Một số quyển sách mình đã đọc và ghi lại những suy nghĩ của mình. Liên tục update nhé. 
1. Lee Kun Hee - những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung


Quyển sách này do lang thang trên Đinh Lễ, bắt gặp và mua thôi. Bên cạnh đó, lý do chính là mình cũng thích Samsung và muốn tìm hiểu về sự thành công của Tập đoàn này. Không gì sáng tỏ hơn là đọc về thân thế và sự nghiệp đã đưa doanh nghiệp này lên tầm thế giới.
Về cơ bản, nội dung xuyên suốt là nói về cuộc đời của Lee Kun Hee từ lúc niên thiếu đến nay (2014). Quá trình ông trưởng thành, thừa kế Tập đoàn Samsung từ người cha, nhà sáng lập Lee Byung Chull, và cách ông xây dựng doanh nghiệp thành công này.
Tuy nhiên, cuốn sách không được viết theo trình tự thời gian, mà theo các chiến lược đã được Lee Kun Hee áp dụng tại Samsung, lồng ghép vào đó là những câu chuyện trong cuộc đời ông. Tựu chung lại, như những doanh nhân khác, sự thành công của ông bao gồm 1% là tài năng thiên bẩm và 99% là sự nỗ lực cố gắng của bản thân. Tất cả những sự kiện trong quá khứ (gia đình, môi trường, bạn bè thời thơ ấu) đã góp phần tạo nên tính cách và con người mỗi chúng ta, Lee Kun Hee cũng thế. Ngay từ khi còn nhỏ, cuộc sống của ông đã khá cô độc, không bạn bè, gia đình thường xuyên phải chuyển chỗ ở do chiến tranh, cha mẹ bận công việc. Rồi ông sang Nhật du học, cũng cô độc vì khác văn hóa, không làm thân được với bạn cùng lớp. Tuy nhiên, điều đó là cơ hội để ông quan sát mọi thứ xung quanh một mình và ý chí độc lập trong mọi tình huống.
Sau khi tham gia vào Samsung, ông được thừa kế "ngai vàng" từ người cha (do anh trai không đủ năng lực đảm nhiệm sứ mạng to lớn này) năm 1987. Giai đoạn đầu vô cùng khó khăn với nhiều thất bại trong các mảng kinh doanh mà ông đầu tư. Sức ép vô cùng lớn từ cổ đông, nhân viên và dư luận. Nhưng khi bước sang thập niên 90, ông đã nhận thấy tầm quan trọng và tiềm năng vô cùng lớn của ngành điện tử. Lee đã chỉ đạo Samsung sao chép và sản xuất ra các sản phẩm tương đương như tivi, điều hòa, điện thoại di động từ sản phẩm của Mỹ, Nhât. Song song với đó, ông cũng đầu tư vào R&D để sản xuất những thiết bị với chất lượng tốt nhất, vượt qua các sản phẩm đang thịnh hành trên thị trường thời điểm đó.Ngoài ra, tấn công vào thị trường sản xuất bán dẫn và linh kiện điện tử - vốn được coi là thế mạnh của Nhật Bản, đã mang lại thành công vang dội cho Samsung. Một điểm khác biệt, chính xác hơn là tư duy trước thời đại của Lee Kun Hee là tập trung vào thiết kế, mẫu mã của sản phẩm. Vào những năm 2000, mọi người, mọi đối thủ đều coi cải thiện chức năng và công dụng sản phẩm là tính then chốt của thành công. Nhưng chủ tịch Samsung đã thấy tầm nhìn dài hạn khi các tính năng của sản phẩm sẽ tương tự nhau và thiết kế sẽ làm nên điều khác biệt. Và thành công hiện nay đã chứng minh định hướng đó là chính xác, khi các sản phẩm của Samsung luôn có thiết kế ấn tượng so với đối thủ cạnh tranh. Samsung còn được đề cao bởi tính sáng tạo trong doanh nghiệp theo tinh thần của ông Lee. Mỗi nhân viên phải là một nhà cách tân, đề cao sự cải tiến không ngừng, không chỉ đối với sản phẩm mà ngay cả qui trình sản xuất, vận hành.
