Thái độ là gì? Đó là một chủ đề mà chúng ta nói đến rất nhiều nhưng lại rất khó định nghĩa chính xác và áp dụng được. Chúng ta thường nghe “ghét cái thái độ”, hay “thái độ không tốt”, hoặc như trong câu danh ngôn của Zig Ziglar trong ảnh dưới“Thái độ, chứ không phải năng lực, sẽ xác định tầm cao của bạn”. Vậy, thái độ là gì mà quan trọng thế nhỉ?

Bố mình hay nói “Lạc quan, vui vẻ lên con, không có vấn đề gì cả”. Rất thú vị khi đó luôn là câu chốt lại sau khi Ông phân tích một loạt các khó khăn của cuộc sống, một loạt các vấn đề cần giải quyết. Có lẽ, Bố mình nghĩ cách duy nhất để giải quyết tất cả những khó khăn, thách thức của cuộc sống là đi xuyên thẳng qua nó. Và đằng nào cũng phải đi xuyên thẳng qua nó, thì có gì mà không kèm theo nụ cười trên môi nhỉ?

Tra cứu tâm lý học về thái độ thì có nhiều lý thuyết lắm, đọc mãi cũng chưa chắc đã hiểu và nhớ hết. Mình chỉ tóm lại một số ý quan trọng như sau:

  • Trước hết, thái độ là sự thể hiện định hướng giá trị, tình cảm và hành vi đối với đối tượng (sự vật, sự việc, con người...). Như vậy, thái độ là một phạm trù diện rộng và theo đó, một hành vi cụ thể, đơn lẻ không thể đại diện cho thái độ của người đó được.
  • Về cơ bản, có 2 trạng thái của thái độ là “tích cực” và “tiêu cực”. Khi nhìn vào một cái ly có nửa lượng nước, người tích cực (lạc quan) nhìn thấy nửa có nước, còn người tiêu cực (bi quan) nhìn thấy nửa trống rỗng.
  • Thái độ được hình thành, điều chỉnh và củng cố bởi trải nghiệm thực tế và tương tác trực tiếp với môi trường xung quanh, phản ánh trạng thái tâm lý, suy luận và cảm xúc chân thực nhất. Do đó, thái độ quyết định hành vi của con người, cụ thể là việc lựa chọn tiếp nhận cái gì, tiếp nhận như thế nào và phản ứng lại ra sao.

Trong phỏng vấn tuyển dụng các ứng viên mới ra trường, một trong những điều mình hay nhiều nhà tuyển dụng quan tâm nhất chính là phân biệt giữa “kiến thức”, “kỹ năng”, “hành vi” và “thái độ”.

  • Một người có điểm số cao, bằng cấp giỏi thể hiện “kiến thức” tốt ở trường, chứ không hẳn là khả năng học hỏi, càng không phải là “thái độ đối với việc học hỏi” trong môi trường làm việc. Những điều người đó đã học được chưa chắc quan trọng bằng những điều họ sẽ cần (phải) học.
  • Một người đọc sách nhiều nhưng nếu chỉ đọc những gì thích hoặc cho là hay thì đó chỉ là một “hành động đọc sách” chứ chưa phải "ham học hỏi" hay “cầu thị” hoặc “tư duy mở” tức là phải đọc, nghe cả những điều không muốn đọc, không muốn nghe nhất.
  • Một người thích “thử thách bản thân” nhưng khi hỏi mong muốn điều gì ở tổ chức thì lại muốn có môi trường thoải mái, tạo điều kiện phát triển. Vậy người đó mới có ước mơ thử thách thôi, chứ chưa có “thái độ đón nhận mọi thử thách”.
  • Một người rất nhiều thành tích nhưng chưa trải nghiệm thất bại và vươn lên sau thất bại, người đó chưa hình thành rõ rệt “thái độ đối với thất bại”. Vậy đến khi gặp khó khăn hoặc thất bại trong công việc, họ sẽ phản ứng, hành động như thế nào?

Mình hỏi Con trai “What do you think attitude is?” Bé trả lời “Attitude is what you react”. Nghe vậy, mình chợt nhớ đến câu của John Maxwell (hoặc Charles R. Swindoll) là “Life is 10% what happens to me and 90% of how I react to it", có nghĩa là "Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với tôi và 90% những gì tôi phản ứng lại."

Mình cười và Con trai cũng cười lại rất tươi :)

- Chuỗi chia sẻ Ông, Bố và Con trai -

Xem bài gốc tại đây!