The Templars (P.2) - Dẫn nhập
Bản dịch cuốn The Templars của Dan Jones, một cuốn sách nổi tiếng về Hội Dòng Đền.
DẪN NHẬP
HIỆP SĨ DÒNG ĐỀN là các thánh binh. Họ là tu sĩ và lính tráng, người hành hương và chiến binh, người nghèo khổ và chủ ngân hàng. Y phục của họ thêu dấu thập tự đỏ, là biểu tượng cho máu của Chúa Kitô đã đổ xuống để cứu chuộc nhân loại và họ sẵn sàng đổ máu để phụng sự Chúa. Mặc dù Hội Dòng Đền chỉ là một phần nhỏ trong các tổ chức tôn giáo mọc lên tại châu Âu và Đất Thánh thời trung cổ vào khoảng thế kỷ 11 tới 14, họ là tổ chức nổi tiếng nhất và có tầm ảnh hưởng nhất.
Hội Dòng Đền là sản phẩm của các cuộc thập tự chinh, là những cuộc chiến do Giáo Hội thời trung cổ phát động, chủ yếu nhằm vào các nhà cai trị Hồi giáo ở Palestine, Syria, Tiểu Á, Ai Cập, Tây Bắc Phi và Nam Tây Ban Nha. Như vậy, ta có thể thấy các Hiệp Sĩ Dòng Đền trải dài trên một vùng rộng lớn của Địa Trung Hải và xa hơn nữa: trên các chiến trường ở Cận Đông và tại các thị trấn và làng mạc trên khắp châu Âu, nơi họ quản lý những điền trang rộng lớn tài trợ cho các cuộc hành quân của họ. Từ “Templar”—viết tắt của “Hội Hiệp Sĩ Nghèo của Đền Thánh” hoặc một từ ít xuất hiện hơn, “Hội Chiến Hữu Nghèo của Chúa Kitô và Đền Thánh Jerusalem”—đã cho biết nguồn gốc của họ là ở trên Núi Đền tại thành phố linh thiêng nhất của Kitô giáo. Nhưng ta có thể cảm nhận sự hiện diện của họ hầu như ở khắp mọi nơi. Ngay cả trong cuộc đời của chính họ, các Hiệp Sĩ Dòng Đền đã là những nhân vật của huyền thoại, họ xuất hiện trong lịch sử, tác phẩm nghệ thuật, bản ballad và các câu chuyện nổi tiếng. Họ là một phần của bức tranh tinh thần của các cuộc thập tự chinh - một vị trí mà họ vẫn giữ cho tới ngày nay.
Hội Dòng Đền được thành lập vào năm 1119 dựa trên các nguyên tắc trong sạch, phục tùng và nghèo khó—nguyên tắc cuối cùng được thể hiện trên con dấu chính thức của lãnh đạo, với hình ảnh hai người bằng hữu được vũ trang cùng cưỡi chung một con ngựa. Thế rồi Hội Dòng Đền nhanh chóng trở nên giàu có và có sức ảnh hưởng. Các quan chức cấp cao của Hội Dòng Đền ở Thánh Địa và phương Tây là bạn bè (và kẻ thù) của vua và hoàng tử, nữ hoàng và nữ bá tước, thượng phụ và giáo hoàng. Hội hỗ trợ tài chính cho các cuộc chiến, cho vay tiền để các nhà vua trả tiền nợ, ký hợp đồng phụ quản lý tài chính của các chính quyền hoàng gia, thu thuế, xây dựng lâu đài, điều hành thành phố, phát triển quân đội, can thiệp vào tranh chấp thương mại, tham gia vào các cuộc chiến tranh tư nhân chống lại các tập đoàn quân sự khác, thực hiện các vụ ám sát chính trị và thậm chí giúp hậu thuẫn một người làm vua. Từ khởi đầu khó nghèo, họ đã trở thành một bộ mặt hùng vĩ tồn tại trong suốt thời kỳ Trung Cổ sau này.
