Man United vs Leeds United: Một sự thù địch kì lạ
Trong tất cả những trận đấu giữa một đội “lớn” và một đội “nhỏ” ở Ngoại hạng Anh mùa này, M.U vs Leeds chắc chắn là cuộc đụng độ đáng...
Trong tất cả những trận đấu giữa một đội “lớn” và một đội “nhỏ” ở Ngoại hạng Anh mùa này, M.U vs Leeds chắc chắn là cuộc đụng độ đáng chú ý nhất. Tại sao ư? Vì sự đối địch này đã bắt đầu cách đây… hơn năm trăm năm.
Mối thù lịch sử
Chuyện bắt đầu vào thế kỷ 15, khi mà tại nước Anh còn chưa xuất hiện thứ trò chơi gọi là “bóng đá”. Lúc đó, xứ sở sương mù chứng kiến cuộc nội chiến giành vương vị giữa hai phía: nhà Lancaster và nhà York. Lịch sử gọi đây là “Cuộc chiến Hoa hồng”, bởi nhà Lancaster lấy biểu tượng là bông hoa hồng màu đỏ, còn nhà York chọn cho mình bông hoa hồng màu trắng.
Hai dòng họ này vốn có quan hệ khá gần gũi với nhau. Henry VI và Richard, những cái tên “khơi mào” cho chuỗi sự kiện lịch sử này, là cháu của con trai thứ ba và thứ tư của Edward III. Edward III chính là vua của Vương quốc Anh từ năm 1327 đến 1377.
Sau khi Edward III qua đời vào năm 1377, Richard II – tức cháu nội của ông – trở thành người kế ngôi. Đến năm 1399, Richard II bị em họ là Henry Bolingbroke lật đổ. Từ đó, Henry lập nên nhà Lancaster. Sử sách gọi ông là Henry IV.
Sau Henry IV, con ông là Henry V tiếp tục trị vì nước Anh. Thậm chí Henry V còn thành công hơn cả cha mình. Tuy nhiên, khi Henry V mất, người thừa kế Henry VI chỉ mới có 1 tuổi và tất nhiên không thể đảm đương chuyện triều chính.
Đến khi lớn lên, Henry VI cũng mắc vấn đề về thần kinh. Năm 1454, Richard Plantagenet – hay còn gọi là Richard xứ York, được chọn làm người bảo vệ đất nước. Để so sánh, thì Richard xứ York là con của cháu nội của vua Edward III, còn Henry VI là cháu nội của cháu nội của vua Edward III.
Đến khi hồi phục phần nào sức khỏe, Henry VI tước ngôi của Richard xứ York. Không chấp nhận kết cục này, Richard xây dựng lực lượng hòng đánh chiếm ngai vàng. Từ đây, giới quý tộc nước Anh chia làm hai nửa: một phe ủng hộ nhà Lancaster và một phe nghe theo nhà York.
Năm 1455, trận đánh khơi mào Cuộc chiến Hoa hồng nổ ra. Lần này, nhà York giành phần thắng và bắt giam Henry VI.
30 năm sau đó chứng kiến sự chuyển giao quyền lực qua lại giữa hai bên.
Năm 1461, một năm sau khi Richard chết vì bị nhà Lancaster giết, con trai của ông là Edward trở thành vị vua kế tiếp. Đến tháng 3 cùng năm, Edward – giờ là Edward IV – đã đánh bại nhà Lancaster, khiến Henry VI cùng gia đình phải chạy sang Scotland.
Tưởng chừng nhà York sẽ yên vị mãi mãi nhưng đến năm 1470, chính những xung đột trong nội bộ đã khiến Edward IV bị lật đổ. Henry VI thừa cơ đòi lại ngôi vương. Rồi ngay năm sau đó, Edward IV trở lại, hạ gục lực lượng thù địch. Henry VI bị giam giữ ở Tháp London trước khi qua đời.
Edward IV làm vua đến năm 1483 thì tạ thế. Ngôi vị của ông được truyền lại cho con trai là Edward V. Tuy nhiên, khi ấy, Edward V mới có 12 tuổi. Chú của Edward V, tức em trai Edward IV, lập kế hoạch bắt cóc cháu mình để soán ngôi. Người này trở thành vua Richard III. Đến nay, nhiều người vẫn tin Richard III đã giết cháu trai Edward V (cùng một người em khác của Edward V).
