Chúng ta có đang hiểu sai về work-life balance?
Còn nhớ vụ tranh cãi về chuyện người trẻ đi làm nên hay chăng về nhà trước 7 giờ tối? Work-life balance, sự cân bằng giữa công việc...
Còn nhớ vụ tranh cãi về chuyện người trẻ đi làm nên hay chăng về nhà trước 7 giờ tối? Work-life balance, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trên thực tế có thể không như chúng ta tưởng.
Nếu thực sự tồn tại work-life balance, tồn tại một cán cân mà bên này là công việc, bên kia là cuộc sống, thì sự cân bằng lý tưởng là như thế nào?
Rất nhiều người cho rằng đó là sự rạch ròi phân chia thời gian trong ngày thành 8 tiếng lo việc công sở, 8 tiếng lo việc gia đình và 8 tiếng cho bản thân nghỉ ngơi. Không có sự chồng chéo, “lấn chiếm” qua lại giữa thời gian dùng cho việc này với thời gian dùng cho việc kia.
Tuy nhiên, cách hiểu này lại khá xa rời thực tế.
Lúc này, có hai khái niệm khác hợp lý hơn mà chúng ta nên sử dụng: segmenter và integrator.
Segmenter và Integrator
Năm 2014, Google đã thực hiện một khảo sát về work-life balance cho nhân viên, và phát hiện ra chỉ khoảng 30% cho rằng họ phân tách rạch ròi công việc và cuộc sống. Những nhà nghiên cứu gọi nhóm này là segmenter.
Họ là những người ghét mang việc về nhà làm, không thích nói chuyện công việc trên bàn ăn và cảm thấy phiền khi nhận cuộc gọi từ đồng nghiệp vào buổi tối.
Trong giờ làm, họ sẽ tập trung làm cho xong việc để sau giờ làm không còn phải nghĩ gì về nó nữa. Bản thân họ cũng có thể phân tách tâm trí, cảm xúc ra thành hai phiên bản: con người của công việc và con người của đời thường.
Trái ngược với segmenter, 70% còn lại trong khảo sát trên được gọi là integrator.
Đó là những người có thể làm một số việc riêng trong giờ làm nhưng không hề nề hà khi phải làm thêm vào buổi tối. Họ có thể tìm thấy hứng thú với việc đọc những tài liệu giúp phát triển nghề nghiệp trong thời gian rảnh.
Họ có nhiều bạn bè làm cùng lĩnh vực và thích những trao đổi xoay quanh nghề nghiệp trong các buổi trà dư tửu hậu. Thời gian cho công việc và thời gian cho đời tư của họ không có sự phân tách rạch ròi. Họ có thể linh hoạt di chuyển qua lại.
Hai khái niệm segmenter và integrator này nghe thiết thực và dễ xác định hơn nhiều so với khái niệm work-life balance.
Cách tìm một sự cân bằng cho riêng mình
Sự phân biệt giữa segmenter và integrator có thể hiểu cũng giống như một chiều hướng, một “dải phổ” mà chúng ta có thể rơi đâu đó vào khoảng giữa cực này và cực kia, tùy theo mức độ.
Mỗi lựa chọn về phong cách sống đều có điểm cộng và điểm trừ. Segmenter dễ dàng tránh được stress do công việc. Còn integrator có thể biến công việc thành một thú vui.
Việc cần làm của chúng ta là tự xác định xem bản thân mình phù hợp hơn với phong cách sống nào.
Từ đó, chúng ta sẽ có thêm môt tiêu chí quan trọng trong việc tìm kiếm công việc, nghề nghiệp lý tưởng và tránh được những sự vỡ mộng, khó khăn khi đi làm.
Chẳng hạn, một người segmenter sẽ khó hòa nhập với một team làm việc toàn integrator, thích nhắn tin vào nhóm chat khi chợt nảy ra một sáng kiến cho dự án.
Hoặc một người integrator sẽ thấy nản khi làm việc với một người sếp không hỗ trợ sự linh hoạt về giờ giấc.
Tự ý thức về việc bản thân là integrator hay segmenter sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc thiết kế thời gian biểu sinh hoạt mà mình mong muốn.
Và đó mới là sự hiểu đúng về cân bằng công việc và cuộc sống.
Huyền Vũ (Bờ Ru Xờ)
Ảnh: Ye Zi
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tham khảo:
từ bài viết của mình trên trang oxii
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất