Khái niệm triết học đến với tôi lần đầu là Mác - Lênin như bao người Việt Nam khác. Nó khó hiểu, khô khan và thường xuyên được mang ra như một triết lý cao siêu, khó ai hiểu được. Điều ấy cứ tiếp diễn, cho đến khi tôi vô tình đọc được cụm từ "chủ nghĩa hiện sinh". Năm ấy tôi chỉ mới 17 tuổi, mùa hè đối với những cô cậu học sinh dường như dài bất tận. Cảm nhận được cái dài lê thê, tôi đã đọc một mạch 2 tác phẩm lớn của nhà văn Haruki Murakami là 1Q84 và Biên niên ký chim vặn dây cót. Với đầu óc của một học sinh trung học phổ thông, việc cảm nhận, suy nghĩ và hiểu được những tình tiết trong 2 tác phẩm ấy là quá sức. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm vắt óc để cảm nhận câu chuyện. Sự bất lực, có phần mệt mỏi với những con chữ đã lần đầu tiên xuất hiện trong tôi. Chuyện gì đến cũng phải đến, tôi chỉ còn cách lên internet để đọc thêm về 2 tác phẩm ấy. Và "chủ nghĩa hiện sinh" đến một cách tình cờ.
Sự tò mò xen lẫn háo hức trước cụm từ ấy, khiến tôi thực sự nghiêm túc dấn thân vào tìm hiểu. Sự khám phá đầu tiên của tôi về chủ nghĩa hiện sinh là câu hỏi "Tôi là ai?" (xuất hiện trên wikipedia). Tôi cũng đã nhiệt tình đặt đi đặt lại câu hỏi ấy trong đầu, nhưng ở độ tuổi 17 thì "Tôi là ai?". Một nam học sinh nhút nhát, lười học, mê đọc tiểu thuyết và bị hấp dẫn bởi tình dục. Đó là những gì tôi nhận thấy được khi ấy, khiến tôi trở nên có phần cảm thấy nhàm chán từ bản thân cho đến ngành triết học ấy. Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn đọc các tác phẩm khác của Haruki Murakami mặc cho việc lờ đi mong muốn tìm hiểu về chủ nghĩa hiện sinh. Vì sức hấp dẫn tự thân của các câu truyện nhà văn người Nhật viết ra vẫn khiến tôi tiếp tục đọc. Không chỉ dừng lại ở tác giả của Rừng Này, tôi đọc thêm nhiều tác phẩm, thể loại khác. Vì bản thân ảnh hưởng khá nhiều từ tiểu thuyết Rừng Này, nên tôi chỉ lựa chọn những tác phẩm thực khó đọc, khó hiểu và có phần kén độc giả. Tôi nghĩ đấy mới là những tác phẩm văn chương thực thụ, mớ sách vở thời nay chỉ khoáng trên mình những lời lẻ mạ vàng bóng bẩy mà thiếu đi chiều sâu. Khi ấy mớ sách vở hiện đại không sáo rỗng, mà chính bản thân tôi mới sáo rỗng, nông cạn và bảo thủ. Và điều buồn cười thay, những tác phẩm văn chương bất hủ khó hiểu lại chính là cây gậy đập lại lưng tôi, bởi với đầu óc ở tuổi đôi mươi thì những cuốn sách tôi đọc luôn ở tình trạng chữ đi đường chữ và tôi đi đường tôi.
Nhưng tôi không nhìn ra được vấn đề ở bản thân mình, tôi chỉ biết hướng góc nhìn hạn hẹp ấy ra phía trước. Tôi tựa lừa dối rằng mình hiểu tất cả, chỉ không đủ vốn từ diễn đạt ra trọn vẹn. Cái tôi cao ấy đã tự tìm cách bảo vệ nó bằng mọi cách, và mạng xã hội lại còn là công cụ tiếp tay cho cái dốt ấy. Những ngày tự lừa mình bắt đầu bước sang trang mới, khi tôi tìm thấy cho mình hứng thú ở các trang về lịch sử. Tại đó, tôi có phần ghen tị trước sự hiểu biết của những người khác dưới phần bình luận về chủ đề nào đó. Nó khiến tôi lao đầu vào sách vở lịch sử, tự đưa mình vào cuộc đua chữ nghĩa với nhiều người khác. Tôi đọc 1 thì trên mạng người người lại nói được 10, đến khi tôi đọc 10 thì người người lại kể ra được cả 100. Từ đó, việc đọc sách vở đối với tôi là một cuộc phân tài cao thấp về mặt chữ nghĩa với người đời, có lượng mà thiếu chất. Cái lượng ấy nhiều đến mức khiến tôi xây cả được một ngai vàng, tự phong mình là bậc Đế Vương ở phương nào đó. Tôi thuộc lòng năm tháng những dấu mốc lịch sử phương Tây, chiến trận nổi tiếng nhất hay sự kiện nối tiếp sự kiện, tôi tận hưởng thứ cảm giác học thức nhỏ nhoi ấy. Và tôi đọc rất chăm chỉ, hầu như đi đến đâu cũng có một cuốn sách trong tầm tay để mỗi khi rảnh rỗi sẽ mang ra đọc. Tôi thực sự đọc, nghiêm túc và tôn thờ nó. Tôi không hề mang sách vở hay việc đọc của mình ra khoe mẽ. Tôi trở thành một kẻ cô độc từ ngoài đời cho đến nội tâm.
Nhưng những ngày tận hưởng việc đọc ấy không dài, ngôi Đế Vương dần lung lay trước một cảm giác kỳ lạ. Đó là ngày tôi quyết tâm dân thân mình trở lại triết học. Tôi vẫn nhớ về chủ nghĩa hiện sinh như một sự thú vị nhất, cũng khó khăn nhất. Nên từng bước nhỏ được tôi lựa chọn, tôi đọc triết học cơ bản trên web triethoc.edu. Vẫn chứng nào tật đó, sau vài bài học cơ bản thì tôi đã lập tức nhảy ngay vào Jean-Paul Sartre, Soren Kierkegaard, Martin Heidegger. Tôi đã lập tức bị khối kiến thức đồ sộ của 3 triết gia ấy đè bẹp. Nó nặng đến mức khiến gã tự phong Đế Vương ấy sợ hãi, nhưng vẫn cố hết sức bình sinh cầm cự trên ngôi báu. Sau khi nhận thấy mình còn quá non nớt, tôi đã quyết định tìm đến Immanuel Kant như một cứu cánh (đa số các tác phẩm của 3 triết gia kia đều nhắc đến Kant). Nhưng tôi cũng phải chào thua trước Triết học Kant của Gs. Trần Thái Đỉnh. Cuối cùng, nhận ra khả năng hạn chế của mình vào thời điểm ấy. Tôi hoài nghi bản thân như một lẽ tất yếu, khi đã đọc sách ở một khối lượng nhất định nhưng lại chịu thua trước triết học. Hoài nghi mang đến sự khó chịu ngay lập tức, tôi chìm vào những ngày suy tư về bản thân lẫn số sách đã đọc. Đầu óc tôi trở thành nên hỗn độn, không thể sắp xếp được ý tứ mà chỉ bị cuốn theo dòng suy nghĩ tự chỉ trích mình. Bản thân tôi như đang bị tấn công một cách mạnh mẽ, ngai vàng tự xưng khi trước giờ chỉ còn là một ảo ảnh. Tôi khi ấy chỉ còn lại sự trở trọi, bị bóc trần bởi chính mình. Vạch ra bộ mặt thật của sự thiếu hiểu biết, tôi đau đớn.
Sau những ngày ấy, tôi ngưng tìm hiểu về triết học một thời gian để nhìn nhận lại việc đọc. Tiểu thuyết như cứu cánh để vơi bớt những nỗi niềm chất chứa trong lòng tôi. Đó là ngày tháng tôi đắm chìm trong Balzac, Dostoevsky, Hemingway,...Tôi cố gắng đọc chậm lại, kĩ càng hơn trong từng câu chữ để nhận ra nhiều ý tứ hay ho mà trước khi tôi không nhận ra. Cuốn Tội ác và Trừng phạt từng khiến tôi cảm thấy khó khăn bởi độ dài câu chuyện, lẫn văn phong tôi xem là lê thê nay lại làm tôi kinh ngạc bởi sự miêu tả tâm lí nhân vật chi tiết hơn bao giờ hết. Hay tác phẩm Ông lão Goriot đã khiến tôi vô cùng cảm động trước số phận ngã của lão Goriot, mỗi nhân vật đều được viết rất đặc trưng, đại diện cho mỗi một tư tưởng trong xã hội Paris thời bấy giờ.
Thời gian trôi qua, nó cuốn theo nỗi buồn triết học của tôi về miền xa xăm. Xa đến mức tôi phải nheo mắt lại nhìn, và cảm thấy vấn đề thật nhỏ bé. Những năm tháng mới lớn cho tôi năng lượng của một nhà chinh phục để đánh Đông dẹp Tây, tự đặt mình vào thế đua chữ với người đời. Đến khi thất bại, tôi mới thấm thía nhìn nhận rằng "thất bại là chuyện thường tình của binh gia". Để một biến cố xảy đến, mới biết bản thân tôi yêu thích triết học đến nhường nào. Tôi bắt đầu lại từ những Socrates, Aristotle về những câu chuyện đạo đức, đặt câu hỏi, suy tư. Để từ đó tôi khiêm nhường hơn trước lượng kiến thức đồ sộ kia của nhân loại. Tôi bước thật chậm để quan sát, học hỏi, suy ngẫm và cởi mở hơn trong các vấn đề ngoài xã hội.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất yêu thích triết học. Tôi đọc triết hằng ngày nhưng không dám nhận rằng mình đã nắm rõ được vấn đề trong lòng bàn tay. Đôi khi tôi vẫn cảm thấy khổ sở trước con chữ, nhưng tôi hiểu rằng cần phải kiên nhẫn hơn để có thể tự rút ra được giá trị của mỗi bài học.