là dễ tái phát. Lời nói gió bay, động lòng được một thời gian thì cũng thôi. “Nạnh” vẫn luôn lăm le xâm nhập không gian sống của chúng ta, nên nói chung cứ phải dòm ngó từng đứa cho chắc.
Còn nếu 3 cách bên trên vẫn không hiệu quả, thì chỉ có nước trang bị một tâm hồn đẹp từ khi sinh ra, sống như phật, làm việc tại tâm… mới chống nạnh được. Hay khả thi hơn, hãy “phòng bệnh”, lựa chọn một tri kỷ tâm đầu ý hợp để cùng nhau chia sẻ không gian sống, công việc nhà để tránh tị nạnh nhau nhất có thể. Hoặc… chí ít là khi đuổi nó đi cũng đỡ phải mất lòng nhau.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất