Ảnh chụp màn hình Boku no Hero Academia tập 21, mùa 3 - trích lời mấy gói mì tôm: "Hình ảnh chỉ mang tính minh họa"
Chuyện là chiều nay, ngồi nghĩ ý tưởng cho một cái kịch bản nhưng bí quá nên mở cái máy để xem tập 23 của Boku no Hero Academia (tiếng Anh: My Hero Academia, tiếng Việt: Học viện Anh hùng) tên Deku vs. Bakugo (Phần 2). Và cuối tập có điều khiến mình trăn trở muốn viết lên đây.

Chuyện gì đã xảy ra trong tập đó thế?

Cho ai chưa xem thì SPOILER ALERT! - Cảnh báo chứa phần tiết lộ tập phim. Nên ai không muốn ngập phần tiết lộ chi tiết phim thì coi phim trước đi ha.
Trong tập này, Bakugo (còn gọi Kacchan) và Izuku (còn gọi Deku) ra để tính 'làm một trận ra vấn đề' sau buổi thi lấy bằng anh hùng tạm thời (diễn ra ở hai tập 21-22) khi Bakugo bị trượt bài soát hạch lấy bằng tạm thời còn Izuku thì đỗ. Và sau một loạt những 'căng thẳng' trong tâm lý của Bakugo khi Izuku liên tục vượt mặt qua cậu khi xuất phát điểm của Deku chỉ là một người Vô Năng (aka 'không có năng lực siêu nhiên') - nguyên nhân sao Deku có được năng lực One For All, giải thích sơ lược cho ai chưa biết mà vẫn tiếp tục đọc bài này: do được All Might truyền lại (bằng cách không thể 'thốn' hơn: cho ăn tóc của mình để lấy ADN)
"Đấu với nhau đi"
Mọi chuyện nảy sinh khi hai đứa gây lộn trong giờ giới nghiêm. Và nhẽ ra, mọi chuyện sẽ 'kết thúc nhanh chóng' khi Eraser Head nhận được tin cả hai gây lộn ở khu luyện tập. Nhưng All Might đã ra đó và sớm nhận ra mọi chuyện khi nghe được cuộc hội thoại của cả hai.
All Might ra để ngăn chặn hộ cho Eraser Head
All Might đã hiểu ra rằng Bakugo không những bị áp lực vì người mà cậu cho là 'ngáng đường' mình tiến bộ hơn (nó đã dồn nén và trở nên bùng phát khi Bakugo bị trượt kỳ thi sát hạch lấy bằng anh hùng tạm thời), mà còn vì cú sốc sau khi bị nhóm tội phạm bắt đi khi đang ở lớp huấn luyện để mọi người lo lắng, các anh hùng phải đi giải cứu dẫn tới việc All Might đấu với All For One và All Might đã không thể giữ được năng lực của mình - tức cảm thấy có lỗi với người mình ngưỡng mộ.
Người thầy đó đã an ủi, cảm thông cho diễn biến tâm lý của Bakugo. Và xin lỗi Bakugo-shounen khi không hiểu được tâm lý của cậu, hay đánh giá vào sức mạnh của cậu để cho áp lực trong cậu nó ngày càng nặng nề và không nhận ra và bù đắp lại tinh thần cho Bakugo.

All Might: "Ta xin lỗi..."

Thế rốt cục mày nghĩ cái quái gì phải viết cái bài này?

Tôi chợt nghĩ là nếu mà người lớn ngoài đời thật ai cũng làm như vậy thì thật hay biết mấy...
Khi nói tới vấn đề người lớn và trẻ em, thường chúng ta sẽ hay nghĩ rằng trẻ em là người hay gây lỗi nhiều: vỡ đổ lọ hoa, bị điểm kém,... Và chúng ta thường ép trẻ xin lỗi.
Nhưng có bao giờ chính chúng ta nhận lỗi khi gây tổn thương tới trẻ nhỏ? Tôi tin là chưa.

Đã bao giờ người lớn chúng ta xin lỗi những khi...

Chúng ta vô tình trách móc nhầm đứa con của mình chỉ để trút những cơn giận của thế giới người lớn lên đầu của trẻ con?
Trích Người lớn ngại... nhận sai - Báo Dân Trí
Những lúc chúng bị quá tải học hành, áp lực điểm số, thi cử, thành tích để mình có thể so bì với 'con nhà người ta', 'con nhà hàng xóm' hay cháu A thằng B trong họ hàng; vì một chương trình học quá tải, nặng lý thuyết dẫn tới áp lực điểm số, áp lực thi cử nặng nề để một số em nghĩ quẩn và nói lời chào từ biệt bố mẹ còn số khác chẳng khá khẩm gì hơn khi bị trầm cảm nặng phải vào viện?
Báo Tiền Phong: "Chết trong kỳ vọng"
Những đứa trẻ vì đánh mất đi sân chơi của tụi nhỏ, khiến nhiều đứa trẻ thành thị thiếu đi tuổi thơ vui chơi - nhất là những đứa trẻ sống trong những tòa chung cư?
Ví dụ điển hình của sự thờ ơ trong xây dựng khu vui chơi cho trẻ ở khu chung cư (Phóng viên VTV ghi nhận ở khu chung cư Helios Tower - Hà Nội: Người dân phải tự chặn đường vào duy nhất làm sân chơi cho trẻ)/Ảnh chụp màn hình chương trình Chào buổi sáng ngày 2/8/2018 từ VTV.vn
Những đứa trẻ có tâm hồn bị vấy bẩn bởi dã tâm của người lớn khi bạo hành, xâm hại tình dục những đứa trẻ?
'Quynh bup be' tap 1: Loi thoai tao bao, nhieu canh tra tan da man hinh anh 2
ẢNH MINH HỌA từ phim Quỳnh búp bê của VTV/Nguồn: Zing.vn
Những khi một số người lớn đầu độc thế hệ tương lai của đất nước bằng những đồ ăn thức uống bẩn, bằng việc tạo ra một không khí ngày càng ô nhiễm khi vứt rác bừa bãi, phá cây phá rừng vô tội vạ? Những khi người lớn thực hiện thói quen xấu để trẻ con bắt chước?
Người lớn ơi, trước đó chúng ta cũng là những đứa trẻ với những ước mơ thật đẹp. Chúng ta cũng từng là những đứa trẻ mong muốn được chơi, được sống thật đẹp cơ mà? Ấy thế mà tại sao chúng ta lại nhẫn tâm cướp đi tuổi thơ đó của thế hệ tương lai dù là cố tình hay vô ý? Chúng ta cũng từng là những người mong muốn có được sự tôn trọng, nhất là khi bị mắng. Vậy mà khi làm điều gì không hay cho đứa trẻ, chúng ta cũng đâu có lên tiếng nhận lỗi trước mặt trẻ con từ cái sai trong của cha mẹ với con cái trong gia đình, cho tới những lỗi sai của người lớn với thế hệ tương lai của đất nước trong xã hội? Phải chăng họ mang tâm lý: Xin lỗi trẻ con có cần thiết? hay m ức một chút thì có làm sao?
Chúng ta suốt ngày kêu gọi trẻ con 'phải biết nhận lỗi', 'phải nhìn vào cái sai của mình', 'chịu trách nhiệm về hành động của mình'. Nhưng, người lớn chúng ta đã làm được hay chưa? Muốn làm được như vậy, người lớn chúng ta phải làm gương đầu tiên.
Và Kohei Horikoshi, tác giả của Học viện Anh hùng đã gây dựng thành công một hình tượng người thầy, người lớn mẫu mực trong tập phim này khi là người đã có trách nhiệm khi khiến vô tình khiến Bakugo chìm sâu trong nội tâm phức tạp của một đứa trẻ mới lớn; dạy cho tôi và có lẽ những 'đứa trẻ lớn xác' còn quan tâm tới hoạt hình và truyện tranh về việc nhận trách nhiệm của người lớn. Và Kohei-sensei đã khiến tôi nhìn lại chính mình, một người chập chững làm người lớn, còn nhiều sai lầm khi làm trách nhiệm của một đứa anh và nhìn vào một điều buồn của người lớn.
Thế mới thấy rằng, hoạt hình không phải là nơi có những tư tưởng đần độn, cổ tích, phi thực tế... như có ai đó đã từng nói với mình. Và, mình đang bắt đầu thấm dần bài học mà Kohei-sensei đang muốn truyền tải tới người lớn qua bộ truyện tranh người lớn (còn gọi là shounen manga) được chuyển thể thành phim hoạt hình này.

Tham khảo:
- Báo Tiền Phong/Học sinh tự tử vì áp lực học hành: Chết trong kỳ vọng: https://www.tienphong.vn/giao-duc/hoc-sinh-tu-tu-vi-ap-luc-hoc-chet-trong-ky-vong-1262344.tpo
- Đài Truyền hình Việt Nam/Chào buổi sáng, ngày 2/8/2018: https://vtv.vn/video/chao-buoi-sang-02-8-2018-314954.htm
- Báo Dân Trí/Xin lỗi trẻ con là chuyện không cần thiết?: https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/xin-loi-tre-con-la-chuyen-khong-can-thiet-1399689307.htm
- Báo Dân Trí/Người lớn ngại... nhận sai: https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nguoi-lon-ngai-nhan-sai-1362445680.htm

Bài viết được viết dưới góc độ của một kẻ mới đang chập chững vào thế giới người lớn và một người mới tập tành để nói những thông điệp từ hoạt hình nên không tránh khỏi những sai sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ bạn đọc (bình luận, trao đổi lịch sự và thẳng thắn). Và rất có thể, trong tương lai, mình sẽ còn viết những bài như thế này.