Richard III là chẳng phải là một vị Hoàng đế tốt đẹp gì. Hưởng thụ ngai vàng được 2 năm, ông bị quân đội của Henry Tudor đánh bại. Henry lên ngôi, được gọi là Henry VII, chấm dứt thời cai trị của nhà York. Còn Richard III thì chịu một kết cục thê thảm: bị giết chết, thân xác bị đem đi bêu riếu khắp nơi rồi quăng quật ở xó xỉnh mà chẳng ai quan tâm. Mãi đến năm 2012, người ta mới tìm thấy hài cốt ông ở một bãi đậu xe thuộc Leicester.
Về phần Henry Tudor, xét ra thì ông là con trai của bà Magaret Beaufort. Bà Magaret cũng thuộc dòng dõi vua Edward III, và là một nhân vật quan trọng bên cạnh vua Henry VI. Ông nội của Henry Tudor thì từng làm việc dưới trướng vua Henry V, còn bà nội của ông chính là vợ góa của Henry V.
Thế nên, chiến thắng của Henry Tudor cũng giống như cuộc báo thù thành công cho nhà Lancaster trước nhà York.
Đến năm 1486, Henry Tudor cưới con gái của Edward IV là Elizabeth xứ York. Chuyện này coi như đã hợp nhất hai nhà Lancaster – York, đồng thời kết thúc luôn cuộc chiến Hoa hồng.
Đó là câu chuyện của lịch sử - chính trị, rất lâu trước khi có Manchester United và Leeds United. Vậy thì nó liên qua gì đến cuộc đấu thể thao này?
M.U thì tất nhiên nằm ở Manchester, mà Manchester thì nằm trong hạt Lancashire. Thủ phủ của hạt Lancashire chính là thành phố Lancaster. Trong khi đó, Leeds United thì lại ở hạt Yorkshire – chính là lãnh địa của nhà York khi xưa. Manchester cách Leeds 40 dặm, và hai bên dường như ghi nhớ rất rõ cuộc chiến đẫm máu từ thời tổ tiên của họ.
Một sự thù địch kì lạ
M.U chọn màu đỏ cho chiếc áo sân nhà, còn Leeds cũng tôn thờ màu áo trắng. Điều đó chẳng khác nào sự trung thành mà hai đội dành cho những bông hoa hồng của nhà Lancaster và York. Logo của Leeds, đến ngày nay, vẫn còn hình bông hồng trắng.
Nhưng không chỉ là về chính trị, đôi bên còn “cay” nhau ở khía cạnh kinh tế. Vào thế kỉ 18-19, nước Anh chứng kiến sự phát triển vượt bậc nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp. Leeds tăng trưởng nhanh chóng bởi khả năng sản xuất len, còn Manchester cũng chẳng chịu thua kém với sợi cotton.
Vào giữa thế kỉ 18, Leeds khởi công xây dựng một tòa thị chính tráng lệ, cao tới 68.6 mét với chi phí 125 nghìn Bảng. Manchester đáp lại cũng bằng một tòa thị chính, cao hơn (85 mét) và tốn kém hơn (khoảng 775 nghìn tới 1 triệu Bảng) rất nhiều. Sự ức chế giữa hai bên càng được đẩy lên cao.
Kình địch trên sân đấu
Lần chạm mặt đầu tiên giữa hai màu đỏ trắng diễn ra vào tháng 1/1906 trên sân Bank Street (sân nhà cũ của M.U, khi ấy còn là CLB Newton Heath) và kết thúc với chiến thắng 3-0 dành cho Leeds United. Vài tháng sau, “Quỷ đỏ” phục thù ngay tại Elland Road với tỉ số 3-1. Tuy vậy, nó cũng đánh dấu sự khó khăn cho Man United mỗi khi phải hành quân đến sân đấu này.
Mùa 1925/26, hai đội lần đầu đụng độ trong khuôn khổ hạng đấu cao nhất nước Anh. Leeds đánh bại đối thủ 2-0 trên sân nhà nhưng Man United cũng kịp thắng lại 2-1 ở lượt về. Khi ấy, Bầy Quỷ đã chuyển tới Old Trafford.
Năm 1930, kỷ lục về chiến thắng cách biệt nhất giữa hai bên được thiết lập, khi CLB vùng Yorkshire đè bẹp kình địch tới 5 bàn không gỡ.
Bẵng đi một thời gian, đến thập niên 50, M.U đã trở thành thế lực ở đảo quốc sương mù. Dưới quyền Sir Matt Busby, họ vô địch 3 lần trong giai đoạn từ 1952 đến 1957.
Năm 1961, Don Revie được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Leeds United. Chiến lược gia người Anh bắt đầu xây dựng nên một đội bóng cực kì máu chiến, sẵn sàng chơi tới bến với bất cứ đối thủ nào – ngay cả M.U hùng mạnh. Vì thế, cặp đấu M.U – Leeds dần trở nên đáng chú ý vì tính quyết liệt và căng thẳng của nó.