Tuy nhiên—có lẽ khá lạ lùng—Hội Dòng Đền cũng có sức cuốn hút rộng rãi. Với nhiều người, họ không phải là giới tinh hoa xa xôi mà là những anh hùng địa phương. Những lời cầu nguyện của các chiến hữu hậu phương trong các căn cứ của họ đã vang lên trên khắp châu Âu cũng quan trọng như sự hy sinh của các hiệp sĩ và trung sĩ Dòng Đền trên chiến trường, và cả hai đều có tầm quan trọng hàng đầu trong việc tìm kiếm sự cứu rỗi từ thiên đàng cho tất cả các Kitô hữu. Một số tài sản của hội đến từ sự bảo trợ của giới quý tộc ngoan đạo, nhưng phần lớn đến từ những khoản quyên góp nhỏ của thường dân, những người đã quyên góp những thứ ít ỏi mà họ có— một cái áo khoác ở đây, một bó rau ở đó—cho chi nhánh địa phương để giúp tài trợ cho các chiến dịch ở phía Đông.
Tất nhiên, có những người phản đối. Một số nhà quan sát thấy rằng hội có một sự nguy hiểm khó giải thích và là sự suy đồi của các nguyên tắc được cho là hòa bình của Kitô giáo. Đôi khi Hội Dòng Đền là đối tượng của các cuộc tấn công dữ dội, nhất là từ những học giả và tu sĩ nghi ngờ địa vị đặc quyền của họ: được bảo vệ bởi thẩm quyền của giáo hoàng, được miễn trừ các quy tắc và thuế áp dụng cho các nhóm tôn giáo khác. Bernard of Clairvaux—một dạng cha đỡ đầu cho hội—đã ca ngợi các Hiệp Sĩ Dòng Đền là “một dạng hiệp sĩ mới”, nhưng một thế kỷ sau, một tu sĩ uyên bác người Pháp khác đã bác bỏ bằng “một kẻ quái dị mới”.
Tuy nhiên, sự giải thể đột ngột của hội vào đầu thế kỷ 14, liên quan đến vụ đàn áp, bắt bớ, tra tấn, hành hình, thiêu sống và tịch thu tất cả tài sản của Hội Dòng Đền, đã gây chấn động toàn bộ Kitô giáo. Chỉ trong vài năm, hội phải đóng cửa, bị buộc giải thể, các thành viên bị cáo buộc với một danh sách những tội ác được viết ra để khiến người ta phẫn nộ và ghê tởm. Cái kết đến quá đột ngột và dữ dội đến nỗi nó chỉ làm tăng thêm tính huyền thoại của Hội Dòng Đền. Ngày nay, hơn bảy trăm năm sau ngày diệt vong, Hội Dòng Đền vẫn luôn tạo ra sự mê hoặc, tạo cảm hứng và nỗi ám ảnh.
Vậy những Hiệp Sĩ Dòng Đền này là ai? Đôi khi rất khó để nói. Nổi bật trong nhiều tác phẩm viễn tưởng, chương trình truyền hình và phim ảnh, Hội Dòng Đền mang những hình tượng rất đa dạng như anh hùng, tử đạo, côn đồ, bắt nạt, nạn nhân, tội phạm, biến thái, dị giáo, lật đổ đồi trụy, người bảo vệ Chén Thánh, người bảo vệ dòng máu bí mật của Chúa Kitô và đặc vụ du hành thời gian của một tổ chức toàn cầu. Trong lĩnh vực lịch sử “bình dân”, tồn tại một ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trong việc phơi bày “những bí ẩn của Hội Dòng Đền”—rằng có một tổ chức xuyên thời gian nào đó che giấu những bí mật bẩn thỉu của Kitô giáo và ám chỉ rằng tổ chức thời trung cổ đó vẫn còn tồn tại và thao túng thế giới từ trong bóng tối. Đôi khi điều này rất thú vị. Và không liên quan gì nhiều đến Hội Dòng Đền.
Cuốn sách này tìm cách kể chuyện về những gì vốn có của Hội Dòng Đền, chứ không phải những truyền thuyết đã thêu dệt nên họ. Mục tiêu của tôi không phải để phản bác hay thậm chí tham gia vào những chủ đề kỳ lạ hơn về huyền thoại Hội Dòng Đền, mà là để chứng tỏ rằng những gì họ thực sự làm còn phi thường hơn những tiểu thuyết lãng mạn hiệp sĩ, sự thật và lịch sử ma quái đã xoay quanh họ kể từ khi họ sụp đổ. Tôi cũng tin rằng những câu chuyện mang chủ đề về Hội Dòng Đền ngày nay có sức cộng hưởng mạnh mẽ. Đây là cuốn sách kể về cuộc chiến dường như bất tận ở Palestine, Syria và Ai Cập, nơi các phe phái Sunni và Shi’a của Hồi giáo đụng độ với những chiến binh Kitô giáo từ phương Tây tới xâm lược; về một tổ chức được miễn thuế “toàn cầu hóa” đã thịnh vượng đến mức trở nên quyền lực hơn một số quốc gia; về mối quan hệ giữa tài chính quốc tế và địa chính trị; về sức mạnh của tuyên truyền và thêu dệt huyền thoại; về bạo lực, bất tín, phản bội và tham lam.
Độc giả của những cuốn sách của tôi về Nhà Plantagenet ở nước Anh sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng cuốn sách là một một cuốn sách tường thuật lịch sử. Cuốn sách kể về câu chuyện của Hội Dòng Đền từ khi thành lập đến khi tan rã, khám phá bản chất đang thay đổi của trật tự, sự lan rộng trên khắp Cận Đông và Châu Âu và những gì diễn ra trong các cuộc chiến thời Trung Cổ giữa quân đội Kitô giáo và lực lượng Hồi giáo. Tôi đã trình bày cuốn sách cùng các chú thích chi tiết và một danh mục hướng dẫn người đọc tìm đến tài liệu gốc và nghiên cứu học thuật, nhưng tôi sẽ không rời xa mong mỏi thường có của tôi, đó là viết ra một cuốn sách vừa để giải trí, vừa để cung cấp thông tin.
Để hướng dẫn độc giả qua hai thế kỷ từ sự ra đời không mấy nổi bật của Hội cho đến sự diệt vong ngoạn mục, tôi đã chia cuốn sách thành bốn phần. Phần I, “Người hành hương”, mô tả nguồn gốc của Hội Dòng Đền vào đầu thế kỷ 12, khi họ được thành lập như một tổ chức của các chiến binh Kitô giáo bởi một hiệp sĩ người Pháp, Hugues de Payens, cùng (được người đời sau nói) tám người bạn đồng hành của ông, những người đang tìm kiếm một mục đích ở Jerusalem trong sự hỗn loạn hậu Thập Tự Chinh thứ Nhất. Mục đích ban đầu của tổ chức nhỏ này là thành lập một đoàn vệ sĩ thường trực cho những người hành hương phương Tây theo bước Đức Kitô trên những con đường nguy hiểm của Đất Thánh. Họ dẫn một nhóm nhỏ các y sĩ tình nguyện đã thành lập một bệnh viện ở Jerusalem vào khoảng năm 1080, được gọi là Hiệp Sĩ Thánh John hay Hiệp Sĩ Cứu Tế. Sau khi nhận được sự chấp thuận của hoàng gia từ nhà vua Kitô hữu tại Jerusalem, và sự ban phước của giáo hoàng từ Rome, Hội Dòng Đền nhanh chóng được thể chế hóa và mở rộng. Họ thiết lập trụ sở tại Thánh Đường Hồi Giáo Al-Aqsa trên Núi Đền ở Thành Thánh (được người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif), cử sứ giả đến châu Âu để mộ quân và hỗ trợ tài chính, đồng thời tìm kiếm những người bảo trợ nổi tiếng. Lãnh đạo tinh thần của họ là Bernard thành Clairvaux, người đã giúp viết ra quy tắc của họ, và những người ủng hộ ban đầu bao gồm các thập tự quân hàng đầu từ lúc sơ khai, chẳng hạn như tổ tiên Fulk của Nhà Plantagenet, Bá Tước Anjou, người với một chút sự hỗ trợ từ Hội Dòng Đền đã trở thành vua của Jerusalem. Trong vài thập kỷ, các Hiệp Sĩ Dòng Đền không còn là chín chiến binh không một xu dính túi để tìm kiếm mục đích: họ là một tổ chức đầy tham vọng với mục đích rõ ràng và đủ phương tiện để đạt được điều đó.
