Xin chào các bạn, lâu lắm rồi không quay trở lại Spiderum. Chắc hẳn ngày hôm qua (25 tháng 3 năm 2023), người hâm mộ LCK - giải đấu cấp cao nhất của Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp Hàn Quốc đã được chứng kiến một trong những loạt Best of 5 xuất sắc nhất giữa hai đội tuyển có truyền thống nhất nhì xứ sở kim chi: T1 Entertainment & Sports, đội tuyển nếu các bạn đã chơi LoL một lần chắc chắn nhớ ra với cái tên SKT, ba chức vô địch CKTG vào các năm 2013, 2015, 2016 - và kt Rolster với những huyền thoại trong quá khứ như "pha trừng phạt 2HP" Score, anh già Smeb, hay người bị hành hạ bởi chấn thương PawN.
Trong quá trình tìm hiểu ngược trở về quá khứ của Đại chiến Viễn thông này, mình cảm giác khá khó khăn khi tìm kiếm các nguồn thông tin bằng tiếng Việt, nên sinh quyết tâm muốn truyền đạt tới cho mọi người một góc nhìn về một trong những trận đấu luôn nhận được sự chú ý của khán giả theo dõi Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp trên toàn thế giới. Trong bài viết này, hãy cùng với mình - Pistachio Tomoka - có một cái nhìn tổng quan về hai đối thủ duyên nợ này nhé!
Disclaimer: Khá lâu rồi mình chưa viết một bài viết nặng thông tin chuyên môn, nên sai sót là khó tránh khỏi. Rất mong bạn đọc tận hưởng bài viết với tâm thế tham khảo là chính, và cũng mong được bạn đọc góp ý, sửa sai cho bài viết để giúp bài viết trở nên đầy đủ, chính xác hơn.

Tại sao lại là "Đại chiến Viễn thông"?

Trước khi đi vào các thông tin, mình cũng muốn được giải thích tại sao người ta gọi cuộc đối đầu giữa T1 Esports và kt Rolster (hay trong quá khứ là SKT T1 và kt Rolster) là Telecom War - Đại chiến Viễn thông.
Poster "Point of the Match" (tạm dịch: Tâm điểm ván đấu) trước thềm ván đấu giữa KT, với sự xuất hiện của Faker (người đi đường giữa của T1) và Kiin (người chơi đường trên của KT).
Poster "Point of the Match" (tạm dịch: Tâm điểm ván đấu) trước thềm ván đấu giữa KT, với sự xuất hiện của Faker (người đi đường giữa của T1) và Kiin (người chơi đường trên của KT).
Đơn giản thôi, vì cả T1 (tiền thân là SKT T1) và kt Rolster đều xuất thân từ các đội tuyển được tài trợ bởi các nhà mạng viễn thông của Hàn Quốc.
Câu chuyện các hãng viễn thông tài trợ, thậm chí mua lại một vài đội tuyển thể thao không phải chuyện mới, chắc chắn các bạn đã từng nghe tới Câu lạc bộ bóng đá Viettel đang chơi ở giải bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam (V.League 1) rồi. Ở Hàn Quốc cũng tương tự, nhưng xui rủi thế nào, hai đối thủ cạnh tranh thị phần trực tiếp trên lĩnh vực viễn thông là KT CorporationSK Telecom cùng dấn thân vào lĩnh vực Esports, sở hữu hai đội tuyển có số có má là KT Rolster và SK Telecom T1, từ đó cái tên Telecommunication War, Telecom War hay được Việt hóa bởi các bình luận viên tiếng Việt là Đại chiến Viễn thông được ra đời.
Nếu bỏ qua mặt trận kinh doanh viễn thông, Liên Minh Huyền Thoại vẫn chưa phải môn thể thao duy nhất mà hai tập đoàn này cạnh tranh với nhau. Hai tập đoàn viễn thông tới từ Hàn Quốc cũng sở hữu cho mình hai đội bóng chày là SSG Landers (của T1) và KT Wiz (của KT), thi đấu tại KBO League, hạng đấu cao nhất của bóng chày chuyên nghiệp Hàn Quốc, hay Seoul SK Knights Suwon KT Sonicboom thi đấu tại Korean Basketball League - tất cả đều tạo nên những cuộc đấu giữa hai đội tuyển trực thuộc hai tập đoàn viễn thông luôn được người hâm mộ mong chờ và tốn giấy mực của giới chuyên môn.
Quay trở lại chuyên môn, vào khoảng cuối năm 2012, hai tập đoàn lớn này chính thức bước chân vào Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp Hàn Quốc, khi đó vẫn độc quyền phát sóng bởi OGN và mỗi tổ chức được phép có hai đội tuyển tham dự, với kt Rolster Arrow & Bullets vào tháng 10 năm 2012, sau đó là SK Telecom S & K vào tháng 12 cùng năm. Từ đó cho tới nay - tức là đã bước sang năm thứ 11, hai đội tuyển này chưa một lần nếm trải cảm giác phải thi đấu xuống hạng, cho tới khi LCK chuyển sang thể thức nhượng quyền Franchise vào năm 2021.

Bề dày truyền thống

Line-up vô địch LCK mùa Hè năm 2018 của kt Rolster, bao gồm Smeb, Score, Ucal, Deft, Mata, PawN, Rush, Kingen.
Line-up vô địch LCK mùa Hè năm 2018 của kt Rolster, bao gồm Smeb, Score, Ucal, Deft, Mata, PawN, Rush, Kingen.
Thành tích của kt Rolster, so với SK Telecom T1 hay sau này là T1 Esports dĩ nhiên rất khiêm tốn, khi chức vô địch đáng chú ý duy nhất của họ là chiến thắng LCK mùa Hè năm 2018 - thời kì suy thoái của Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc. Mùa hè năm đó, kt cùng với "chú ngựa ô" Griffin, con rồng xanh Kingzone Dragon-X và đội tuyển cũng giàu truyền thống không kém là Gen.G (với tiền thân là Samsung Esports) kết thúc vòng bảng với đồng hiệu số 13-5, tuy nhiên kt đứng đầu do có hiệu số phụ và kết quả đối đầu trực tiếp thuận lợi - từ đó giúp họ chỉ cần phải thi đấu trận chung kết của mùa giải. Trong loạt trận chung kết với Griffin, kt Rolster đã cùng với đoàn quân của cvMax cống hiến cho khán giả đủ cả 5 ván, mỗi ván đều có một tuýp cảm xúc và các highlight khác nhau - đặc biệt với ván 4 khi trận đấu quay chiều liên tục, khi kt Rolster bị dồn vào tới chân tường.
Năm 2018 cũng là năm mà kt Rolster trở lại với đấu trường Chung kết Thế giới, tuy phải dừng chân ngay ở Tứ kết, nhưng họ đã chơi hết mình trước Invictus Gaming - đội tuyển đã lên ngôi vô địch trong năm đó, và chắc chắn các bạn nhớ một trong những cuộc "base race" - đua phá nhà kinh điển mà giải đấu lớn nhất hành tinh sản sinh, nó chính là khoảnh khắc kết thúc ván 3 của loạt trận này. Các bạn có thể xem lại khoảnh khắc đó tại đây.
Giờ thì chúng ta tới với T1 Esports, hoặc SK Telecom T1 của quá khứ. Không phải ngẫu nhiên họ được gọi là đội tuyển vĩ đại nhất Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp, trong suốt 11 năm hoạt động của mình T1 đã đạt được cho mình 10 chức vô địch giải quốc nội LCK, 2 chức vô địch giải Mid-Season Invitational liên tiếp (2016,2017) và 3 chức vô địch thế giới (2013, 2015, 2016). Họ cũng là đội tuyển duy nhất bảo vệ thành công danh hiệu vô địch của mình tại đấu trường lớn nhất thế giới này. Chức vô địch LCK gần đây nhất của T1 - LCK mùa Xuân năm 2022 đánh dấu một kỉ lục không thể đáng sợ hơn nữa, khi họ đã bất bại toàn bộ từ giai đoạn vòng bảng, playoffs cho tới chung kết - chuỗi bất bại 20 trận này chỉ kết thúc tại chung kết MSI 2022 khi họ thất bại trước Royal Never Give Up tại "thư viện Busan". Ở LCK, họ bắt đầu loạt bất bại với Kwangdong Freecs, và cũng kết thúc kỉ lục 24 trận thắng liên tiếp với chính đội tuyển này.
Đã nhắc tới T1 là chúng ta cũng sẽ phải nhắc đến người chơi đường giữa của đội tuyển này - Michael Jordan của thể thao điện tử, Quỷ Vương Bất Tử - Unkillable Demon King, người mà số lần dùng trang phục khi thi đấu đếm trên chưa tới một bàn tay, đồng sở hữu T1 Esports & Entertainment, mr. sometimeslosemid - Lee "Faker" Sang-hyeok. Mặc dù đã gần 27 tuổi - độ tuổi mà nhiều game thủ chuyên nghiệp dần dần nghỉ cho khỏe (ngoại lệ duy nhất tôi nghĩ ra chỉ có ông thần Chim Sẻ Đi Nắng cũng sinh năm 1996), trình độ và khả năng xử lý của anh vẫn đứng trong hàng xuất sắc nhất thế giới, và có thể nói rằng không phải T1 có sự phục vụ của Faker, chính Faker có sự phục vụ của T1 - nơi mà anh đã gắn bó toàn bộ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp quốc nội của mình tại đây.
Ngoài Faker, SKT hay T1 ngày nay cũng sản xuất và giới thiệu đến thế giới nhiều gương mặt tiêu biểu, như Impact trong lineup vô địch năm 2013 của SKT vẫn đang bán hành tại Bắc Mỹ, "cánh tay phải của Faker" Bengi giải nghệ từ năm 2016 và giờ đang làm huấn luyện viên trưởng của chính T1, nghệ sĩ hào hoa MaRin bán hành cho mọi người chơi đường trên vào năm 2015, hay gần đây nhất là các sản phẩm từ chính lò đào tạo được đôn lên đội một thi đấu là quái vật Zeus, Oner hay "Tam Thái Tử" Gumayusi. Quan điểm cá nhân, mình tin rằng chỉ cần sau này Faker khi giải nghệ được thay thế bởi một người chơi đường giữa khác, ZEKA chẳng hạn, đế chế T1 vẫn có thể được duy trì.
Vậy là trên phương diện truyền thống, không chỉ kt Rolster, tôi không tìm được bất cứ đội tuyển nào chí ít có thể xếp ngang bằng với T1 Esports cả. Bây giờ chúng ta sẽ tới với phương diện đối đầu trực tiếp - thứ đã làm nên sự căng thẳng và hấp dẫn mỗi khi Đại chiến Viễn thông diễn ra.

Đối đầu trực tiếp

Bắt đầu kể từ mùa Xuân năm 2015, League of Legends Champions Korea hay LCK không còn cho phép một tổ chức chủ quản sở hữu hai đội tuyển cùng tham gia giải đấu cao nhất này nữa. kt Rolster Arrow & Bullets; SK Telecom S & K đều phải hợp nhất trở thành một đội tuyển duy nhất. Đây cũng sẽ là thời điểm mình bắt đầu tính đối đầu trực tiếp của hai đội tuyển này, do thông tin đối đầu kể từ năm 2015 trở về trước khá khó tìm.
Kể cả trước và sau khi đổi tên, SK Telecom T1 hay T1 đều dẫn trước về cả số loạt trận thắng (21-6, 13-3) và cả số ván thắng (52-27, 28-11). Tại thời điểm viết bài viết này (26 tháng 3 năm 2023), loạt trận gần nhất giữa hai đội tuyển nhà viễn thông là... ngày hôm qua (25/3) - Vòng 2 của Playoffs LCK mùa Xuân năm 2023, kết thúc với tỉ số 3-2 giành cho đương kim á quân Worlds 2022. Có thể nói đây là loạt Đại chiến Viễn thông hấp dẫn nhất trong 4-5 năm quay trở lại đây, bằng chứng rằng sau loạt trận (ngoài T1 Cuzz như thường lệ), nhiều khán giả xem trực tiếp lẫn các forum thảo luận sau đó đều khen cả hai đội tuyển đã thi đấu đủ cả 5 ván - với ván thứ 5 đầy xuất sắc.
Nếu Zeus về muộn chỉ 3s thôi, khả năng những người ôm hận sẽ phải là T1.
Nếu Zeus về muộn chỉ 3s thôi, khả năng những người ôm hận sẽ phải là T1.
Khác với GEN.G hay KINGZONE, khá đáng tiếc rằng hai đội tuyển này chỉ gặp nhau trong các đấu trường quốc nội như LCK hay Cúp Liên Minh Huyền Thoại của Hiệp hội Thể thao Điện tử Chuyên nghiệp Hàn Quốc - KeSPA Cup, tuy nhiên nếu bạn cũng đã theo dõi LCK được một khoảng thời gian, chắc hẳn loạt ván đấu của năm 2023 không phải điều duy nhất đáng nhớ của toàn bộ loạt trận này. Khoảnh khắc Orianna của Faker tung cú Lệnh Sóng Âm trúng bốn thành viên kt, hay ván đấu ngay sau đó là một ván đấu kéo dài tới 60 phút, hai bên giằng co liên tục (tình huống này giống với ván thứ tư của KT vs Griffin mà mình vừa trình bày ở trên) và hàng loạt những quyết định macro rất khó phải đưa ra trong thời gian ngắn, một loạt Best of 3 xuất sắc.
Một giây, đúng một giây trước thảm họa. May mắn là kt vẫn thắng ván thi đấu này, chứ không nó sẽ là FAKER'S SHOCKWAVE WILL FIND THEM ALL!
Một giây, đúng một giây trước thảm họa. May mắn là kt vẫn thắng ván thi đấu này, chứ không nó sẽ là FAKER'S SHOCKWAVE WILL FIND THEM ALL!
