LỊCH SỬ, một phần của cái gọi là "hiện thực khách quan" theo cách nói của Triết học, luôn biến động và vận động theo quy luật tự nhiên. Trong cái dòng chảy không ngừng của nó, nhiều sự kiện xảy ra, nhiều nhân vật ra đời, nhiều anh hùng ghi công và được tưởng nhớ, nhiều chiến tích trở thành huyền thoại... Nhưng dường như chính sự phát triển sôi động giai đoạn ngày nay đã khiến người ta không mấy quan tâm hoặc không mặn mà lắm với những gì xưa cũ, điều đó khiến cho lịch sử dần bị lãng quên. Nhiều chuyển biến của xã hội đồng nghĩa với việc nhiều cái mới ra đời, nhiều cái cũ bị thay thế. Xu hướng toàn cầu hóa khiến cho công cuộc giao lưu và tiếp biến văn hóa bị đẩy nhanh chóng mặt, những nền văn hóa bị tác động mạnh, những hệ giá trị cũng từ đó bị lung lay, thậm chí bị đảo lộn. Nhưng cũng cần nhớ rằng có những giá trị căn bản không thể bị thay thế. Người xưa vẫn nói "ôn cố tri tân". Hoài cổ, hoài niệm, tôn trọng lịch sử và có trách nhiệm với lịch sử cũng chính là cái gốc để biết sống tốt hơn, để "tu thân, tề gia, trị quốc" vậy. Muốn hướng thiện, muốn tu đạo, muốn sống không vô cảm... thiết nghĩ cũng cần phải biết tìm hiểu lịch sử và có trách nhiệm với tri thức mà nhân loại đã dày công sáng tạo và vun đắp.
Với người Việt, chủ trương chung là rất đúng: "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc", "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Để làm được và làm tốt, không chỉ dừng lại ở chủ trương, lý thuyết, trước hết mỗi người cần có trách nhiệm tìm và hiểu những giá trị lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc. Lịch sử dù đau thương, mất mát hay tươi vui, hùng tráng; dù điêu tàn hay vinh quang... cũng đều là những niềm tự hào, là nhân tố căn bản để làm nên vị thế của một quốc gia. Lịch sử là khách quan và trung thực, không có đúng, sai, tốt, xấu. Nếu có chăng thì chỉ là sự tồn tại trong một góc nhìn nào đó. Vì thế, lịch sử luôn phải được tôn trọng. Trách nhiệm tìm và hiểu đều phải lấy sự tôn trọng đó làm nền tảng. Có được điều đó, thiết nghĩ sẽ có được nhiều thành tựu hơn nữa trong công cuộc kiến thiết nước nhà.
Trong những nỗ lực chung, thế hệ trẻ là những nhân tố căn bản, là mục tiêu, đối tượng và động lực của lịch sử. Thế hệ trẻ có trách nhiệm tìm hiểu lịch sử, gìn giữ và phát huy nó, đồng thời cũng chính là những người viết nên lịch sử. Sống có trách nhiệm với lịch sử cũ thì sẽ viết được nên những trang sử mới, vẻ vang hơn. Ngược lại, nếu vô cảm với giá trị cổ xưa, không biết bảo tồn, phát huy những điều tốt đẹp, sớm muộn cũng trở nên lệch lạc, đẩy lịch sử xa dần với vinh quang.
 Hi vọng, giới trẻ, đặc biệt là tri thức trẻ nỗ lực nhiều hơn để trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử tốt đẹp được lan tỏa rộng rãi hơn.