So này so nọ
Mấy ngày gần đây lại có lùm xùm về xích mích giữa một ca sĩ và một công ty quản lý nọ. Lướt xem những bình luận về vụ việc này, tôi...
Mấy ngày gần đây lại có lùm xùm về xích mích giữa một ca sĩ và một công ty quản lý nọ. Lướt xem những bình luận về vụ việc này, tôi đọc được ý kiến rằng: công ty quản lý tuy có những điều gì gì đó khiến ca sĩ muốn rời đi, nhưng cuộc sống như vậy là tốt lắm rồi, chứ bên Hàn Quốc còn áp lực hơn rất nhiều. Ý kiến này tôi cũng từng thấy ở những vụ tương tự một vài năm trước. Tôi là người ngoài cuộc, không định bàn ai đúng ai sai, tôi chỉ có chút suy nghĩ về những lập luận kiểu "chứ bên Hàn Quốc".
Tôi không rõ về văn hóa Hàn Quốc cho lắm, nhưng tôi nghĩ Việt Nam và Hàn Quốc có những đặc thù riêng khiến mọi so sánh sẽ là khập khiễng. Tôi cảm thấy tại Hàn Quốc, văn hóa thần tượng cực kỳ đậm nét, đậm đến mức có thể lan truyền sang nhiều quốc gia xa xôi khác. Trong khi đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư tưởng "xướng ca vô loài", hiện nay cách suy nghĩ cũng cởi mở hơn, nhưng do tư tưởng này đã tồn tại từ rất lâu nên khó phai nhanh được. Tức là, ánh hào quang của người nghệ sĩ tại Việt Nam nhạt hơn rất nhiều so với bên Hàn Quốc. Làm sao có thể mang sự khắc nghiệt ở nước khác làm chuẩn mực so sánh cho nghệ sĩ tại Việt Nam chứ? Như vậy chẳng khác nào đòi hỏi một nhân viên làm việc tại Nhật Bản nhưng trả bằng lương Việt Nam cả. Rất không công bằng.
Tôi hay thấy những trường hợp cứ thích so sánh Việt Nam với những nước phát triển, không phải để xây dựng mà là để chê bai. Ở những trường hợp đó, mọi người thường dễ dàng chỉ ra sự cách biệt hiện bên ngoài, chẳng hạn như người ta ít xả rác như mình, dùng phương tiện công cộng nhiều hơn mình, đọc sách nhiều hơn mình, tôn trọng luật pháp hơn mình, tôn trọng sự riêng tư của người khác hơn mình... để rồi kết luận nước mình còn lâu mới văn minh như người ta được (và cách nhanh nhất để đạt đến văn minh là chê bai để có vẻ như bản thân không thuộc số đông "kém văn minh" ấy chăng?). Trước những chênh lệch "văn minh" này, các suy nghĩ đào sâu về vì sao người ta tốt hơn mình, hoặc, làm thế nào người ta tốt được như vậy... có vẻ hơi ít.
Nhớ có lần tôi gặp một bình luận rằng dân số Việt Nam đông hơn Nhật nhưng số lượng sách người Nhật đọc lại nhiều hơn Việt Nam. Đúng là người Việt ít đọc sách, nhưng nếu so sánh như thế thì khá là có vấn đề. Trước hết, dân số Nhật đông hơn Việt Nam rất nhiều, tuy số liệu sách thống kê là bình quân đầu người nhưng rõ ràng người bình luận đã thiếu tìm hiểu. Ngoài ra, Nhật có dân số già, tức dân số ngoài tuổi lao động (đồng nghĩa với có thời gian nhàn rỗi) cao hơn, trong khi dân Việt Nam khá trẻ (bận rộn hơn, và cũng ít "sâu sắc" hơn). Thêm nữa, chiếm đáng kể trong lượng sách người Nhật đọc là truyện tranh. Vì thế, tôi nghĩ nếu chỉ nhìn con số của hai nước thì khó mà so sánh được.
Lần khác, tôi thấy nhiều chia sẻ về hình ảnh đường phố Nhật Bản sạch sẽ đến mức dù ngập nước nhưng không hề có rác nổi lên như ở Việt Nam, kèm theo sự ngưỡng mộ người dân Nhật Bản. Một ngày đẹp trời nọ, sau khi vừa dứt mưa tầm tã, tôi bâng quơ nhìn ra con đường ngập thành suối trước nhà và phát hiện: con đường nhà tôi cũng không hề có một mẩu rác, hệt như con đường ở đất nước xa xôi trong tấm ảnh nọ. Rồi tôi lại bâng quơ suy nghĩ, vì sao con đường nhà tôi lại không có rác? Tôi cho rằng đó là vì tại đây không có các khu đất trống để đổ rác bừa bãi; nhà cửa liền sát nhau, cộng thêm không có vỉa hè nên vứt rác ra đường cũng chính là vứt rác ngay trước nhà mình; mọi người là cư dân sống lâu năm, cần tình làng nghĩa xóm nên cũng cần tôn trọng vệ sinh chung; rác được đổ hàng ngày nên không phải chất rác trong nhà quá nhiều. Sau đó, tôi cũng để ý thấy được nhiều con hẻm không rác như thế nữa, con đường nhà tôi không phải là trường hợp duy nhất. Nước mình thua kém nước bạn, nhưng không đến mức không thể cứu vãn đâu.
Lại một câu chuyện hơi khác. Sáng nay tôi xem được tiểu phẩm hài trên tivi nói về một cô gái làm văn phòng chán nản vì công việc không thăng tiến. Một người dì già dặn kinh nghiệm dạy cô rằng cô nên bằng lòng với những gì mình đang có, bằng cách chỉ cho cô thấy anh chàng bán vé số tuy không giàu như cô nhưng luôn an phận và sống vui vẻ. Chi tiết trong tiểu phẩm khá hay, nhưng tôi không thích cách kết luận này. Có vẻ như ở đây có sự nhầm lẫn giữa cầu tiến và so đo. Chàng trai bán vé số an phận vì có lẽ với cậu không còn con đường nào khác tốt hơn, thế nên cậu chấp nhận một cách vui vẻ (còn hơn là ủ rũ và than trách). Còn cô gái, cô không an phận vì cô cảm thấy khả năng của mình còn có thể tiến xa hơn nữa, an phận chính là tự đánh mất cơ hội. Ở đây, cô gái muốn cầu tiến không phải vì cô so sánh hiện thực của cô với hiện thực của người khác, mà cô đang so sánh hiện thực của cô với năng lực của chính mình.
So sánh cũng tốt thôi. Nhưng theo tôi, quan trọng là so với ai, so để làm gì, và sau khi so xong thì sẽ làm gì tiếp theo. So sánh nhìn lên quá lâu, thấy "mình chẳng bằng ai" dễ đâm ra cảm xúc tự ti, chán nản. Mặc khác "nhìn xuống chẳng thấy ai bằng mình" lại như một liều thuốc giảm đau cho bản thân mà quên giải quyết gốc rễ vấn đề (nên nhớ, mục đích của cơn đau là cảnh báo cơ thể về những tổn thương để có thể chữa trị kịp lúc, và có vài trường hợp quân lính được cho dùng thuốc giảm đau để không nhận ra vết thương mà chiến đấu đến chết). Tôi chợt nhớ đến câu nói một người bạn từng nói với tôi: "Nếu chén cơm của mày không có thịt, rồi mày tự an ủi rằng chén cơm của những người khác cũng không có thịt, điều đó đâu làm cho chén cơm của mày có thịt đâu."
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất