TRẦM CẢM - ERROR CỦA TẠO HÓA
nguồn ảnh : consumer reports Sau khi vùi mặt vào vài cuốn sách và lang thang khắp các trang web học thuật. Tôi nhận ra...
Sau khi vùi mặt vào vài cuốn sách và lang thang khắp các trang web học thuật. Tôi nhận ra rằng trầm cảm rất phức tạp, dường như có hàng triệu phản ứng trong não bộ chịu trách nhiệm cho tâm trạng và nhận thức. Việc điều trị hiện nay cũng chưa tối ưu và xã hội nhìn chung còn chưa đồng cảm với căn bệnh này. Chúng ta vẫn còn yếu thế trong cuộc chiến này, với những con số ngày càng tăng.
Để hiểu bản chất của trầm cảm, hãy quay ngược thời gian về trước cách mạng công nghiệp, khi tổ tiên chúng ta vẫn rong ruổi khắp các cánh rừng, đấm nhau với thú dữ, đề phòng các loài có độc và đôi lúc tranh giành lãnh thổ với các bộ lạc khác.
1. NHỮNG CÁI LỒNG
Loài homo sapiens cũng như các loài động vật có vú khi ấy, được trang bị một cơ chế phòng vệ trong các tình huống đe dọa đến bản thân.
Nó được gọi là fight-flight ( đánh nhau hoặc là chạy )hay " phản ứng căng thẳng ", khi được kích hoạt, cơ thể bạn sẽ ngay lập tức tiến vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với hormone adrenaline và cortisol được giải phóng, tim đập nhanh hơn, máu được bơm về các bộ phận quan trọng như các cơ ở tay và chân khiến chúng căng cứng(1)... Đặc biệt não bộ tiến vào trạng thái phòng vệ khiến bạn nhạy cảm hơn với các kích thích xung quanh, nhưng thường tiêu cực hóa chúng ( ví dụ như biến mặt 😑-> 😡)
Thật không may, cơ chế này không được thông minh cho lắm, nó phản ứng với cả những kích thích gây căng thẳng nhưng không nguy hiểm như lo lắng(2), cãi nhau với người thân, thuyết trình, deadline dí, thậm chí có khi ở gần nhà máy phân bón, ... Kiểu phản ứng " vơ đũa cả nắm" thế này được gọi là false alarm.
Cơ chế này giúp cho loài sapiens có thể sống xót trong 99,99% thời gian tồn tại của mình, nhưng giờ đây có lẽ nó đã trở thành gánh nặng.
Ít nhất vì nó là tác nhân gây nên trầm cảm (3) và nhiều bệnh tâm thần khác (4).
Để hiểu hơn về điều này, hãy cùng xem xét đến những con vật đã mua vui cho chúng ta ở rạp xiếc. Nhiều trong số chúng đã chết vì trầm cảm(5) hay nói đúng hơn là capture myopathy( tổn thương mô cơ do bị bắt giữ ). Việc bắt giữ đã kích hoạt hệ thống fight-flight của chúng, nhưng do đang trong chuồng, các hóa chất thần kinh không thể giải phóng, tích tụ lại gây hại cho cơ thể.
Và biết đâu đôi khi con người cũng vậy.
Với lối sống hiện đại có nhịp độ điên cuồng, ít vận động, thiếu ngủ, ít liên kết xã hội, những cuộc chạy đua về thành tích, những lời diễn văn trên mạnh về một lối sống kiểu mẫu, khoảng cách giữa người với người bị nới rộng dần bởi mạng xã hội( chúng ta cắt bớt thời gian dành cho những người xung quanh ), bởi thành thị ( thay vì các cộng đồng truyền thống đã sinh sống với nhau hàng ngàn năm), bởi gia đình hạt nhân ( gia đình gồm vợ chồng và con thay vì nhiều thế hệ sống chung một căn nhà ), ... Các bệnh nhân có lẽ đã mắc kẹt trong chúng.
Và điều này không chỉ nói suông, khi những người trầm cảm cảm thấy mình bị mắc kẹt trong căn bệnh đang hành hạ họ, hoàn cảnh sống hay các mối quan hệ(6).
2.ERROR
Rõ ràng fight-flight là cơ chế được tạo ra chỉ để dùng trong vài trường hợp đặc biệt, một khi kéo dài quá vài ngày, chúng có thể gây hại cho cơ thể(7)
Vậy chính xác chúng tàn phá chúng ta theo cách nào ?
Khi fight-flight trở nên mãn tính và khó kiểm soát, hormone adrenaline và cortisol được bơm thường xuyên khiến bạn mất ngủ (8), giấc ngủ sóng chậm thông thường cũng được thay thế bởi giấc ngủ chập chờn ( tuy có hại nhưng dễ tỉnh dậy). Một khi rơi vào trạng thái như vậy, cơ thể sẽ khó có thể kiểm soát cơn thèm ăn, cơ thể bị cạn kiệt năng lượng, tinh thần luôn ở trạng thái tiêu cực và lo lắng(9) ...
Nói cách khác, một khi chất lượng giấc ngủ bị suy giảm, các triệu chứng về trầm cảm bắt đầu xuất hiện.
Tấn công trực diện: phía sau trán và hốc mắt của chúng ta là vùng não được gọi là prefrontal cortex ( PFC-vỏ não trước ) vùng này chịu trách nhiệm cho các phản ứng cảm xúc, lên kế hoạch cho tương lai, , kiểm soát hành vi, nhận thức về bản thân ,... đồng thời kiểm soát 3 loài hormone quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng là dopamine, adrenaline và cortisol (10)
Có thể nói đây là phần não "người ". PFC ở người cũng chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều so với bất cứ loài động vật nào khác (11).
Phần não này được chia ra làm hai khu phải và trái với chức năng riêng biệt: với left PFC điều khiển các cảm xúc tích cực và right PFC với các cảm xúc tiêu cực. Left PFC cũng liên kết nhiều hơn với dopamine ( hormone phần thưởng, động lực ) trong khi right PFC liên kết nhiều hơn với adrenaline ( hormone lo lắng, tiêu cực)(12).
Và phản ứng căng thẳng thực sự làm suy giảm hoạt động của left PFC (13)
Điều này khiến cho bệnh nhân tập trung vào nỗi đau thay vì phần thưởng, ít có động lực theo đuổi các mục tiêu tốt đẹp, ...
Đó là cách mà fight-flight gây nên trầm cảm.
Và là cách con người gây căng thẳng cho chính giống loài của mình.
3. CÁC YẾU TỐ KHÁC
Như đã nói ở phần trước fight-flight là tác nhân quan trọng gây nên trầm cảm. Mặc dù cuộc sống hiện đại khiến chúng ta kích hoạt chúng thường xuyên.
Nhưng trầm cảm thường chỉ thực sự bắt đầu sau những sự kiện đau khổ và có tầm ảnh hưởng lớn như ly hôn, mất việc, bị xâm hại tình dục, người thân mất, thất bại trong học tập, nổ nhà máy phân bón, ... Những sự kiện này đẩy fight-flight cao đến mức khó có thể dập tắt và trở thành mãn tính(14). Điều này có vẻ liên quan mật thiết tới rối loạn tâm lý sau chấn thương ( PSTD ).
Ta đều biết rằng có những nhóm người sinh ra đã bất hạnh hơn những người khác về mặt thể chất. Nhưng về mặt tinh thần thì không.
Sẽ thật dễ dàng nếu nói ai đó là yếu đuối và quá tiêu cực. Thay vì cố gắng tìm hiểu các yếu tố tác động như môi trường, văn hóa, giáo dục, mối tương quan giữa thể chất và tâm lý, ...
Nhưng liệu có thực là có những người yếu đuối hơn người khác về mặt tâm lý ? Hồi ngay sau đây sẽ rõ.
A. DI TRUYỀN
Mối tương quan giữa trầm cảm và di truyền từ lâu đã được xem xét dựa trên các nghiên cứu về gia đình. Con số mà ngày nay được chấp nhận là 40 %, 60% còn lại sẽ là các yếu tố về môi trường(15).Ví dụ như những người có cha mẹ hoặc anh chị em trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người thường (16)...
Đại diện sáng giá cho yếu tố di truyền chính là gen vận chuyển serotonin. Serotonin là một chất truyền dẫn thần kinh có vai trò điều tiết cảm xúc, giảm lo lắng, đặc biệt là điều chỉnh phản ứng fight-flight ( hầu hết các loại thuốc phổ biến cũng đều tác động tới chức năng của serotonin trong não. Vd: zoloft giúp não hấp thu nhiều serotonin hơn ).
Serotonin có hai phiên bản là ngắn và dài ( short - long ). Gene ngắn thường có chức năng kém hơn so với gene dài. Các phiên bản này sẽ được kế thừa từ mỗi phụ huynh từ đó chia ra làm 3 trường hợp :
- S-S : quán quân của mức độ phản ứng tiêu cực với các sự kiện.
- S-l : á quân
- L-l : dễ thở nhất khi gặp các sự kiện căng thẳng.
(17)
Nếu bạn tự cho mình là một người lạc quan và yêu đời, thì bạn nên thêm điều này vào danh sách biết ơn vì may mắn hơn người khác.
B. GIỚI TÍNH
Đôi khi tôi tự hào vì mình là phái mạnh vậy, có trách nhiệm gánh vác cho nửa kia của thế giới. Nhưng có thực là cánh mày râu mạnh mẽ hơn phụ nữ ?
Dựa trên số liệu thống kê của who, tỷ lệ mắc trầm cảm ở phụ nữ gấp 1,5 lần nam giới (18). Điều này có thể được lý giải dưới 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất là mối quan tâm, phụ nữ thường sẽ quan tâm hơn tới các mối quan hệ xã hội, trong khi đàn ông hướng tới sự nghiệp (19).
Và thứ hai, có một điều rất thú vị là tỷ lệ giữa bé trai và bé gái, giữa hai giới ở tuổi trung niên trở đi là tương đương nhau (20). Nói cách khác, trầm cảm chỉ là một ông chồng xấu tính thời phong kiến khi phụ nữ ở tuổi sinh sản tốt nhất. Điều này có vẻ liên quan mật thiết tới hormone sinh dục estrogen, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự suy giảm đột ngột của estrogen có thể thay đổi mạnh tâm trạng, hay suy giảm chức năng của serotonin (21).
Đó là lý do mà phụ nữ đặc biệt dễ bị trầm cảm sau sinh, trong khi mãn kinh hay đơn giản là quạo cả thế giới khi mùa dâu về.
Các nguyên nhấn trên thường không hay đứng một mình, chúng có thể kết hợp hay thúc đẩy lẫn nhau và các yếu tố khác để chung tay đẩy lùi ánh sáng. Ví dụ như việc bắt nạt có thể làm trầm trọng tình trạng cô đơn chẳng hạn (22) ...
Vậy sau tất cả, ta nên làm gì ?
Như các bạn đã biết, chúng ta được trang bị một vũ khí tự nhiên để chống lại trầm cảm - serotonin. Chắc chắn không thể đơn giản hóa cuộc chiến như việc serotonin đủ nhiều sẽ giúp chúng ta vượt qua.
Nhưng chúng là nhân tố quan trọng, vì vậy mình recommend cuốn the depression cure của STEPHEN S. ILARDI, bản dịch ở việt nam là phương pháp điều trị trầm cảm. Nội dung nói về lối sống trị liệu, để tăng lượng serotonin một cách tự nhiên. Cuốn sách chắc chắn không phù hợp với mọi đối tượng, nhưng mình vẫn đánh giá cao nó.
Bài viết là những gì mình góp nhặt được từ nhiều nơi, mong là sẽ giúp được ai đó !
* lưu ý bài viết đề cập đến trầm cảm lâm sàng ( MDD), Nguồn sẽ được bổ sung ở phần comment.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất