Từ "Châu Âu" (Europe) có nguồn gốc từ tiếng Akkad và mang nghĩa là "mặt trời lặn" hay "phương Tây". Nhưng phương Tây ở đây là so với địa điểm nào? Nơi nào được người Lưỡng Hà cổ đại chọn làm mốc đặt phân chia thế giới? Nếu lấy mốc ở vùng Lưỡng Hà - cội nguồn của tiếng Akkad và cả của toàn bộ nền văn minh nông nghiệp phía Tây, thì ắt hẳn những vùng như Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) cũng phải được gọi là Châu Âu. Hoặc ngược lại, chúng ta có thể cười vào ý nghĩ có thể phân chia Châu Âu và Châu Á vì thực tế cả hai đều nối liền nhau thành một mảng lục địa lớn và không có ranh giới nào rõ ràng. Thứ ranh giới về địa lý thực sự giữa hai châu lục chỉ là những eo biển nhỏ bé trên bản đồ thế giới hiện tại, nhưng chúng lại không hề nhỏ bé với những người cổ đại.
Biển cả chính là mốc phân chia giữa hai thế giới - ít ý nghĩa về mặt địa lý tổng thể, nhưng lại cực kỳ ý nghĩa về mặt văn hóa sau này. Cuộc sống của những cư dân làm nông ở bờ Đông Địa Trung Hải chẳng lấy làm gì dễ chịu - đất đai không quá màu mỡ, kẹp giữa một bên là biển (một vùng nước mặn mà chẳng hề giúp gì cho phát triển nông nghiệp) và bên khác là sa mạc cùng với núi đồi. Nhìn rộng ra hơn, vùng đất này cũng bị bao vây bởi những trung tâm nông nghiệp khổng lồ như Lưỡng Hà, Tiểu Á, đồng bằng sông Nile và kèm theo đó là những đế chế hùng mạnh, nơi liên tục uy hiếp, tấn công, giành giật, và đương nhiên, thường giành phần thắng trước những người dân yếu ớt sống ở đây. Có lẽ chính cuộc sống làm nông vất vả và nguy hiểm ở vùng đất ven biển này đã là động lực thúc đẩy một số ít người tìm một con đường tự do hơn - con đường hướng ra biển cả.
Địa Trung Hải là một vùng biển hiền hòa so với các vùng biển mênh mông khổng lồ khác mà con người khám phá ra sau này, nhưng nó hẳn phải là nỗi hãi hùng đối với những người đầu tiên vượt biển - những người vốn là nông dân ưa thích cuộc sống nhàn cư. Họ tự lập những khu định cư mới, dạy nông nghiệp, ngôn ngữ và chữ viết cho cư dân bản địa, rồi với công nghệ đi biển phát triển hơn theo thời gian, họ có thể đi đi đi lại qua biển Địa Trung Hải thường xuyên hơn, trao đổi các sản vật khác nhau ở những vùng đất khác nhau. Tuy phải tận vài thiên niên kỷ sau, với dấu mốc là thời điểm cuốn "Của cải của các dân tộc" được xuất bản, loài người nói chung mới chịu công nhận buôn bán đem lại nguồn lợi lớn, nhưng đối với những người đi biển lúc bấy giờ, điều đó thật quá rõ ràng. Dần dần, với nguồn thu nhập cao từ việc buôn bán, họ có thể bỏ hẳn công việc đồng áng và trở thành những thương nhân.
Làm thương nhân rất khác, nếu không muốn nói là ngược lại hoàn toàn, so với việc làm nông. Về bản chất, đối tượng tác động của nghề đi buôn là con người, còn đối với nghề nông lại là đất đai và các loài sinh vật từ tự nhiên. Con người thời đấy nhìn chung là tương đối đơn giản và giống nhau, nhưng vẫn dễ thay đổi và đa dạng hơn đất đai hay các loại động thực vật khác. Mặt khác, công việc giao thương đường biển cũng đòi hỏi phải đi lại nhiều nơi hơn hẳn so với nghề nông. Vì lẽ đó, những thương nhân vốn thường xuyên trao đổi với nhiều người khác nhau ở nhiều vùng đất khác nhau sẽ phải can đảm hơn, nhạy bén hơn, chịu khó thu nhập thông tin hơn và do đó, lý trí hơn.
Bản chất công việc buôn bán hay thay đổi cũng tác động ngược chiều đến một trong những bản năng dai dẳng nhất của loài người là tính gia tộc (coi trọng những người gần gũi với mình về mặt máu mủ). Một người nông dân sống trong xã hội nông nghiệp có rất ít sự lựa chọn từ khi ra đời cho đến lúc chết đi bởi cuộc sống nhà nông bị gắn chặt vào một vùng đất cố định và có hạn, với các công nghệ cũ được truyền từ nhiều đời. Nếu là đàn ông thì anh ta còn có thể cố gắng đi khai khẩn vùng đất mới mà anh chẳng hề có một chút thông tin nào (vì các vùng đất cũ thường bị chiếm dụng hết). Kết quả tốt đẹp nhất về mặt kinh tế mà một người làm nông có thể có là được thừa kế đất đai từ gia đình của mình, thường là từ người bố ruột; ngược lại, nếu bị đuổi khỏi gia đình làm nông của mình, anh ta sẽ chẳng có bao nhiêu cơ hội tồn tại. Vì lý do này, anh ta hẳn nhiên sẽ phải cố gắng nghe lời và làm vui lòng ông bố của mình - đây chính là nguồn gốc của chủ nghĩa gia trưởng và phiên bản mở rộng của nó là chủ nghĩa gia tộc, vốn gắn chặt với các xã hội nông nghiệp suốt mấy ngàn năm, ảnh hưởng cho tới tận thời điểm hiện tại.
Một thương nhân thì có nhiều sự lựa chọn hơn. Nguồn kinh tế của anh ta đến từ cả những người nằm ngoài gia đình mình, và còn đến từ phần lớn là trí khôn và sự nhạy bén của bản thân anh ta. Một thương gia giàu có và thành công có thể giao tiền của mình cho con trai, nhưng điều đó không hề đảm bảo đứa con cũng chắc chắn thành công như vậy, vì thị trường (tập hợp của nhiều người tại nhiều vùng đất khác nhau) thì biến động nhiều hơn một khu đất cố định. Do đó, một thương nhân sẽ nghiêng về chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn chủ nghĩa gia tộc.
Giới thương nhân đi biển cũng khó bị quản lý, kiểm soát và trấn áp bởi các nhà nước hơn. Thời cổ đại, nhà nước thường được điều hành bởi một trong hai hoặc cả hai giai cấp tu sĩ và binh lính. Về khía cạnh tâm lý, với việc có nhiều thông tin và lý trí hơn, một nhà buôn sẽ không dễ bị đánh lừa bởi các niềm tin tôn giáo và trở thành nô lệ tinh thần. Còn về khía cạnh vật chất, tài sản lớn nhất của một nhà buôn là cái đầu của anh ta, không giống như đất đai đối với nông dân, khó bị chiếm đoạt bởi binh lính hơn; ngoài ra, nơi diễn ra việc trao đổi là các cảng biển cũng khó bị kiểm soát hơn vì con đường giao thông (biển) thì rộng rãi, còn phương tiện (thuyền) thì lại di chuyển rất nhanh. Không giống như nông dân phải phục dịch các đế chế nông nghiệp khổng lồ, giới thương nhân tập trung ở các thành phố nhỏ xung quanh Địa Trung Hải thường giữ được quyền tự chủ của mình.
Tựu chung lại, biển cả đã sinh ra một châu lục mới theo nghĩa văn hóa, một châu lục của những con người can đảm hơn, nhạy bén hơn, hiểu biết hơn, cá nhân hơn, ít bị quản lý hơn và từ đó, vượt lên tất cả, tự do hơn. Châu Âu đã nổi lên khác biệt với nguồn gốc của nó ở vùng Lưỡng Hà chính bởi đặc tính giao thương đường biển này. Nhờ những tính cách xã hội đặc biệt đã được sinh ra, nuông dưỡng và khuếch đại bởi biển Địa Trung Hải, mà ở Châu Âu, cụ thể hơn là ở Athens Hy Lạp, thể chế đại diện cho tự do của con người - nền dân chủ đầu tiên, đã ra đời. Tuy đối với những vị hoàng đế ở những đế quốc phương Đông, những nhà nước ở Hy Lạp thật nhỏ bé, nghèo nàn và yếu đuối, còn cư dân ở đó chỉ là những kẻ lừa lọc, bẩn thỉu và vô phép tắc, nhưng chính họ đã khởi đầu một nền tảng mà vài ngàn năm sau sẽ thay đổi thế giới.