Bài trước: Động Lực là Tự Quản

Sự Tinh Thông là một hành trình không có điểm kết thúc, trong đó mỗi chặng đường đều được đánh dấu bởi những cột mốc Thành Công.

Hành Trình hay Điểm Đến?

Chắc hẳn nhiều người biết câu “Thành công là một hành trình, không phải một điểm đến”. Nghe cũng hay nhỉ? Chỉ là, nếu cứ đi mãi, đi mãi theo hành trình mà không đến một cột mốc nào đó thì có thật sự gọi là Thành Công nữa không? Xét ở góc độ thành tích thuần tuý, cách nghĩ như thế khó tạo ra động lực đạt kết quả cụ thể, thậm chí còn có thể coi là nguỵ biện. Chúng ta vẫn luôn cần Thành Công là một kết quả. Theo đó, Thành Công là trạng thái  thoả mãn và được công nhận khi đạt được mục tiêu hay có kết quả như mong muốn.

Nhưng nếu Thành Công là một điểm đến thoả mãn rồi, thì cái gì sẽ giải thích được hiện tượng kỷ lục phá kỷ lục liên tục của Michael Phelps với 28 Huy Chương Vàng Thế Vận Hội, chưa kể những chức Vô Địch khác? Hay Serena Williams với 22 danh hiệu Grand Slam và Roger Federer với 17 danh hiệu mà vẫn chưa hề có ý định ngừng thi đấu? Họ có thừa vật chất, danh vọng là những cột mốc Thành Công rồi, điều gì khiến họ vẫn tiếp tục luyện tập hàng ngày, thậm chí còn chăm chỉ hơn nhiều người chưa thành công khác?

Sang lĩnh vực nghệ thuật, điều gì khiến Beethoven khi đã soạn xong Bản Giao Hưởng số 5 (còn có tên là Định Mệnh) nổi tiếng nhất thế giới lại vẫn miệt mài sáng tác nhiều tác phẩm để đời khác. Hay danh họa Paul Cézanne, người mở ra trường phái Lập Thể và được Picasso gọi là “người cha của tất cả chúng ta”  trong cả cuộc đời chỉ ký tên vào 10% số tác phẩm thoả mãn tiêu chí của chính ông đặt ra. Vì sao vô vàn những cột mốc Thành Công mà muôn người khác mơ ước lại không thể thoả mãn những con người này?

Điều gì đã khiến thế giới chúng ta có một nước Nhật làm bất cứ sản phẩm gì cũng đều là đỉnh cao về cả hình thức và nội dung, dù là một chiếc bánh nhỏ hay là viết truyện tranh? Điều gì khiến khi nhắc đến máy móc là phải nói đến nước Đức, với thời trang là Ý, và với điện ảnh là Mỹ? Và mặc dù có nhiều nước khác đang bám rất sát nhưng không thể qua mặt được những cường quốc đó?

Câu trả lời là Sự Tinh Thông, một hành trình không có điểm kết thúc, trong đó mỗi chặng đường đều được đánh dấu bởi những cột mốc Thành Công.


Hiểu đơn giản, Sự Tinh Thông là khát khao làm tốt hơn và tốt hơn nữa một việc có ý nghĩa. Tục ngữ Việt Nam có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” thì Tinh chính là từ trong Tinh Thông.

Sự khác biệt giữa Thành Công là Điểm Đến và Sự Tinh Thông là Hành Trình:

  • Thành Công chỉ coi trọng người về đích đầu tiên còn Sự Tinh Thông coi trọng tất cả những ai còn đi tiếp về phía trước;

  • Có người Thành Công khi đạt mục tiêu thì ngừng lại, thậm chí xuống dốc. Hành trình của Sự Tinh Thông không có điểm kết thúc nên luôn hướng lên, hướng về phía trước;

  • Thành Công thường được so sánh tương đối với Thành Công của người khác, còn Sự Tinh Thông là điểm vô hạn tuyệt đối mà chúng ta chỉ đi trên đường tiệm cận của nó để tiến gần hơn nhưng không bao giờ chạm được.

Làm sao để có Sự Tinh Thông 

Từ những bài học của Ông và Bố, tiếp thu quan điểm của Sarah Lewis trong Embrace the near win, Dan Pink trong Drive: The Surprising Truth About What Motivates Us, Robert Greene trong Mastery, và từ trải nghiệm riêng, mình tổng hợp các bước của hành trình hướng tới Sự Tinh Thông như sau:

  1. Điểm khởi đầu của Sự Tinh Thông không bắt buộc nhưng thường là làm những điều mình có năng khiếu hoặc thích nhất. Người ta có thể Thành Công nếu kiên trì làm những điều mình không thích hoặc không có năng khiếu, nhưng không thể đi xa trên con đường đến Sự Tinh Thông được. Hãy nhớ là bất kỳ ai cũng đều có ít nhất một năng khiếu hoặc một điểm mạnh nào đó trong 9 nhóm trí thông minh của con người.

  2. Điểm khởi đầu đó sẽ tạo ra lợi thế cho bước thứ hai là tự thực hành Quan Sát Sâu (Deep Observation) vì mọi giác quan của chúng ta sẽ nhạy bén hơn và bản thân chúng ta kiên trì hơn khi làm điều chúng ta thích hoặc giỏi. Từ bé, Bố luôn nhắc mình Quan Sát là đủ, và Ông yêu cầu thêm một bước nữa là Viết Ra thay vì chỉ ghi nhớ trong đầu. Hãy nhớ, khi Quan Sát Sâu, điều cốt yếu là chỉ mô tả lại chính xác, đầy đủ nhất mà không vội vàng đánh giá, kết luận hay thay đổi, cải tiến gì.

  3. Bước thứ ba là Học và Hành, tức là tìm thầy hoặc những người bạn giỏi nhất để học từ họ và thực hành liên tục. Không nhất thiết phải học trực tiếp, nhờ công nghệ hiện đại chúng ta có thể học từ khắp mọi người trên thế giới qua mạng Internet. Điều cốt lõi của bước này là giải mã và tinh lọc những gì căn bản và tinh tuý nhất. Tuyệt đối không đi tắt, đón đầu cũng không chỉ học các mẹo vặt. Đó là những ngã rẽ trải đầy hoa trên hành trình, nhưng sẽ dẫn bạn đến ngõ cụt trong ảo ảnh của thành công ngắn hạn. Bước thứ ba chính là bước chúng ta thực hành Sự Tự Quản trên đôi chân của mình nhưng nhờ đôi vai của những người khổng lồ khác.

  4. Bước tiếp theo là tạo ra những trạng thái Dòng Chảy (Flow). Đó là khi chúng ta trải nghiệm sự đắm mình hoàn toàn vào việc chúng ta làm. Điều kiện tiên quyết là ba bước vừa được đề cập. Tuỳ từng thời kỳ và điều kiện, hãy chọn một mục tiêu, một thao tác cân bằng giữa mức độ thử thách và khả năng thực hiện. Tiếp theo là làm đi, làm lại liên tục và nâng dần độ thử thách lên. Chúng ta phải rất kiên trì và thậm chí sẽ chịu đau đớn về thể xác sau khi hết trạng thái đó. Có những nhà khoa học quên ăn quên ngủ, hay những nhạc công, vận động viên chỉ nhận ra mình chảy máu sau khi tập xong. Sự Bền Bỉ (Grit) và Luyện Tập Chủ Đích (Deliberate Practice) cũng là những khái niệm giúp chúng ta dễ dàng có được Dòng Chảy liên tục.

  5. Bước thứ năm là Sáng Chế tức là tạo ra cái mới, khác biệt, tốt hơn và quan trọng nhất là mang dấu ấn riêng của mình. Chúng ta cần sẵn sàng vượt qua lối mòn bằng cách đặt câu hỏi, nghi vấn, thách thức và dám bỏ những cái đã học, để tạo đột phá. Đây là khái niệm về Học - Xoá Học - Học Lại (Learn - Unlearn - Relearn). Trong võ thuật, tiên hiệp chúng ta hay gặp những nhân vật hoc xong công pháp, chiêu thức thì sư phụ lại bắt quên hết để tạo ra công pháp, chiêu thức mới, riêng nhằm đánh bại được sư phụ! Trong khoa học tự nhiên hay xã hội, chúng ta cũng thường xuyên có những lý thuyết mới, mô hình mới khác biệt thậm chí đối lập, phủ nhận những kiến thức trước đó. Để Sáng Chế thành công, chúng ta cũng cần kết hợp cả Óc Sáng Tạo (Original Mind) của não phải dựa trên trực giác kết hợp với Óc Lý Trí (Rational Mind) của não trái dựa trên thực nghiệm. Và chúng ta cũng nên nuôi dưỡng và thực hành Tư Duy Tăng Trưởng (Growth Mindset) thay vì Tư Duy Cố Định (Fixed Mindset).

  6. Và cuối cùng, một người không bao giờ đến được đích của Sự Tinh Thông, nhưng người đó có thể trở thành Bậc Thầy (Master) khi có học trò. Bậc Thầy cần có khả năng, khát khao và hành động truyền lại tinh hoa, khơi gợi cảm hứng cho những người khác nối tiếp hành trình đi đến Sự Tinh Thông. Cả loài người biết truyền đạt và nối tiếp nhau thì một ngày nào đó sẽ đi đến được tận cùng của Sự Tinh Thông. Và điều này sẽ dẫn chúng ta đến nguồn động lực thứ ba là Lý Tưởng Sống mà mình sẽ viết trong bài sau.

Thông điệp cuối cùng của mình là: Hãy trở thành một Bậc Thầy để hướng tới Sự Tinh Thông của một việc, một kỹ năng, một môn học, hay bất cứ một điều gì có ý nghĩa với bạn.


Bài gốc tại: Động Lực là Tinh Thông