Thời ấy, “Quỷ đỏ” sở hữu trong đội hình ba cái tên huyền thoại gồm Bobby Charlton, Denis Law và George Best. Phía bên kia, Revie có Norman Hunter, Billy Bremmer và Jack Charlton – anh trai của Bobby Charlton. Ngoài ra, đội bóng áo trắng còn mua Johnny Giles từ chính M.U vào năm 1963 với giá 33 nghìn Bảng.
Đến nay, báo giới còn lưu lại thông tin về trận bán kết FA Cup năm 1965 – một trận cầu thực sự dữ dội khi Jack Charlton và Denis Law lao vào đấm nhau túi bụi. 90 phút tại Hillsborough kết thúc với tỉ số 0-0, còn tờ Yorkshire Post viết rằng “hai đội hành xử cứ như một đám chó gầm gừ tranh nhau ngoạm một khúc xương”.
Cũng trong năm ấy, M.U lên ngôi ở giải vô địch quốc gia với 61 điểm. Leeds – không kém bất cứ điểm nào – đành cay đắng về nhì chỉ vì thua hiệu số bàn thắng bại.
Sự thù địch giữa Man United và Leeds được đẩy lên mức cao trào vào thập niên 70. Thời điểm ấy là “hoàng kim” của hooligan, và bóng đá Anh nhuốm màu bạo lực tột cùng với những đám đông sẵn sàng lao vào nhau với bất cứ thứ gì có trong tay. Thậm chí, những cuộc đụng độ giữa nhóm hooligan Leeds United Service Crew và Manchester United's Red Army còn được xem là hung bạo bậc nhất.
Có lý do để nó trở nên như vậy. Ngoài việc đó là xu hướng chung, bạo lực còn được châm ngòi từ thành tích trái ngược của hai đội: ở giai đoạn này, Leeds nhiều lần sánh ngang các câu lạc bộ lớn bên ngoài biên giới, về nhì ở cúp C2 năm 1973 và cúp C1 năm 1975. Cùng lúc đó, M.U lại chật vật ở trong nước, không thể vô địch kể từ mùa 1966/67.
Trong những cuộc đối đầu trực tiếp khi ấy, Leeds cũng thường xuyên hạ nhục đối thủ, ví như chiến thắng 5-1 ở Elland Road năm 1972, hay là 2-0 ngay tại Old Trafford năm 1974 – mùa mà Leeds thống trị bóng đá Anh còn M.U ngậm ngùi xuống hạng.
Năm 1977, một lần nữa M.U gặp Leeds ở bán kết FA Cup. Chưa tới giờ bóng lăn, người ta đã đặt tên cho trận đấu này là “Trận chiến Hoa hồng”, một phép gợi nhớ về lịch sử nặng nề đằng sau nó. Không ngạc nhiên khi giữa những người hâm mộ đối địch đã xảy ra xô xát kịch liệt, cả trước, trong và sau trận. Rất nhiều người bị thương và không ít kẻ khác bị bắt giữ.
Để đả phá sự hùng mạnh của Leeds, năm 1978, M.U dùng chiêu độc: họ chi tiền mua Joe Jordan và Gordon McQueen – hai cầu thủ xuất sắc bên phía đối thủ. Cổ động viên Leeds vô cùng bực tức với sự trơ trẽn của Quỷ đỏ, đặc biệt là trong trường hợp của McQueen vì ông rất được yêu mến.
Tình yêu biến thành nỗi thù hận, người hâm mộ Leeds United la ó và nhạo báng McQueen khi ông khoác áo M.U hành quân đến sân Elland Road. Nhưng cuối cùng chính họ mới là người phải cay cú, vì McQueen đánh đầu ghi bàn mở tỷ số, giúp đội khách giành thắng lợi chung cuộc 3-2 ở lượt đi mùa 1978/79.
4 năm sau trận đấu ấy, mối thù trực tiếp giữa đôi bên tạm gác lại vì Leeds xuống hạng. Nhưng người Yorkshire nào quên được cái hành động rút ruột khó ưa của M.U. Để trả thù, họ dùng lại chính chiêu thức ấy: kéo Gordon Strachan (một người từng có mâu thuẫn rất lớn với Sir Alex Ferguson) từ sân Old Trafford về, kết hợp cùng Lee Chapman, David Betty và Eric Cantona để tạo nên một đội hình đáng gờm. Mùa 1991/92, nghĩa là chỉ hai năm sau khi lên hạng, Leeds vô địch. Còn đội về nhì? Chẳng ai khác ngoài chính M.U.
