Dạo gần đây mình bắt đầu đọc cuốn: Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải của tác giả Cao Minh. Bản thân thấy cuốn sách đưa ra nhiều mảng màu khá thú vị về tư duy và thế giới nội tâm. Cũng may mắn vì trước khi đọc cuốn này thì mình đã được trang bị kiến thức cơ bản về cả vật lý lý thuyết (thông qua cuốn Lược sử thời gian và Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ); về vấn đề con người (thông quan cuốn Lược sử loài người, súng vi trùng và thép); triết học tôn giáo (tìm hiểu sơ về đạo Phật trong  Phật học tinh hoa) và quan trọng nhất có lẽ là phương pháp học và tiếp thu kiến thức thông qua: Tôi tự học, Óc sáng suốt của Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Những kiến thức của mình thì rất nông cạn nhưng nó đã giúp phần phụ trợ cho mình khi hiểu được phần nào nội dung của các câu chuyện được kể trong: Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải. Qua đó hiểu tác phẩm hơn, nhiều chiêm nghiệm bổ ích hơn và không bị cuốn theo dòng tâm lý của nhân vật như trước đây khi mình đọc Hanibal của Thomas Harris.
    Khi đọc cuốn Hanibal của Thomas Harris, mình đã bị lôi cuốn theo nhân vật Hannibal Lecter rất nhiều. Đôi lúc mình còn cảm thấy đang đi theo chiều hướng xấu khi nảy ra ý tưởng sẽ sử dụng đòn tâm lý như của Hannibal Lecter để phục vụ dục vọng của bản thân. Mình nghĩ rằng để hiểu những gì tác giả muốn truyền đạt thì phải thật sự nhập tâm và hoà cùng nhân vật trong tác phẩm đó. Do đó, mình đã thả lỏng tiềm thức để trải nghiệm và cảm thấy một tác phẩm mang màu sắc âm u như Hannibal có ảnh hưởng đến tâm lý của mình một cách vừa thú vị vừa đáng sợ. 
    Có thể nói, Hannibal và cả những bệnh nhân tâm thần được kể đến trong Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải có một thế giới quan rất độc đáo. Họ tạo nên thế giới quan của họ dựa vào một số niềm tin mãnh liệt mà họ coi là tôn chỉ cốt lõi thế giới.  Thế giới quan của họ hợp lý, hoàn thiện, logic tới nỗi ở trong đó họ không điên mà chúng ta mới là những kẻ điên. Chỉ có một vài vấn đề mà tác giả cố ý không nhắc tới cũng là điểm thú vị và hấp dẫn dành cho người đọc: Tìm ra chỗ sai trong cốt lõi xây dựng nên các thế giới quan đó. 
    Đối với Hannibal cũng như vậy, hắn cũng có thế giới quan được xây dựng dựa trên những sự sai lệch trong tâm lý. Điểm khác biệt là hắn quá thông minh. Thế giới quan của hắn được đúc kết, quy nạp, bồi dưỡng bởi nhiều kiến thức uyên thâm nên vô cùng phức tạp. Hắn không do dự, không sợ hãi, không hối hận, không ăn năn hay cắn rứt lương tâm. Nguyên nhân chính là: Thế giới quan của hắn hoàn toàn khác chuẩn mực xã hội nên hắn không thể bị chuẩn mực xã hội (thứ còn gọi tắt là lương tâm) phát xét. Trong thế giới quan của hắn, chuẩn mực, đạo đức, sự hỗn loạn của xã hội cũng chỉ là thứ để hắn lợi dụng phục vụ cho nhu cầu của bản thân hắn, cho mục tiêu tối thượng trong thế giới quan của hắn. Xét cho cùng, lương tâm không phải xuất phát từ bản thân mỗi người, nó là tổng hợp của các chuẩn mực xã hội được quy nạp vào trong tiềm thức, đóng vai trò phán xét chính bản chất của con người.
    Mỗi người đều có một thế giới quan khác biệt so với phần còn lại. Người ta phán xét một kẻ có điên hay không dựa vào hành động của anh ta có khác so với hành động phổ biến trong xã hội anh ta đang sống hay không. Có những kẻ có thế giới quan vô cùng phức tạp, sai lệch và biến thái nhưng hắn không thể hiện ra bên ngoài hoặc giỏi che dấu như bác sĩ Hannibal thì cũng chẳng ai đánh giá hắn là điên cả (Mặc dù nhắc đến điên người ta liên tưởng đến khái niệm: Tư duy không bình thường nhưng thực tế là dù biến thái sai lệch mà không bộc lộ ra bên ngoài thì cũng chẳng ai biết kẻ đó có điên không)

    Bản thân không có gì để phán xét
    Kẻ điên là khi mà tư duy của anh ta có sự sai lệch, biến thái lớn so với chuẩn mực xã hội. Vậy nên đối với một người, anh ta chẳng bao giờ điên cả. Do tư duy và chuẩn mực của anh ta đồng nhất với nhau nên làm gì có sự sai lệch. Anh ta có thể điên với xã hội nhưng không bao giờ điên với bản thân anh ta. Mình đã rất sợ, cân nhắc trong việc tiếp thu thêm nhiều kiến thức về tâm lý học và triết học vì những loại kiến thức này rất trừu tượng và thậm chí còn có nhiều điểm khác xa với tiêu chuẩn xã hội mình đang sống. Càng tìm hiểu mình càng thấy tâm lý mình bị dao động, thậm chí nghĩ liệu có khi nào mình cũng sẽ điên giống những bênh nhân trong cuốn ''Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải'' hay không? Sau một thời gian suy nghĩ thì mình rút ra những quan điểm cá nhân như thế này.
    Thứ nhất, thế giới quan của con người không ngừng được hoàn thiện, bổ sung dựa trên niềm tin vào những nguyên lý vận hành mà cá nhân mỗi người tin tưởng. Vì Kẻ điên là kẻ mà tư duy có sự sai lệch, biến thái lớn so với chuẩn mực xã hội nên để không trở thành người điên thì cần phải dung nạp những thứ mà xã hội mình đang sống xem là chuẩn mực. Không nên đi ngược lại với quy luật xã hội, những thế giới quan độc đáo rất thú vị nhưng thường đi quá xa với quy luật xã hội nên bị phán xét là điên cũng dễ hiểu.
    Thứ hai, cần phải có một "cốt lõi thế giới quan" vững vàng, chọn lọc từ tiêu chuẩn xã hội sau đó mới tiến hành dung nạp thêm kiến thức khác nhưng vẫn phải chắt lọc dựa trên "cốt lõi" đã hình thành. Cho dù cố chấp, bảo thủ nhưng không được thay đổi cốt lõi của mình. Nếu thay đổi cốt lõi thì thế giới quan cũng sẽ hoàn toàn sụp đổ, khi đó sẽ rất dễ bị những "cốt lõi" lệch chuẩn trở thành nền tảng tạo nên thế giới quan mới - sai lệch với quy chuẩn xã hội.  
    Thứ ba, bản thân phán xét xã hội chứ không phải xã hội phán xét bản thân. Như đã nói ở trên, kẻ điên không bao giờ điên trong thế giới của họ. Điều này thực ra là hoàn toàn chính xác đối với tất cả mọi người. Chúng ta chỉ lệch chuẩn so với xã hội chứ không bao giờ lệch chuẩn so với chính chúng ta. Sự lo lắng bị người khác phán xét là hoàn toàn ngu ngốc vì đã cho phép tiêu chuẩn xã hội (thứ ngoại lai hình thành hỗn tạp) phán xét bản chất (thứ quan trọng nhất trong mỗi con người). Chúng ta xây dựng cốt lõi thế giới quan trên cơ sở tương đồng với chuẩn mực xã hội là bởi nó phù hợp để phát triển nhiều yếu tố (vật chất, danh vọng, mối quan hệ,..) trong tương lai chứ không phải chạy theo quy chuẩn xã hội. Quy chuẩn xã hội suy cho cùng cũng chỉ là một tài liệu tham khảo để ta dựng mục lục cho nhân cách của mình. Những chi tiết thú vị phải do ta tự viết nên chứ không phải sao chép từ quy chuẩn ấy và cũng ko thể để những quy chuẩn ấy gò bó bản thân mình được.