Về con người Lee Kun Hee, tôi đánh giá cao tinh thần doanh nhân "dám làm, dám chịu", xông pha trên thường trường của ông. Điều đặc biệt chính là tầm nhìn xa trông rộng, am hiểu thị trường. Những suy nghĩ, việc làm của ông mang tàm nhìn dài hạn, đón đầu xu hướng, nhờ đó Samsung có những lợi thế vượt bậc khi các đối thủ cạnh tranh khác mới bắt đầu nhận thấy tiềm năng. Lúc đó, Samsung đã là nhà dẫn đầu thị trường. Theo quan điểm quản trị của ông, "không gì là không thể thay đổi, trừ vợ và con" đã định hình Samsung luôn đổi mới, thích ứng với thời cuộc, sáng tạo không ngừng, đưa một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gia dụng chất lượng thấp vươn lên thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới với sản phẩm đa dạng, chất lượng.
Tuy nhiên, tôi không đánh giá cao văn phong của tác giả cuốn sách Ji Pyeong Gill. Dùng quá nhiều từ lặp, nội dung thường xuyên trùng lặp giữa các phần, từ ngữ mang tính chất chủ quan (thể hiện sự đề cao quá mức với Lee Kun Hee, gây phản cảm đối với độc giả). Thật sự, tôi quá kiên nhẫn để đọc hết cuốn sách này, dù nhiều lúc khá khó chịu.
Bên cạnh đó, mình cũng mua cuốn "The Samsung way - Đế chế công nghệ và Phương thức Samsung", chưa đọc và khi đọc xong sẽ review sau.

2. Warren Buffett - Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ

Cuốn sách này có lẽ là một trong những cuốn mình đọc lâu nhất. Gần 1 năm vì đọc được một phần rồi lại để đó, sau đọc tiếp.
Đây là một cuốn sách rất hay, đáng để đọc, viết về cuộc đời một trong những người giàu nhất thế giới Warren Buffett. Hiện nay, ông là tỷ phú giàu thứ ba thế giới (theo Forbes 2015), cũng là một trong những tỷ phú tự thân vĩ đại (theo quan điểm cá nhân).
Cuốn sách Warren Buffett - Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ chính là thước phim sống động nhất về cuộc đời và sự nghiệp của vị tỷ phú đáng kính này. Theo dòng thời gian, tác giả Roger Lowenstein sẽ giúp bạn hiểu hơn về những chặng đường đã qua của Warren Buffett, từ khi còn là một cậu bé giao báo đến khi xây dựng đế chế kinh doanh Berkshire cùng khối tài sản đồ sộ cho mình.
Ở đây tôi không thể tóm tắt hết được nội dung của cuốn sách (để các bạn nên đọc, thưởng thức nó) mà sẽ đưa ra ý kiến cá nhân về ông - những điều mà tôi khâm phục, đúc kết trong toàn bộ tác phẩm.
Sự rèn luyện của bản thân. Không ai thành công mà không có sự rèn luyện, trau dồi. Công thức: thành công = 1% tài năng thiên bẩm + 99% sự nỗ lực của bản thân. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã học buôn bán (mua bán lon Coca Cola, bán nước chanh), học tập chăm chỉ với định hướng rõ ràng (tìm hiểu về chứng khoán, tài chính, đọc hàng ngàn bản Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, xem chương trình về chứng khoán). Bên cạnh đó, ông cũng tìm đến những bậc thầy trong ngành để học tập (tiêu biểu và có ảnh hưởng nhất là Benjamin Graham), xông xáo trong các công ty chứng khoán để quan sát, thực hành và tích lũy kinh nghiệm. Buffett cũng rèn luyện cho mình khả năng tính nhẩm và ghi nhớ tuyệt với, tránh phụ thuộc vào các thiết bị điện tử như máy tính. Khi đã trở thành người giàu có, được công chúng ngưỡng mộ, ông vẫn không quên thói quen đọc sách và nghiên cứu về hoạt động của các công ty, đến nỗi khi về nhà chỉ thấy ông trong phòng làm việc và rất khó để làm phiền (ngay cả vợ và con cũng không muốn làm phiền vào những thời điểm như thế). Việc duy trì thói quen đã tích lũy cho ông lượng kiến thức và thông tin khổng lồ, nắm bắt và giải quyết nhanh mọi vấn đề dù chưa được nghe nói trước đó.
Sự kiên định trong quan điểm làm việc. Ngay từ những ngày đầu làm việc đến bây giờ, ông vẫn luôn duy trì quan điểm trong kinh doanh của mình, một cách bảo thủ đến khó tin. Điều đó đã làm nên tên tuổi của ông trong ngành tài chính nói riêng và trong cộng đồng nói chung. Ví dụ, ông mua cổ phiếu của công ty nào đó khi ông nhìn thấy tiềm năng phát triển trong dài hạn, chứ không phải lợi nhuận từ việc mua-bán chênh lệch giá. Và Buffett luôn chỉ trích cách làm đó của những nhà môi giới chứng khoán, nhà đầu tư vì điều đó không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho cổ đông. Đối với ông, sứ mạng của công ty, của nhà quản lý là làm tăng lợi ích cho cổ đông và sự thành công của doanh nghiệp đó được đo bằng giá trị cổ phần của họ tăng lên như thế nào trong các khoảng thời gian. Và ông sẽ làm việc để thực hiện đúng theo tôn chỉ và mục đích đó, không thay đổi. Một điều nữa, ông đầu tư vào rất nhiều các công ty khác nhau, tham gia vào Ban Quản trị nhưng không tham gia điều hành. Ông giao hoàn toàn trách nhiệm này cho những CEO - người mà ông tin tưởng. Khi những người quản lý cần ông, chỉ là lời tư vấn chứ không phải là những quyết định. Còn không, ông sẽ không xuất hiện, không có ý kiến gì cả. Ngoại lệ duy nhất là với vai trò cổ đông lớn nhất của Salomon Brothers, ông đã trực tiếp tham gia điều hành khi công ty đầu tư này gặp khủng hoảng và rắc rối với chính phủ vào những năm đầu thập niên 90. Đó là sự lựa chọn không thể khác vì không ai phù hợp hơn ông để lèo lái con thuyền đó qua sóng gió. Ngay khi mọi chuyện được giải quyết ổn thỏa, ông giao lại công việc đó cho một người khác, và "biến mất" như thường lệ. Warren Buffett chỉ điều hành duy nhất Berkshire - được coi như một người con của mình (ông có tình yêu mãnh liệt và không thể chấm dứt với nó).
Sự tiết kiệm. Ông có rất nhiều tiền nhưng không bao giờ hoang phí. Khoản tiêu dùng lớn nhất có lẽ là việc chi 6,7 triệu USD để mua phi cơ riêng - cũng là để phục vụ công việc. Căn nhà, trang phục của ông hết sức đơn giản, điều khó tin với một tỷ phú. Những người con cũng không hề dư dả gì khi phải tự thân kiếm tiền, không nên trông mong vào tài sản của ông. Và ông cũng khá khắt khe với những khoản chi cho gia đình vì thấy nó không thực sự cần thiết. Ngay cả công việc từ thiện cũng thế, phải được xem xét cực kỳ cẩn trọng dù ông là một nhà từ thiện hào phóng (hiến tặng toàn bộ tài sản cho các quỹ từ thiện). Với ông, chi tiêu là điều kinh khủng, tiền phải để đầu tư và đầu tư.
Ngoài ra, tôi nhận thấy, động lực của ông là làm việc để thỏa mãn bản thân chứ không phải vì tiền bạc. Ông không hề coi trọng đống tài sản đồ sộ đó của mình.
Tác giả đã thành công trong việc truyền tải nội dung tới độc giả, với cách viết chân thực, khách quan và chi tiết. Từ ngữ được dùng hợp lý, đã dạng, cuốn hút người đọc chứ không hề nhàm chán.

3. Đời về cơ bản là buồn....cười


Cuốn sách với cái tên rất...thu hút người đọc ngay từ cách đặt tên và trình bày bìa sách. Nếu nhìn, chắc chắn nhiều người sẽ thắc mắc: "Đời về cơ bản là buồn" nghĩa là như thế nào? Những câu chuyện buồn, bi quan về cuộc sống chăng ? Nhưng khi mở trang đầu, ắt hẳn chúng ta bất ngờ và phá lên cười vì thực sự mọi thứ không phải như mình nghĩ. Chính vì điều đó đã góp phần vào sự thành công của tác phẩm này (trên quan điểm cá nhân, thấy rất nhiều bạn trẻ tìm đọc, chia sẻ và được bày bán tại nhiều cửa hàng sách).
Về nội dung, cuốn sách mang tính chất giải trí, hài hước nhưng không kém phần sâu sắc. Những câu chuyện ngắn (1-2 câu) khiến người đọc cười nghiêng ngả nhưng cũng có những giây phút suy ngẫm, trầm ngâm. Đó là điều đã và có thể xảy ra với tất cả mọi người, đôi khi quá đối đơn giản nhưng mấy ai để ý và nhận ra. Khi đọc xong, tôi thấy cuộc đời như có thêm màu sắc, hương vị vì nó giúp tôi có thêm những cảm nhận và chiêm nghiệm về cuộc sống xung quanh đang diễn ra.
Lối viết đậm chất dí dỏm, hài hước cũng những hình vẽ minh họa đơn giản, phù hợp với nội dung. Bạn muốn một cuốn sách khác với những giáo trình, tiểu thuyết dày đặc con chữ, thì chính là đây.
Ngoài ra, tôi đánh giá cao suy nghĩ và sự trải nghiệm của tác giả Lê Bích. Một chàng trai 21 tuổi hẳn phải có sự quan sát tinh tế, nhạy cảm cùng sự từng trải đủ lớn, mới có thể tạo nên một tác phẩm thú vị như thế này.
Cuốn sách, độc đáo từ cách trình bày, phong cách thể hiện và văn phong khác lạ, không dành riêng cho ai, từ học sinh, sinh viên, người trưởng thành đều có thể đọc và suy ngẫm.

4. Tony Buổi Sáng - Trên đường băng

"Tương lai của mỗi người là do nhận thức quyết định tất cả. Thành người sâu sắc hay hời hợt, người tích cực hay bi quan, người hạnh phúc hay bất hạnh, người chiến thắng hay thất bại,... tất cả đều khởi nguồn từ nhận thức. Nhận thức chính là thước đo sự trưởng thành của một con người. Một khi có nhận thức logic, đúng đắn thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Mình biết mình là ai, sứ mạng cuộc đời mình là gì, thì sẽ sống một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc".
Tinh thần của cuốn sách này có thể bao hàm trong Lời mở đầu trên, được trích dẫn ngay ở bìa trong. Trước hết, xin khẳng định đây là một quyển sách rất đáng để đọc, đặc biệt với những bạn trẻ đang gặp khó khăn trong việc xác định sứ mạng, con đường của cuộc đời hay có những điều không tốt, bi quan về cuộc sống. Đừng hi vọng đây là "liều thuốc" có thể chữa lành ngay lập tức "vết thương" trong suy nghĩ, nó chỉ giúp bạn nhận ra những chân lý, những điều hay, nên làm mà mình có để tiếp tục "sống", chứ không phải "tồn tại" trong cuộc đời này. Tất nhiên, bạn phải thực sự dành thời gian để suy ngẫm, chiêm nghiệm bằng kiến thức, trải nghiệm thực tế của mình.
Mặc dù là một cuốn sách về tinh thần, về giá trị sống của con người, nhưng lại không hề sáo rỗng, lý thuyết như những tác phẩm khác, tác giả đã đưa ra nhiều ví dụ, minh họa thực tế  cho mỗi thông điệp của mình. Hết sức dễ hiểu và gần gũi trong cuộc sống là những điều tôi có thể nói về những câu chuyện được đề cập trong cuốn sách. Đó có thể là những chuyện hư cấu hay những chia sẻ từ độc giả,...nhưng tôi chắc chắn với bạn rằng, bạn không nhận ra điều đó đâu vì nội dung được sắp xếp một cách hợp lý, logic.
Tác phẩm chính là những lời tâm huyết của Tony Buổi sáng muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ, những người chủ nhân tương lai của đất nước, về cách suy nghĩ, về nhân cách sống để thực sự sống một cuộc đời ý nghĩa cho bản thân và xã hội này. Theo quan điểm cá nhân thì "tâm huyết" của tác giả được thể hiện như:

  • "Hào sảng". Mỗi chúng ta nên sống và làm việc đúng theo tinh thần đó. "Hào sảng" là không tham lam, không ích kỷ, không theo chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta cho đi để nhận lại nhiều hơn, đừng để những lợi ích tầm thường, nhỏ nhặt trước mắt che mờ đi bản tính của mình. Điều quý giá nhất là những gì ta nhận được trong dài hạn, bền vững. Một khi con người luôn sẵn sàng chia sẻ, rộng lượng, hào phóng, không so đo tính toán thiệt hơn với những người xung quanh thì cuộc sống sẽ trở nên hạnh phúc, có ý nghĩa hơn, mỗi người sẽ thấy giá trị thực sự của bản thân, "sống một cuộc đời trọn vẹn, không hối tiếc". 
  • Tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp ở đây không chỉ là tự hình thành và phát triển công việc kinh doanh của riêng mình mà còn ý chí tự lập, tự cường, vươn lên trong cuộc sống. Tony Buổi sáng đề cao và khuyến khích các bạn trẻ tạo dựng thành công trên chính những nỗ lực, cố gắng của mình, không ỷ lại và chờ đợi sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Như thế, mọi công trình do bạn xây dựng chắc chắn sẽ bền vững và ý nghĩa. Hãy cứ xông pha, bươn chải ngoài xã hội kia, đừng mãi ẩn mình trong lớp vỏ ốc vì mọi thành công đều phải trả giá bằng những trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế. Hơn nữa, Tony Buổi sáng khuyến khích mỗi cá nhân nên có tinh thần doanh nhân, sẵn sàng làm chủ, như vậy không chỉ làm giàu cho bản thân, đóng góp cho xã hội mà đất nước vì thế cũng ngày càng phát triển, hưng thịnh. Tác giả cũng nhấn mạnh vào vai trò của các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo sản phẩm giá trị gia tăng, xuất khẩu đi mọi quốc gia khác, thu về ngoại tệ cho nước mình. Đã làm thì hãy bơi ra biển lớn, đừng mãi trong ao làng nhỏ hẹp, nông cạn. Trong số đó, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Trong bối cảnh an toàn thực phẩm chưa bao giờ báo động như hiện nay thì đầu tư sản xuất thực phẩm sạch có tiềm năng phát triển vô cùng to lớn và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 
Độc giả sẽ khám phá và đưa ra những quan điểm sống cá nhân, để có thể tận hưởng trọn vẹn giá trị cuộc sống mang lại. Tác giả kết thúc cuốn sách với lời dẫn: "Trên đường băng sân bay mỗi đời người, có những kẻ đang cất cánh và chạy đà", để mỗi người có những cảm nhận và suy nghĩ của riêng mình. Tuy nhiên, câu tôi tâm đắc nhất trong toàn bộ tác phẩm là "Khi một cá nhân có năng lực và lòng tin, cá nhân đó sẽ cất cánh. Dù rẽ trái, rẽ phải hay đi thẳng, con đường nào cũng dẫn bạn đến đại lộ thênh thang".