Bức thư thứ nhất
Cháu chào ông!
Chắc ông sẽ bất ngờ khi nhận được bức thư này vì ông chưa từng gặp cháu. Cháu xin tự giới thiệu, cháu là một khán giả rất yêu thích bài hát của cháu ông sáng tác. Bài hát ấy ngay từ lúc lên sóng ở cuộc thi danh tiếng trên truyền đã ngay lập tức trở thành hiện tượng bởi giai điệu vui tươi, bắt tai và đặc biệt là phần ca từ xuất sắc đi vào lòng người nghe nên ngay sau đó, bọn trẻ chúng cháu suốt ngày nghêu ngao khắp mọi nơi. Cháu biết đến ông và “tình yêu tươi xanh” của ông bà từ bài hát ấy:
Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi
Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi
Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh
Trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh [1]
Từng câu chữ  kể câu chuyện bình dị mà ai cũng thấy thật xúc động. Đó cũng là lý do cháu viết cho ông bức thư này để bày tỏ sự ngưỡng mộ của cháu với những năm tháng giản dị đó, về quãng thời gian cháu chưa sinh ra, chưa từng được trải nghiệm nhưng lại thích thú vô cùng mỗi khi có ai nhắc đến, cái thời của “những dòng thư tay viết vội” hay “chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời” đấy bây giờ quá xa lạ với bọn cháu, cứ như chỉ còn lại trong truyện cổ tích. Thế mà thi thoảng cháu vẫn nhắm mắt lại tưởng tượng ra cái khung cảnh lãng mạn của tình yêu “xanh ngát xanh” ấy: thành thị vẫn như một ngôi làng um tùm cây cỏ, sông hồ bao quanh uốn lượn nên không khí lúc nào cũng trong lành mát mẻ, trong cái không gian thơ mộng ấy đạp xe chở người yêu đi loanh quanh cả ngày chắc cũng sướng ông nhỉ.
Nhưng cháu cũng biết thời đó ngoài những phút giây lãng mạn bình yên đó ra, cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm. Trong câu chuyện “ngày xưa” ông bà chúng cháu kể lại kiểu gì cũng có nghèo nàn, bom đạn, đói kém. Những từ này lặp lại nhiều đến mức cháu nghĩ nên đặt tên cho những người sống trong giai đoạn này là THẾ HỆ THIẾU THỐN: thiếu đủ thứ thiết yếu như cơm ăn áo mặc, nên chỉ dám ước mong được “ăn chắc mặc bền”. Ngày đó buôn bán chưa phát triển nên để phục vụ nhu cầu hàng ngày đều phải tự cung tự cấp, phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp. Nhà có gì ăn nấy, quần áo cũng phải tự tay làm lấy, cháu nghe kể quanh năm chỉ có vài ba cái mặc đi mặc lại. Nhưng thời gian đó dù đói khổ có lẽ vẫn dễ chịu hơn lúc ông trưởng thành đối diện với chiến tranh phải không ạ? Cháu không thể hình dung nổi sự ám ảnh khủng khiếp của chiến tranh và những gì dân tộc mình đã phải trải qua ông ạ, chỉ cảm nhận được ý chí sục sôi và khát vọng hòa bình của người người, nhà nhà. Không thể phủ nhận được vô số đau thương mất mát mà chiến tranh đem lại, nhưng cháu nhận ra sống trong chiến tranh, con người sống lại có lý tưởng rõ ràng nhất, biết chắc mình muốn gì và cần phải làm gì: đàn ông lên đường chiến đấu, góp sức vào các công việc phù hợp khả năng như viết báo, sáng tác, dạy học…; đàn bà làm hậu phương vững chắc nuôi dạy con cái, “tay cày, tay súng” vừa làm nông vừa tham gia kháng chiến. Sẵn có lý tưởng rõ ràng để theo đuổi, lại là cái lý tưởng vẻ vang chung của toàn đất nước nên mỗi cá nhân lượng sức mình để đóng góp cho sự mệnh lịch sử đó, như lời quả quyết trong bài hát mỗi lần vang lên vẫn còn nguyên vẹn khí thế hào hùng “nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương.”
Ngoài chiến tranh, tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng sâu sắc đối tới thế hệ của ông thời đó phải không ạ? Có phải nó giống như một cuốn sách giáo khoa chuẩn mực cả xã hội phải tuân theo như các giá trị làm người Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín hay Tam Tòng, Tứ Đức dành cho phụ nữ? Kể ra nếu có sẵn một con đường để đi theo như thế thì cũng thuận tiện ông nhỉ, con người ta sẽ không phải băn khoăn đứng trước các lựa chọn, cân nhắc giữa các tư tưởng, giá trị để theo đuổi. Nhưng cháu thắc mắc trước khi trở thành “ông bà anh” thì các ông các bà cũng đã từng trẻ, mà đã trẻ thì ở thời nào cũng có ít nhiều nổi loạn (như bọn cháu bây giờ), nếu vậy thì những chuẩn mực kia có quá khắt khe ngột ngạt không ạ? Và trong xã hội chưa được tự do cởi mở như thời đó thì lớp trẻ như ông có chấp nhận toàn bộ những luật lệ đó không, nếu không, cháu rất mong được nghe thêm về sự phản kháng của “ông bà anh” thời kì đó.
Bức thư thứ hai
Gửi em bé đi đưa cơm cho mẹ,
Hàng ngày khi ông mặt trời lên cao ta lại thấy bóng dáng nhỏ xíu của cháu thoăn thoắt trên đồng ruộng mang cơm cho mẹ. Lần nào ta cũng đứng từ xa dõi theo dáng hình xinh xắn đó, lòng rộn ràng niềm ấm áp mến thương. Sinh ra giữa thời chiến như này, tuổi thơ hẳn sẽ thiệt thòi lắm. Bọn trẻ con phải làm đủ thứ việc để phụ giúp bố mẹ, trông nom các em nhỏ. Nhà thì đông con, thức ăn thì đâu có nhiều nhặn gì, lúc nào cũng phải chia nhau từng tý một. Cơm còn không đủ chứ đừng nói đến thịt cá hay các chất dinh dưỡng khác, may sao “cơm cháo nuôi nhau” qua ngày mà bọn trẻ vẫn lớn khôn, ngoan ngoãn và biết lo lắng quan tâm đến người khác:
Mẹ ơi mẹ nghỉ tay, trời trưa vừa tròn bóng
Mẹ ăn cơm cho nóng mà để trâu cho con chăn, ớ chăn trâu
Mai đây lúa thơm xóm thơm làng, lúa thơm lừng cả bàn tay
Là thơm nắng hôm nay khi em đưa cơm cho mẹ em đi cày[2] 
Sự thiếu thốn thì chúng ta đã quen lắm rồi, chúng ta thuộc về cái thế hệ ấy mà. Nhưng các cháu hẵng còn bé chắc vẫn nhiều lạ lẫm. Chưa kể đến việc còn phải đối diện với nỗi sợ hãi mỗi khi hiệu lệnh “đồng bào chú ý, đồng báo chú ý” vang lên trên loa phát thanh lại dáo dác chạy vào hầm trú ẩn. Thiếu cái ăn cái mặc, thiếu bình yên, thiếu vắng cả sự chăm sóc của bố mẹ mỗi lần cùng các em đi sơ tán. Phải chăng chính từ những ngày tháng thiếu thốn đủ bề như vậy đã nung nấu trong các cháu khát khao một tương lai ấm no đầy đủ? Niềm hy vọng mãnh liệt ấy cứ âm ỉ cháy trong từng cá thể, từng chút từng chút lớn dần và đến mai kia trưởng thành cái khát vọng đó cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Đồng hành với các cháu từ thời kì thiếu thốn, chứng kiến cả chặng đường gian nan cơ cực với vô vàn biến cố thử thách, chúng ta thực sự tự hào về các cháu – THẾ HỆ LẤP ĐẦY, những đứa con đã không phụ lòng mong mỏi của thế hệ trước, đã hiếu thảo đền đáp biết bao máu xương để lại trên chính mảnh đất ông cha. Chiến tranh dù phi nghĩa bao nhiêu thì các cháu đã khiến chúng ta yên tâm khi biết sự hy sinh của mình không hề vô nghĩa.
Đất nước sang trang. Cái ước muốn giản dị “ăn chắc mặc bền” của thời ta trở nên lạc hậu, thay vào đó là “ăn ngon mặc đẹp.” Những em bé ngày nào còn đưa cơm cho mẹ đi cày giờ đã trở thành kĩ sư, bác sĩ, doanh nhân…với biết bao lựa chọn “đổi đời” như bù đắp cho quá khứ chật vật của bản thân, gia đình và cả xã hội. Kinh tế ngày càng ổn định và phát triển mọi mặt, nhà cao tầng mọc lên ở khắp mọi nơi, sự giàu sang rộ lên như những bông hoa ấm ức quá lâu đến ngày bung nở. Ao ước được no đủ từ thời chúng ta, nhờ các cháu giờ đã thành hiện thực. Ngoài cơm ăn áo mặc hay các nhu cầu cơ bản khác, mỗi gia đình còn có khả năng sắm sửa nhiều đồ dùng, tích lũy thêm nhiều của cải vật chất có giá trị. Nhưng dường như, ta cảm giác dù đã bị che phủ bởi bụi thời gian nhưng dư âm của “ngày xưa” vẫn ăn sâu trong tiềm thức của thế hệ này nên dẫn đến tình trạng tích trữ thực phẩm, nhất là đồ ăn ngày Tết lễ (ám ảnh cái đói); tích trữ đồ đạc cho bản thân hay con cái (bù lấp tuổi thơ thiếu thốn); lấy “ổn định” làm mục đích sống như tìm công việc nhà nước, “mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ[3]” (nỗi sợ chiến tranh và ly tán.)
Một cuộc đời lý tưởng như vậy thì đâu có gì sai. Chỉ có điều, lý tưởng ở mỗi thời một khác.
Bức thư thứ ba
Thưa ông,
Con vừa đọc xong bức thư ông viết dành cho thế hệ con. Thực lòng con cảm thấy vô cùng sung sướng và trân trọng sự thấu hiểu và cảm thông của ông dành cho chúng con, một điều mà con thấy mình vẫn chưa thể làm được đối với thế hệ con cái con sau này. Bọn trẻ bây giờ khác chúng con nhiều quá ông ạ, có quá nhiều thứ chúng làm mà có cố gắng đến đâu con cũng không thể hiểu được. Con xin phép kể cho ông nghe vài điều để ông được biết và con mong chờ được lắng nghe phản hồi của ông. Để nói về thế hệ này, con sẽ đặt tên là THẾ HỆ BỎ ĐI.
Trước hết con phải giải thích chữ BỎ ĐI này không phải trong chữ “đồ bỏ đi” để ông và bọn trẻ đừng hiểu lầm ý con. “Bỏ đi” ở đây là bớt cái này đi, bớt cái kia đi. Sở dĩ con đặt tên như thế bởi vì con quan sát thấy hình như đây là xu thế ngày càng phổ biến trong cộng đồng người trẻ bây giờ. Bắt đầu từ việc ăn mặc – những nhu cầu cơ bản ông đã nhắc đến trong thư viết cho con. Nếu như ở thời con lúc nào cũng chờ mong đến lễ Tết để được ăn uống no nê thì bây giờ bọn trẻ đứa nào cũng ăn ít đi, đứa thì sợ béo, đứa thì ăn kiêng giữ dáng hay theo chế độ “low carb” gì đó, nhiều đứa còn ăn chay vì môi trường, không muốn giết hại động vật. Và đứa nào cũng kêu sợ cỗ bàn ông ạ! Chúng ngán ngẩm trước mâm cỗ đầy thức ăn mà ngày xưa chúng con từng thèm thuồng, cầm bát lên gảy gảy vài miếng rồi thôi, chẳng ăn uống gì nữa, luôn miệng phàn nàn vì sao cứ phải bày vẽ nhiều món thế. Mỗi lần như vậy còn đều thấy chạnh lòng, đó là truyền thống từ bao đời nay, chẳng nhẽ lại quay lưng? Cái ăn là vậy, đến cái mặc cũng như thế. Trước đây thì chúng cũng hân hoan mỗi lần được mua quần áo mới và cũng mua sắm nhiều, nhưng bây giờ suốt ngày con thấy túi lớn túi bé quần áo được dọn đi, rao bán trên mạng hoặc ủng hộ từ thiện. Bọn trẻ bị làm sao vậy, hay đang có xu hướng gì mới mà mình chưa biết? Con thường xuyên nghe chúng nhắc đến chủ nghĩa tối giản minimalism hay sống xanh zero waste, say sưa đọc sách của một cô người Nhật tên là Marie Kondo như sách giáo khoa dạy cách vứt bớt đồ. Bọn nhỏ luôn luôn than phiền rằng chúng con tích trữ quá nhiều đồ cần vứt bỏ, nhưng con thấy những đồ đó vẫn còn dùng được làm sao vứt được, và thế là cãi nhau. Liên miên, lần nào cũng vậy.
Mặc dù vậy, dù sao thì bớt ăn bớt mặc vẫn là chuyện nhỏ, còn có thể chấp nhận. Nhưng có những chuyện lớn hơn mà chúng cũng bỏ đi một cách dễ dàng thì con cũng không biết phải làm sao ông ạ. Con đang muốn nói đến Hôn nhân và Sự nghiệp. Hai việc mà ở thời con được coi như hệ trọng nhất của đời người, ấy thế mà bây giờ chúng coi nhẹ như không, thật không sao mà hiểu nổi. Các bạn trẻ trì hoãn việc kết hôn càng lâu càng tốt, không có độ tuổi nào được coi là “muộn” cho việc lập gia đình. Có gia đình rồi lại trì hoãn việc sinh con bởi cho rằng có con phiền phức. Lại có cả phong trào single dad, single mom cho những ông bố bà mẹ muốn có con mà không có gia đình. Không biết do thời ông và thời con coi nặng việc này quá hay bọn trẻ con nhẹ quá, mà ngày nay việc ly hôn trở nên rất dễ dàng, có nhiều đôi vừa cưới nhau được mấy tháng đã đem nhau ra tòa. “Ổn định” dường như biến mất khỏi từ điển, chúng không mấy mặn mà với một công việc nhà nước đáng mơ ước trước kia. Nhảy việc liên tục hết chỗ này chỗ khác, làn sóng khởi nghiệp nở rộ khắp mọi nơi. Ngay đến việc làm công sở tám tiếng một ngày trong môi trường quần âu sơ mi váy đầm sang trọng, điều hòa mát lạnh cũng không níu chân lâu, trong khi những quán café với mô hình kết hợp chỗ làm việc working space ăn nên làm ra nhờ lực lượng làm việc tự do freelancer ngày càng đông đảo. Con thấy lạ và lo lắng quá, ông ạ. Hình như ngay đến cả tiền, bọn trẻ cũng không tha thiết nữa. Cái gì chúng cũng muốn vứt, vứt hết, rồi sao nữa? Hôm trước con đi xe bus tình cờ nghe được này, nghe nói đang rất hot trong giới trẻ:
Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công
Miệng cười như nắng hạ, nhưng trong lòng thì chớm đông
Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau[4]
Ông có cảm thấy bọn trẻ bây giờ khác chúng ta nhiều quá không? Mất bao nhiêu công sức chúng ta mới gây dựng được cuộc sống no đủ như hôm nay, thành thị văn minh hiện đại đến như vậy mà muốn về quê “nuôi cá và trồng thêm rau?” Cảm tưởng chúng muốn phủ nhận tất cả, đi ngược lại các giá trị chúng ta vun đắp theo đuổi, sống không biết ngày mai, luôn trong trạng thái “xách ba-lô lên và đi” hay theo ngôn ngữ bây giờ là “phượt”, coi chủ nghĩa xê dịch là lý tưởng đích thực và “trải nghiệm” là đích đến của cuộc sống.
Tuổi trẻ này mình cùng nhau
Khoác vai đi từ sáng tới đêm
Hát lên như chưa từng được hát
Vui nay thôi ai biết mai sau [5]
Con đồng ý trải nghiệm rất cần thiết cho bọn trẻ, nhưng cái ý tưởng “vui nay thôi ai biết mai sau” trong ca khúc vang lên trên mọi chuyến đi như “quốc ca phượt” của bọn trẻ, con thấy cứ sao sao. Ông có nghĩ giống con không?
Bức thư cuối cùng
Gửi những ai đọc tới dòng này,
Để mở đầu cho bức thư cuối, tôi xin chép ra đây một trích đoạn từ tác phẩm được viết từ năm 1935, cách đây gần tròn thế kỉ. Đây là lời của một cô gái đối đáp lại mẹ (thời đó gọi là me) khi bị ép cưới người cô chưa từng gặp mặt, chỉ vì hai nhà đã hứa gả con cho nhau theo tục lệ cũ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Cô đem lòng yêu người khác, không hề muốn chấp nhận đám cưới này nhưng lại không muốn làm trái lời cha mẹ. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cô quyết định bày tỏ suy nghĩ của mình:
Thưa me, con xin lỗi me đã làm me phải phiền lòng. Nhưng còn hơn là để me buồn khổ mãi mãi. Nếu con không cắp sách đi học, con sẽ cho lời me là một cái lệnh không thể trái được, con sẽ như mọi người khác bị ép uổng, rồi liều mình tự tử. Đó mới là bất hiếu. Chứ nói rõ để me biết chỉ làm phiền lòng me chốc lát mà thôi. Thầy me giận con, vì thầy me không thể tưởng được rằng làm phận con lại dám cả gan trái lời bố mẹ. Con, con cho thế mới là phải đạo.
Và thêm đoạn sau đây nữa:
Tôi nói cốt để chị em gái mới đến đây nghe, biết rằng nếu các chị muốn được hưởng hạnh phúc với chồng con, thì điều trước nhất, các chị em phải tìm cách sống một đời riêng, một đời tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng nhà chồng và nhất là cố vượt hẳn ra ngoài quyền của cha mẹ chồng thì mới mong gia đình được hòa thuận.
Những lời này, nếu tôi không nói có lẽ bạn nghĩ trích từ lời thoại “Sống chung với mẹ chồng” chiếu trên truyền hình. Khó ai có thể nghĩ nó đã xuất hiện trong cuốn sách được xuất bản từ những năm 30 của thế kỉ trước, khi nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ phong kiến. Nếu bạn trẻ thắc mắc về sự phản kháng của thế hệ tôi, hy vọng những lời đầy gãy gọn và đanh thép của cô Loan trên đây đã phần nào đem lại câu trả lời cho bạn. Trong xã hội trọng nam khinh nữ ấy, mặc dù việc lên tiếng thể hiện quan điểm cá nhân không hề dễ dàng tự do như thời đại bây giờ, tuy nhiên vẫn có người dám dũng cảm lên án tập tục lạc hậu, thói hư tật xấu cần được loại bỏ hoặc xem xét lại, phản đối những sự chèn ép bất công; bênh vực lẽ phải, kẻ yếu. Khi người dân chưa từng có khái niệm gì về truyền thông, “tự do ngôn luận”, vào năm 1907, trong Đăng cổ tùng báo – tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, ông chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh[6] đã viết những dòng sau:
(về tục kết hôn sớm[7])
Thế mà An Nam ta thì lửa tình mới nhóm đã tắt ngay. Lấy vợ lấy chồng cũng đã hình như là lấy nước mà tưới đống lửa. Ở đời có một điều thú chưa ước ao mà đã được, thì còn sung sướng gì. Ngẫm mà xem, ở trần gian mọi cảnh vui thú ở lúc ước ao nhiều.(tr79)
(về thói đua đòi ăn diện)
Có thừa tiền đi mua sách mà học, tu cái trí lại, trang điểm câu nói cho gãy gọn, dễ nghe, thì là đẹp, chớ mặt thì xén gọn gàng, nhưng mở miệng ra như miệng cống, thì có thơm tho gì.(tr39)
(về việc tôn trọng phụ nữ)
Đàn ông đâu, có muốn ve vãn người ta, thì thiếu gì cách trang trọng. Bụng có nghĩ càn, thì cũng phải biết giữ cái càn ở trong bụng, chớ đâu lại có đem bêu ra môi ở giữa phố, như là hủi vạch chân tay ở giữa chợ bao giờ (…) Làm con gái nước Nam có vả cho mấy ông ấy vài cái, thì đã bảo rằng đanh đá, mang tai mang tiếng, nhưng quả lúc bấy giờ, tôi ngứa tay quá (…) Hủ bại là dốt nát, là ăn không, ngồi rồi, là tin ma tin thần, là người một nước ghét nhau, là quan tham lại nhũng (…) Song hủ bại, lại còn không biết kính trọng người đàn bà, là người hèn yếu , là người trăm nỗi bịt miệng, bịt tai nữa.(tr26)
Tôi trích những dòng trên đây để các bạn có thể hình dung được tâm tư nguyện vọng của thế hệ chúng tôi, về sự phản kháng tuy nhỏ lẻ nhưng có lẽ không kém phần “nổi loạn” trước các vấn đề tồn tại đến tận bây giờ. Một bức tranh nhìn toàn cảnh dẫu có yên ả đến đâu thì cũng luôn ẩn chứa trong đó ít nhiều mâu thuẫn, người trong cùng một thế hệ đã vậy chứ huống chi các thế hệ khác nhau. Khi dùng từ “thế hệ” ở đây, xin các bạn lưu ý tôi không có ý đánh đồng “vơ đũa cả nắm” nhưng trong phạm vi quan sát và tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chỉ muốn tập trung vào những đặc điểm bao quát số đông. Khác biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác, độ tuổi này với độ tuổi khác, thế hệ này đến thế hệ khác. Vậy giữa chúng ta liệu có tồn tại điểm tương đồng nào không?
Phong trào nữ quyền thời này mới có ư? Tôi thì tôi cho rằng chính ông Nguyễn Văn Vĩnh đã thắp lên ngọn lửa đó trong Đăng cổ tùng báo từ những năm 1900. Ước mong “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” chẳng phải cuộc sống quá quen thuộc từ thời “ông bà anh”: tìm về với nông nghiệp, học cách gieo một hát thóc, trồng một cái cây là về gần hơn với cội nguồn, với mẹ thiên nhiên.
Còn chủ nghĩa xê dịch, tôi đồng ý ngày nay lớp trẻ có điều kiện hơn chúng tôi ngày trước để lên đường đi đó đây, nhưng tôi hy vọng các bạn vẫn còn nhớ đến những “phượt thủ đời đầu” (mượn cách nói của các bạn) như ông Nguyên Tuân chu du khắp miền đất nước và để lại những trang viết đỉnh cao bậc thầy của thể loại tùy bút, “viết như chơi như bời, mà văn chương vẫn như mây như sóng” [8]; nhưng trước đó, một nhân vật nổi danh khác là Phạm Quỳnh đã tiên phong thể loại du kí ở Việt Nam với quan niệm sáng tác rất đáng suy ngẫm: “không cứ phải đi Tây đi Tàu mới gọi là đi “du lịch”[9]; hai kho tàng vẫn đang sống cùng chúng ta là Nguyên Ngọc – người dành hơn nửa cuộc đời “phượt” Tây Nguyên, am hiểu sâu sắc mảnh đất này như máu thịt của mình; một người tên Ngọc nữa là nhà văn hóa đại thụ Hữu Ngọc, đặt chân đến mọi vùng miền của Việt Nam, nay đã tròn 100 tuổi nhưng vẫn tiếp tục viết để “xuất nhập khẩu văn hóa” bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt[10]. Còn một “thánh phượt” thuộc “Thế hệ lấp đầy” tôi đặc biệt ấn tượng mà có lẽ chưa nhiều người biết đến là ngư dân Lương Viết Lợi – người suốt cả đời chưa đi khỏi làng mình đã lên đường chinh phục Thái Bình Dương cùng đoàn du hành lừng danh thế giới trên chiếc bè tre đóng ở Sầm Sơn.[11]
Kể ra những ví dụ này, tôi muốn khẳng định một điều: khát khao khám phá chân trời mới thời nào cũng có, nếu thế hệ sau có nhiều khả năng thực hiện thì đó là sự an ủi và tiếp nối cho ước mơ dang dở của chúng tôi. Chỉ có điều, tôi hy vọng các bạn gói ghém cho mình hành trang đích đáng trước khi lên đường: đi để nghỉ ngơi, khám phá, tận hưởng. Đi có ý thức chứ đừng dùng tiền để thỏa mãn nhu cầu hẹp hòi mà vô tình góp phần phá hoại thêm những cảnh quan, cuộc sống bản địa. Trong quá trình “lấp đầy”, thiên nhiên đã bị ảnh hưởng nhiều lắm. Chúng ta không cần và tôi nghĩ cũng không nên đổ lỗi cho riêng thế hệ nào, thay vào đó hãy chấp nhận đối diện với nó như phần bắt buộc của đổi thay. Cũng đừng nên lí tưởng hóa việc đi, bạn ạ. Trái đất hình cầu, đi mãi đi mãi rồi cũng về vạch xuất phát mà thôi. Kho báu có thể ẩn lấp ở một nơi xa, hoặc ở ngay dưới chân mình. Các bạn đã bắt đầu biết trút bỏ, theo tôi, điều đó đáng mừng nhiều hơn đáng lo. Chủ nghĩa tối giản, dẹp bớt những thủ tục rườm rà cũ kĩ mà bạn coi là tinh thần của thế hệ 8x,9x thực ra đã được Nguyễn Hiến Lê, một học giả 1x lỗi lạc khác của Việt Nam nhắc đến:
Thời xưa mong giữ được mộ 100 năm, thời nay tôi sợ không được vài chục năm. Cho nên tôi tính chết thì hỏa táng, đỡ thắc mắc cho con cháu ở xa. Và cúng giỗ, tôi cũng bảo dẹp bớt đi! Không ngờ cái tục lệ thiêng liêng mấy nghìn năm của mình bây giờ chỉ trong có mấy năm mà thay đổi hẳn. Ngay cả tâm trạng của mình cũng thay đổi nữa![12]
Thiếu thốn đã được lấp đầy. Có đầy đủ thì sẽ có bớt đi. Bớt đi vật chất thừa thãi rườm rà là dấu hiệu của quay trở về với tinh thần bởi theo Lão Tử[13] “văn minh vật chất mà đến mức cùng tột rồi, bèn sẽ xoay về tinh thần.” (tr48) Chứng kiến ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến với Phật giáo, nghe pháp thoại, tập thiền, Yoga, tìm hiểu tâm linh và am hiểu các tư tưởng triết học từ Đông tới Tây là điều vô cùng đáng quí. Nếu thế hệ của tôi sẵn biết rõ từ đầu một lý tưởng rõ ràng để đi theo, cuộc sống vừa dễ dàng nhưng cũng rất hạn chế và bị kìm hãm bởi chế độ khắc nghiệt. Còn thế hệ bạn, thời điểm và điều kiện hoàn hảo để băn khoăn về cuộc đời, hẳn khó tránh khỏi nhiều hoang mang về con đường lựa chọn khác nhau, hãy dũng cảm bình tâm vì mọi thứ vẫn xảy ra đúng với qui luật vận động của nó. Chúng ta đừng minh oan hay trách móc mà cố gắng khách quan ghi nhận tương đồng và khác biệt để dù thế hệ nào, với câu chuyện cá nhân hay bối cảnh xã hội nào cũng thấy mình trong đó. Thấy cả thế hệ trước mình, sau mình, tất cả vẫn đang cùng nhau trên một dòng chảy không ngừng. Đổi thay không phải là bất hiếu, mà là tất yếu. THIẾU THỐN – LẤP ĐẦY – BỎ ĐI: chúng ta không bao giờ phủ nhận nhau mà hoàn thiện nhau, tiếp nối nhau. Trái đất hình cầu và tôi tin cuộc đời mỗi con người không kéo một đường thẳng từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi mà còn kéo mãi, kéo mãi, đời này nối tiếp đời sau, kiếp này nối tiếp kiếp sau, lặp lại, đan xen ở nhiều chiều không gian thời gian vượt ngoài tầm hiểu biết của mỗi người. Và việc của chúng ta – những cá thể yếu ớt riêng rẽ đó, là nắm lấy bàn tay bé nhỏ của nhau để đan lại một thế giới vốn đã quá nhiều thương đau mất mát, để dựng lên cái chất keo kì diệu gắn kết mọi kiếp sống trên hành tinh này. Bởi bạn đã bắt đầu thư bằng một bài hát nên tôi cũng sẽ kết thúc thư bằng một bài hát của nhạc sĩ thế hệ tôi, viết vào những năm của thế hệ bạn và vẫn tiếp tục vang lên ở khắp các trường đại học bây giờ, để gửi đến bạn một chữ “nối” thiêng liêng mà gần gũi.
Cờ nối gió đêm vui nối ngày
Giòng máu nối con tim đồng loại
Dựng tình người trong ngày mới
Thành phố nối thôn xa vời vợi
Người chết nối linh thiêng vào đời
Và nụ cười nối trên môi[14]
[1] Trích lời bài hát Ông bà anh – Lê Thiện Hiếu
[2] Trích lời bài hát Đưa cơm cho mẹ đi cày – Hàn Ngọc Bích
[3] Trích lời bài hát Bức thư tình thứ nhất – Đỗ Bảo
[4] Trích lời bài hát Bài này chill phết – Đen Vâu
[5] Trích lời bài hát Bài ca tuổi trẻ – Jgkids
[6] Nguyễn Văn Vĩnh, Nhời đàn bà, NXB Phụ nữ 2018
[7] Phần trong ngoặc (về việc…) là của người viết tóm tắt ý chính của trích đoạn để người đọc tiện theo dõi
[8] Trích lời Nguyễn Khải. Vương Trí Nhàn, Nguyễn Tuân: Tên tuổi còn mãi với thể tùy bút https://phebinhvanhoc.com.vn/nguyen-tuan-ten-tuoi-con-mai-voi-the-tuy-but/
[9] Phạm Xuân Nguyên, Phạm Quỳnh và du ký http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/7137/pham-qunh-tuyen-tap-du-ky
[10] Nhà văn hóa Hữu Ngọc – một thế kỷ lãng du http://nguoihanoi.com.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-mot-the-ky-lang-du_245134.html
[11] Tham khảo thêm cuốn sách Bè tre Việt Nam du ký của Tim Severin (NXB Trẻ, 2014) Người hùng bè tre vượt Thái Bình Dương https://tuoitre.vn/nguoi-hung-be-tre-vuot-thai-binh-duong-20180820115520241.htm
[12] Trích thư đề ngày 18-7-81 của ông gửi cho nhà thơ Bàng Bá Lân
https://kilopad.com/Tieu-su-Hoi-ky-c12/doc-sach-truc-tuyen-nguyen-hien-le-cuoc-doi-tac-pham-phan-b3594/chuong-5-ti5
[13] Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử tinh hoa, NXB Trẻ 2013
[14] Trích lời bài hát Nối vòng tay lớn – Trịnh Công Sơn
Yêu thích bài viết này, mời bạn ủng hộ việc viết lách của mình qua các cuốn sách tự xuất bản ở đường link sau: https://forms.gle/JQ61Mk61kUGwbDHr9