Công việc là một trong những khía cạnh quan trọng trong đời sống của một người trưởng thành. Đi làm không chỉ đơn giản là đem lại thu nhập để duy trì cuộc sống và thỏa mãn các nhu cầu tài chính, công việc mang đến cho ta lí do để thức dậy vào mỗi sáng, tạo dựng nên lịch trình sinh hoạt ổn định và cung cấp một mạng lưới xã hội đa dạng hơn (Schneider và Harknett, 2019).
Ta biết mình là ai thông qua cống hiến cho công việc
Bằng cách đi làm và trở thành một phần của một tập thể, con người tìm kiếm ý nghĩa cho sự hiện diện của mình trên cuộc đời này bằng cách nỗ lực giải đáp bốn câu hỏi quan trọng là: “tôi đang làm gì” (dưới góc độ vai trò); “tôi thuộc về đâu” (dưới góc độ thành viên của một tổ chức); “tôi là ai” (từ góc độ danh tính) và “mục đích tại sao tôi lại ở đây” (từ góc độ tạo ra giá trị ý nghĩa) (Patt và cộng sự, 2003). Thiếu đi việc làm, việc trả lời những câu hỏi này sẽ trở nên khó khăn và khuyết thiếu.
Thất nghiệp thực sự là một nỗi đau
Người thất nghiệp, đặc biệt là những ai bị mất việc một cách không tự nguyện (bị sa thải, bị đuổi việc, ép nghỉ việc, công ty phá sản,…) phải nếm trải nỗi đau buồn tương tự như khi trải qua các sự kiện sang chấn lớn trong đời như cái chết của người thân, bệnh tật, ly hôn, chia tay hay trải qua một thiên tai (Van Eersel và cộng sự, 2019). Thất nghiệp làm gia tăng các triệu chứng trầm cảm, lo âu, số lần nỗ lực tự tử của một người, ảnh hưởng đến lòng tự trọng của họ và khiến niềm tin vào giá trị của bản thân giảm sút (Milner và cộng sự, 2013). “Vết sẹo” này
không chỉ mang tính thời điểm hay ngắn hạn, nỗi đau thất nghiệp có thể kéo dài và ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc cũng như khả năng tìm kiếm việc làm của một người trong tương lai (Voßemer và cộng sự, 2018).
Nỗi đau là kết quả của những mất mát to lớn
Lý thuyết bảo tồn nguồn lực (conservation of resources theory) đã đưa ra khung lý thuyết để giải thích tại sao thất nghiệp lại ảnh hưởng một cách bất lợi đến cá nhân. Lý thuyết này cho rằng những chấn thương, đau khổ hay căng thẳng về tâm lý là kết quả của những tình huống có liên quan đến việc bị đe dọa hoặc mất mát các nguồn tài nguyên có giá trị (Hobfoll và cộng sự, 2016). Thất nghiệp, trong khi đó, là nguyên nhân chính và trực tiếp, khiến một người mất đi các lợi ích kinh tế như giảm thu nhập, hạn chế về điều kiện sống (ví dụ: phải ăn những món ăn rẻ tiền hơn hoặc chuyển đến một căn hộ có tiền thuê thấp hơn) cũng như hạn chế khả năng lên kế hoạch và kiểm soát chi tiêu cá nhân (ví dụ: đành phải hủy bỏ kế hoạch đi du lịch hay ăn một bữa ăn đắt tiền với bạn bè) (Voßemer và cộng sự, 2018). Thất nghiệp tước đi của người lao động nguồn lực tài chính cần thiết và giới hạn các lựa chọn của họ trong việc đáp ứng nhu cầu của bản thân (Nizalova và Norton, 2017).
Lý thuyết nhận dạng bản sắc (identity process theory) cũng nhận định rằng thất nghiệp làm mất đi tính liên tục của quá trình định hình và xác định năng lực bản thân. Trong thời gian thất nghiệp, người lao động phải trải qua sự thiếu thốn và hạn chế về không gian tâm lý (bao gồm những yếu tố như mục đích, công việc, sự tương tác giữa các cá nhân, sự xác nhận từ những người có thẩm quyền) để khám phá những gì bản thân có thể thực hiện, trải nghiệm hay những giá trị mà bản thân có thể đóng góp được (Mühlhaus, Bouwmeester và Khapova, 2021). Sau thất nghiệp, những suy nghĩ và niềm tin về bản thân, tương lai cũng như thế giới quan nói chung phải thay đổi và xây dựng lại để phù hợp hơn với thực tế mới (van Eersel và cộng sự, 2021). Điều này không khó thấy khi những niềm tin về năng lực của bản thân thường trở nên u ám và bớt tích cực hơn khi chúng ta không có việc làm.
Thất nghiệp vào thời điểm hiện tại thì sao?
Trong bối cảnh AI đang ngày càng trở nên hữu ích và có khả năng giải quyết một cách ngắn gọn, nhanh chóng các tác vụ trước giờ con người vẫn đảm nhiệm, cơ hội việc làm dường như bị hạn chế và các kĩ năng, yêu cầu về chuyên môn cũng đã tăng lên. Minh chứng dễ dàng thấy nhất là làn sóng layoff mạnh mẽ từ 2023 trở lại đây của các công ty công nghệ lớn toàn cầu (Stringer & Corrall, 2024).
Trong khi đó, ở Việt Nam, chênh lệch giữa cung và cầu, giữa người lao động và việc làm sẵn có là ngày càng lớn. Vào năm 2023, số lao động không sử dụng hết tiềm năng ở Việt Nam là 2,3 triệu người, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng 2023 là 4,3% (Tổng Cục thống kê Việt Nam, 2024). Con số này phản ánh tình trạng dư nguồn cung về lao động, đồng nghĩa những lao động có tiềm năng, trong độ tuổi lao động không thể tìm được một công việc phù hợp và phải đang trong trạng thái thất nghiệp là tương đối cao. Mô tả dễ hình dung rằng, so với lúc trước, bây giờ việc bắt gặp những tài xế công nghệ (grab, be,..) tốt nghiệp đại học, thậm chí là sở hữu 2-3 bằng cử nhân cũng không còn bất ngờ nữa.
Trong bối cảnh đó, việc thất nghiệp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến với từng cá nhân, đặc biệt là đối với người trẻ - đối tượng vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường lao động (như mình huhu)?
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, mình và các bạn của mình đã bắt tay thực hiện một nghiên cứu mới với chủ đề “Mối quan hệ giữa tình trạng công việc và sức khỏe tinh thần của người trẻ ở Việt Nam”. Tụi mình rất mong muốn có thể phân tích rõ ràng mối quan hệ này ở những anh em bạn dì đang ở trong độ tuổi của mình. Vậy nên, mình rất mong sẽ nhận được sự đóng góp của mọi người bằng cách điền vào link bảng hỏi ở phần comment.
Tóm lại là:
Công việc có ý nghĩa quan trọng với cá nhân về mặt tài chính và tâm lý xã hội. Vậy nên, thất nghiệp mang lại những nỗi đau và các khó khăn về mặt tinh thần. Những vấn đề này được lí giải dưới góc nhìn của Lý thuyết bảo tồn nguồn lực và Lý thuyết nhận dạng bản sắc. Trong bối cảnh ngày nay của AI và tình hình chênh lệch giữa cung cầu nguồn lao động, việc tìm hiểu về ảnh hưởng của thất nghiệp với sức khỏe tinh thần của người trẻ Việt Nam là cần thiết.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất