----------------
Bài viết được mình dịch và tổng hợp từ:
...và một số nguồn khác, bao gồm Wikipedia. Mình tham khảo khá nhiều nên cũng không tiện liệt kê ra hết, mong các bạn thông cảm.
Ảnh minh họa: Internet.
Note: Bài dài !!! Mọi sai sót trong khâu chuyển ngữ hoặc thông tin chưa chính xác, rất mong sẽ nhận được sự nhận xét, góp ý của các bạn.

Méo.
---------------

Cowboy – Cao bồi – Coi bò. Ez dễ hiểu.


Đã từng có thời những gã đi bốt cao, mũ rộng vành sùm sụp, đai lưng giắt khẩu lục ổ quay là hình tượng được say mê như điếu đổ. Lãng tử cô độc, ngạo nghễ và đầy mê hoặc, vó ngựa của những chàng Cao bồi không chỉ tung hoành trên những thảo nguyên ngút ngàn mà còn đi vào văn học và điện ảnh. Họ trở thành những người hùng, những huyền thoại sống, là một hình tượng văn hóa riêng biệt và đặc sắc của miền Tây hoang dã.
Lịch sử văn hóa Cao bồi Mỹ có nguồn gốc xa xôi từ xứ Espãna (Tây Bán Nhà), quê hương của Hernán Cortés Kẻ Chinh Phục. Hạm đội của Đế chế mang theo những kẻ xâm lược đến vùng Trung và Nam Mỹ, quét sạch nền văn minh Aztec và Mayan bản địa, đưa hào quang của vương miệng soi rọi đến tận lãnh thổ Mexico và miền Tây Huê Kỳ ngày nay. Sau khi đã đánh nhau chán chê với mấy tay thổ dân, các anh da trắng mắt xanh mũi lỏ mới giật mình thảng thốt: “Chết mịa, bọn này chúng nó không ăn bít-tất à ?!?!”. Thế là cùng với dòng người di cư khai phá vùng đất mới, hàng nghìn bạn bò, ngựa và gia súc khác đã được đi du lịch bằng đường biển từ mẫu quốc đến châu Mỹ. Từ đó đã hình thành nên ngành chăn nuôi gia súc với những điền trang khổng lồ, là nguồn cung chủ yếu thịt, da và mỡ (để làm nến) cho những cư dân mới đến.
Bắt lấy nó !
Năm 1519, người Tây Ban Nha từ Mexico đặt chân đến Texas – một thiên đường lý tưởng cho việc chăn nuôi gia súc theo kiểu thả rông. Và trong hơn 200 năm tiếp theo, đến giữa thế kỷ XVIII, nghề chăn nuôi gia súc ngày càng lan xa hơn về phía Tây Nam nước Mỹ. Với những thảo nguyên bất tận, quy mô đàn gia súc được mở rộng, đòi hỏi những người chăn dắt gia súc phải có phương án di chuyển thích hợp. Thế là những người chăn bò cưỡi trên lưng ngựa cùng với dây thừng và thòng lọng bắt đầu xuất hiện. Ban đầu, họ được gọi là Vaqueros – tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “bò”. Đến nửa sau thế kỷ XIX, đặc biệt là sau cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mexico từ năm 1846 đến 1848, người Tây Ban Nha dần nhường chỗ cho dân Mỹ đến định cư. Những người Anglo mới tới nhanh chóng tiếp thu ngành chăn nuôi và văn hóa Vaqueros, rồi phát triển nó thành những trang trại hẳn hoi với quy mô lên đến hàng trăm con. “Fetch that cow, boy”, từ Cowboy có lẽ bắt nguồn từ đó.

Cơn sốt vàng năm 1849 khiến hàng nghìn người ùn ùn kéo đến California, càng làm nhu cầu về thịt tăng lên. Tiếp theo đó là cuộc nội chiến Mỹ từ 1861 đến 1865. Tại miền Bắc, quân đội Liên bang luôn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực. Thời đó, một con bò đực ở Texas chỉ được trả 4 đô-la, nhưng lại có giá tới 40 đô-la ở miền Bắc. Những chủ trang trại ở Texas không thể bỏ lỡ cơ hội trước một món hời như thế. Họ đã có những chuyến đi dài lên phía Bắc. Tuy nhiên, họ vấp phải sự phản đối của những nông dân và người Indian bản địa, khi mùa màng và hoa màu bị bầy gia súc giẫm nát. Ngoài những lão già gân nông dân và đám thổ dân da đỏ xăm trổ luôn sẵn sàng chơi khô máu để bảo vệ vùng đất của tổ tiên, bọn cướp (desperadoes) cũng là một mối hiểm nguy thường trực. Giá trị của bầy gia súc lên đến hàng trăm con khiến chúng không hề nao núng ra tay hạ thủ những người quản đàn. Và súng trở thành thứ vũ khí không thể thiếu trong hành trang của những chàng Cao bồi.

Về sau, khi đầu máy hơi nước và xe lửa ra đời, những thị trấn chuyên về chăn nuôi gia súc mọc lên như nấm dọc theo các tuyến đường sắt. Những thị trấn như Abilene, Wichita, Ellsworth hay Dodge City đã trải qua thời kỳ hoàng kim của sự giàu có và bạo lực. Sự phát triển của ngành công nghiệp hỏa xa đã giúp mở rộng địa bàn họat động chăn nuôi dần lên phía Bắc. Đến năm 1866, cả vùng Đại thảo nguyên trở thành một bãi chăn thả khổng lồ, kéo dài tận đến Colorado, Nevada và California. Đây chính là thời cực thịnh của các chàng Cao bồi.
Ngầu chưa ?

Một bộ gear chuẩn của Cao bồi không thể thiếu chiếc mũ rộng vành, ngoài để che nắng thì còn có thể dùng như một chiếc cốc vốc nước, hoặc gấp lại làm gối. Chiếc khăn vuông đeo quanh cổ được dùng để bảo vệ mũi và miệng khỏi những đám bụi mù mịt, hoặc để băng bó khi bị thương, ngoài ra còn +10 điểm cool ngầu đẹp trai. 
Trước kia, Cao bồi thường mặc áo sơ-mi không cổ và quần dài không dệt, làm bằng flannel (nỉ mỏng) hoặc len. Áo vest hoặc ghi-lê khoác ngoài với nhiều túi giúp che chắn gió và đựng những vật dụng cần thiết như thuốc lá, giấy cuốn xì gà và diêm. 
Chaparejos, hay Chap, là những tấm da rời cỡ lớn, hoặc được may hẳn thành dạng quần mặc phủ ngoài, giúp  bảo vệ phần chân khi di chuyển giữa các đám cây bụi gai góc.
Đôi bốt da cao cổ (thường che gần hết phần bắp chân đến dưới gối) với phần đế cao 2 inch (~5cm) giúp họ đứng vững trên đất cát để quăng thòng lọng bắt một con bò, nhưng vẫn thoải mái khi ngồi trên bàn đạp.



Và tất nhiên không thể thiếu bộ yên cương, dây thừng, một con ngựa tốt, và khẩu súng lục ổ quay (revolver).
Hú òooaaaaaaa.
Trước kia, các chàng Cao bồi chỉ có súng trường để tự vệ trước những bộ tộc thổ dân hung hăng và hiếu chiến, điển hình là người Comanche. Nhưng việc nạp lại đạn sau mỗi phát bắn trong khi những chiến binh da đỏ vừa hú hét vừa vãi tên như mưa thật không khôn ngoan tí nào. Cao bồi không phải là siêu nhân, không thể vừa chém gió vừa biến hình trong khi team quỷ chỉ biết há hốc mồm đứng nhìn. Họ cần một thứ vũ khí gọn nhẹ nhưng có thể bắn liên tục, với cơ chế nạp đạn nhanh chóng. Thế là mẫu lục ổ quay Colt Paterson ra đời.

Colt Paterson.
Được thiết kế bởi Samuel Colt và được cấp bằng sáng chế vào ngày 25 tháng 2 năm 1836 tại Mỹ, Anh và Pháp, mẫu súng này đã được đưa vào sản xuất hàng loạt không lâu sau đó. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về vũ khí. Khẩu Paterson, với ổ xoay 5 viên, nòng đơn, đã trở nên cực kỳ nổi tiếng khi được các kỵ binh Texas sử dụng để chống lại người Comanche vào năm 1841. Được tin dùng bởi có hỏa lực mạnh, gọn nhẹ, và đặc biệt là khả năng bắn liên tục, Paterson tiếp tục tham gia vào cuộc chiến Seminole, chiến tranh Mỹ-Mexico và cả trong thời kỳ sốt vàng ở California. Sau đó, Sam Walker - một kỵ binh Texas - đã đến New Jersey để gặp Samuel Colt và đề xuất một số cải tiến:
  • Tăng cơ số đạn lên 6, thay vì 5 viên.
  • Thêm vào bộ phận khóa nòng để tránh việc “súng cướp cò”.
  • Thay thế các bộ phận rời để tránh rơi vãi lung tung khi đang nạp đạn.
  • Tăng trọng lượng của khẩu súng, giúp nó “đầm” hơn, và khi hết đạn thì có thể dùng để giã như chày.
1847 Colt Walker.
Những đề xuất này đã được áp dụng, khai sinh ra khẩu 1847 Colt Walker báu vật huyền thoại. Về sau, khi công nghiệp sản xuất vũ khí phát triển, súng lục ổ quay ngày càng được cải tiến, các kỵ binh và Cao bồi cũng được trang bị tốt hơn. Tiếp theo là sự xuất hiện của súng trường carbine, nổi tiếng nhất là dòng Winchester hoặc Springfield, và sau đó là Shotgun 2 nòng (double-barrel).
The Winchester
Nói về danh tiếng, giới Cao bồi thường được biết đến với những thành phần bất hảo nhiều hơn là những chiến công. 
Billy the Kid (Nhóc tỳ), một kẻ thủ ác nổi tiếng trong các tác phẩm về Cao bồi, được đề cập đến trong hơn 50 bộ phim, là một nhân vật hoàn toàn có thật với tên cúng cơm William H.Booney (1859-1881). Bị bắt giam lần đầu tiên vì tội trộm quần áo ở một hiệu giặt ủi vào năm 16 tuổi, Billy đã sớm bộc lộ khả năng đóng vai phản diện thiên phú khi tự mình vượt ngục bằng cách trèo qua ống khói. Lánh khỏi thị trấn, hắn làm đủ mọi nghề, từ chăn gia súc, đến cờ bạc bịp, rồi gia nhập băng đảng. Hắn có được firstblood 2 năm sau đó, trong một vụ ẩu đã tại một quán rượu ở Arizona. Đến năm 1878, Nhóc tỳ tham gia vào cuộc xung đột tại Hạt Lincoln, New Mexico. Sau khi giết chết cảnh sát trưởng (sheriff) William Brady, hắn được biết đến như là một trong những tay súng thiện xạ nhất miền Tây lúc đó. Cùng với các anh em trong băng "The Regulators", hắn đã thực hiện vô số vụ cướp các đàn gia súc tại New Mexico. Ấy thế mà hắn chưa bao giờ động đến bất kỳ nhà băng hay chuyến xe lửa nào. Hắn một lần nữa bị bắt giam vào cuối năm 1880 và bị tuyên án tử, xử treo cổ. Nhưng hắn đã lại trốn thoát một cách tài tình, để lại xác người gác ngục và kho súng đã bị chôm mất một mớ.

Vào một đêm tháng 7 năm 1881, hắn chạm tráng sê-ríp Pat Garrett. Một cách tình cờ, khi Bill đang lọ mọ tìm cách đột nhập vào một ngôi nhà để kiếm gì đó lót dạ thì cũng là lúc Garrett đang hỏi thăm gia chủ về hành tung kẻ đào tẩu. Một phát súng vào ngực, gần sát tim đã khép lại 21 năm gian hùng của tên cướp có khuôn mặt non choẹt và hàm răng vẩu.

Ngoài Kid, còn có khá nhiều cái tên tai tiếng khác, không những nam, mà cả nữ giới. Arkansas Tom Jones, Bill Doolin hay Black Jack Christain là những tay cướp khét tiếng, ngoài ra còn có các đã nữ Belle Starr hay Ella Watson cũng thể hiện quan điểm bình đẳng giới tiến bộ khi tham gia trộm cắp gia súc hoặc ngựa, để rồi phải lãnh đạn hoặc bị treo toòng teng.
Không lâu sau thời hoàng kim đó, khi luật đất đai liên bang được thi hành và dây kẽm gai được giăng lên khắp nơi thì ngành chăn nuôi cũng bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào. Đến giữa thập niên 80 của thế kỷ XIX, ngay cả một con bò cũng có thể nhận ra mình và bè bạn đang bị khai thác, bóc lột quá mức. Vùng Đại thảo nguyên đã tràn ngập phân gia súc, và giá thịt bắt đầu sụt giảm. Từ đó, vai diễn của các chàng Cao bồi cũng dần lui vào bóng tối cánh gà.
Old-Man Cowboy
Tuy nhiên ngày nay, ngành chăn nuôi gia súc hiện chiếm một tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu nông nghiệp của Hoa Kỳ - khoản 1 triệu nhà cung cấp sản phẩm thịt bò với hơn 94 triệu con, chưa tính đến một số lượng cực lớn cừu, dê và ngựa. Nghề Cao bồi nhờ thế mà vẫn còn đất sống, không chỉ tại Mỹ mà còn ở Canada hay các nước Nam, Trung Mỹ khác. Hơn nữa, người ta lại còn tổ chức nhiều cuộc thi và lễ hội để các chàng Cao bồi so tài. Những cuộc thi lớn có thể kể đến như Calgary Stampede ở Canada, lễ hội Gaucho ở Argentina, hay nhỏ hơn như Jubilee- lễ kỷ niệm ngày thành lập bang  Wyoming. Ở đây, các Cao bồi thường tham gia các phần thi như cưỡi bò điên, quăng thòng lọng hoặc đua ngựa. Tại Texas, một Cao bồi kỳ cựu có thể kiếm được hàng trăm nghìn đô-la từ các cuộc thi lớn nhỏ được tổ chức thường xuyên.


Cao bồi thời nay đã không còn tham gia những màn đấu súng solo 1v1 trên con đường giữa thị trấn, hay chơi trò cò quay Nga trong các saloon nữa. Họ giờ đây cũng chẳng phải lo ngại bọn cướp hay thổ dân như trước. Nhưng họ vẫn là Cao bồi, vẫn mang trong mình khí chất ngang tàng và ngạo nghễ của những bậc tiền nhân, những người đã chinh phục miền Tây hoang dã. Họ vẫn sẽ tiếp tục là một hình tượng được mến mộ, không chỉ trên màn ảnh mà còn cả ngoài đời thực.