Phần hai, “Người lính”, cho thấy cách Hội Dòng Đền chuyển mình từ một đội cứu hộ ven đường thành một đơn vị quân đội tinh nhuệ đi đầu trong các cuộc chiến thập tự chinh. Phần này mô tả vai trò quan trọng của các Hiệp Sĩ Dòng Đền trong cuộc Thập Tự Chinh thứ Hai, khi họ không chỉ đưa đường một vài người hành hương mà là cả một đội quân dưới quyền vua Pháp băng qua những ngọn núi ở Tiểu Á, đưa họ đến Đất Thánh an toàn, giải cứu những lãnh đạo bị phá sản, rồi chiến đấu ở tiền tuyến khi thập tự quân cố gắng chinh phục Damascus, một trong những thành phố quan trọng nhất trong thế giới Hồi giáo. Kể từ thời điểm này, Hội Dòng Đền đã trở thành những tác nhân nổi bật trong lịch sử chính trị và quân sự của các quốc gia thập tự chinh Kitô giáo (vương quốc Jerusalem, bá quốc Tripoli và công quốc Antioch). Phần II tiếp nối với cách họ phát triển một mạng lưới các lâu đài, một tập hợp các thương nghị quân sự và chuyên môn thể chế cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của họ. Phần này cũng có những nhân vật phi thường nhất trong toàn bộ lịch sử thập tự chinh: Louis VII ngoan đạo nhưng không may mắn của Pháp, Đại Sư Dòng Đền Gerard xứ Ridefort, người đã giúp dẫn dắt quân đội của Thiên Chúa tiến vào một trận chiến khải huyền tại Hattin năm 1187, vua hủi khốn khổ của Jerusalem Baldwin IV và vị vua Hồi giáo nổi tiếng nhất từng tồn tại, Saladin, người đã thực hiện sứ mệnh của mình là quét sạch thập tự quân khỏi bản đồ, và đích thân giám sát việc hành quyết hàng trăm Hiệp Sĩ Dòng Đền chỉ trong một ngày.
Phần III, “Chủ ngân hàng”, chứng kiến cách Hội Dòng Đền phát triển từ một lực lượng hỗ trợ của thập tự chinh được ủng hộ từ phương Tây thành một tổ chức kết hợp khả năng quân sự với một mạng lưới tài sản và nhân sự phức tạp trên khắp lãnh địa Kitô, liên kết Kitô giáo phía Tây với chiến sự phía Đông vào lúc lòng nhiệt thành với thập tự chinh đang bắt đầu suy giảm.
Gần như bị xóa sổ bởi Saladin, Hội Dòng Đền phục dựng lại vào những năm 1190 với sự giúp đỡ của một vị vua tài giỏi và tàn bạo tới từ nước Anh, Richard Sư Tử Tâm, người luôn tin tưởng và lệ thuộc vào các lãnh đạo của Hội, những người đề xuất những ý tưởng sẽ được thực hiện vào thế kỷ 13. Được hoàng gia bảo trợ, vốn sớm được giới quý tộc và chính quyền địa phương bắt chước, Hội Dòng Đền đã mở rộng lãnh thổ, danh mục tài sản và được giảm thuế rất nhiều. Họ trở nên giàu có và sành sỏi về tài chính, và tất nhiên, các giáo hoàng và các quân vương đã nhờ họ quản lý sổ sách, canh giữ kho báu, tổ chức chiến tranh và tăng tiền cứu trợ trong thời kỳ khủng hoảng.
Chắc chắn những thời điểm đó xảy ra rất nhiều, và Phần III cho thấy Hội Dòng Đền vẫn còn cắm sâu vào các cuộc chiến chống lại Hồi giáo. Hai cuộc tấn công lớn vào thành phố Damietta ở Châu Thổ Ai Cập có được điều kiện thuận lợi nhờ vào bí quyết tài chính của Hội Dòng Đền. Cả hai cuộc chiến kết thúc trong hỗn loạn, với các hiệp sĩ và trung sĩ của Hội chiến đấu nhằm bảo vệ hậu phương đang tuyệt vọng trong những đầm lầy nhiễm bệnh của sông Nile ngập lụt. Hội Dòng Đền phát hiện, gây quỹ và tổ chức chiến tranh là một chuyện; chiến đấu trong những chiến dịch dài ngày trên địa hình xa lạ với đối thủ đã được đào tạo thích ứng những điều kiện lại là chuyện khác.
Phần III cũng cho thấy Hội Dòng Đền đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn bao giờ hết về an ninh của các quốc gia thập tự chinh, giúp họ tiếp xúc với vài trong số những nhân vật đáng nhớ nhất thế kỷ 13, bao gồm cả vị vua thánh thiện của Pháp Louis IX, nhờ có họ mà trở nên nổi tiếng, và Frederick II Hohenstaufen, Hoàng Đế La Mã Thần Thánh màu mè và tự do, tự xưng là vua của Jerusalem và ngay lập tức bắt đầu một cuộc chiến chống lại những ai được giao nhiệm vụ bảo vệ thành phố. Tại thời điểm này, Hiệp Sĩ Dòng Đền phải đối mặt với sự xuất hiện của tay sai dưới quyền Frederick, Hiệp Sĩ Teuton: một trong nhiều tổ chức quân sự được thiết lập song song cùng (và đôi khi là bắt chước) các Hiệp Sĩ Dòng Đền. Tổ chức này bao gồm Dòng Thánh Lazarus, nơi dành cho những người hành hương bị bệnh hủi; Hội Calatrava, Santiago và Alcántara, xuất thân từ các vương quốc thuộc Tây Ban Nha; Sword Brothers của Livonia, tổ chức gây chiến với những dân ngoại giáo ở Baltic; và Hiệp Sĩ Cứu Tế, những người đã song hành cùng Hiệp Sĩ Dòng Đền từ những ngày đầu tiên và sát cánh bên nhau tại một trong số những trận chiến lớn nhất. Tại Đất Thánh, tầm quan trọng của các tổ chức quân sự ngày càng tăng kết hợp với sự đa dạng đã làm xung đột giữa các phe phái thêm trầm trọng, và Hội Dòng Đền bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa các nhóm đối thủ của thương nhân Ý với các nam tước tư lợi. Cuối cùng điều này đã làm bại hoại nền tảng chính trị của các quốc gia thập tự chinh nghiêm trọng đến nỗi khi một mối đe dọa mới xuất hiện vào những năm 1260, Hội Dòng Đền đã bất lực kháng cự như những người đồng đạo Kitô còn lại.
Phần IV, “Dị giáo”, lần theo nguyên nhân cho sự diệt vong của Hội Dòng Đền tới những sự kiện xảy ra trong những năm 1260, khi những người bằng hữu phía Đông đang trên chiến tuyến chống lại hai kẻ thù nguy hiểm nhất mà thập tự quân từng đối mặt: quân đội Mông Cổ dưới sự dẫn dắt của hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn và một tầng lớp binh lính nô lệ Hồi giáo được gọi là Mamluk. Thất bại dưới tay Mamluk đã khiến Hội Dòng Đền phải chịu nhiều chỉ trích hơn bao giờ hết, vì nguồn lực dồi dào và sự liên kết chặt chẽ của họ tới tài sản trong các cuộc chiến chống lại Hồi giáo giờ đây trở thành cây gậy để đập lưng họ.
Khi áp lực lên Hội Dòng Đền gia tăng, họ bắt đầu sẵn sàng tấn công chính trị. Chuyện này xảy ra đột ngột và dữ dội vào năm 1307 trong một cuộc tấn công của vua Pháp Philip IV, ngoan đạo nhưng vô đức. Việc ông bắt giữ mọi Hiệp Sĩ Dòng Đền ở Pháp vào thứ 6 ngày 13 tháng 10 là khởi đầu của một động thái hoàn toàn tư lợi nhằm lật đổ Hội Dòng Đền và chiếm đoạt tài sản của họ. Được Giáo Hoàng Clement V luân phiên tiếp tay và chống lại, Philip IV và cận thần đã biến cuộc tấn công vào tài sản của Hội Dòng Đền thành một cuộc chiến tranh toàn diện về các tổ chức trên toàn thế giới Kitô giáo, sử dụng các phương pháp đã được thực hiện trên những mục tiêu dễ bị tấn công khác, bao gồm cả dân Do Thái ở Pháp. Mặc dù Pháp vốn là vương quốc ủng hộ Hội Dòng Đền lớn nhất, Philip đã thực hiện sứ mệnh không thể lay chuyển của mình là cố gắng, tra tấn và giết chết các thành viên của Hội, bắt đầu từ Đại Sư cuối cùng của Hội Dòng Đền, Jacques de Molay, bị thiêu chết ở Paris vào năm 1314, và những lời cuối cùng của ông là một lời hẹn rằng Thiên Chúa sẽ báo thù thay cho Hội Dòng Đền.
Động cơ của Philip trong việc lật đổ Hội Dòng Đền bằng cả hệ thống điều tra tư pháp và sự man rợ do cá nhân hầu như không liên quan đến tính cách hoặc hành vi của các thành viên Hội Dòng Đền ở tuyến đầu cuộc chiến chống Hồi giáo hay ở Pháp, nơi họ sống giống như một tu sĩ nhất. Những hành động của Philip xuất phát từ mối lo chính trị và bệnh lý cá nhân cực đoan, tàn bạo và nhẫn tâm của ông, nhưng ông đã nhắm vào Hội Dòng Đền vào thời điểm họ dễ bị tấn công và vu khống hơn bình thường, và sự quan tâm của công chúng về thập tự chinh chắc chắn giảm đi rất nhiều, nếu không muốn nói là đã chết. Cái chết của Jacques de Molay báo hiệu sự kết thúc của Hội Dòng Đền với tư cách là một tổ chức, sau gần hai trăm năm kể từ nguồn gốc khiêm tốn của họ ở Jerusalem. Tuy nhiên, huyền thoại của họ chỉ mới bắt đầu. Phần kết của cuốn sách này tóm tắt cuộc hành trình của Hội Dòng Đền trong trí tưởng tượng đại chúng và xem xét quá trình Hội Dòng Đền được lãng mạn hóa và thậm chí là hồi sinh kể từ khi đó.
Một học giả nổi tiếng đã cho rằng tường thuật lịch sử Hội Dòng Đền là “sai lệch, bởi vì điều đó ngầm ám chỉ tổ chức hưng thịnh và suy vong, cùng gia tăng chỉ trích và một số sự kiện nhất định gây ra các sự kiện sau này.” Điều này vừa đúng vừa sai. Dĩ nhiên, sẽ là một việc ngu ngốc nếu cố gắng trong một thời hạn viết một bản tường thuật toàn diện về hai thế kỷ hoạt động của Hội Dòng Đền ở vương quốc Jerusalem, bán đảo Iberia, Pháp, Anh, Ý, Ba Lan, Đức, Hungary, Síp và các những nơi khác. Mọi trải nghiệm của hàng nghìn người đàn ông và phụ nữ đã sống với tư cách là Hiệp Sĩ hoặc thành viên liên kết không thể được trình bày chặt chẽ trong một bản tường thuật về những hoạt động đáng chú ý nhất của họ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Hội Dòng Đền đã khởi sinh, tồn tại và kết thúc, và quá trình này xảy ra trong một khoảng thời gian đặc biệt hơn thông thường. Bởi đó điều này đưa chúng ta tới những làn sóng lớn hơn của các cuộc thập tự chinh, kết nối một số mặt trận cùng hàng chục thế hệ đàn ông và phụ nữ. Đây cũng là một câu chuyện thường được kể theo chủ đề, mà thường xuyên trở nên lạc đề và thậm chí là nhạt nhẽo. Việc tôi chọn kể câu chuyện này như một câu chuyện theo cách truyền thống không ngầm ám chỉ một bài học đạo đức tất đến từ danh dự cho đến suy đồi, kiêu ngạo cho đến hủy diệt, vì cách nghĩ như vậy đã làm hỏng truyền thống lâu đời viết về Hội Dòng Đền, ít nhất là từ thế kỷ thứ 7. Tôi chỉ đơn giản tin rằng một câu chuyện về Hội Dòng Đền có thể được kể theo thứ tự thời gian để thỏa mãn những độc giả yêu thích được nghe lịch sử của họ theo trình tự. Tôi hy vọng rằng khi làm như vậy, tôi không sa đà quá sâu vào chủ đề viễn tưởng hay xuyên tạc cuộc đời và kinh nghiệm của những người đã sống, chiến đấu và chết với chữ thập đỏ trên ngực của họ. Tôi cũng hy vọng rằng cuốn sách này sẽ khuyến khích độc giả khám phá những tài liệu học thuật đồ sộ tồn tại về các tổ chức quân đội và đặc biệt là về Hội Dòng Đền, của những học giả tài năng và xuất sắc bao gồm Malcolm Barber, Helen Nicholson, Alan Forey, Jochen Burgtorf, Alain Demurger, Jonathan Riley-Smith, Judi UptonWard, Anthony Luttrell, Jonathan Phillips, Norman Housley, Jochen Schenk, Paul Crawford, Peter Edbury, Anne Gilmour-Bryson và nhiều người khác, đồng thời là những người biết ơn nhất.
Các Hiệp Sĩ Dòng Đền xông vào trận chiến dưới một lá cờ đen trắng, và khi họ cưỡi ngựa, họ thỉnh thoảng sẽ hát một bài thánh vịnh để tiếp thêm sức mạnh cho họ. Tôi nghĩ sẽ thích hợp để trích dẫn những lời ca đó khi chúng ta bắt đầu câu chuyện:
Lạy Chúa, không phải cho chúng con, Mà cho danh Chúa, ban cho sự vinh hiển, Vì hồng ân cho tình yêu vững tin và người trung tín của người!
Cùng tận hưởng nhé.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất