“Người đua diều” lấy bối cảnh là đất nước Afghanistan những năm 70 của thế kỉ XX trước và trong khi cuộc nội chiến nổ ra, dưới sự kiểm soát của Liên Xô và tổ chức khủng bố Taliban. Bức tranh về chính trị Trung Đông dưới ngòi bút của Hosseini hiện lên một cách sắc nét và chân thực đến tàn khốc, mà mãi đến tận sau này khi đọc “Con đường Hồi giáo” (Nguyễn Phương Mai) tôi vẫn còn bị ám ảnh. Nạn phân biệt giai cấp, kì thị chủng tộc một cách đáng sợ diễn ra như một điều hiển nhiên. Người Pashtun danh giá theo Hồi giáo dòng Sunni, còn những người Hazara theo Hồi giáo dòng Shia bị coi là bẩn thỉu, rác rưởi, cặn bã. 

Hình ảnh quen thuộc trong cuộc chiến kinh hoàng ở Afghan là cảnh tượng những người dân tị nạn bỏ quê hương chạy trốn sang Pakistan trên những chiếc xe tải chở người lậu đầy mùi hôi của dầu diesel, mùi nôn mửa, mùi phân, tiếng trẻ con khóc, tiếng chửi rủa xen lẫn tiếng cầu kinh… Có đứa trẻ đã chết khi chưa kịp trốn qua biên giới, có người cha ôm xác con mình trong xe chở dân tị nạn, có người chồng câm nín nhìn vợ mình bị bọn lính Nga làm nhục – như một cái giá phải trả để được thoát khỏi vùng đất chết, có người bỏ lại cuộc sống giàu có ở Kabul để đi tìm miền đất hứa… Rốt cuộc, phải đánh đổi bao nhiêu, để có được tự do?
Không chỉ tái hiện cuộc chiến khốc liệt và không khí căng thẳng của Afghan, Hosseini còn đưa chúng ta đắm chìm vào không gian văn hóa đậm chất Trung Đông thời bình. Nổi bật nhất là những cuộc đua diều diễn ra vào mùa đông hàng năm mà dấu vết của nó trên bàn tay của các chiến binh là những vết cứa đau buốt từ dây diều bọc bột thủy tinh. Hassan là người đua diều giỏi nhất ở Kabul. Nhà văn đã miêu tả một cách tỉ mỉ và sinh động trận đấu diều của Amir và Hassan vào mùa đông cuối cùng ấy. Hình ảnh “chiếc diều xanh” là một chi tiết ám ảnh, xuất hiện ở phần đầu và trở lại ở phần cuối của tác phẩm. Nó vừa là nguyên nhân dẫn đến bi kịch nhưng rồi chính nó cũng cởi nút cho chuỗi bi kịch ấy. Phải chăng vì thế mà tác phẩm có tên là “Người đua diều”?
Nhưng có lẽ, Hosseini đã thành công hơn cả trong việc xây dựng bức tượng đài về con người Afghan.
Nếu ai đã đọc “Người đua diều”, hẳn không thể không nói đến tình bạn giữa Amir và Hassan. Amir là cậu ấm sinh ra trong một gia đình giàu có, sống một cuộc sống dư giả, yên bình ở Kabul, mang dòng máu Pashtun danh giá, nhưng lại không được sự công nhận từ người cha – Baba. Còn Hassan – con trai của một người ở trong gia đình Amir là người Hazara. Họ cùng nhau bú chung một bầu vú và cùng nhau lớn lên. Bạn sẽ phải bật khóc khi chứng kiến một tình bạn, một tình yêu trung thành của Hassan đối với Amir, dẫu cho Amir đã phản bội cậu hết lần này đến lần khác. Cả cuộc đời Hassan dường như được đánh dấu bởi những lần bảo vệ và hi sinh cho Amir từ khi còn là một đứa trẻ cho tới lúc trưởng thành, mà câu Hassan vẫn thường nói là: “Vì cậu, cả ngàn lần rồi!”. Đến tận lá thư cuối cùng gửi Amir sau hơn 20 năm, Hassan vẫn không hề thay đổi: “Nếu cậu trở về, cậu sẽ thấy một người bạn cũ trung thành đang mong đợi cậu.” Tôi không thể lí giải nổi, tại sao Hassan có thể giữ được lòng tin yêu vẹn nguyên, tròn đầy và vững chắc đến vậy, sau tất cả những gì đáng xấu hổ mà Amir đã đối xử với cậu? Và chắc hẳn cũng chẳng ai có thể lí giải được.
Hosseini khiến người đọc phải nín thở và bị bóp nghẹt bởi những tình tiết quá sức tưởng tượng của con người. Tôi đã phải ngừng đọc giữa chừng trong khoảng hơn một tuần, rồi mới đủ can đảm để đọc tiếp. Hosseini không hề lí tưởng hóa nhân vật, ông đã khắc họa một cách chân thực đến trần trụi tâm lí rất người, rất bản năng của Amir với những định kiến, sự đố kị, sự sợ hãi, sự hèn nhát, mặc cảm tội lỗi, rồi tìm cách để chuộc tội. Đáng lẽ sau khi đến Mỹ, khi đã cách rất xa Afghan cùng với tuổi thơ và những kí ức về Hassan, thì Amir có thể quên hết tất cả mà sống một cuộc đời bình yên. Thế nhưng, tòa án tối cao nhất là tòa án lương tâm, nó không cho phép con người quên đi những tội lỗi mà mình gây ra, nó dằn vặt và đày đọa con người. Về sau, với sự xuất hiện của Sohrab – con trai duy nhất của Hassan – bị bọn Taliban bạo hành, Hosseini đã mở ra cho nhân vật cơ hội để chuộc tội, và mở ra cho độc giả một tia hi vọng – sau 26 năm.
“Thân thể tôi gãy nát – nhưng tôi cảm thấy đã lành. Cuối cùng đã lành bệnh”. (Amir)
Và hẳn là, trái tim độc giả cũng đã được chữa lành khi thấy hình ảnh “một nụ cười” của Sohrab.
Tôi đã khóc ba lần, một lần là khi Hassan bị làm nhục, một lần là khi Hassan cùng cha rời Kabul trong một chiều mưa xám xịt và một lần là khi Sorab bị bạo hành giống như cha của nó.
Thế nhưng nếu đọc “Người đua diều” mà chỉ thấy mối quan hệ nhiều uẩn khúc giữa Amir – Baba – Hassan thôi thì vẫn còn rất thiếu sót. Tôi thấy ở “Người đua diều”, là một tình yêu hiếm hoi và đáng trân trọng giữa Amir và vợ – Soraya. Cả hai người đều có một quá khứ đáng xấu hổ, nhưng Soraya đã thú nhận tất cả với Amir vào đêm trước lễ hứa hôn, còn Amir sau 15 năm chung sống, cũng đã kể cho Soraya tất cả. Có bao nhiêu người đàn ông chấp nhận kết hôn với một cô gái đã từng bỏ nhà theo một người đàn ông – giữa xã hội nặng nề định kiến về tiết hạnh của phụ nữ? Và có bao nhiêu người đàn ông bỏ đi lòng kiêu hãnh của mình để thú nhận với một người phụ nữ tất cả những tội lỗi đáng xấu hổ trong quá khứ của mình? Tình yêu của họ nảy nở từ sự chân thành, lòng cảm thông và tha thứ. Khi nhớ cha, Amir đã khóc trong lòng Soraya như một đứa trẻ. Tôi thấy Soraya như một vị Chúa trong cuộc đời Amir – người đã rửa tội, thứ tha, che chở và nâng đỡ Amir. Soraya không phải nhân vật chính của câu chuyện nhưng lại khiến người đọc cảm thấy bình yên mỗi lần cô xuất hiện – trong dáng vẻ dịu hiền, lòng nhân hậu, vị tha và chan chứa tình thương. Cô cũng là lí do để Amir  “làm một người tốt”.
Câu hỏi của Amir vẫn cứ quanh quẩn trong đầu tôi: “Tôi đã bao giờ làm gì để sửa sai chưa?”. Ai trong đời cũng sẽ có lúc phạm sai lầm, nhất là khi còn quá trẻ. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta có làm gì để sửa chữa sai lầm ấy không.
“Người đua diều” là một hành trình dài bằng nửa đời người: tội lỗi – dằn vặt – chuộc tội. Nó làm tôi nhớ đến câu thoại trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ”: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá và gượng ép chỉ làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác”.
Một điều nữa mà tác phẩm khiến tôi đắn đo rất nhiều, đó là câu nói của Baba:
“Trên đời này chỉ có duy nhất một tội ác, đó là trộm cắp. Những tội ác khác chỉ đơn giản là các loại trộm cắp khác nhau mà thôi. (…) Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó đối với sự thật”
Chính từ cuốn sách này mà tôi tìm được kim chỉ nam cho cuộc đời mình, giống như một câu thần chú của trái tim, ấy là:
"Luôn có một con đường để tốt lành trở lại"
Sẽ là một trải nghiệm đáng giá khi bạn bỏ ra vài giờ đồng hồ để đọc 457 trang sách và chứng kiến câu chuyện tình bạn, câu chuyện cuộc đời vừa kinh hoàng vừa dịu êm, vừa gai góc vừa cảm động, vừa chân thực vừa sâu lắng. Đủ để bạn phải ngẫm nghĩ về nó trong một thời gian dài.

Điểm: 5/5.