Như một cuốn phim Hollywood, niềm vui của Leeds ngắn chẳng tày gang khi “Quỷ đỏ” lại cướp đi Eric Cantona. Cay đắng thay, tiền đạo người Pháp quá hợp với DNA của M.U, góp công lớn giúp đội về nhất ở 4/5 mùa đầu tiên của Ngoại hạng Anh. Khi giải nghệ vào năm 1997, ông không còn là Cantona nữa, mà đã trở thành King Eric.
Cantona nổi tiếng với bản tính lỳ lợm chẳng ngán ai, và nó được bộc lộ khi ông trở về Ellad Road năm 1996. M.U giành thắng lợi đậm đà 4-0 với bàn cuối cùng được ghi bởi chính số 7 huyền thoại. Cantona sau đó bước tới trước hàng nghìn cổ động viên chủ nhà, giang rộng hai cánh tay với phong thái đầy thách thức.
Đám đông cổ vũ Leeds tất nhiên là chẳng tha thứ cho “đứa con hỗn hào”. Họ chờ phía ngoài sân vận động. Khi nhìn thấy xe buýt của M.U, Leeds United Service Crew tiến tới đập phá. Thế là Manchester United's Red Army tấn công ngược lại, tạo ra cảnh tượng ồn ào và hỗn loạn. Phải nhờ sự có mặt của lực lượng cảnh sát thì tình trạng xô xát mới được kiểm soát.
Sau thất bại muối mặt ấy, HLV Howard Wilkinson – người đã dẫn dắt Leeds từ năm 1988 – bị sa thải.
Cán cân quyền lực giờ đây nghiêng hẳn về phía M.U. Đoàn quân của Sir Alex Ferguson chinh phục những đỉnh cao chói lọi như cú ăn ba năm 1999 và liên tục vô địch Ngoại hạng Anh. Leeds thì cứ lay lắt, năm 2002 còn phải bán Rio Ferdinand cho kẻ cựu thù M.U rồi đến năm 2004 cũng phải chịu kết cục không thể tránh khỏi: xuống hạng.
Nhắc đến Rio, vụ chuyển nhượng này một lần nữa khiến fan Leeds nóng máu. Hẳn trung vệ người Anh cũng nhớ cái ngày mà anh lần đầu trở lại đối đầu đội bóng cũ. Quên sao được khi chiếc xe buýt chở anh và động đội gồng mình nhận lấy những hòn đá giận dữ của các cổ động viên quá khích. Quên sao được khi tấm biển “Judas” được giăng lên trên khán đài. Quên sao được khi toàn sân vận động hô hào ăn mừng chiến thắng 1-0, còn Harry Kewell chẳng thèm bắt tay anh dù hai người đã chạm mặt.
6 năm sau cái ngày Leeds nhận vé xuống giải hạng Nhất, M.U gặp lại Leeds ở vòng 3 FA Cup. “Quỷ đỏ” chắc chắn nằm cửa trên, lại còn chơi tại Old Trafford. Vậy mà Leeds – khi đó đã “lưu vong” tới League One – lại đóng vai kẻ phá bĩnh với bàn thắng duy nhất của Jermaine Beckford. Người ta nhận ra một chân lý: đã là Leeds, thì sẽ luôn tìm cách thắng M.U.
Thời gian qua nhanh đem tới những guồng quay bóng đá mới lạ, tiện thể đưa Marcelo Bielsa đến với Elland Road. Chỉ hai năm, bộ não vĩ đại của “Gã điên” mang Leeds trở lại nơi mà họ vốn thuộc về: Ngoại hạng Anh. Nhưng đây không chỉ là một màn tái xuất thông thường, Leeds còn gia tăng sự thú vị cho giải đấu số một xứ sở sương mù bằng lối đá cũng “điên” chả kém gì vị thuyền trưởng của họ. Thậm chí, chẳng ngoa khi nói rằng Leeds mới là cái sự thú vị của Ngoại hạng Anh năm nay.
Nhiều người lo rằng cứ chơi với phong cách “cháy rụi” như hiện tại, Leeds coi chừng nhận trái đắng vào cuối mùa. Nhưng có lẽ cổ động viên đội bóng này chẳng màng về điều đó. Cái quan trọng là mười mấy cầu thủ của họ dưới sân, cứ phải “máu chiến” như mấy chục nghìn cổ động viên trên khán đài cái đã. Chuyện khác, để Bielsa tính.
Ngày mai, một Manchester United khó lường gặp một Leeds United điên cuồng, được châm ngòi bởi lịch sử thù địch vượt ra cả ranh giới bóng đá. Kết quả chắc chắn không thể đoán trước, còn sự chờ đợi có lẽ là lớn hơn bất cứ một cặp đấu nào khác kể từ đầu mùa.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất