Có lần mình đọc lướt qua một đoạn thông tin nào đó trên internet:
"Người giàu thường hay diễn trò, 1 là kể về tập luyện thể thao, 2 là thiền"
Mình không biết người viết có thực hành 2 hoạt động kể trên không. Nếu có thì đây là một câu khuyến khích các bạn trẻ lười vận động phải tập luyện nhiều hơn. Ngược lại, có thể người này đang mỉa mai những người giàu hay nói đạo lý trên mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, hoạt động thể chất giúp ích rất nhiều đối với não bộ của con người. Nếu xét trên bình diện trong mối quan hệ tương quan giữa thể chất với sự nghiệp của một ai đó. Thì điều đó đã thực sự diễn ra trong suốt vài ngàn năm nay.

I. Các vĩ nhân có đời sống sinh hoạt ra sao ?

Alan Scheer , còn được gọi là The Fitness Philosopher hoặc @scheereddzz - Một người đam mê với vẻ đẹp thể hình của người Hy Lạp
Alan Scheer , còn được gọi là The Fitness Philosopher hoặc @scheereddzz - Một người đam mê với vẻ đẹp thể hình của người Hy Lạp

Tại Châu Âu

Đối với những ai nghiên cứu trường phái Khắc Kỷ và lịch sử Hy Lạp, La Mã nói chung, thì chúng ta đều biết rằng. Nền chính trị ở 2 quốc gia này là chế độ dân chủ, điều đó đồng nghĩa với việc những ai có khả năng hùng biện và tranh luận giỏi thì đều có cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực chính trị và luật pháp. Các bậc phụ huynh giàu có thời điểm ấy không ngại vung tiền cho con em mình học tập tại các lớp học tranh luận của các nhà ngụy biện hoặc triết gia. Ngoài ra, họ đề cao những công việc vận dụng trí não khác như viết kịch nói, thi ca, nghiên cứu vật lý, triết học và thực hành các lối sống như Khắc Kỷ, Khuyển Nho.
Một điều đáng để nói tới ở đây là giới chủ nô – những người sống xa hoa hưởng lạc lao động trí óc ở thời bấy giờ lại ưa thích các hoạt động thể thao mang tính giải trí cao của Olympic: Quyền anh, Ném đĩa, Đua ngựa, Phi lao, Nhảy xa, Nhảy cao, Nhảy sào, Cuộc thi năm môn phối hợp ( pentathlon), Điền kinh, Đấu vật. Cũng như các trận đấu sinh tử đẫm máu của tầng lớp nô lệ và tù nhân trong các đấu trường La Mã.
Việc mình kể ở trên có vẻ không ăn nhập gì với nhau. Nhưng các triết gia tại 2 nền văn minh lại hưởng ứng các hoạt động thể thao hơn bao giờ hết. Đầu tiên, triết gia Socrates vĩ đại của thành Athena - nổi tiếng với các cuộc đối thoại kiểu Socrates và những châm ngôn minh triết. 
Nếu xét về xuất thân của Socrates, ông có cha là một thợ làm đá và mẹ làm nghề đỡ đẻ. Chưa kể đến, Socrates đã từng phục vụ trong quân đội Hy Lạp dưới vai trò là một người lính Hoplite trong chiến tranh Peloponnisos. Xuất thân của ông cũng đủ cho ta thấy rằng, sức mạnh cơ bắp của một cựu quân nhân Hoplite cũng có liên quan đến bộ não minh triết của Socrates.
Antonio canova, socrate salva alcibiade nella battaglia di potidea, 1797 - Wikipedia
Antonio canova, socrate salva alcibiade nella battaglia di potidea, 1797 - Wikipedia
Ông đã từng tuyên bố: 
“Không ai có quyền trở thành kẻ nghiệp dư trong vấn đề rèn luyện thể chất. Thật xấu hổ cho một người đàn ông khi già đi mà không nhìn thấy vẻ đẹp và sức mạnh mà cơ thể mình có thể mang lại.” 
Tuy lời lẽ của ông mang đậm khí chất hùng hồn đầy cơ bắp. Nhưng Socrates lại lựa chọn bộ môn thể dục nhẹ nhàng nhất có thể. Marcus Tullius Cicero - một triết gia Khắc Kỷ La Mã có sở thích dạo chơi ngoài trời, đã nhắc đến sở thích đi bộ của Socrates trong tác phẩm Tusculanae Disputationes:
“Cũng có một truyền thống về Socrates. Người ta ghi lại rằng ông ấy thích đi bộ cho đến tận khuya, và khi ai đó hỏi ông ấy tại sao lại làm như vậy, ông ấy nói rằng ông ấy đang cố gắng tạo cảm giác ngon miệng cho bữa tối của mình”
Tất nhiên, thói quen này của Socrates cũng đã truyền cảm hứng cho các triết gia hậu thế. Aristotle thường xuyên đi lại trong khi giảng dạy. Diogenes (triết gia Khuyển Nho) từng nói rằng cần phải rèn luyện cả tinh thần và thể chất để trở thành một triết gia thực thụ. Zeno thích đi bộ một mình hay là đi bộ với một số người bạn vào buổi tối. Cato xứ Utica - một anh hùng Khắc Kỷ trong nội chiến La Mã – không như các sĩ quan khác, ông lựa chọn đi bộ thay vì cưỡi ngựa để phát triển sức bền thể chất. Seneca cũng không ngoại lệ, ông đã tuyên bố rằng:
“Chúng ta nên đi dạo ngoài trời để tâm trí có thể được nuôi dưỡng và sảng khoái nhờ không khí thoáng đãng và hít thở sâu”.
Chrysippus – người đứng thứ ba của trường phái Khắc Kỷ lại thích bộ môn thể thao chạy đường dài, ông cho rằng việc chạy bộ giúp giảm thiểu những cảm xúc ham muốn và đam mê. 
Khoảng 2000 năm sau, tại Đức và Áo, các vĩ nhân người Đức cũng tỏ ra yêu thích với đi bộ. Triết gia Nietzsche là tiền thân của triết học hiện sinh, cũng không phải là một kẻ ưa ngồi một chỗ trong lúc làm việc. 
"Tất cả những suy nghĩ thực sự tuyệt vời được hình thành bằng cách đi bộ"
"Tất cả những suy nghĩ thực sự tuyệt vời được hình thành bằng cách đi bộ"
Sau khi làm việc cật lực đến 11 giờ, Nietzsche không vội ăn trưa. Thay vào đó, ông tiếp tục mang theo cuốn sổ tay & bút rồi bắt đầu một cuộc đi bộ kéo dài trong 2 giờ băng qua khu rừng ven bờ hồ Silvaplana và hồ Sils. Mỗi khi có ý tưởng, ông dừng lại ghi chép những dòng suy tưởng của mình vào cuốn sổ tay. Sau khi tận hưởng bữa trưa thịnh soạn tại khách sạn Alpenrose, ông lại tiếp tục chuyến đi bộ kéo dài cùng với những dòng suy tưởng được ghi chép vào cuốn sổ tay trong khoảng 4 đến 5 tiếng. 
Trước Nietzsche, nhà soạn nhạc đại tài Beethoven tỏ vẻ không kém cạnh trong việc tận hưởng đi bộ giữa thiên nhiên.
Sau khi ăn sáng xong vào lúc 7 giờ, ông bắt đầu sáng tác nhạc và giải quyết một đống việc, đôi khi ông lại đổi gió bằng chuyển việc của mình ra ngoài trời, ông vừa đi bộ một quãng ngắn vừa suy nghĩ về công việc. Khi đã ăn xong bữa trưa muộn vào lúc 3 giờ, Beethoven lại tiếp tục đi bộ đoạn dài khoảng hai tiếng băng qua rừng (mặc kệ những ngày mưa tầm tã). Trong đầu ông luôn sáng tác và ngân nga những bản nhạc cho đến khi kết thúc chuyến đi bộ tại một quán quen rồi ngồi đọc báo tại đó.
Theo nhiều ghi chép lịch sử cũng cho thấy, người nghiện thuốc lá như Marx và Immanuel Kant cũng ưa thích đi bộ sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Đức Phật và đệ tử

Dù ở cách xa châu Âu ngàn dặm, nhưng Đức Phật cũng phát hiện ra lợi ích của việc đi bộ như các triết gia Hy Lạp, La Mã.
Vào 4 giờ sáng, Phật thức dậy tắm rửa và ngồi thiền trong một giờ.  Đến 6 giờ sáng, ông mặc áo cà sa và bắt đầu đi khất thực đến 12 giờ trưa. Nhiều ghi chép cho thấy ông đi bộ tầm 16km mỗi ngày dọc theo lưu vực sông Hằng trong suốt 45 năm.
Sau khi ăn trưa vào lúc 12h, ông ngồi thuyết pháp với đại chúng tới 6 giờ chiều. Vào buổi tối, ông thường thiền hành (đi bộ trong tỉnh thức) để thoát khỏi sự khó chịu bởi việc ngồi quá lâu. 
Bồ Đề Đạt Ma - Tranh in khắc gỗ Nhật Bản
Bồ Đề Đạt Ma - Tranh in khắc gỗ Nhật Bản
Trong khi đó, Bồ Đề Đạt Ma tổ thiền tông Trung Hoa, xuất thân là một nhà sư - võ sư Kalari Ấn Độ. Ông đã du hành sang Trung Hoa truyền đạo, cho đến khi dừng chân tại Tung Sơn Tự vào thời Bắc Ngụy năm 527. Ở đây, ông phát hiện ra các nhà sư có thể trạng yếu đuối, thường xuyên ngủ gật khi nghe thuyết pháp. Vì thế, ông đã truyền thụ võ thuật cho các nhà sư luyện tập nhằm nâng cao sức khỏe. 
Tương tự như các nhà sư Thiếu Lâm, tại Nhật Bản có rất nhiều các ngôi chùa tổ chức luyện võ kết hợp thiền định để gia tăng sức khỏe trong thời kỳ phong kiến. Đại diện nổi bật nhất ở Nhật Bản thời điểm đó là Thiền Lâm Tế, vị tổ của phái này tại Nhật là thiền sư Minh Am Vĩnh Tây, ông đã có công lớn khi giúp các Samurai tập luyện thiền kết hợp võ thuật trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1274 và 1281) . Cho nên, tầng lớp Samurai và tầng lớp lao động bình dân thời điểm đó rất ủng hộ tông phái này.
Chủ trương của họ khi dạy các môn đồ là rèn luyện Nhu Đạo, Vườn Thiền, Vũ Đạo,…
Một cựu đệ tử của Thiền Lâm Tế cũng nổi tiếng không kém trong lịch sử Nhật Bản. Người đó không ai khác ngoài Miyamoto Musashi - ông là một kiếm sĩ, binh pháp gia, nhà thi họa, điêu khắc và là người đã từng chiến thắng 62 trận chiến sinh tử trong suốt cuộc đời. Theo nhiều ghi chép lịch sử, Musashi là một "vận động viên" đi bộ đường trường quanh quẩn khắp 3 vùng miền của Nhật Bản (Shikoku, Chugoku và Kinki)  trong cả cuộc đời hành đạo.
Bản đồ mô phỏng lại quãng đường mà Kiếm Thánh Musashi đã đi dựa trên những ghi chép lịch sử về ông. - Nguồn: miyamotomusashi.eu
Bản đồ mô phỏng lại quãng đường mà Kiếm Thánh Musashi đã đi dựa trên những ghi chép lịch sử về ông. - Nguồn: miyamotomusashi.eu
Trong những ngày cuối đời sống chung với bệnh ung thư phổi. Ông vẫn giữ vững tinh thần và Leo Núi Iwato để tỏ lòng thành kính với trời đất.
“Ta đã leo lên núi Iwato của Higo ở Kyushu để dâng lễ cho trời đất, cầu nguyện Quan Âm và quỳ gối trước Đức Phật. Ta là một võ sĩ thuộc trấn Harima, Shinmen Musashi No Kami Fujiwara No Genshin, sáu mươi tuổi” - Trích chương Dẫn Nhập - Ngũ Luân Thư
Đối với những người bình thường có thói quen ngồi tại chỗ làm việc liên tục. Chúng ta thường có thiên kiến đối với những tên đeo đít chai nhai sách với thể trạng yếu kém lại là người có chỉ số IQ cao. Ngược lại, những người với bề ngoài cơ bắp thường xuyên hoạt động căng sức như Ronaldo thì bị coi là những kẻ đần độn lười tư duy. Điều đó thực sự không chính xác. Trong thực tế, các vận động viên là người hy sinh rất nhiều thời gian cho hoạt động thể chất, cho nên họ không có thì giờ và cơ hội cho các hoạt động tư duy thuần túy như chúng ta. Vậy, khoa học nói gì về mối quan hệ tương quan giữa thể chất và não bộ ? Hãy đi cùng mình vào phần tiếp theo.

II. Hoạt động thể chất ảnh hưởng gì đến não bộ ?

Con người vẫn chưa tiến hóa đủ để quen với thói lười vận động

Mặc dù thuyết Darwin cùng với lịch sử tiến hóa của loài người vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng mọi nghiên cứu đều thừa nhận. Do nguyên nhân biến đổi khí hậu, diện tích rừng rậm nhiệt đới đã giảm và xuất hiện ngày càng nhiều các vùng bình nguyên. Hiện tượng này đã buộc tổ tiên của chúng ta phải thay đổi cách di chuyển từ “lên xuống” sang “tiến lùi”. Và nhờ đó, con người bắt đầu quen thuộc với tư thế đứng thẳng giúp cho việc di chuyển theo chiều ngang ít tốn năng lượng hơn tứ chi. Đồng thời, đôi bàn tay được giải phóng tự do tương tác với thế giới xung quanh giúp cho trí tuệ con người phát triển.
Bản đồ mô phỏng quá trình di cư của tổ tiên chúng ta - Nguồn: Google
Bản đồ mô phỏng quá trình di cư của tổ tiên chúng ta - Nguồn: Google
Đặc biệt, loài người đã di chuyển bằng đôi chân với tốc độ di cư 25 dặm/năm, từ lục địa châu Phi ra toàn bộ thế giới trong vòng 100.000 năm.
Nhà nhân chủng học Richard Wrangham chia sẻ: “Khoảng từ 10 đến 20 km mỗi ngày đối với đàn ông, và một nửa quãng đường đối với phụ nữ”. Đương nhiên các nhà khoa học khác cũng đưa ước tính quãng đường trung bình mà tổ tiên chúng ta cần phải đi là 12 dặm mỗi ngày.
Nhưng trong hiện tại, con người vẫn chưa tiến hóa kịp để sống với việc ngồi lì một chỗ . Vì cấu trúc xương của chúng ta chẳng có thay đổi gì vượt bậc kể từ khi loài homosapien xuất hiện. Điều đó đã đủ chứng minh rằng việc ngồi một chỗ cả ngày chỉ làm hủy hoại cơ thể. Dĩ nhiên, bài ca nhai đi nhai lại của WHO về tình trạng lười vận động vẫn được réo hò mỗi năm. (Sao loài HomoSaphien hiện đại cứng đầu thế nhỉ !?)
Trong Báo cáo tình trạng thể chất toàn cầu năm 2022 của WHO. Có hơn 80% thanh thiếu niên và 27% người trưởng thành không đáp ứng mức độ hoạt động thể chất được khuyến nghị của tổ chức này.
Medlineplus - Một trang báo cung cấp thông tin y tế của United States National Library of Medicine (Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ), National Institutes of Health (NIH) (Viện Y tế Quốc gia).
Người không tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ tăng nguy cơ:
Béo phì. Bệnh tim , bao gồm bệnh động mạch vành và đau tim. Huyết áp cao. Cholesterol cao. Đột quỵ. Hội chứng chuyển hóa (Rối loạn dinh dưỡng). Bệnh tiểu đường loại 2. Một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư ruột kết , vú và tử cung. Loãng xương và té ngã. Tăng cảm giác trầm cảm và lo lắng.
Tóm lại, cơ thể của chúng ta vẫn chưa tiến hóa hết để chịu được thói lười vận động. Hãy làm như tổ tiên của mình, đi bộ tối thiểu 5000 bước mỗi ngày (khoảng 4km) để giữ gìn sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Những thay đổi tích cực của não bộ sau khi duy trì thói quen vận động.

John Medina - một nhà sinh học phân tử phát triển với mối quan tâm nghiên cứu đặc biệt trong việc phân lập và xác định đặc điểm của các gen liên quan đến sự phát triển não người và di truyền của các rối loạn tâm thần. Đã đưa ra những thí nghiệm và thống kê về sự thay đổi não bộ thông qua quá trình luyện tập thể dục như sau.
Đầu tiên, trong một cuộc thí nghiệm với các trẻ em đang độ tuổi đi học. Nhóm trẻ em được tập đi bộ 2 hoặc 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi chừng 30 phút. Sau 12 tuần, kết quả nhận thức được cải thiện đáng kể so với trước khi đi bộ. Ngay sau khi chương trình rèn luyện đi bộ bị hủy bỏ, kết quả học tập của những đứa trẻ lại trở về tình trạng trước cuộc thử nghiệm.
Một thí nghiệm khác được thực hiện tại Anh, các nhà khoa học nơi đây đã vận động hơn 10.000 công chức dân sự từ độ tuổi 35 - 55 tham gia vào các cuộc kiểm tra các thói quen tập luyện. Họ được phân loại thành 3 nhóm có mức độ vận động: Thấp (ngồi lì ở nhà), trung bình và cao. Kết quả cho thấy, nhóm thứ nhất dường như có khả năng thực hành nhận thức rất kém trong việc giải quyết các vấn đề theo cách ứng biến nhanh nhạy.
Tiến sĩ Antronnette Yancey - một người đa tài khi đã từng là cựu người mẫu, nhà nghiên cứu y học, vận động viên bóng rổ, thi sĩ, nhà khoa học trong lĩnh vực nghệ thuật. Người văn võ song toàn như thế cũng không lạ gì trong việc nghiên cứu về thể chất và trí não con người, bà đã phát hiện ra rằng: Việc rèn luyện cơ thể giúp cải thiện năng lực trí óc của trẻ em, khả năng nhận biết về mặt thị giác nhanh nhạy hơn so với trẻ ốm yếu, ít vận động. Trẻ khỏe mạnh thường huy động nhiều năng lực nhận thức vào một công việc và làm công việc đó trong thời gian dài hơn.
Về mặt tinh thần, John Medina cho chúng ta thấy việc vận động thể chất nói chung cũng giúp cơ thể giải phóng ra 3 chất dẫn truyền thần kinh: Serotonin, dopamine, norepinephrine giúp thay đổi tâm tính con người, đồng thời hỗ trợ quá trình hồi phục cho những người mắc bệnh trầm cảm, hỗ trợ điều trị các căn bệnh liên quan đến thần kinh. 
Đối với những ai là tín đồ của các bộ môn thể thao đòi hỏi nhiều cơ bắp cũng biết một sự thật: Vận động nhiều sẽ sinh ra nhiều mạch máu, giúp cho lượng máu giàu oxy cung cấp vào từng thớ cơ đang căng sức vận động. Điều hiển nhiên là não cũng "ăn ké" trong hiện tượng gia tăng mạch máu trong não bộ. Các nghiên cứu điển hình cho thấy tập thể dục thực sự làm tăng lượng máu ở một vùng não có nhiều nếp gấp. Vùng não này là một thành phần quan trọng của vùng hippocampus (não hải mã - hay còn gọi là hồi hải mã), tham gia sâu vào quá trình hình thành trí nhớ. Lưu lượng máu tăng dẫn đến các mao mạch mới, cho phép nhiều tế bào não tiếp cận các chất dinh dưỡng trong máu và được bảo vệ khỏi các chất có hại. 
Các cuộc nghiên cứu trước đã chỉ ra rằng rèn luyện cơ thể cũng kích thích một trong những nhân tố phát triển mạnh nhất của não là BDNF (Brain Derived Neurotrophic Factor: Là một loại protein có vai trò chủ chốt trong các cơn đau mãn tính do thương tổn thần kinh, sau tai nạn hoặc tiểu đường, ung thư). BDNF góp phần vào sự phát triển của các mô khỏe mạnh, nó sử dụng một chất kích thích tăng trưởng giống như “phân bón” cho các nơ-ron thần kinh trong não. Chất protein này giữ cho các nơ-ron hiện có trẻ và khỏe, khiến cho mong muốn kết nối với các nơ-ron khác của chúng mạnh mẽ hơn. Nó cũng kích thích các tế bào thần kinh gốc và tạo nên các tế bào thần kinh mới trong não. Những tế bào nhạy cảm nhất với chất protein này ở vùng hippocampus. 
Như vậy, dù dựa trên trực nghiệm của các triết gia. Hay là dựa trên các cuộc thí nghiệm tốn kém của khoa học hiện đại, đều cho kết quả hoàn toàn giống nhau về lợi ích của rèn luyện thân thể đối với trí tuệ con người. Thế mà chúng ta vẫn lười chảy thây quanh năm suốt tháng. Rồi tìm kiếm nhiều lý do trốn tránh rèn luyện thân thể: “Hôm nay mưa to quá, ngủ thêm tí nữa; Hôm nay đi làm mệt quá, đi ăn nhậu xả xì chét vẫn hơn”

III. Đề xuất các bài tập

Làm Bi Rain đi dưới mưa như Beethoven ? Cô bé giang nắng như Nietzsche và Cicero ? Làm chuyến du lịch xuyên quốc gia như Thích Ca, Huyền Trang và Musashi ?
Khồng, khí hậu Việt Nam khắc nghiệt hơn so với các vùng ôn đới nơi mà các vĩ nhân đã từng sinh sống, cho nên chúng ta dễ mắc bệnh nhiều hơn. Mình không khuyến khích các bạn phải chịu khổ như họ, cũng không nên đua đòi những bộ môn vận động yêu cầu kỹ thuật cao, vì những bộ môn này có nguy cơ chấn thương, tai nạn không đáng có. Nếu các bạn cảm thấy có năng khiếu và ưa thích quá thì nên tìm cho mình một huấn luyện viên, để họ kiểm soát quá trình tập luyện và chế độ ăn của bạn.
Walking 10,000 Steps A Day For 30 Days (Realistic Results) by Billy Brendan
Những người thừa cân và hướng nội thì nên bắt chước thói quen đi bộ của các triết gia. Vì Nietzsche và Beethoven chủ trương sống lánh đời, ít khi giao tiếp với người lạ trong khi làm việc một mình. Các bạn nên duy trì đi bộ cho đến khi đạt mục tiêu 4km vào mỗi buổi sáng. Nếu có thời gian, buổi tối bạn nên thực hiện thêm 4km nữa, tổng cộng 8km (xấp xỉ 10.000 bước chân) để thay đổi cả về cân nặng lẫn não bộ.
Bạn cũng có thể làm như John Medina. Có vẻ như ông là nhà khoa học bận rộn và không có thời gian quan tâm tới lượng mỡ thừa của mình. Nhưng ông vẫn đặt một máy chạy bộ cận kề nơi làm việc, rồi đi bộ sau mỗi lần nghỉ giải lao với tốc độ 1,8 dặm một giờ trong vòng 15 phút để giúp não bộ làm việc hiệu quả mà không dùng đến cà phê.
Tài liệu Tham khảo