Đối với kt, mặc dù bị SKT đè đầu cưỡi cổ là chuyện thường gặp, năm 2018 chứng kiến sự chiến thắng Đại chiến Viễn thông khi trong 5 loạt trận họ gặp nhau, Smeb và Score thắng 4 loạt và quan trọng hơn, để anh bạn ngồi nhà xem kt nâng cúp, ngồi nhà xem luôn Chung kết Thế giới năm đó. Nhưng lại một lần nữa đen đủi cho kt, 2018 chứng kiến các đại diện của Hàn Quốc ra thế giới bị vùi dập không thương tiếc, từ thất bại của Griffin tại MSI, cho đến việc không thể ngờ Afreeca thua Cloud9 - niềm hy vọng cuối cùng của Bắc Mỹ 0-3 đầy bạc nhược.
Mặc dù ở Playoff mùa Xuân năm 2018, kt thắng SKT 3-1, nhưng tình huống đạn bay của Bang kết liễu Smeb chắc chắn là tình huống đáng nhớ nhất của loạt trận này.
Mặc dù ở Playoff mùa Xuân năm 2018, kt thắng SKT 3-1, nhưng tình huống đạn bay của Bang kết liễu Smeb chắc chắn là tình huống đáng nhớ nhất của loạt trận này.
Nhìn chung, ở Đại chiến Viễn thông, dù SKT thường được đánh giá cao hơn dựa trên kết quả đối đầu trực tiếp trong quá khứ, kt Rolster cũng không tỏ ra quá kém cỏi mà vẫn có thể đóng góp cho người xem những loạt trận từ mức "xem được" trở lên.

Tổng kết

Khoảnh khắc Score hôn chiếc cup vô địch LCK mùa Hè năm 2018, cũng là khoảnh khắc thành công nhất trong sự nghiệp người đi rừng vĩ đại của kt Rolster.
Khoảnh khắc Score hôn chiếc cup vô địch LCK mùa Hè năm 2018, cũng là khoảnh khắc thành công nhất trong sự nghiệp người đi rừng vĩ đại của kt Rolster.
Về bản chất mà nói, kt Rolster luôn tìm cách để bám đuổi đối thủ trong ngành viễn thông là SKT T1/T1, nhưng T1 phải lo nhiều đối thủ hơn, ví dụ trong những năm gần đây là GEN.G Esports, DRX, Dplus KIA hay người hàng xóm chuyên tậu cúp MSI - Royal Never Give Up. Đại chiến Viễn thông nếu không phải của năm 2018 trở về trước, cũng khiến người ta nhìn có thể dự đoán kết quả ngay. Tuy nhiên, mỗi lần cuộc đối đầu giữa hai đội tuyển này diễn ra đều thu hút lượng lớn người xem, phần vì T1 đánh (dĩ nhiên rồi), phần vì chính tính lịch sử và sự đối đầu của cả hai.
Cảm ơn các bạn nếu đã đọc đến đây của bài viết. Trong bài viết tới, nếu còn hứng để viết về LCK, có thể mình sẽ viết về SANDBOX - DAMWON, hay đế chế Griffin đã sụp đổ như thế nào, đó đều là nội dung của phần từ năm 2018 trở về sau mà khi mình đề cập sẽ dễ tiếp cận hơn tới mọi người. Còn bây giờ, bai bai!