Nửa đầu thế kỷ 20, tàu bay khinh khí cầu - ứng cử viên sáng giá để trở thành bộ mặt cho ngành công nghiệp hàng không, bỗng được đà phất lên như diều gặp gió. Các ông lớn trên khắp địa cầu đều thi nhau sản xuất loại phương tiện này. Đối với những người đàn ông nhiều toan tính ấy, việc sản xuất tàu bay không chỉ là để đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh hơn, xa hơn, mà còn là để chứng minh vị thế của mình, cũng như tên tuổi đất nước mình trên trường quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất, khét tiếng nhất trong giới tàu bay bấy giờ, không ai khác ngoài người Đức.  
Người Đức đã tạo ra vài chục con tàu bay đáng gờm chỉ trong vòng vài thập kỷ, họ để lại  ấn tượng và sự kích cầu đầy hối thúc cho khách hàng. Ở đỉnh cao của mình, người Đức đã cho ra đời Hindenburg - con tàu bay được mệnh danh là Titanic ở trên không.
Nhưng cũng chính niềm tự hào mang tên Hindenburg ấy đã giáng một đòn đau vào không chỉ nước Đức, mà còn cả thời đại ngồi mát ăn bát vàng của tàu bay, khiến thời đại này sụp đổ hoàn toàn khi đang ở đỉnh cao chói lọi. Đến bây giờ, ký ức kinh hoàng của người Mỹ vẫn còn ghi, năm 1937, giữa bầu trời tự do của Hoa Kỳ, quả cầu lửa có tên THẢM HỌA HINDENBURG ập đến.
Một trong những chiếc tàu bay khinh khí cầu lớn nhất thế giới đột ngột cháy rụi khi đang hạ cánh, giết chết 35 người vô tội. Toàn bộ sự việc đã được ghi lại trực tiếp, và phát thanh cho cả thế giới. Vị “hoàng đế” của tàu bay, với kích thước khổng lồ và sự kỳ vọng bất bại ngang với huyền thoại Titanic, cũng dính vào lời nguyền chết chóc. Và hơn cả thế, nguyên nhân cho cái chết của Hindenburg còn được dán nhãn “bí ẩn” suốt gần 100 năm trời.
Vậy rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra? Hindenburg là gì? Nó hiện đại ra sao? Vụ tai nạn đã diễn ra như thế nào? Tại sao không thể tìm ra nguyên nhân của vụ thảm kịch? Có mưu đồ đen tối nào đằng sau tấn thảm kịch này hay không? 
Mình sẽ lý giải những câu hỏi trên trong bài viết sau đây. 

Thời đại tàu bay 

Đầu tiên là về bản chất của tàu bay khinh khí cầu. Tàu bay là một loại máy bay “nhẹ hơn không khí” có bộ động cơ và bánh lái riêng. Loại phương tiện này có thể bay lên nhờ một lò đốt khí nhẹ hơn không khí thông thường. Khi đã lên đến độ cao tiêu chuẩn, mỗi chiếc tàu bay sẽ di chuyển nhờ động cơ có sẵn. 
Đây từng là loại phương tiện hàng không phổ biến nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20, trước khi máy bay thương mại chiếm trọn spotlight. Sở dĩ tàu bay được tin dùng, là nhờ sự tiện nghi và tốc độ của nó. Mỗi chiếc khinh khí cầu khổng lồ có thể di chuyển với vận tốc hơn 80 dặm/h (~128.7 km/h), giúp những chặng đường xa bớt tốn kém thời gian hơn rất nhiều. 
Nếu như sử dụng tàu thủy, người ta phải mất cả tuần để vượt biển từ Châu Âu sang Châu Mỹ, thì với tàu bay, thời gian rút gọn chỉ còn một nửa. Hơn nữa, dịch vụ trên tàu bay cũng rất chất lượng, phòng gym, salon, thư viện đủ cả, lại còn được ngắm nhìn bầu trời trong xanh, nên thơ trải dài ngay trước mắt. Chẳng quá khi nói đây là vua của các loại phương tiện lúc bấy giờ.
Người dân đi tàu bay ngày một nhiều vì những ưu điểm tuyệt vời của nó. Đã vậy, những quả khinh khí cầu to bự này còn vượt ngoài nhu cầu di chuyển, đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau, như do thám, vận chuyển, thậm chí cả chiến đấu, nên các nước lớn ai cũng muốn “làm” một cái. Tàu bay của vị nào càng to, càng hiện đại, thì vị đó càng có cớ để nở mày nở mặt với bạn bè thế giới. Khoảng thập niên 20 - 30 của thế kỷ 20 cũng đánh dấu sự xuất hiện của nhiều chiếc tàu bay  “hầm hố”. 
Chẳng hạn như Norge của Ý:  
Nguồn: Oceansky Cruises
Nguồn: Oceansky Cruises
Hay ZR-3 của Mỹ: 
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Nhưng, tất cả những con tàu bay trên đều chỉ để làm nổi bật hơn cho những tác phẩm lẫm liệt của người Đức. Đức giương cao lá cờ, đi đầu trong phong trào thiết kế tàu bay, và ứng dụng chúng trong thực tiễn. Công ty Zeppelin tại quốc gia này là tổ chức mạnh nhất trong việc xây dựng tàu bay. Nhận định này không hề là nói quá khi mà sản phẩm của họ được thống nhất xếp vào một… hạng mục riêng! Hạng mục đó có tên là “tàu bay Zeppelin.” 
Vừa hay, đây cũng chính là cha đẻ của LZ 129 Hindenburg. 

Hiện tượng Hindenburg 

Được mệnh danh là “chiếc tàu bay lớn nhất thế giới”, Hindenburg dài đến 248m, rộng hơn 41m, tức là to ngang ngửa, thậm chí có phần nhỉnh hơn con tàu huyền thoại Titanic. 
Nếu như Titanic nổi tiếng với những căn phòng ăn trang hoàng, cầu thang chạm khắc cầu kỳ, nhà tắm hơi độc đáo; thì Hindenburg cũng không kém cạnh với trang thiết bị xa xỉ, hiện đại bậc nhất. Những hành khách đặt chân lên chiếc khinh khí cầu khổng lồ cũng nhận được dịch vụ hạng sang, từ phòng ngủ giường tầng tinh tươm, phòng ăn tiện nghi và lộng lẫy, cho đến vòi nước nóng lạnh, phòng tập gym v.v. Thậm chí, Hindenburg còn có một khoảng không hút thuốc riêng - một “tính năng” vừa đặc biệt, vừa mạo hiểm trên tàu bay lúc bấy giờ. 
Tàu Hindenburg, ảnh phục chế có màu
Tàu Hindenburg, ảnh phục chế có màu
Một con tàu bay vừa to vừa mạnh, lại bó cẩn như thế, đương nhiên là đòi hỏi chi phí hoa mắt đi kèm. Được biết, công ty Zeppelin đã phải bỏ ra 500,000 Euro (khoảng 25 triệu Euro ngày nay) để hoàn thiện Hindenburg. 
Dù con số trên chưa được 1/3 số tiền MU bỏ ra cho Antony, nhưng vào thập niên 20-30, đó lại là một canh bạc khá mạnh. Theo tìm hiểu của mình, thì không có một con tàu bay thương mại nào được chi tiền rộng tay như Hindenburg. 
Vì những đặc điểm chỉ có ở Hindenburg này, mà giá vé lên tàu cũng thuộc dạng trên trời. Mỗi hành khách phải trả tới 450 Đô (hơn 9.7k Đô ngày nay) mới có thể sử dụng những tiện ích của Hindenburg; mà lúc đó, cuộc đại khủng hoảng ở Mỹ vẫn chưa kết thúc. Nói cách khác, chiếc khinh khí tàu này chỉ có thể là dân chơi dành cho tầng lớp thượng lưu, cung cấp những thứ tốt nhất cho những người gia thế khủng nhất. 
Bởi vậy mà sự an toàn tuyệt đối cho những vị khách quý này, theo đó cũng trở thành điều tiên quyết của Hindenburg.
Không như Titanic huyền thoại chìm mãi xuống đáy đại dương từ lần đầu nhổ neo, Hindenburg gần như đã chứng minh được rằng mình có thể tuyệt đối đáp ứng được yêu cầu đó. Nó đã thực hiện nhiều hơn một chuyến đi, cụ thể là đi đi về về được tận 10 lần, mà tất thảy đều là đường dài từ Châu Âu sang Châu Mỹ.
Con tàu lớn vững chắc đến thế, nên giới quản lý đã lên luôn kế hoạch cho nó bay vòng quanh châu Âu thêm chục lần nữa. Tất cả đều rất tự tin, rằng pha marathon này sẽ tiếp tục thành công tốt đẹp. Tiếng thơm của khinh khí tàu, từ đó vang xa hơn nữa. Tiền tài và danh vọng cho những người đứng sau chúng lại ngày càng tăng lên.
Vậy là vào buổi tối ngày 3/5/1937, LZ Hindenburg cất cánh tại Frankfurt, đưa 36 khách hàng và 61 người thuộc phi hành đoàn đến vùng Lakehurst nóng bỏng tại Hoa Kỳ. Theo kế hoạch, sáng sớm ngày 6/5, 97 người trên tàu sẽ được hít thở không khí nước Mỹ. 
3 ngày đầu chuyến bay, mọi thứ diễn ra vô cùng suôn sẻ. Những vị khách may mắn được trải nghiệm cảm giác lơ lửng giữa không trung, đêm xuống thì hưởng trăng thanh gió mát. Khi Hindenburg băng qua khu dân cư, cả một biển người sẽ hiện lên, nhỏ gọn trong tầm mắt. 
Hindenburg 3D
Hindenburg 3D
Nói chung, đây là một trải nghiệm rất “nhã”.

Những thời khắc trước tai nạn 

Câu chuyện chỉ đi sang một chiều hướng khác, khi Hindenburg bắt đầu tiến vào lãnh thổ xứ cờ hoa.
Chiều ngày 6/5/1937, bầu trời vùng New Jersey bỗng nổi gió. Mây đen phủ kín không gian, kèm sấm chớp, khiến Hindenburg không thể tiến vào vùng hạ cánh an toàn. 
Đội chỉ huy rất cẩn trọng. Họ không cố hạ cánh, mà quay bánh lái, hướng ra vùng Manhattan. Tại đây, Hindenburg lượn vài vòng, vừa để hành khách thưởng lãm cảnh vật, vừa chờ cho cơn bão đi qua. Chừng nào cảm thấy chưa an toàn, chiếc tàu bay sẽ không tiếp đất. 
Đến 6 giờ 22 cùng ngày, Max Pruss - chỉ huy trên tàu Hindenburg, mới nhận được tin rằng trời quang mây tạnh, đủ điều kiện hạ cánh. Lần này, cơ trưởng Max quyết định thực hiện kỹ thuật hạ cánh trên cao mới, cố định tàu bay vào đỉnh một tòa tháp. 
Tàu bay sẽ từ từ hạ độ cao về phía một toà tháp, Ngay trên đỉnh tòa tháp này đã có người chờ sẵn; khi tàu di chuyển vào đúng cữ, người ta sẽ cố định nó vào ngay bên cạnh. Nhìn chung là giống như cột bóng bay vào thanh sắt vậy, nhưng ở quy mô lớn hơn rất nhiều lần. 
Đây là một kỹ thuật khá là mạo hiểm, không mấy tàu bay đến từ Đức dám thực hiện trước đây, vì đòi hỏi rất nhiều thao tác và độ chính xác cao. Đến nay, chưa rõ vì sao cơ trưởng Max vẫn quyết định bật đèn xanh cho nước đi này.
Kiểu nó như thế này
Kiểu nó như thế này
Khoảng 7 giờ 20 tối, quá trình hạ cánh bắt đầu từ độ cao hơn 90m. Phần đầu tàu được cố định vào tháp trước, sau đó là mạn trái. 
Có điều, mạn phải lại gặp rất nhiều trục trặc, mãi không chốt được. Đội hậu cần xoay xở mãi mà dây vẫn tuột. Không ổn rồi, trời lại còn đổ mưa. 
Dưới mặt đất lúc này đây có hàng trăm người đang đứng chờ sẵn. Họ đến xem Hindenburg - con tàu khổng lồ hiếm thấy hạ cánh, và hình ảnh con tàu được cột vào một tòa tháp đã có thể trở thành một pha hạ cánh đẹp mắt. Thế nhưng tất cả những gì họ nhận được là một cơn ác mộng kinh hoàng.

Thảm kịch giữa đất Mỹ 

Chỉ 5 phút sau khi Hindenburg được cố định vào cột neo, giữa lúc người dân dưới mặt đất đang hò reo ăn mừng, ghi hình chụp ảnh liên tay, thì một luồng sáng không ai ngờ tới đột ngột bùng lên ở phía Hindenburg. Không một dấu hiệu cảnh báo nào, biểu tượng Hindenburg sừng sững kia đang bốc cháy như một ngọn đuốc!
Người ta ở dưới đất gào thét, tri hô đến rát cả cổ họng, hòng đánh động cho hành khách trên tàu. Còn ở trên tàu, những vị khách xấu số cũng không mất nhiều thời gian để nhận ra thần chết đang lao tới sát sườn, vì lửa đang cháy lan rất rất nhanh và cực kỳ hung tợn.  
Chỉ vài giây, toàn bộ khoang hành khách đồ sộ là thế đã cháy thành tro. Trong lúc đó, vụ nổ ở phần rìa đuôi tàu tống hai bình chứa nước (hoặc xăng, đến nay vẫn chưa ai xác định được) ra ngoài, khiến đám đông bên dưới chạy toán loạn thảm thiết. 
Hindenburg chứa khoảng 198218 mét khối hydro, tương đương với gần 80 bể bơi tiêu chuẩn Olympic ngày nay. Với ngần ấy khí đốt, chỉ một mồi lửa nhỏ cũng đủ khiến mọi thứ tan vào hư vô. Và thật vậy, con tàu khổng lồ, sang trọng đã đổ sụp và bị thiêu hoàn toàn chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút. 
Lớp khung xương kim loại không ra hình thù trơ ra sau khi bị ngọn lửa phá tan da thịt. Khối sắt nóng bừng ấy rơi uỳnh xuống đất, tạo nên âm thanh ám ảnh với rất nhiều người tại thời điểm đó. Cú va chạm tạo ra dư chấn lớn đến mức làm vỡ cả cửa kính, và làm rung chuyển bàn ăn tại một nhà hàng cách cột neo tới hơn 9 km. 
Kể cả sau khi Hindenburg đã lụi tàn bị biến dạng khủng khiếp, thì ngọn lửa từ con tàu bay vẫn chưa dứt. Phải mất vài giờ đồng hồ sau, “bà hỏa” mới thực được kiểm soát hoàn toàn. . . 
Đau đớn hơn nữa, toàn bộ thảm kịch Hindenburg này đều đã được thu trực tiếp và phát sóng trên toàn nước Mỹ. Herbert Morrison, một người dẫn chương trình trực tiếp tại thời điểm đó, đã thốt lên những lời như thế này:
“Khói lửa mù mịt quá. Khung tàu rơi hết xuống đất rồi. Ôi nhân loại ơi, biết bao người đang gào thét ở đây này. Nói cho quý vị nghe, tôi không thể bắt chuyện với bất cứ ai ở đây, thân nhân họ đang ở trên kia kìa. Quỷ thần ơi, nó… đang… Lạy chúa, tôi không thể nói thêm gì được thưa quý vị và các bạn. Thật sự, Hindenburg đang nằm kia, chỉ còn là một đống tro tàn. Tiếng hét to quá, mọi người không thở được. Tôi thật sự xin lỗi, tôi cũng khó thở quá. 

Hậu quả 

Sau buổi tối tháng 5 định mệnh, 35 người đã ra đi vĩnh viễn, trong đó có 13 hành khách và 22 thành viên phi hành đoàn. Hầu hết nạn nhân mất mạng vì vết bỏng quá nặng. Nhưng, cũng có những hành khách xấu số, vì quá hoảng loạn mà nhảy khỏi tàu bay từ độ cao tít tắp. 
Lại có nhiều người khác qua đời trước cả khi ngọn lửa tìm đến. Họ cố gắng rời khỏi tàu từ mạn phải, nhưng cánh cửa thoát hiểm lại bị kẹt, Giữa cơn bĩ cực, những hành khách ấy chỉ biết ngồi thụp xuống, để số phận quyết định tất cả.  
Ngay cả những người may mắn sống sót cũng chẳng lành lặn hơn là bao. Một nhân chứng dưới mặt đất kể lại, rằng anh thấy một người đàn ông đi ra từ cột neo, mái tóc đang bốc cháy, quần áo cũng bị thiêu rụi gần hết. Thậm chí, có một hành khách được đưa vào bệnh viện, những tưởng được chữa trị kịp thời, nhưng rồi vẫn phải sang thế giới bên kia vì bỏng nặng quá.
Một tai nạn hàng không quá đỗi thảm khốc, Cả thế giới bỗng chốc chìm trong tang tóc. Bấy giờ, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: Vì đâu mà ra nông nỗi này? Điều gì đã hạ gục “gã khổng lồ” từ tít trên cao?

Nguyên nhân 

Bên cạnh sự gục ngã đầy kinh hãi của Hindenburg, thì nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này cũng là mối quan tâm hàng đầu, bởi nó bị dán mác “bí ẩn” trong suốt gần một trăm năm trời.
Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra để rồi gã khổng lồ Hindenburg cháy rụi vào giây cuối cùng của chuyến hành trình ấy. 
3 ủy ban điều tra đã được thành lập nhằm xác định nguyên nhân thảm họa. Người ta đưa ra kết luận là một tia lửa đã làm cháy khí hidro nhưng lại không nói rõ nguồn gốc của tia lửa hay chỗ rò rỉ. Vào thời kỳ đó, cả chính quyền Đức cũng như Mỹ đều không muốn điều tra về một sự phá hoại vì sợ sẽ gây ra một rắc rối ngoại giao. Thế nhưng vài năm sau chính người Đức đã nêu ra giả thuyết đó, lập luận rằng phía Mỹ muốn làm hoen ố hình ảnh của chế độ quốc xã, hạ bệ thanh danh của Hitler, người đứng sau đế chế Zeppelin, nhưng họ không thể đưa ra được bằng chứng nào.
Một số người khác lại cho rằng, Hindenburg bốc cháy vì động cơ quá tải. Cụ thể, khi vào thế hạ cánh, chiếc khinh khí tàu phải tăng hết tốc lực để di chuyển ngược về đằng sau. Động thái này vượt quá sức chịu đựng của máy tàu, trực tiếp gây ra vụ cháy, 
Thậm chí, một số giả thuyết gia còn bày tỏ quan điểm rằng đã có kẻ… bắn hạ Hindenburg ngay khi nó chuẩn bị hạ cánh. Có điều, chẳng ai đưa ra được cơ sở thuyết phục cho suy nghĩ này, tất cả những giả thuyết trên cũng vậy. 
Suốt nhiều năm tháng sau, giới học giả vẫn bàn tán sôi nổi về nguyên nhân dẫn tới thảm họa Hindenburg. Thế rồi mãi đến năm 2013, người ta mới đưa ra một lời giải (có vẻ) thỏa đáng. 
Cụ thể, Jem Stansfield, một kỹ sư chuyên ngành hàng không tại Mỹ, đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu sinh để mổ xẻ về tai nạn năm 1937. Họ chơi lớn đến độ cho nổ và đốt cháy mẫu mô hình dài tới 24m. 
Cuối cùng, câu trả lời gói gọn trong 2 từ: Tĩnh điện. 
Hiện tượng này thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nhất là vào mùa đông, khi chúng ta cảm thấy giật điện sau mỗi lần chạm tay vào nắm cửa, co kéo chăn, hoặc sờ vào vật kim loại. Nhưng đương nhiên, trong trường hợp của Hindenburg, quy mô tĩnh điện lớn hơn rất, rất nhiều lần.
Các bạn còn nhớ chi tiết Hindenburg từng di chuyển trong cơn bão trước khi hạ cánh chứ? Chính trong khoảng thời gian này, con tàu đã hấp thụ một lượng điện lớn vào phần vỏ ngoài, vốn làm từ vải cotton trộn với acetat và bột nhôm.
Trong lúc loay hoay tìm cách cố định con tàu vào cột neo, hẳn những người thợ đã làm rò rỉ khí hydro. Một số nhân chứng khẳng định họ đã nhìn thấy phần vải phía trước thân tàu rung lên đáng kể - tức khí đốt đã bị thoát ra ngoài. 
Hydro trộn lẫn với không khí, kết hợp với phần vỏ tàu tĩnh điện nặng - một điều kiện quá thuận lợi để tạo ra vụ hỏa hoạn. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ thôi, cả con tàu sẽ bốc cháy ngùn ngụt mà không gì có thể kiểm soát nổi, hệt như những gì chúng ta đã biết.
Tuy nhiên, lời giải thích này vẫn chưa được trọn vẹn, vì làm sao hydro có thể rò rỉ trên con tàu hiện đại nhất thế giới lúc bây giờ? Đó là chưa kể theo những nhân chứng còn sống, không có nhân chứng nào nói đến mùi tỏi cay nồng, thứ vốn được hòa vào với hidro của tàu bay để giúp phát hiện khi có rò rỉ.
Tóm lại, qua 87 năm, vẫn chưa có một kết luận nào thỏa đáng về nguyên do đằng sau tai nạn thảm khốc của Hindenburg. Buổi tối ngày 6/5/1937 sẽ mãi được ghi nhớ là một trong những khoảng thời gian đen tối, và bí ẩn nhất lịch sử ngành hàng không nói riêng, và cả thế giới nói chung. 
Sau tấn thảm kịch tại Lakehurst, cả thế giới đâm ra “rén”, không muốn lên khinh khí tàu để đi chơi nữa. Vừa hay, máy bay thương mại cũng dần phát triển, trở nên nhanh hơn, dễ tiếp cận hơn, nên những quả bóng bay khổng lồ lại càng bị nhấn chìm vào dĩ vãng.
Nhưng, những chiếc khinh khí cầu không hẳn đã hết thời. Ngày nay, người ta vẫn sử dụng loại phương tiện này cho nhiều mục đích khác nhau, như do thám, vận chuyển, tiền trạm, chỉ là không còn phổ biến về mặt thương mại nữa mà thôi. 

Kết 

Chỉ sau một năm hoạt động, Hindenburg đã nhận cái kết đau đớn và chóng vánh. Đang là là tàu bay hiện đại, đắt đỏ nhất thế giới, vậy mà chỉ qua 10 phút, mọi thứ đã trở về với cát bụi.
Hindenburg không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành giao thông thế giới, mà còn như một lời thì thầm vang vọng cho đến tận ngày nay, rằng cuộc đời ngắn ngủi, vô thường, và khó đoán đến nhường nào. 
Nên là cứ sống vui vẻ khi còn có thể, và xem video ủng hộ Bồ Cool nha các homiess. Mình cảm ơn mọi người rất rất nhiều!!