The Game Awards 2018 - Bình luận và dự đoán một số hạng mục lớn
Đến hẹn lại lên, vào cuối năm nay, lễ trao giải thường niên của ngành game - The Game Awards lại tiếp tục hâm nóng bầu không khí bằng...
Đến hẹn lại lên, vào cuối năm nay, lễ trao giải thường niên của ngành game - The Game Awards lại tiếp tục hâm nóng bầu không khí bằng cách công bố các đề cử cho năm nay. Nhìn sơ qua một lượt các hạng mục, tôi đã thấy căng thẳng lắm vì toàn những cái tên cứng cựa và nặng ký. Một lần nữa, mời các bạn đến với những bình luận và dự đoán của tôi về những hạng mục lớn và quan trọng tại The Game Awards 2018.
*Lưu ý: Trong danh sách các đề cử cũng có rất nhiều game mà tôi chưa được trải nghiệm, hoặc do thời gian không cho phép, hoặc do hạn chế về hệ máy nên những bình luận và dự đoán của tôi có thể chưa được hoàn toàn chính xác cho lắm
Bài viết về The Game Awards 2017 của tôi năm ngoái:
1. Hạng mục thứ nhất: Best Game Direction
Các đề cử tranh giải:
- A Way Out (Hazelight Studios/EA)
- Detroit: Become Human (Quantic Dream/Sony Interactive Entertainment)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Marvel's Spider-Man (Insomniac Games/Sony Interactive Entertainment)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
Trong danh sách đề cử có 5 cái tên, thì đã có... 3 cái tên thuộc về ông lớn Sony, so với năm ngoái chỉ vỏn vẹn 1 cái tên. Năm nay có thể coi là năm thành công của Sony khi những tựa game lớn của họ đều đạt được thành công cực kỳ to lớn. Và trong danh sách đề cử này, cũng là 3 cái tên lớn nhất của Sony năm nay và đều được đánh giá rất cao. Đầu tiên là God of War - sự trở lại đầy mạnh mẽ của series game hack-n-slash kinh điển, biểu tượng của Playstation. God of War năm nay đã thay đổi khác trước nhiều và đem lại một làn gió mới mẻ cho cả series, từ phong cách chiến đấu, cốt truyện, nó xoáy sâu hơn về mối quan hệ giữa Kratos và Atreus và làm cho người chơi có một cái nhìn rất khác về vị á thần này. Với Spider-Man, cuối cùng chúng ta cũng có một game về anh chàng Nhện Nhọ thật sự tốt và thật sự thành công về nhiều mặt, Spider-Man lần này chọn một cách kể chuyện khác với thông thường, nó đưa chúng ta tiếp cận sâu hơn về Peter Parker sau 8 năm làm siêu anh hùng, mối quan hệ với MJ, với dì May, cuộc chiến chống lại tội phạm không ngừng nghỉ ở New York, và nhất là câu chuyện giữa Doctor Octavios và Mr Negative, tất cả đã làm nên một Spider-Man hấp dẫn và rất nhân văn.
Còn Detroit: Become Human, tựa game đến từ Quantic Dream này, cũng như những người đàn anh của nó là Heavy Rain và Beyond Two Souls, cực kỳ chú tâm vào cốt truyện, xây dựng nhân vật, các lựa chọn rẽ nhánh. Nó đem đến cho chúng ta một câu chuyện có motif tương đối quen thuộc và một câu hỏi xưa như Trái Đất: CON NGƯỜI LÀ GÌ? THỨ GÌ LÀM NÊN MỘT CON NGƯỜI? Thông qua câu chuyện về những Android từng bước học cách làm người, Detroit: Become Human còn ẩn chứa trong đó những liên tưởng về nạn phân biệt chủng tộc, đấu tranh đòi quyền tự do. Detroit: Become Human có nét gì đó rất giống với tượng đài bất hủ về Cyberpunk: Blade Runner. Mặc dù vậy, nếu xét về gameplay thì Detroit: Become Human - cũng như Heavy Rain hay Beyond Two Souls lại ít có gì ấn tượng.
Hai tựa game còn lại trong danh sách: A Way Out và Red Dead Redemption 2. Tôi không đánh giá cao lắm A Way Out vì giá trị của nó chỉ ở mức trung bình khá không có gì nổi bật thực sự, và so với 4 cái tên còn lại thì quá kém cạnh. Còn Red Dead Redemption 2, phần tiếp theo của Red Dead Redemption nhưng lại xảy ra trước các sự kiện ở phần 1. Red Dead Redemption 2 một lần nữa đưa chúng ta về miền Tây nước Mỹ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi cách mạng công nghiệp hóa vươn tới nơi đây, khiến cho xã hội một phen náo loạn, và những kẻ ngoài vòng pháp luật bắt đầu hoành hành, trong đó có Arthur Morgan, một thành viên của băng đảng Van der Linde. Tôi chưa được biết nhiều về Red Dead Redemption 2, nhưng xem ra nó vẫn tiếp tục xuất sắc như người tiền nhiệm, thậm chí là thành công hơn - những ngày này, Red Dead Redemption 2 vẫn tiếp tục càn quét khắp nơi.
Best Game Direction là giải thưởng dành cho những game có chỉ đạo thiết kế trò chơi tốt nhất. Trong số 5 cái tên trên, có lẽ God of War là cái tên nổi bật hơn cả vì nó đã gần như thay đổi hoàn toàn so với các phiên bản cũ trước đó, từ gamplay, góc quay camera và cách chuyển camera tài tình, rồi thậm chí là thay đổi hẳn bối cảnh. Có thể có ý kiến cho rằng God of War 2018 hơi được overrated, nhưng theo tôi, nó vẫn hoàn toàn xứng đáng đạt giải cho hạng mục Best Game Direction
2. Hạng mục thứ hai: Best Narrative
Các đề cử tranh giải:
- Detroit: Become Human (Quantic Dream/Sony Interactive Entertainment)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Life is Strange 2: Episode 1 (Dontnod Entertainment/Square Enix)
- Marvel's Spider-Man (Insomniac Games/Sony Interactive Entertainment)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
Best Narrative - hạng mục dành cho game có phong cách kể chuyện tốt nhất và ấn tượng nhất. Chúng ta có 5 cái tên ở đây, và... 4 trong số đó trùng với các đề cử của Best Game Direction. Cũng đúng thôi, thực ra thoạt nhìn người ta sẽ lầm tưởng hai hạng mục này chẳng khác gì nhau, nhưng chính xác mà nói, Best Narrative thiên hẳn về cốt truyện, chứ không xét đều các tiêu chí của một tựa game như Best Game Direction.
Vì vậy, một lẽ dĩ nhiên là Detroit: Become Human trở thành cái tên nặng ký nhất cho hạng mục này. Những game của Quantic Dream xưa nay vẫn vậy, có thể chê trách ít nhiều về lối chơi nhàm chán, nhưng thật khó để bảo cốt truyện của họ không hay. Như đã nói, Detroit: Become Human khai thác một đề tài, một câu chuyện không mới, nhưng họ biết cách tạo sự hấp dẫn được từ những cái không mới ấy, để tạo nên một câu chuyện có chiều sâu và để lại ấn tượng lớn cho người chơi.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là những game còn lại kém đầu tư về cốt truyện, không, chúng thực ra toàn diện về nhiều mặt. God of War xưa nay vốn hay bị xem nhẹ về cốt truyện thì đến God of War 2018 đã thực sự khiến người chơi phải chú tâm vào cuộc phiêu lưu của Kratos, rồi tình cha con với Atreus. Spider-Man, lại là một câu chuyện về mặt trái của việc làm một siêu anh hùng, có lẽ không mới, nhưng với những người chơi game, thì thực sự Spider-Man 2018 là một thành công, một phần thưởng xứng đáng sau rất nhiều game về Nhện Nhọ chất lượng trung bình. Red Dead Redemption 2, tôi cũng chưa biết câu chuyện của Red Dead Redemption 2 nó "sâu" đến đâu, nhưng nó không thể vào được đề cử này nếu không xuất sắc, mà câu chuyện của Red Dead Redemption phần 1 ấn tượng thế nào, thì đa phần mọi người đều đã biết, cho nên tôi tin Red Dead Redemption 2 sẽ không gây thất vọng
Life is Strange 2, có lẽ là bất ngờ lớn nhất với cá nhân tôi. Tôi không có ý nói là cốt truyện nó không hay, đúng ra thì tôi còn chưa chơi, nhưng nhìn vào thành công của người tiền nhiệm, hẳn tất cả sẽ có một kỳ vọng nhất định và tin rằng Dontnod sẽ không khiến chúng ta thất vọng. Điều khiến tôi bất ngờ ở đây, chính là Life is Strange 2 thậm chí còn... chưa ra hết, mới chỉ phát hành episode 1 mà đã được đề cử rồi, hẳn nhiên câu chuyện của nó phải có gì đó rất đặc biệt, nhưng chính vì mới chỉ có 1/5 câu chuyện, nên nó sẽ không được đầy đủ, mà như thế thì đánh giá sẽ không thật sự chính xác được
Bởi vì thế, dự đoán của cá nhân tôi là Detroit: Become Human sẽ đạt giải Best Narrative.
3. Hạng mục thứ ba: Best Art Direction
Các đề cử tranh giải:
- Assassin's Creed Odyssey (Ubisoft Quebec/Ubisoft)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Octopath Traveler (Square Enix/Acquire/Nintendo)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
- Return of the Obra Dinn (3909 LLC)
Best Art Direction - hạng mục dành cho tựa game có phong cách đồ họa ấn tượng nhất. Chúng ta có God of War với một thế giới thần thoại Bắc Âu, Assassin's Creed Odyssey với một Hy Lạp cổ đại, Red Dead Redemption 2 với miền Tây nước Mỹ cuối thế kỷ XIX. Ba tựa game này đều là ba game AAA với đồ họa cực kỳ được chăm chút và có ấn tượng về mặt thị giác rất cao. Chúng ta ấn tượng với sự huyền ảo của God of War, sự lộng lẫy và hào nhoáng của Hy Lạp cổ với các công trình huyền thoại, hoặc một vẻ đẹp cực kỳ chân thực của miền viễn Tây. Quả thực so về độ chi tiết, công sức mà các nhà phát triển đã bỏ vào phần đồ họa, rồi hiệu ứng hình ảnh, ba tựa game trên nổi bật hơn hẳn lên.
Nhưng đây là hạng mục Best Art Direction, chứ không phải Best Graphics, đẹp, chưa chắc đã ấn tượng nhất, đôi khi, những tựa game có phong cách đồ họa mới mẻ và đột phá, mới là ấn tượng nhất. Còn nhớ năm ngoái, tại The Game Awards 2017, Cuphead chính là tựa game chiến thắng ở hạng mục này và nó cũng đã phải cạnh tranh với những game AAA có đồ họa rất ấn tượng như Horizon Zero Dawn hay Destiny 2. Nhưng sau cùng, chính phong cách đồ họa theo kiểu những phim hoạt hình cũ đã làm Cuphead trở nên nổi tiếng và rất được chú ý, hơn nữa, nó có độ độc đáo và độ mới lạ. Game AAA đồ họa đẹp thì nhìn thích thật, nhưng nhìn nhiều cũng nhàm chứ.
Vì lý do ấy, tôi không tin lắm rằng kẻ chiến thắng sẽ là hoặc God of War, hoặc Assassin's Creed Odyssey, hoặc Red Dead Redemption 2, mà tôi tin rằng một trong hai cái tên còn lại sẽ được xướng lên. Đó là Octopath Traveler và Return of the Obra Dinn.
Return of the Obra Dinn, sử dụng phong cách đồ họa đơn sắc, chỉ có hai màu trắng-đen xuyên suốt cả tựa game. Nó tạo ra một không khí bí ẩn, hơi kinh dị một chút, hoàn toàn phù hợp với một game mang yếu tố trinh thám như vậy.
Octopath Traveler, một game RPG mang một lối thiết kế đồ họa khá thú vị: nó pha lẫn giữa nền đồ họa 16-bit của SNES đối với thiết kế nhân vật và có phông nền với nền đồ họa hiện đại cùng độ phân giải HD. Chính điều này đã làm Octopath Traveler vừa mang nét cũ kỹ lại vừa mang nét mới mẻ.
Cá nhân tôi thì cảm thấy ấn tượng hơn với Octopath Traveler (rất đáng tiếc khi nó lại là game độc quyền cho Nintendo Switch) cho nên tôi dự đoán rằng Octopath Traveler sẽ là kẻ chiến thắng.
4. Hạng mục thứ tư: Best Score/Music
Các đề cử tranh giải:
- Celeste (Matt Makes Games)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Marvel's Spider-Man (Insomniac Games/Sony Interactive Entertainment)
- Ni no Kuni II: Revenant Kingdom (Level 5/Bandai Namco Entertainment)
- Octopath Traveler (Square Enix/Acquire/Nintendo)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
Đây là hạng mục dành cho game có âm nhạc ấn tượng nhất, chúng ta tiếp tục gặp lại một vài ông lớn là God of War, Red Dead Redemption 2 và Spider-Man. Và nói thật lòng, tôi không chê gì âm nhạc của ba tựa game này, chúng hay và rất hợp với game, nhưng nó hơi thiếu sự sáng tạo và đột phá - điều thường thấy ở game AAA. Với game AAA, âm nhạc có thể rất hay và khi chơi game tạo cảm giác rất ấn tượng nhưng bình thường nghe thì sẽ thấy ít có sự đột phá, rất ít game AAA có được cái chất nhạc riêng đủ ấn tượng để dù không chơi game mà người ta nghe vẫn cảm nhận được sự sáng tạo và sự hấp dẫn của các giai điệu.
Đối với ba cái tên còn lại: Octopath Traveler, Celeste và Ni no Kuni II. Ni no Kuni II là một game JRPG lấy cảm hứng rất nhiều từ những bộ anime của Ghibli, dễ thấy nhất ở phong cách đồ họa. Âm nhạc cũng không ngoại lệ, tuy nhiên Ni no Kuni II không phải anime của Ghibli, âm nhạc của nó đúng là hay, nhưng nó vẫn không có được phép màu của Ghibli, dù nhà soạn nhạc cho game cũng chính là Joe Hisaishi, tôi cũng không tin lắm rằng Ni no Kuni II sẽ đạt giải. Với cá nhân tôi, cuộc tranh đấu là của Octopath Traveler và Celeste.
Tôi chưa có cơ hội chơi Octopath Traveler mà mới chỉ chơi Celeste nhưng cũng đã bỏ thời gian nghe cả hai bộ ost của hai game. Có thể do chưa chơi Octopath Traveler nên đánh giá chưa thật chính xác lắm, nhưng tôi thấy ấn tượng hơn với bộ ost của Celeste - tuy ít nhưng chất lượng, và nhạc của Celeste thì cũng mang cả âm hưởng của nhạc 8-bit của các game ngày xưa, dù đã được phối lại hiện đại hơn - đó là điều mà tôi thất rất thích.
Chung quy lại thì, với dự đoán của cá nhân tôi, Celeste sẽ là người chiến thắng ở hạng mục này.
5. Hạng mục thứ năm: Games for Impact
Các đề cử tranh giải:
- 11-11 Memories Retold (Digixart/Aardman Animation/Bandai Namco Entertainment)
- Celeste (Matt Makes Games)
- Florence (Mountains)
- Life is Strange 2: Episode 1 (Dontnod Entertainment/Square Enix)
- The Missing: JJ Macfield and the Island of Memories (White Owls/Arc System Works)
Games for Impact - Giải thưởng dành cho game có thể chạm đến cảm xúc của người chơi. Chúng ta có ở đây năm cái tên, và nói thật, trong số năm cái tên này, tôi mới chỉ biết đến hai tựa game là Celeste và 11-11 Memories Retold. Life is Strange thì đã quá nổi tiếng rồi, Florence thì lại là một game dành cho mobile, còn The Missing: JJ Macfield and the Island of Memories thì tôi chưa hề nghe qua, có lẽ sẽ chơi nó một hôm nào đó.
Do vậy, đánh giá của tôi ở hạng mục này có thể hơi thiếu khách quan và tôi cũng chỉ nói được về Celeste và 11-11 Memories Retold mà thôi.
Celeste, là một hành trình chinh phục ngọn núi Celeste huyền thoại, nơi làm biết bao kẻ nản lòng. Là hành trình vượt qua chính mình của cô gái trẻ Madeline, là những cuộc gặp trên đường, những cuộc chuyện trò bên đống lửa giữa trời tuyết. Câu chuyện của Celeste không có gì quá phức tạp, nhưng cách mà game kể và thể hiện câu chuyện ấy, thì lại ấn tượng theo một cách rất riêng, nhưng nó chưa làm tôi ấn tượng bằng tựa game tiếp theo...
11-11 Memories Retold, một cái tên khá kỳ lạ.
4 năm về trước, Valiant Hearts, một tựa game lấy đề tài Thế chiến thứ Nhất ra đời, để kỷ niệm tròn một thế kỷ cuộc Đại chiến ấy nổ ra, đã lấy đi nước mắt của bao người. 4 năm sau, 11-11 Memories Retold xuất hiện, có lẽ cũng là để kỷ niệm tròn một thế kỷ cuộc Đại chiến ấy kết thúc...
Game không hề dài, chỉ cần một buổi là bạn có thể chơi hết game và lấy đủ 6 kết thúc của game, từ tốt nhất tới tệ nhất. Tựa game có hai nhân vật chính, hai con người ở hai chiến tuyến, hai con người ra trận với những mục đích khác nhau, để rồi số mệnh đưa họ gặp nhau tại ngã rẽ cho những lựa chọn... Tôi sẽ không spoil gì về cốt truyện, bởi vì nó là cái hay của game. 11-11 Memories Retold không khiến tôi bật khóc như Valiant Hearst, nhưng nó lại khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn
Và cho dù tôi biết Life is Strange 2 sẽ dành được nhiều cảm tình nhất, có lẽ vậy, thì tôi vẫn tin rằng 11-11 Memories Retold sẽ là người chiến thắng.
6. Hạng mục thứ sáu: Best Independent Game
Các đề cử tranh giải:
- Celeste (Matt Makes Games)
- Dead Cells (Motion Twin)
- Into the Breach (Subset Games)
- Return of the Obra Dinn (3909 LLC)
- The Messenger (Sabotage Studio)
Chúng ta tiếp tục đến với hạng mục tiếp theo - Best Indie game, game độc lập xuất sắc nhất. Năm cái tên được đề cử đều là năm cái tên ấn tượng, dù thực tế tôi chưa nghe đến cái tên "Return of the Obra Dinn" trong năm qua, nhưng chắc chắn nó phải ấn tượng thì mới được đề cử rồi, và quả là tôi ấn tượng với phong cách đồ họa của nó thật.
Còn lại, tôi đã chơi qua Dead Cells, Celeste, có tìm hiểu qua về Into the Breach và The Messenger, nhưng thôi, tìm hiểu qua thì cũng không nên lạm bàn ở đây. Tôi sẽ chỉ nói về Dead Cells và Celeste.
Tôi thích gameplay của Dead Cells hơn - một game roguelike với độ thử thách cao và pha lẫn một chút hack-n-slash, thiết kế màn chơi thông minh và thử thách. Dù độ khó cao, nhưng Dead Cells lại rất dễ gây nghiện với lối chơi nhanh, mạnh của mình. Nhưng nếu xét toàn diện, Celeste lại xuất sắc hơn. Celeste là game platform - độ khó cũng cao lắm đấy, cách thiết kế level phải nói là vô cùng sáng tạo và tận dụng tối đa cơ hội để... hành người chơi. Chưa kể câu chuyện của Celeste cũng tạo ấn tượng với tôi hơn Dead Cells, và âm nhạc cũng hay hơn nữa.
Do đó, tôi tin rằng Best Indie game năm nay gần như chắc chắn là của Celeste.
7. Hạng mục thứ bảy: Best Action Game
Các đề cử tranh giải:
- Call of Duty: Black Ops 4 (Treyarch/Activision)
- Dead Cells (Motion Twin)
- Destiny 2: Forsaken (Bungie/Activision)
- Far Cry 5 (Ubisoft Montreal/Ubisoft)
- Megaman 11 (Capcom)
Một trong những thể loại game được nhiều gamer yêu thích và chơi khá nhiều, đấy là Game hành động - Action Game. Năm nay, chúng ta có năm cái tên: Dead Cells, một game roguelike cực khó, Destiny 2, một game bắn súng MMO có độ gây nghiện cao, Far Cry 5, game bắn súng có yếu tố thế giới mở mới nhất của Ubisoft, Call of Duty Black Ops 4, cũng lại là một game FPS thuần action luôn, cuối cùng là... Megaman 11... (cái này bất ngờ thật lắm luôn). Tôi là một fan của Megaman, nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ có ngày Megaman lại được đề cử ở một hạng mục... không đúng lắm với bản chất của game - Best Action Game. Ok, đúng là Megaman có nhiều yếu tố hành động, nhưng bản chất nó là một game platform đi cảnh chứ không thiên về hành động, nếu xét thế thì Dead Cells mới thiên về hành động nhiều hơn, cho nên nói thực tế thì Megaman 11 có lẽ có tên ở đây là một cách để chúc mừng sự trở lại thành công của thương hiệu này, chứ ít có cơ hội đạt giải lắm.
Destiny 2 và Far Cry 5, cũng không thực sự thiên về hành động nhiều. Destiny 2, như đã biết là một game MMO và pha lẫn cả yếu tố RPG, cho nên thành thật mà nói nó không giống một game Action cho lắm. Far Cry 5 cũng thiên về khám phá thế giới mở hơn là chỉ xách súng và xẻng lên đập nhau (dù thực tế là đa phần game thủ đều lăm lăm đi đánh nhau hơn là đi khám phá thế giới trong Far Cry).
Do đó, tôi cho rằng cuộc đua sẽ là giữa hai đối thủ chính: Dead Cells và Call of Duty Black Ops 4. Về phần Black Ops 4, dù nhận rất nhiều chỉ trích về việc loại bỏ hoàn toàn phần chơi đơn truyền thống, rồi sử dụng các nhân vật từ các game Black Ops trước (một trò hiệu quả để hút fan, nhưng khá rẻ tiền) đến việc chạy theo trào lưu Battle Royale nhưng cũng không thể phủ nhận một sự thật: Black Ops 4 không phải một game tệ chút nào. Phần chơi multiplayer và zombie vẫn thành công và được đánh giá cao hơn Black Ops 3 nhờ các thay đổi. Mục chơi Black Out - Battle Royale của game thì được đánh giá là sáng tạo và hấp dẫn.
Dường như Call of Duty Black Ops 4 nhỉnh hơn, có lẽ là vì nó được biết đến nhiều hơn, nhưng cũng đừng quên là dù yếu tố thế giới mở của Far Cry 5 là nhiều hơn, nhưng xét ra nó cũng là một game hành động hay đấy chứ. Tuy vậy, tôi lại vẫn tin rằng Dead Cells sẽ làm nên chuyện.
8. Hạng mục thứ tám: Best Action/Adventure Game
Các đề cử tranh giải:
- Assassin's Creed Odyssey (Ubisoft Quebec/Ubisoft)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Marvel's Spider-Man (Insomniac Games/Sony Interactive Entertainment)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
- Shadow of the Tomb Raider (Eidos Montreal/Crystal Dynamics/Square Enix)
Game hành động đúng là được biết đến nhiều hơn, nhưng có lẽ game phiêu lưu-hành động lại được yêu thích hơn, vì thời lượng dài hơn và nhiều thứ để khám phá hơn. Ở đây chúng ta có năm cái tên, trong số đó, tôi nói thật là Shadow of the Tomb Raider khó mà có cơ hội đạt giải, nó là một game có lẽ không tệ, nhưng cũng chẳng đủ xuất sắc để đột phá như Tomb Raider 2013, bằng chứng là nó chìm nghỉm ngay sau khi ra mắt ít lâu.
Bốn cái tên còn lại thì đều là những đối thủ đáng gờm: Assassin's Creed Odyssey - Red Dead Redemption 2 - Spider-Man - God of War.
Về phần Assassin's Creed Odyssey, dù ban đầu bị đánh giá là một bản copy của Assassin's Creed Origins, nhưng Odyssey đã nhanh chóng chứng tỏ mình là một game action/adventure hấp dẫn và xuất sắc. Lối chơi pha lẫn yếu tố RPG đã được chăm chút hơn, bối cảnh Hy Lạp cổ hấp dẫn và thú vị hơn nhiều khiến người chơi bị lôi cuốn. Dù rằng cái chất "Assassin's Creed" của game là... gần như không thấy đâu, nhưng nếu xét nó là một game action/adventure, thì nó đã làm quá tốt.
Nhưng có lẽ chưa đủ để vượt mặt ba quả bom tấn còn lại: Nhện Nhọ, Cao Bồi và Thần Chiến Tranh. Yếu tố hành động thì quá rõ rồi, còn yếu tố phiêu lưu thì sao?
Chúng ta có thể khám phá một New York sôi động, hào nhoáng và đồng thời chứng kiến cuộc chiến chống tội phạm không ngừng nghỉ của Peter Parker. Chúng ta có thể khám phá miền viễn Tây thế kỷ XIX với sự pha lẫn giữa công nghệ hơi nước và thiên nhiên hoang sơ. Hoặc chúng ta có thể khám phá một thế giới thần thoại Bắc Âu muôn hình vạn trạng và cũng rực rỡ không kém.
Theo cá nhân tôi, tựa game làm tốt nhất việc phân bổ giữa hai yếu tố hành động-phiêu lưu chính là God of War, và vì thế, tôi đoán rằng chính God of War sẽ là kẻ chiến thắng tại hạng mục này.
9. Hạng mục thứ chín: Best Role-Playing Game
Các đề cử tranh giải:
- Dragon Quest XI: Echoes of an Elusive Age (Square Enix)
- Monster Hunter: World (Capcom)
- Ni no Kuni II: Revenant Kingdom (Level 5/Bandai Namco Entertainment)
- Octopath Traveler (Square Enix/Acquire/Nintendo)
- Pillars of Eternity II: Deadfire (Obsidian Entertainment/Verus Evil)
Nói thật thì đây không phải chuyên môn của tôi, tôi chơi rất ít game RPG, và với năm cái tên này, tôi chưa hề chơi qua một game nào cả, cũng chỉ biết sơ sơ về 1-2 game trong số này nên sẽ không lạm bàn gì cho lắm mà chỉ... nhìn mặt đoán bừa thôi. Hơi cảm tính, nhưng biết sao được?
Dragon Quest XI thì nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều, một số gọi nó là game hay nhất của series Dragon Quest, thậm chí là một trong những game hay nhất mọi thời đại, một số thì lại không hài lòng về âm nhạc cũng như ít có sự đột phá về gameplay cũng như phong cách đồ họa. Dragon Quest XI nhìn chung được đánh giá tốt, nhưng chưa toàn diện.
Octopath Traveler, một game độc quyền cho Nintendo Switch nên có lẽ ít được biết đến hơn, nhưng nó cũng nhận được rất nhiều đánh giá tích cực và điểm số rất cao.
Monster Hunter: World - một game mà theo một số bạn của tôi là fan của series này thì... một game hay, nhưng lại là một game Monster Hunter tệ. Monster Hunter: World có lối chơi gây nghiện và rất hấp dẫn, đánh giá cũng rất tích cực, nhưng nó lại không được lòng của kha khá fan gạo cội của dòng game. Nhưng kể ra nếu xét nó như một game RPG độc lập, thì quả là một game xuất sắc.
Ni no Kuni II - điều ấn tượng nhất về game là phong cách đồ họa Ghibli và âm nhạc do chính Joe Hisaishi thực hiện. Đánh giá về game nhìn chung đa phần là rất cao và nó cũng đã giành được giải Best RPG ở Gamescom 2017 rồi.
Tựa game còn lại - Pillars of Eternity II: Deadfire, là game đặc biệt nhất trong số 5 cái tên, vì nó là game được tạo ra nhờ kêu gọi vốn trên Kickstarter. Từ năm 2015, phần 1 của game do Obsidian Entertainment phát triển đã nhận được rất nhiều lời đánh giá tích cực, và khi họ bắt đầu kêu gọi vốn cho phần 2 của game trên Kickstarter, Pillars of Eternity II đã nhận được đủ số tiền yêu cầu chỉ sau vài ngày. Tôi chưa có dịp chơi tựa game này, ngay cả phần 1 tôi cũng chưa chơi, nhưng dạo qua các đánh giá về nó, tôi thấy những từ ngữ như "tuyệt phẩm" hay "một trong những game RPG hay nhất" được dùng liên tục, và điểm số của game cũng rất cao. Đó quả là một thành quả ấn tượng của Obsidian Entertainment, một studio còn khá non trẻ.
Có một chi tiết khá thú vị, trong 5 đề cử thì 4 đã là game RPG của Nhật Bản, chỉ duy nhất Pillars of Eternity II là RPG của phương Tây, vì thế, thôi thì tôi cũng đã vote và dự đoán là Pillars of Eternity II sẽ là người chiến thắng.
JRPG chiến thắng thì đâu có gì bất ngờ? Nhưng phải có bất ngờ mới hay chứ? Và tôi cho rằng Pillars of Eternity II xứng đáng sau những thành quả nó có được.
