Trong quyển giáo trình hóa hữu cơ 1311 trang của Maitland Jones, có câu này khiến mình khá tâm đắc:
"Be very careful about “nothing happens” answers. They are almost always wrong" (Hãy cẩn trọng khi định trả lời rằng "không có phản ứng". Câu trả lời đó sai trong hầu hết trường hợp). Câu này được viết khi tác giả đang giải thích một trường hợp mà tưởng chừng không thể có phản ứng nào xảy ra cả, nhưng vì là chuyên môn nên mình sẽ không đi sâu.
Cái mình muốn nói ở đây là, tư duy của người làm khoa học là phải như vậy: Chẳng có gì là không thể xảy ra cả. Mình nhớ tới câu nói nổi tiếng của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông" bởi dòng sông liên tục chảy. Thế giới vĩ mô đã chuyển động không ngừng, thế giới vi mô nhỏ hơn thì chuyển động còn khủng khiếp hơn thế, ví dụ như tốc độ của electron có thể tiệm cận gần tới tốc độ ánh sáng (3 x 10^8 m/s). Vì vậy, hầu như lúc nào cũng có một thứ gì đó đang xảy ra cực kỳ nhanh, kể cả vi mô và vĩ mô. Những phân tử vẫn đang chuyển động, những tế bào vẫn đang chết. Và khi chúng ta ở đây, trong hành tinh chật hẹp này, thì chẳng biết mỗi giây trôi qua, hệ mặt trời này, ngân hà này liệu đang di chuyển đến tận đâu trong vũ trụ xa xôi, và vũ trụ liệu đã mở rộng thêm bao xa rồi.
img_0Thôi khỏi dịch, nhưng cũng là cut từ giáo trình hóa :v
Có lần trên facebook có một câu hỏi đại loại như "Có dạng sự sống nào không phải dựa trên carbon không", câu trả lời được đưa ra là không, bởi khả năng tạo mạch của carbon là vô địch, không chất nào có thể làm được như thế nữa => không bao giờ có dạng sự sống khác. Không thể phủ nhận là carbon thực sự rất kỳ diệu. Nhờ có carbon mà chúng ta không chỉ có cả một chuyên ngành riêng để nghiên cứu (hóa hữu cơ), mà còn có cả một hệ sinh thái hết sức phong phú, đa dạng. Nhưng chính vì những nguyên tử nhỏ bé có thể trở nên kỳ diệu đến thế, thì tại sao sự sống lại chỉ giới hạn ở carbon nhỉ, các nguyên tố khác, silic, phốt-pho, ni-tơ, ... không làm được những điều như vậy sao? Ai mà biết được chứ. 
Kết quả hình ảnh cho beautiful fish ocean
Vũ trụ vô tận, những gì ở mấy hành tinh ngay trong hệ mặt trời thôi mà chúng ta còn chưa khám phá hết, tại sao lại có thể áp đặt một câu xanh rờn "không thể" dựa trên vốn kiến thức hết sức ít ỏi đó? Các bạn có biết có những hành tinh nơi mà kim cương lấp lánh bao phủ, CO2 thì chảy như mưa, hidro thì tồn tại dạng kim loại không? Đó đều là những thứ mà tưởng chừng không thể xảy ra trên trái đất đấy. Vậy nhỡ trên một hành tinh nào đó mà liên kết Si-N (silic-nitơ) lại định hình sự sống chứ không phải C-H (carbon-hidro) thì sao, làm sao mà chúng ta biết được? Khả năng tồn tại một dạng sự sống không phải dựa trên những loại hạt chúng ta đã biết (nguyên tử, electron, proton, neutron) thì khó hơn chút, chứ khả năng hình thành sự sống dựa trên silic có không, tại sao lại không nhỉ? Và vô vàn những câu hỏi khó khác cũng thế, câu trả lời là chúng ta hoàn toàn có thể:
Chúng ta có thể tìm thấy sự sống khác ngoài vũ trụ không? Có.
Chúng ta có thể đưa con người tới sinh sống ở nhiều hành tinh khác nhau không? Có.
Chúng ta có thể đi tới tận cùng vũ trụ không? Mình tin là có.