#Photography Basic


Kỳ trước các gà đã có kiến thức cơ bản về body và lens rồi phải hơm. Hơm phải thì đằng sau quay đừng đọc nữa, còn phải thì a lê tiếp tục nhồi vào đầu bài 2. Bài viết này cung cấp những kiến thức sâu hơn so với bài đầu tiên về các khái niệm: Khẩu độ, Sensor Size và 1 ống kính đặc biệt: ống Macro.



3. Khẩu độ


Aperture hay khẩu độ hay độ mở ống kính là một trong ba khái niệm cơ bản nhất của nhiếp ảnh, thậm chí vô cùng quan trọng với tín đồ chụp ảnh xóa phông.


Các gà nếu có dịp cầm một cái lens trong tay thì sẽ thấy chính giữa lens có một lỗ tròn, tất nhiên hai đầu của nó đều được che chắn bởi nhiều lớp thấu kính chứ không phải cái lỗ toang hoác thọc ngón tay vào được đâu. Đây chính là lỗ khẩu hay còn được biết đến là cánh cửa để ánh sáng lọt qua ống kính. Theo kiến thức thông thường thì cửa càng to ánh sáng lọt vào càng nhiều. Nói chung là cứ nhớ cái gì sáng hơn cũng đều tốt hết, vậy đi heng.


Vì sao cần cánh cửa này, các gà có thể hình dung một cách đơn giản: máy ảnh là một căn phòng tối hoàn toàn, chỉ có những hình ảnh đi qua cánh cửa duy nhất này mới được máy ảnh ghi lại. Ánh sáng vào càng nhiều thì tốc độ ghi ảnh càng nhanh, ánh sáng yếu thì tốc độ kém. Việc liên quan giữa ba thứ: khẩu độ, tốc độ và iso là một bài cơ bản khác, ở level cao hơn nên tạm thời anh sẽ không đề cập quá sâu ở đâu.


Khẩu độ là một loại ký hiệu khác cho ống kính, luôn đi kèm với tiêu cự. Thông thường nhất là sẽ dùng format này: ống kinh ABC (tiêu cự) f(khẩu độ lớn nhất), chẳng hạn Sony Zeiss 24mm f1.8.


Tuy nhiên bọn sản xuất lại thích ký hiệu khẩu độ theo kiểu ngược đời nhằm tạo sự hoang mang tối đa cho họ nhà gà. Lỗ khẩu càng to thì thông số của nó càng nhỏ, ví dụ như khẩu độ lớn nhất có ký hiệu f0,95 và khẩu độ nhỏ nhất là f32. Khi các gà thấy thông số ống kính đầu đủ như thế này: Canon II 50mm f1.8-f22 thì có nghĩa đây là một ống kính Canon prime (fix) có tiêu cự 50mm, có khẩu độ lớn nhất có thể dùng là f1.8, có khẩu độ nhỏ nhất là f22, thế hệ ống kính thứ 2


Hoặc nếu là ống zoom, Canon II 16-35mm f2.8, tức là ống Canon zoom từ 16mm tới 35mm, khẩu độ lớn nhất có thể dùng là 2.8, thế hệ ống kính thứ 2.


Khẩu càng có khả năng mở lớn thì giá thành ống kính càng đắt đỏ.



Đến đây các gà có thể biết thêm 1 sự khác biệt nữa về ống fix và ống zoom. Ống fix có thể dễ dàng tạo ra khẩu độ f1.4 hay 1.2 trong khi khẩu lớn nhất của ống zoom là 2.8. Điều này cho phép các ống fix chụp trong tối dễ dàng hơn nhiều so với ống zoom và khả năng xóa phông cũng mạnh hơn nữa. Các gà sẽ có dịp tìm hiểu về khẩu độ và tốc độ sâu hơn nữa trong bài viết về ba yếu tố quan trọng nhất của nhiếp ảnh, còn bây giờ thì nắm cơ bản về tên gọi là được rồi.



4. Sensor size


Sensor giống như một tấm phim nằm trong body. Có thể định nghĩa sensor giống như cuộn phim của máy ảnh cơ ngày xưa, có điều không cần phải thay phim sau khi chụp và cũng không cần scan hay tráng vì sensor sẽ biến những hình ảnh thu được thành ảnh kỹ thuật số.


Người ta phân body ra làm hai loại chính dựa vào kích thước sensor: 1 (fullframe), 1,x (cropframe).


Kích thước chuẩn 1: 36mm x 24mm được lấy từ kích thước chuẩn của phim 35mm ngày xưa. Nó là độ chuẩn cho tất cả các máy ảnh số và ống kính thông thường. Vào thuở sơ khai của máy ảnh số, sensor kích thước chuẩn có giá thành cực kỳ đắt, vì thế các hãng sản xuất đã nghĩ ra kích thước nhỏ hơn.


Kích thước 1,x nhỏ hơn nhằm giảm giá thành sản xuất, thay đổi tùy theo nhà sản xuất chẳng hạn như Canon là crop 1,6x (22mm x 15mm) còn Nikon là crop 1,5x.



5. Fullframe (FF) vs Cropframe (CF)


Đây là một cuộc chiến dằng dai kéo dài hàng tỷ năm, tới giờ vẫn chưa kết thúc. FF hay CF thích hợp hơn cho các gà? Edison cũng chưa chắc biết nói gì là anh.


Fullframe do có kích thước sensor lớn hơn nên chất lượng ảnh tốt hơn, khung hình lớn hơn, khả năng chuyển màu sắc cũng tốt hơn. Tuy nhiên kéo theo đó là đủ mọi thứ như giá thành tăng lên, kỹ thuật áp dụng cao hơn, vân vân và mây mây. Kiểu như các gà mua 1 con xe xịn, to, cơ bắp, từ ăn xăng cho tới phụ tùng thay thế đều mắc vãi cả tè.


Cropframe được sản xuất với mục đích duy nhất là giảm giá thành, đưa mọi người tới gần nhiếp ảnh hơn. Vì thế nếu chỉ chụp như một sở thích thì cropframe hoàn toàn đủ cho nhu cầu. Nhược điểm là máy móc llinh kiện ọp ẹp hơn, cùi hơn, vòng đời sản phẩm quá ngắn dẫn đến kỹ thuật tụt hậu và gây hoang mang cho người mua. Kiểu như các gà mua 1 con xe tầm tầm chỉ để di chuyển, lành tính mà lại rẻ tiền.


Xe nào thì cũng chạy được hết, máy nào thì cũng chụp ra ảnh.


Đặc biệt các gà cần lưu ý, tất cả các ống kính sản xuất ra đều có thể dùng cho CF, tuy nhiên chỉ một số hữu hạn trong các loại ống kính đó có thể dùng cho FF. Chẳng hạn con Canon 60mm f2.8 macro chỉ có thể dùng cho CF.



6. Ống kính macro


Đây là một loại ống kính đặc biệt, được tạo ra với mục đích chuyên dụng để chụp ảnh thật gần.


Một ống kính macro cho phép các gà dí sát vào vật cần chụp ở khoảng cách 20 cm và thu được chính xác kích thước của vật đó ở trên sensor. Có một số ống kính hoặc phụ kiện cho phép phóng kích thước lên tới 5 lần hoặc dí sát hơn nữa. Để dễ so sánh thì ống kính thông thường cho phép chụp ở khoảng cách ngắn nhất là 60 cm và thu được kích thước khoảng ½ kích thước thật.


Do chuyên dùng để chụp vật thể nên ống kính macro có độ sắc nét rất cao, vượt hẳn ống kính thường. Tuy nhiên khi dùng để chụp người thì trông khá là ghê.


Mỗi một hãng đều có một ống macro cực tốt và đều là ống fix. Tiêu cự của những ống này nằm vào khoảng 90-105mm và khẩu độ loanh quanh tầm f2.8-f32. Có một số ống macro lên tới 180mm – 300 mm chuyên dùng để chụp nữ trang hay những thứ bé tẹo tèo teo. Chẳng hạn như ngày xưa đi chụp dạo nữ trang, anh toàn dùng Canon 180mm f3.5L.


Có một số ống zoom cũng ghi ký hiệu macro trên thân  ống, thường là hình một bông hoa, tuy nhiên mấy con hàng macro fake này chỉ chụp được kích thước khoảng 1/3 cho tới 1/3 kích thước thật so với một ống macro chính hiệu.


Một số ống kính khác chẳng hạn như ống tilt-shift chuyên dùng để chụp kiến thúc, ống effect để chụp những hiệu ứng kỳ lạ như lens baby, ống mắt cá để chụp kiểu con… cá. Tuy nhiên trong giới hạn trình độ gà thì chưa cần tìm hiểu.


Ố kề, vậy là bài này đã kết thúc những khái niệm cơ bản nhất cần thiết cho gà. Qua tới bài sau anh sẽ bắt đầu đi vào những nút điều khiển trên body/lens và công dụng của nó. Do các gà đã đọc qua hai bài này nên bắt đầu từ bài sau anh sẽ dùng những từ chuyên môn trong bài viết chứ không viết hẳn ra như ống kính hay thân máy nữa, hại bàn phím lắm.


Chúc các gà đọc vui. Ngoài ra các bưởi có thể tham khảo các bài viết khác ở mục lục này.