10. Hạng mục thứ mười: GAME OF THE YEAR
Các đề cử tranh giải:
- Assassin's Creed Odyssey (Ubisoft Quebec/Ubisoft)
- Celeste (Matt Makes Games)
- God of War (Santa Monica Studio/Sony Interactive Entertainment)
- Marvel's Spider-Man (Insomniac Games/Sony Interactive Entertainment)
- Monster Hunter: World (Capcom)
- Red Dead Redemption 2 (Rockstar Games)
Đây chính là hạng mục quan trọng nhất, hạng mục được mong chờ nhất, hạng mục danh giá nhất.
Kẻ nào sẽ là vua của năm 2018?
Chúng ta cùng nhìn lại các vị vua tiền nhiệm của ngai vàng "Game of the Year" những năm vừa qua.
Vị vua của năm 2014, là Dragon Age Inquisiton, đến từ BioWare
Vị vua của năm 2015, là The Witcher III: Wild Hunt, đến từ CD Projekt Red
Vị vua của năm 2016, là... ờm, Overwatch, đến từ Blizzard
Vị vua của năm 2017, là The Legend of Zelda: Breath of the Wild đến từ Nintendo.
Vậy còn vị vua của năm 2018, sẽ là ai? Những thợ săn quái vật của Monster Hunter: World? Cặp đôi chiến binh Hy Lạp của Assassin's Creed Odyssey? Anh chàng Nhện nhọ thân thiện đến từ New York? Những chàng cao bồi viễn Tây của Red Dead Redemption 2? Thần chiến tranh kiêm "best daddy of the year" - God of War?
Hay sẽ là một con ngựa ô đầy bất ngờ - Celeste?
Celeste có tên trong đề cử thực sự là một bất ngờ, không chỉ với tôi mà có lẽ còn với rất rất nhiều người khác. Celeste đúng là rất xuất sắc, nhưng tôi lại không thể ngờ là nó xuất sắc đến mức dù là game indie mà vẫn ngạo nghễ ngồi chung mâm với các ông lớn khổng lồ kia.
Nhưng nhìn vào sự thật, Celeste vào được top 6 đề cử, có lẽ là giới hạn cuối cùng, dù nhiều người rất muốn có một bất ngờ, một sự đột phá, nhưng nhìn các đối thủ của Celeste, cơ hội là rất nhỏ.
Tôi không nghĩ là Monster Hunter: World, Assassin's Creed Odyssey và Spider-Man có cơ hội giành giải, vì mọi ánh mắt, mọi suy đoán đều đổ dồn vào hai cái tên duy nhất: God of War và Red Dead Redemption 2, cả hai đều được dự đoán là có cơ hội giành lấy vinh quang cao nhất với một tựa game.
Khi God of War ra mắt, người ta nhanh chóng cho rằng nó sẽ là GOTY.
Nhưng đến khi Red Dead Redemption 2 ra quân, rất nhiều người lại đổi phe sang nó.
Với cá nhân tôi, một người... chưa chơi hai game trên mà chỉ nghe, đọc và xem xét tình hình như một kẻ trung lập mẫu mực, thì tôi nghiêng về God of War. Vì sao ư? Có thể là nó hơi được tung hô quá mức, nhưng đừng quên God of War đã thay đổi gần như toàn bộ cốt lõi của một biểu tượng Playstation, và thay đổi tốt đến mức ngay cả các fan khó tính nhất cũng phải công nhận.
God of War 2018 chỉ là chương đầu trong cuộc phiêu lưu mới của Kratos, và nó đã làm quá xuất sắc vai trò của mình rồi. Red Dead Redemption 2 có thể phá vỡ nhiều kỷ lục, doanh thu cao ngất ngưởng, thì có sao đâu?
Tôi vẫn tin là là vị Thần chiến tranh sẽ bước lên ngôi cao nhất.
Tôi vẫn tin rằng God of War sẽ là vị vua của năm 2018.
*Và đó là toàn bộ suy nghĩ cũng như dự đoán của tôi về một số hạng mục lớn của The Game Awards 2018. Lưu ý rằng đây chỉ là dự đoán của cá nhân tôi, các bạn hoàn toàn có thể đưa ra những dự đoán của riêng mình. Và các bạn cũng có thể truy cập vào đường link phía dưới để xem toàn bộ các hạng mục cùng các đề cử và bầu chọn cho tựa game mình yêu thích.
Hãy chờ đến ngày 7/12, để xem bài này có bao nhiêu % chính xác, và tôi có bị... blame hay không?
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất