Cho mình hỏi là có bạn nào đã từng xem và phát cuồng sau khi xem những bộ phim như "Công viên Kỷ Jura" (Jurassic Park) hay phần tiếp theo của series nó là "Jurassic World" vì mấy con khủng long và bò sát cổ đại chưa? Thật đáng tiếc là chúng đã tuyệt chủng rồi nhỉ... Hay chưa?


Trước đây, hẳn các bạn đã từng nghe qua giả thuyết gà (Gallus gallus domesticus LINNAEUS, 1758) có họ hàng gần, hay có thể xem là hậu duệ của khủng long bạo chúa († Tyrannosaurus rex OSBORN, 1905), thậm chí là đã có các nghiên cứu về các proteome (nôm na là các bộ protein) trong mẫu hóa thạch của khủng long bạo chúa và cho ra kết quả là các proteome của nó giống với gà và đà điểu cơ (Marshall Bern, Brett S. Phinney và David Goldberg, 2009). Nhưng mà chúng ta sẽ không nói đến nó, dù gì thì T.rex có sống lại cũng khó có thể chấp nhận cái việc bị xếp chung cùng máu mủ với cái thằng cháu họ ngáo ngơ, ngờ nghệch, chỉ bay được có 13 giây này. Chúng ta sẽ nói về những con bò sát thực sự!


Bắt đầu từ đâu nhỉ? Các bạn có tin rằng ngay tại năm 2021 này, vẫn có một loài bò sát tuy kích cỡ không lớn lắm (đâu đó gần 1 m) nhưng lại có giá trị nghiên cứu về mặt Tiến hóa - Đa dạng Sinh học to lớn, ở chỗ là chúng vẫn tồn tại từ khoảng 250 TRIỆU NĂM trước không? Ừ, không đọc nhầm đâu. Loài bò sát ấy có tên cũng cơm là tuatara, tên đi ra ngoài của ̶c̶̶h̶̶á̶̶u̶... cụ ấy là Sphenodon punctatus GRAY, 1842, nhà ở New Zealand, châu Đại Dương. các nhà nghiên cứu về bò sát và lưỡng cư (herpertologist) cho biết là dòng họ nhà cụ hầu như không thay đổi, không tiến hóa sau chừng đó năm, vậy là cả nhà cụ chứng kiến cả sự tuyệt chủng của mấy đứa nhóc khủng long cơ. Nhưng cũng chính vì không chịu thay đổi, sự thay đổi môi trường, khí hậu của Trái Đất cũng như sự tàn phá do con người gây ra, số lượng loài này ngày càng sụt giảm rất mạnh mẽ, hiện đang rất được các nhà khoa học cũng như các nhà bảo tồn trên toàn thế giới quan tâm, nhất là ở New Zealand. Bật mí, cụ có rất nhiều điểm kỳ lạ, nhưng nổi bật nhất là 2 điểm sau đây:
Có thể là hình ảnh về động vậtHình 1: Tuatara - Sphenodon punctatus. Nguồn: sandiegozoo.org
1. Loài tuatara này KHÔNG CÓ TAI. Chúng không có màng nhĩ, không có luôn cả tai ngoài, cấu tạo tai của chúng là một trong những cấu trúc nguyên thủy nhất. Tuy vậy, chúng vẫn có thể cảm nhận được âm thanh ở một khoảng tần số thấp.
2. Chúng có một CON MẮT THỨ BA trên đỉnh đầu, cấu tạo của nó gồm có cả giác mạc, võng mạc và các tế bào cảm nhận ánh sáng hình que hẳn hoi. Người ta vẫn còn nghiên cứu xem con mắt thứ ba này dùng để làm gì. Khi mới sinh, con mắt thứ ba của tuatara có thể được trông thấy rất rõ, nhưng sau vài tháng, nó sẽ lại được bao phủ bởi một lớp vảy. Các nhà khoa học cho rằng con mắt thứ ba đấy có thể dùng để tổng hợp vitamin D3 từ tiền tố trong cơ thể nhờ hấp thụ tia UV, cũng có ý kiến cho rằng con mắt thứ ba đấy dùng để phân biệt ngày đêm và nhận biết chim săn mồi nhờ khả năng phân biệt sáng - tối,...
Facts: Có một số loài bò sát và lưỡng cư hiện đại vẫn còn vết tích và thậm chí là chức năng của con mắt thứ ba ấy, các bạn có thể thấy ở các loài bò sát thuộc họ Nhông (Agamidae), họ Kỳ đà (Varanidae),...v.v. Mà nói đến kỳ đà thì...


Kỳ đà - nọc độc hay vi khuẩn? Những loài bò sát thuộc họ Kỳ đà (Varanidae) vẫn luôn chiếm một chỗ trong trái tim của mình. Ý mình là hãy nhìn đi, có một loài bò sát nào vừa hùng dũng, mạnh mẽ, lại vừa linh hoạt, quyến rũ như những con kỳ đà chứ? Loài kỳ đà nổi tiếng nhất thế giới chính là... nếu bạn đoán là rồng Komodo thì đúng rồi đấy! Rồng Komodo (Varanus komodoensis OUWENS, 1912) là một loài bò sát đặc hữu của Indonesia, theo một số nghiên cứu thì nó chính là loài kỳ đà lớn nhất còn tồn tại (kích thước có thể đạt đến 3 m). Trước đây, người ta cho rằng vết cắn của rồng Komodo, sở dĩ hạ gục được cả trâu rừng là vì trong đó có vi khuẩn, làm trâu bị nhiễm trùng máu và chết... NHƯNG KHỒNG! Người ta đã phát hiện ra rồng Komodo thực sự có tuyến nọc độc ở hàm dưới, nọc độc sẽ được truyền vào cơ thể con mồi thông qua vết cắn xé nham nhở mà lũ rồng này gây ra khi đi săn, làm cho con mồi bị tê liệt, cháng váng và rối loạn đông máu (Bryan J. Fry et al., 2009), sau đó, tụi này chỉ việc ngồi chờ con mồi chết rồi lần theo mùi đến xơi trọn. Facts: Đây không phải loài kỳ đà duy nhất có nọc độc hoặc/và dấu tích của tuyến nọc độc. À mà loài này cũng đang được bảo tồn vì sinh cảnh bị phá hủy bởi con người, và vì là loài đặc hữu nên các nhà khoa học cũng như các nhà bảo tồn rất quan tâm đến chúng.
Có thể là hình ảnh về động vật và thiên nhiênHình 2: Rồng Komodo - Varanus komodoensis. Nguồn: sandiegozoo.org

Thôi, lòng vòng thế giới vậy đủ rồi, sao ta không quay về Việt Nam nhỉ? Việt Nam chúng ta là một trong những nước được đánh giá là có độ đa dạng sinh học rất cao, nhưng ở bài này, mình sẽ không nói đến loài nào xa lạ mà sẽ nói về một loài khá gần gũi đối với chúng ta: Con kỳ tôm. Các bạn có thể gọi nó là con kỳ tôm, con càng tôm, con rồng đất, con..., nhưng chung quy lại, cháu nó vẫn tên là Physignathus cocincinus CUVIER, 1829. Loài này phân bố rất rộng rãi ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, chúng thích sống ở những cánh rừng mát mẻ, gần những con suối vì chúng đặc biệt yêu thích việc bơi lội, bởi thế, tên tiếng Anh của chúng là "Asian water dragon", nghĩa là "rồng nước châu Á". Đây là một loài bò sát có kích cỡ không quá lớn, chỉ ngang tầm cụ tuatara ở trên thôi, dòng họ nhà cháu này không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc lúc nhỏ, mấy cu cậu có khả năng chạy trên mặt nước và trung bình, cả họ nhà cậu ấy có thể lặn dưới nước và nhịn thở gần 1 tiếng rưỡi. Tuy hay ho là thế, nhưng loài này cũng là một trong những loài được bảo vệ ở Việt Nam vì:
Hình 3: Kỳ tôm - Physignathus cocincinus. Nguồn: Cái này thì mình tìm hình trên Sở thú San Diego không ra nên mình lấy tạm hình mình chụp tại chuyến đi đêm tại Lâm Đồng.
1. Môi trường sống bị phá hoại (ừa, lại lý do ấy).
2. Loài này bị săn bắt rất nhiều ngoài tự nhiên với mục đích là để nuôi làm cảnh hoặc để ăn thịt.
3. Tuy có nhiều trang trại nuôi giống nhưng việc săn bắt loài này không hề giảm, thậm chí là trại sẽ sẵn sàng lấy nguồn ngoài tự nhiên nếu như trong trại không đủ số lượng con thương phẩm mà khách yêu cầu.
4. Luật pháp để bảo vệ loài này (và bất cứ một loài động vật hoang dã nào khác) ở nước ta còn rất lỏng lẻo, dễ dàng luồn lách.

Kết bài: Thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta ẩn chưa rất nhiều điều kỳ thú, nhưng chúng không thể tồn tại mãi mãi nếu không được bảo vệ và giữ gìn, vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường, trước mắt là bằng việc hạn chế xả rác bừa bãi, không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã đang được bảo vệ (dù là thú nuôi hay bất cứ sản phẩm nào), nâng cao ý thức cộng đồng,... rồi sau này, nếu các bạn có trở thành một nhà nghiên cứu, một nhà bảo tồn, mình hy vọng các bạn có thể giúp ích cho đất nước ta nói riêng và cả thế giới nói chung. Hãy để con trẻ còn nhìn thấy muông thú trong những cánh rừng, và khi nhìn vào Việt Nam, ta thấy khung cảnh như trên NatGeo, Discovery hay Animal Planet chứ không phải là 18 tầng Địa Ngục của động vật hoang dã, các bạn nhé!