Teen 12 và cựu học sinh Phổ Thông Năng Khiếu tư vấn: Có nên tham gia CLB trường học không?
Cuộc hội thoại về CLB trường học giữa hai thần dân của trường Phổ Thông Năng Khiếu cách nhau 9 năm.
Phỏng vấn viên: Narcy Nguyễn.
Profile: Trần Đại Nghĩa (2009-2013), Phổ Thông Năng Khiếu (2013-2016) và đại học Ngoại Thương (2016-2020).
Một người viết với trên 32k views ở Spiderum, chuyên mục xã hội, tổng view ở các nền tảng là 220.399 views.
Đáp viên: Lê Công Thành, khóa 22-25 Phổ Thông Năng Khiếu
Profile:
1. Advisor, Co-founder CLB NCKH
2. Core team member ban Economics, CLB Kinh tế trong turo7ng2
3. CTV Spiderum, chuyên mục chính trị, kinh tế
Rất cảm ơn em đã kết nối với chị, và chúc mừng em đã được 5/5 điểm nghị luận xã hội.
Dạ, em cảm ơn chị đã chạy từ quận 7 qua gần trường em, và đó là nhờ bài viết “Có tiền sinh con, chắc gì hạnh phúc?” của chị đấy chị ơi :)))
Haha, chị cũng không ngờ bài viết đó có thể giúp em ở khía cạnh đó luôn đấy, với chị luôn đề cao những kết nối ý nghĩa nên chị phải chạy đi gặp em liền.
Bạn em bảo coi chừng em bị leo cây đó chị :)))))))
Vậy về nhớ kể bạn em nghe về chị xem phản ứng của bạn em như thế nào nhé :)))) Anyway, vào vấn đề chính nào. Em nghĩ gì về việc tham gia các CLB trong trường học, nếu được, hãy nêu 3 lợi ích có thể kể đến nhé?
Trên góc nhìn khách quan, em cho rằng tham gia câu lạc bộ là cách tốt để mình “cân bằng” giữa sách vở và các hoạt động xã hội, tạo thêm đa dạng trải nghiệm cho một học sinh cấp 3. Trên phương diện này thì không phải chỉ có các câu lạc bộ trong trường mới cung cấp cho các học sinh mà còn có các dự án, cuộc thi từ học thuật đến nghệ thuật, hay là các phong trào nhà trường khác.
Đối với bản thân của em, 3 lợi ích lớn nhất mà em có thể nói từ bản thân em, theo thứ tự, đó là các mối quan hệ, khả năng giao tiếp và kiến thức.
Về các mối quan hệ (thứ mà em cho là quan trọng nhất) em có được những người bạn thật sự tuyệt vời, tài năng mà những ngày đầu vào lớp 10 (thậm chí còn chưa nhập học) em đã thấy họ xuất hiện trên những bài báo hay trang thông tin của TPHCM. Việc được hợp tác và cùng xây dựng một “công trình” thật sự vừa là áp lực nhưng đa phần trong em vẫn luôn là một niềm vinh hạnh khi cho chính bản thân vì được làm việc và đóng góp khả năng của mình cùng với họ vào một mục tiêu chung.
Để mà nói về lợi ích của các mối quan hệ chất lượng thì kể cả ngày cũng không hết nhưng đối với em nếu phải chọn một câu chuyện đại diện cho tầm quan trọng của nó, thì đó sẽ là câu em vẫn thường xuyên nói “Tao có đứa bạn làm bên [...] để đó tao hỏi xem nó giúp được gì không?” và đa phần em đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của những người bạn mà em đã và đang làm việc cùng. Cũng nhờ những người đó mà khá may mắn khi phần lớn trường hợp em không mất quá nhiều thời gian mắc kẹt trong các vấn đề quy mô câu lạc bộ và dự án bởi vì em luôn có những tiền bối hỗ trợ hay những bạn cùng trang lứa giỏi trong lĩnh vực đó.
Về kỹ năng giao tiếp, trước khi vào cấp 3, công bằng mà nói em không phải người kín tiếng hoàn toàn nhưng các cuộc nói chuyện của em thường chỉ là 1 hoặc 2 người, các công việc đội nhóm mà có quy mô trên 3 người là em đã không thể ăn nói lưu loát hay rõ ràng để làm việc hiệu quả nên việc nhìn lại em có thể nói chuyện trong các buổi họp nội bộ gần 20 người, hay có thể trình bày kế hoạch chung của dự án cho hơn 100 người thì thật sự đó là một sự nỗ lực không chỉ có từ em mà là từ những người đồng hành với em tại các dự án đầu tiên.
Ở các dự án và câu lạc bộ, việc bạn ăn nói lưu loát có thể là một lợi thế cho bản thân bạn nhưng bạn cũng có thể xem nó như một mục tiêu để đạt được khi tham gia các hoạt động trên, bởi vì luôn có những người thật sự rất tích cực giúp đỡ những thành viên mới như em trong thời gian đầu không chỉ là qua tin nhắn riêng mà còn là chủ động tạo điều kiện cho em đưa ý kiến của mình lên tập thể từ đó em mới có những bước đệm đầu tiên để có thể nói trước đám đông tự tin như bây giờ.
Cuối cùng là kiến thức, em nghĩ đây là một thành quả không chỉ mỗi mình em tích lũy, mà đó còn là những nỗ lực của những người lãnh đạo trước đó đã truyền đạt và hỗ trợ em để có thể giới thiệu và giải thích các kiến thức mới cho em vừa tiết kiệm thời gian học tập mà vừa tạo ra động lực cho em đào sâu vào các lĩnh vực phức tạp. Lý do vì sao em lại xếp kiến thức ở thứ hạng cuối cùng trong 3 cái trên đó là vì em nhận ra nhờ có mối quan hệ chất lượng em mới biết ai mới là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, và nhờ vào kỹ năng giao tiếp em mới có thể vừa mở lời để trò chuyện, vừa có thể đưa ra những câu hỏi và thắc mắc đúng với những gì bản thân cần nên là em cho rằng việc bạn có mối quan hệ cũng như kỹ năng giao tiếp chính là bước đệm để những ai tham gia các hoạt động ngoại khóa có thể tự tạo điều kiện cho bản thân học những cái mới.
Một câu trả lời xuất sắc. Chị rất đồng cảm việc bị “chìm” trong một tập thể của em, chị cũng thích việc giao tiếp 1-1 nhưng trong đội nhóm đôi khi chúng ta phải tìm cách.
Em đồng ý với chị ạ.
Đến câu hỏi tiếp theo nào! Làm cách nào em đã có thể vượt qua những vòng đơn của CLB khi mới vào trường cấp 3, còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều thay đổi phải làm quen?
Về vấn đề vòng đơn, em nghĩ đó không phải một vấn đề quá lớn nếu các bạn không nộp vào những câu lạc bộ quá khó ngoài tầm với của mình, không phải câu lạc bộ nào cũng yêu cầu chuyên môn ngay từ đầu nên các bạn có thể chọn tâm thế nộp đơn xin vào câu lạc bộ hoặc dự án với mục đích học hỏi.
Thật ra chị là người trượt hết CLB từ cấp 3 lên đại học em ạ =)))
Ối, em xin lỗi.
Không sao đâu, chị đậu CLB ngoài hồi cấp 3 và CTV CLB hồi đại học. Em cứ nói quan điểm của mình.
Trong hơn 2 năm trải nghiệm qua từ người đi nộp đến người đi tuyển thì mình thậm chí còn thấy được một vài vị trí thiếu nhân lực nên cách tiếp cận của các câu lạc bộ, dự án đó là chọn ra những người chịu học hỏi và đào tạo họ thành nhân lực tương lai nên việc các bạn cần đó là nếu không có kinh nghiệm hãy tỏ ra mình là một người có tiềm năng để đào tạo qua những lá đơn của mình.
Em cũng không muốn biến đây thành lời khuyên để các bạn “nộp đâu đậu đó” vì bản thân em cũng đã từng vì không phù hợp với câu lạc bộ đó mà bị loại, nhưng để cho các bạn có thể tự tin và cố gắng nhất trong lá đơn của mình thì câu trả lời duy nhất đó là “Hãy thành thật với chính mình và với người chấm đơn”.
Bạn không thể nộp vào và nói lý do ứng tuyển vào đây là để thể hiện bản thân và đóng góp cho câu lạc bộ nếu như bạn thậm chí còn chưa kinh qua vị trí tương tự ở bất kỳ đâu khác, thay vào đó hãy trả lời thật lòng về việc bạn muốn học hỏi gì từ đây, bạn thấy được tiềm năng nào của bản thân bạn ở lĩnh vực này và bạn mong muốn câu lạc bộ, dự án đó “sử dụng” bạn như thế nào cho hiệu quả. Đó là cách mình vượt qua những vòng đơn tại các câu lạc bộ, dự án mà mình không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tương tự ví dụ như tâm lý học, tranh biện… tất cả mình đều áp dụng chung “một công thức” đó là thật lòng với những gì mình muốn chia sẻ với người chấm đơn.
Còn các dự án ngoài trường thì sao em nhỉ?
Em nghĩ đó là một lựa chọn không hề tệ, thậm chí nó còn tốt hơn các câu lạc bộ trong trường ở một vài khía cạnh. Bản thân em đi qua cũng không ít dự án hoạt động không thuộc một ngôi trường nào và thường là các dự án quy mô tuyển thành viên toàn quốc và hoạt động online là chính.
Lý do mà em bảo phương án lựa chọn này có khi tốt hơn các câu lạc bộ trong trường đó là vì luôn tồn tại những ý tưởng phát triển dự án thú vị mà trong trường không có, ví dụ như dự án về thời trang, dự án về tiểu thuyết trinh thám… đều là các ý tưởng rất hay nếu như các bạn có sẵn sở thích với nó vì đây sẽ là nơi bạn được tận dụng khả năng chuyên môn của mình nhất trong những lĩnh vực bạn muốn.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm cơ hội ngoài trường cũng là phương án khác cho các bạn nếu không thể tìm được cơ hội ở trong các câu lạc bộ của trường. Vì dù gì số lượng câu lạc bộ trong trường cũng như số vị trí cần tuyển là giới hạn nên việc các bạn hướng sự quan tâm đó của mình ra ngoài và đi nộp cho các dự án có chủ đề tương tự sẽ giúp các bạn tăng cơ hội được làm việc và khả năng đỗ của các bạn.
Em cũng từng áp dụng chiến lược này do thú thật là bản thân em vốn không có duyên lắm với các câu lạc bộ trong trường sau 2 đến 3 lần nộp vào các câu lạc bộ khác nhau vào lớp 10 nhưng chưa được may mắn lắm, em đã chuyển hướng sang một dự án học thuật ở ngoài trường có quy mô ở TPHCM để ứng tuyển và cũng gặt hái được nhiều thứ ý nghĩa tại đó.
Tuy nhiên thứ gì nó cũng đi với 2 mặt của vấn đề nên các bạn cũng cần cân nhắc trước khi chọn nơi ứng tuyển nhé, đặc biệt là những nơi có quy mô hoạt động ngoài sự quản lý của nhà trường. Điều đầu tiên đó là việc một dự án không trực thuộc một ngôi trường cấp 3 nào sẽ là một thử thách cho các bạn khi làm việc với những người trong đó.
Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, một vài (nếu không muốn nói là đa số hiện nay) dự án do học sinh cấp 3 lập nên có phổ tuyển thành viên quá rộng cũng như là tiêu chí và xu hướng tuyển chọn tương đối ồ ạt nên việc các bạn vào dự án và làm việc với những người không mong muốn có thể là do tinh thần thiếu trách nhiệm hay là khác biệt quan điểm và cách giao tiếp là rất dễ xảy ra do sự khác biệt vùng miền hay đơn giản là các bạn đến từ những trường THPT khác nhau thôi cũng khiến quan điểm của các bạn khác nhau.
Cho nên em nghĩ rằng nếu bạn sẵn sàng đánh cược với chuyện làm việc với những người đến từ nhiều nơi, có những quan điểm và lập trường không giống bạn, thì điều tốt sẽ điểm này lại trở thành lợi thế khi bạn có thể thích nghi với đa dạng các môi trường khác nhau, con người khác nhau và phong cách làm việc khác nhau, điều đó khiến cho bạn có thể làm việc ở hầu hết các môi trường trong tương lai mà không ngại những sự khác biệt.
Vậy nên chốt lại thì liệu tham gia các hoạt động ngoại khóa trong hay ngoài trường sẽ tốt hơn thì còn tùy thuộc vào chính con người của các bạn, nếu bạn là người đề cao sự an toàn và dễ hòa nhập, bạn nên chọn các câu lạc bộ trong trường với đa phần là những người bạn có thể gặp mặt trực tiếp tại trường, điều đó sẽ dễ dàng hơn cho các bạn làm việc và dễ giải quyết các sự cố ngoài ý muốn với nhau. Ngược lại, nếu bạn là một người ưa thích thử thách mới, muốn tìm một nơi có sự thú vị và đa dạng các bạn học sinh từ nhiều nơi khác nhau thì các dự án bên ngoài trường sẽ là một chân trời mới cho các bạn khám phá.
Vậy em có lời khuyên gì cho những bạn không đậu bất cứ CLB trong và ngoài trường nào?
Câu hỏi này cũng đã từng có ở trong suy nghĩ của bản thân năm lớp 10, nếu mình rớt các đơn tuyển câu lạc bộ tại trường thì sao? Và em đã rớt thật, phải gọi là rớt “thẳng cẳng” và khá đau đớn với việc bị từ chối trong 2 lần thử đầu tiên với các câu lạc bộ tại trường. Tuy nhiên em cũng khá may mắn khi nhận được lời giới thiệu đến một dự án học thuật quy mô liên trường tại TPHCM, đó cũng là bước đệm đầu tiên cho em tìm hiểu về cấu trúc các dự án khác bao gồm những gì.
Sau hơn nửa năm làm trong các dự án khác nhau, em vẫn chưa có ý định tự lập cho mình một câu lạc bộ riêng nhưng vì có những người bạn em đã gặp có ý tưởng cho một dự án về nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học phổ thông. Sau khi nghe một vài câu chuyện về ý tưởng của những người bạn đó, em cũng đã nghĩ rằng “Hay sao mình không tự lập một cái câu lạc bộ hoặc dự án ở trường để mình quản lý luôn nhỉ?”
Một ý tưởng khi đó nghe thì có vẻ điên rồ với chính mình khoảng vài tháng trước nhưng bình tĩnh và cân nhắc thì với một chút kinh nghiệm được học hỏi từ các lãnh đạo trong các dự án mình từng làm việc, tìm hiểu về cấu trúc của một dự án điển hình và một số nguồn tài nguyên em được tiếp cận từ khi còn làm thành viên cho các dự án khác, em cũng khá tự tin với khả năng của mình để có thể đề xuất một hệ thống đủ chỉn chu cho ý tưởng của các bạn em trở thành một “tổ chức” sơ khai và từ đó hoạt động với các thành viên nòng cốt một cách ổn định.
Theo thời gian mùa hè lớp 10 của mình thì em đã “vừa quản vừa học” cho các hoạt động ngoại khóa. Tức là em vừa quản cho dự án nghiên cứu khoa học chưa thành hình của mình, vừa phải tham gia các hoạt động tại các dự án khác để học hỏi về các kinh nghiệm của những người lãnh đạo các dự án có vài năm tuổi đời.
Em tự học từ cách quan sát đến chủ động hỏi, em cũng gom nhặt được cho mình nhiều thứ bổ ích từ những bước để tiến hành một cuộc họp nội bộ, việc sắp xếp tài nguyên của dự án hay quy trình làm việc chuyên nghiệp giữa lãnh đạo và các thành viên, … nói chung em cảm thấy rất biết ơn những nơi em từng làm thành viên để em có quyền được học hỏi và gom nhặt để có thể tự tạo ra cho mình một dự án ổn định và phần nào đó là thành công
Quay lại câu hỏi liệu có nên tự lập câu lạc bộ hay dự án cho chính mình hay không? Câu trả lời của em đó là đừng vội. Để lập được một dự án hay một câu lạc bộ có tính mới mẻ trong ngôi trường hay nơi bạn đang sinh sống đã là một thử thách tương đối lớn trong một “thị trường” mà các ý tưởng mới dường như cũng đã và đang cạn dần.
Thứ hai, việc các bạn thành lập được một dự án hay câu lạc bộ vào cũng cần phải có thời điểm thích hợp, vấn đề trên còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố nhưng theo quan sát của em, hầu hết mọi người sẽ là khoảng mùa hè lớp 10 (đối với những bạn có định hướng sớm cho riêng mình) và trễ nhất là trong hè lớp 11, hầu hết các bạn đều cần phải tích lũy kiến thức và học hỏi từ việc làm cho các dự án trước đó để có thể nắm được một vài quy tắc nền tảng trước khi thành lập dự án, câu lạc bộ riêng cho mình nên việc lao đầu vào một cách vô thức với một cái hoài bão và đam mê thôi là chưa đủ, cần một lượng kiến thức nhất định trước khi tiến hành một kế hoạch lớn và đôi khi bạn sẽ còn phải “vừa học vừa làm” để tiếp tục tích lũy kinh nghiệm cho dự án của bạn như cách em đã từng làm.
Bên cạnh đó, có một điều em khá chắc chắn đó là bạn không thể làm dự án một mình nếu không có những người bạn chung một chí hướng, họ có thể có hoặc không cùng đam mê với bạn nhưng việc họ sẵn sàng đồng hành trong một vai trò nào đó trong dự án đang ấp ủ của bạn mới là chìa khóa để bạn không phải ôm tất cả công việc mà còn là nền tảng quan trọng cho một tổ chức được hình thành từ một nhóm nhỏ. Ví dụ như câu chuyện của chính bản thân em, ban đầu khi nghe được ý tưởng về một dự án nghiên cứu khoa học em cũng không có quá nhiều hứng thú, nhưng vì khá tự tin với khả năng quản lý và tổ chức đội nhóm của mình nên em đã chủ động nhận lời để đảm nhận các công việc trên, khi đó các vấn đề liên quan đến thiết kế chuyên môn có cơ hội được xử lý một cách thoải mái bởi các bạn của em do họ đã không vướng bận việc vận hành do em lo nữa.
Tóm lại, việc bạn chọn lập một câu lạc bộ chỉ vì bạn không thể được nhận vào các câu lạc bộ tại trường là một quyết định không quá sáng suốt nếu bạn không có một niềm đam mê nhất định nào tới những cái chưa có hoặc nếu bạn không có những người bạn chất lượng sẵn sàng bỏ thời gian và công sức ra để cùng bạn xây dựng dự án hoặc câu lạc bộ. Vậy nên bạn hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc tự thành lập nếu bạn có 1 hoặc cả 2 yếu tố trên bởi dù gì đi chăng nữa, việc thành lập được một dự án và câu lạc bộ không chỉ giúp bạn có được những trải nghiệm đáng nhớ mà còn là một phương thức thể hiện khả năng lãnh đạo và quản trị hiệu quả nếu bạn có nhu cầu thể hiện bản thân mình trong các đợt nộp hồ sơ đại học sau này khi một vài trường có khảo sát và đánh giá xem bạn có những tư chất cá nhân vượt trội hay không.
Chị xin vô cùng cảm ơn sự chỉn chu nhiệt tình trên 1.000 chữ của em. Thật ra, hồi đấy cũng có người khuyên gì tự lập CLB. Đúng như em nói, mọi thứ không dễ dàng, vậy nên, với nguồn lực và cách giao tiếp chưa hiệu quả của chị thời ấy, chị đã bỏ qua lựa chọn đó. Mà để nói về sự không dễ dàng, em có thể cho mọi người lời khuyên về cách quản lý thời gian giữa hoạt động ngoại khóa và việc học không?
Thật lòng mà nói, em không có mẹo hay kinh nghiệm nào đặc biệt trong việc quản lý thời gian hiệu quả để cân bằng 2 thứ trên cả. Đơn giản chỉ là do việc tối ưu hóa được việc tiếp thu kiến thức trên lớp bằng các bài giảng của thầy cô thì thường em khá ít khi động lại vào sách vở sau khi về nhà trừ khi có đợt kiểm tra, bài tập về nhà hoặc bài nhóm, còn lại thì em thấy các thầy cô dạy khá hiệu quả và bản thân em chỉ cần nghe giảng và thảo luận trên lớp là hơn một nửa thời gian học của em đã hoàn thành rồi, em cũng không đi học thêm nhiều trừ việc phải trau dồi đi học tiếng anh do thời gian đó phải chuẩn bị để thi IELTS và học toán do sở thích là chính, còn lại thì gần như em cũng rất ít khi mở sách vở ra ôn lại bài ở nhà nên thời gian em có cho các hoạt động ngoại khóa cũng tương đối dồi dào.
Mặc dù vậy, em vẫn luôn ưu tiên việc học hơn qua việc cứ đến các kỳ kiểm tra định kỳ của trường, em sẽ thường gác qua các hoạt động ngoại khóa, cố gắng trước đó 2 tuần hoàn thành hết công việc và xin ngừng nhận việc cho đến khi kiểm tra xong. Em cũng thường hay tạo điều kiện cho các nơi em quản lý bằng cách em thường dựa trên lịch thi của trường để cho dự án mình quản lý nghỉ phép toàn bộ (do hơn 90% thành viên của các dự án em quản lý là học sinh của trường em hoặc có lịch thi trong những ngày tương tự)
Cảm ơn sự chân Thành của Thành, nghe những câu trả lời của em giống như chị đang đọc lời khuyên cho chị gần cả thập kỷ trước vậy. Cảm ơn em, và chúc em may mắn trên con đường sắp tới nhé!
Em cảm ơn chị, hy vọng chúng ta sẽ có dịp gặp nhau và hàn thuyên tiếp chị nhỉ?
Đương nhiên rồi ^^
Lưu ý: Bài viết này không liên quan đến bài viết trước.
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khoá học Writing On The Net #wotn7 #day3
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất