Tấu hài lịch sử: Cuộc Chiến Cái Xô và những sự thật đằng sau
Khi đã ghét nhau thì củ bồ hòn cũng méo (vuông) là một cách miêu tả nổi tiếng trong một câu tục ngữ về yêu ghét của Việt Nam, và thế...
Khi đã ghét nhau thì củ bồ hòn cũng méo (vuông) là một cách miêu tả nổi tiếng trong một câu tục ngữ về yêu ghét của Việt Nam, và thế thì mới thấy là cái sự yêu và sự ghét nó có "sức mạnh" kinh khủng thế nào. Và trong lịch sử, không ít chuyện xảy ra gây bao tai họa âu cũng vì các phe... ghét nhau. Nói chung là đã ghét rồi thì cái gì cũng có thể xảy ra bởi bất kỳ lí do gì, kể cả có là chiến tranh, cứ thử đi mà hỏi Honduras và El Slvador vào năm 1969 đánh nhau vì chuối và bóng đá mà xem. Và nó cũng là lí do cho một cuộc chiến tranh, hay nói đúng hơn là một trận chiến diễn ra trong lòng một cuộc chiến giữa hai thành ban Ý Đại Lợi vào thế kỷ 14 âu cũng do mối thù giữa hai tộc là Guelph và Ghibellines. Và nguyên nhân của trận chiến đó là một thứ mà thiệt luôn trên đời khó ai nghĩ ra: một cái xô. Vâng, theo nghĩa đen, không phải chữ "bucket" theo một nghĩa nào khác hết.
Cũng nhờ Oversimplified mà tôi biết đến cuộc chiến này, và biết rằng có khá nhiều những câu chuyện được thêu dệt nên xung quanh nó tạo nên cả một huyền thoại trên Internet với những người yêu thích sử. Cả ở một vài trang web ở Việt Nam cũng có đăng về bài này vắn tắt theo dạng "Những lí do chiến tranh ngớ ngẩn nhất lịch sử". Nhưng hôm nay thì tôi sẽ đào sâu hơn và đưa ra văn cảnh xung quanh để mọi người biết rõ hơn về cái lí do... ngu ngốc nhất lịch sử con người để đi đánh nhau này.
*Vẫn có thể sẽ có những thiếu sót trong việc nghiên cứu nên rất hoan nghênh các Nhện bổ sung thêm*
Trước hết, hãy quay lại nơi tình yêu bắt đầu của toàn bộ việc này. Vào năm 1154, khi Federick/Friedrich Babarossa của Đế Quốc La Mã Thần Thánh xâm lược và tấn công các thành bang ở miền bắc nước Ý, lên ngôi thành Federick I do Giáo hoàng Adriano IV trao vương miện. Federick I cho rằng ông mới là những người xứng đáng là đại diện của Chúa, là lãnh đạo của cả tôn giáo chứ không phải Giáo hoàng, âu cũng do Giáo hoàng thời ấy vốn dĩ có quyền lực thần quyền nhưng lại có lối sống khá là... thác loạn âu cũng do các Giáo Hoàng bị điều khiển và làm bù nhìn bởi các quý tộc Ý trong thế kỷ thứ 10, còn gọi là giai đoạn Saeculum obscurum với hệ quả kéo dài đến cả thế kỷ 11. Đó là còn chưa kể, Hoàng đế Charlamange thật ra cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến Giáo Hoàng vào đầu những năm 800, thế nên đời sau cũng vẫn cho rằng mình có quyền lực cao hơn Giáo Hoàng và thậm chí còn tự tấn phong các giám mục cho nước mình không cần phải qua Giáo hoàng chính tông (và thường là do các quý tộc hối lộ để lấy chức). Thậm chí đừng quên có cả một giai đoạn "Ngụy Giáo hoàng" Clement III vốn cũng do Đế Quốc La Mã Thần Thánh tạo ra để đối đầu Giáo hoàng Gregory IV và tống cổ cả Giáo Hoàng Urban II khỏi Rome, đổ domino dẫn đến cả cuộc Thập tự chinh đầu tiên.
Và dĩ nhiên những người ở Ý thì chống đối vì vốn dĩ Hoàng đế đầu tiên của Đế Quốc La Mã Thần Thánh Otto I được phong tước bởi chính Giáo Hoàng John XII- dẫu cho ông này có thác loạn tồi tệ đến mức chết vì... chịch quá nhiều (Tôi ước gì đây là một câu nói đùa nhưng nó là sự thật), nhưng sự thật không thể đổi là Giáo Hoàng mới có quyền quyết định ai là vua thì quyền lực phải lớn hơn một vị vua và xứng đáng là lãnh đạo của tôn giáo lớn nhất lịch sử chứ. Thậm chí, sau này đến cả Voltaire trong Essay on the Manners and Spirit of Nations còn bảo rằng Đế Quốc La Mã Thần Thánh- Holy Roman Empire trong cả cái tên của nó và bản chất của nó "Chả có gì thần thánh, hay là La Mã, hay là một đế quốc". Gotta love Voltaire.
This body which was called and which still calls itself the Holy Roman Empire was in no way holy, nor Roman, nor an empire.
Nghiêm trọng hơn, điều này dẫn đến không ít giao tranh giữa hai bên, như đã kể là việc Federick I đánh chiếm khá nhiều thành bang lớn để rồi phe Giáo Hoàng với Lombard League đã giúp ngăn chặn các cuộc viễn chinh vào năm 1176, và nhất là ở thời Federick II mọi thứ vô cùng loạn khi chiến sự liên miên. Nói chung, đây là khởi đầu cho hai hệ tư tưởng khác nhau: Team Holy Roman hoặc Team Pope.
Và hai gia tộc Guelph và Ghibelline kể trên cũng không là ngoại lệ, với nhà Guelph (hay Welf) Team Pope và Ghibelline là Team Holy Roman. Và thật ra, cả cái tên Ghibelline vốn dĩ cũng là để "cà khịa" nhà Guelph, vì họ vốn có nguồn gốc là ở xứ Bavaria, và họ có thù với tộc Alemmani có một cái lâu đài tên là Waiblingen- viết lại là Ghibelline trong tiếng Ý. Thêm vào đó, ngày đấy thì nước Ý vốn dĩ là các thành bang tự trị, và đa số các "hàng xóm láng giềng" là chả ai ưa nhau và có không ít các cuộc đối đầu lớn nhỏ với nhau. Nhà Guelph thì ở Bologna, nhà Ghibelline thì ở Modena, hai thành bang cách nhau chỉ có khoảng 50 cây số. Đúng nghĩa oan gia từ A đến Z. Và suốt bao nhiêu năm cho đến thời điểm cuộc chiến cái xô trên diễn ra thì hai thành bang này đánh nhau giành lãnh thổ không biết là bao nhiêu lần. Nó căng thẳng đến mức năm 1309 Giáo hoàng John XXIII tuyên bố Bonacolsi, kẻ đừng đầu Modena bị tuyên là kẻ thù của nhà thờ vì... đập Bologna tưng bừng, đến nỗi ban đặc ân xóa tội được lên thiên đường cho bất cứ ai làm tổn hại từ thể chất đến tài sản của Bonacolsi.
Rồi, sau khi đã nói dông dài như thế rồi thì... Lại nói về cái xô nào. Năm 1325, hai thành này lại va chạm với nhau. Thành Bologna cướp bóc đốt phá ở Modena xong rồi đem của cải vật chất về thành khoe của hô hào vào tháng 7 và tháng 8- đặc biệt là đánh liên tục trong 2 tuần trong tháng 8, để rồi tháng 9 thì Modena quay lại "báo chù"...
Vài binh sĩ Modena, bằng cách nào đó, đã lẻn được vào trong thành Bologna, và họ đến được một cái giếng trung tâm và ăn cắp cái xô ở đó, vì có nguồn nói rằng trong cái xô đó là số của cải Bologna cướp được từ Modena tháng trước, cũng có nguồn nói tại... mấy tay lính chán nên ăn cắp cho bõ ghét bọn Bologna. Vấn đề ở đây là danh dự của Bologna bị xúc phạm lẫn thành trì bị... lẻn vào mà chính mình còn không biết còn nhục hơn. Họ đòi Modena trả lại cái xô (và số của cải trong đó nếu có), nhưng Modena kiểu "Sao mình phải trả lời bạn? Bạn không có thứ mình cần. Vô văn hóa". Và thế là Bologna thay vì đem lên mạng cho làm meme thì họ đem 32.000 quân, VÂNG, 32.000 quân đến Modena đòi lại cái xô. Và trận chiến đó có thương vong là 2000 người.
Nghe buồn cười đúng không, nhưng đây là lúc câu chuyện được đồn đãi này bị sai sót, bởi vì mọi thứ diễn ra ngược lại.
Sự thật là thế này: Bonacolsi đúng là có dấy 7000 quân để đánh Bologna. Và nó thành công ngoài mong đợi khi một trong hai pháo đài của Bologna do phe đối lập với nhà Ghibelline nắm pháo đài đầu hàng tắp lự, Modena sau đó cho quân đánh pháo đài thứ hai, quân Bologna mang 32,000 quân ra chống trả ở Zapollino nhưng thất bại do bị quân Modena đánh úp, Modena đánh đuổi quân Bologna tiến thẳng đến ngay thành Bologna, nhưng không đánh công thành gì hết chỉ cằm trại ngoài thành và... ăn nhậu tưng bừng trong vài ngày để trêu ngươi. Trước khi họ rời đi, họ đập phá nguồn nước của thành Bologna và lấy một cái xô ở một cái giếng ngoài cổng thành về để làm chiến lợi phẩm. Họ về Modena còn cho diễn lại trận đánh trên, diễu hành khắp thành và cũng để cái xô ở ngay giếng trung tâm Modena để "cà khịa" lại Bologna. Bologna sau đó còn phải trả chiến phí và giao ước để Modena trả lại hai pháo đài, nhưng cái xô thì không. Mối thù của hai thành bang này chỉ kết thúc vào thế kỷ 16 khi họ hợp tác chống lại quân Tây Ban Nha.
Nói chung, nguyên nhân thật sự của cuộc chiến là do nó có nguồn gốc từ sự đối nghịch trong tư tưởng ủng vua "La Mã" hay ủng Giáo hoàng, cái xô chỉ là một chiến lợi phẩm sau tất cả mà thôi. Tuy nhiên, những việc xảy ra xung quanh giữa cái cách hai thành bang này cà khịa nhau cũng xứng danh tấu hài.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất