Càng lớn lên ta càng nhận ra có những lúc bản thân có một vài câu chuyện buồn không thể chia sẻ với bạn bè, người thân. Không phải vì ta thiếu tin tưởng họ, cũng không phải ta sợ họ không thể đồng cảm với câu chuyện của mình, mà đôi khi ta thấy có một vài riêng tư của bản thân cần được giấu kín, ta không muốn vì chuyện buồn của mình mà người thân bị ảnh hưởng, còn nữa, càng lớn càng có những bí mật không muốn bạn bè, gia đình biết. Cách duy nhất là tâm sự chúng với người lạ, vì khi nói chuyện với người lạ ta có cảm giác an toàn, dễ chịu, sau cuộc trò chuyện, hai người lại bước về hai phía khác nhau, tâm sự thì trút bỏ xong rồi, cũng không ai rêu rao nó với người khác, mà dù nó được viết ra, được kể ra đi chăng nữa thì lý lịch của bạn cũng không bị công khai, coi như câu chuyện của kẻ qua đường...



Bản thân là người sáng tác, cũng có thể gọi là "nhà văn, blogger nghiệp dư", công việc của mình đòi hỏi bản thân phải luôn ra ngoài để tìm cảm hứng sáng tác, có những câu chuyện trên đường đi dù nhỏ, dù bé tý, mình đều viết lại, miễn nó mang thông điệp gì đó đến cho mọi người. Người viết như mình thường suy nghĩ nhiều, cũng có thể nhạy cảm mạnh trong một vài trường hợp. Mình vẫn còn nhớ chuyến đi lên Sapa một mình, lúc ấy quyết định đi, một vài người cũng inbox bảo: "Sao mày ngộ quá dợ. Nhớ giữ gìn cẩn thận nhé!" Vì công việc, vì muốn tìm trải nghiệm mới, mình không ngại đi, mà thậm chí mình thích đi một mình lắm, chẳng hiểu sao, vì trên chặng đường ấy, mình có thể thỏa thích dừng lại ở bất cứ đâu, ngồi xuống nói chuyện với một vài người, lắng nghe câu chuyện của họ, rồi bằng trí nhớ của bản thân, mình ghi chép lại tâm sự của người ta bằng một câu chuyện ngắn nào đó. Còn nhớ mùa hè năm ngoái, trên đường vào Hàm Rồng, mình và anh bạn đi cùng ngồi nghỉ ở một cái lán nho nhỏ, chỗ đó dành cho khách du lịch nghỉ ngơi. Lúc đó, có một cậu bé, thấp bé tý, chừng 7, 8 tuổi, trông nhếch nhác, gương mặt đượm buồn, anh bạn mới qua hỏi:

- Em làm gì ở đây?

- Em chăn trâu.

Mình cũng bước chân lại, thực sự đồng cảm với câu chuyện và hoàn cảnh của em. Cha mẹ bỏ đi, để lại em một mình, cậu bé được một gia đình trong làng nhận nuôi, bản thân em không được đi học, mình hướng ánh mắt xa xa, dưới kia là đàn trâu mà mỗi ngày em đều phải trông ngóng.

- Em có thích ăn kem không?

- Có. Cậu bé gật đầu.

Anh bạn chạy lên trên kia mua ba cây kem, thế là cả ba anh em vừa ăn vừa trò chuyện. Có đi xa, bản thân mới biết trong cuộc sống còn nhiều mảnh đời bất hạnh vô cùng. Hỏi ước mơ của em là gì, nó trả lời: "Trồng ngô." Anh bạn và mình chỉ biết cười ngặt nghẽo.

Trong suốt quãng thời gian học ở Hà Nội, mình không phải là người có những trải nghiệm thú vị hơn bạn bè, cũng không phải là người giỏi giang gì giữa những đứa đồng trang lứa, nhưng có thể một ai đó đã đúng khi nhận xét rằng mình có những chiêm nghiệm mà những cô cậu 19, 20 tuổi khó có được. Trong thời gian bản thân đi lên chùa Yên Tử, sống trải nghiệm ở đó 2 ngày, mình đã ngồi thiền và trò chuyện nhiều với cô lớn. Cô kể nhiều câu chuyện cho mình nghe, rồi cũng bảo mình về nhà và ghi chép lại. Cô kể lại cách đó tầm 1, 2 tháng trước khi mình đến có một người phụ nữ đến chùa sống vì hôn nhân thất bại, chồng bỏ đi theo người đàn bà khác, chị tâm sự cho cô lớn nghe, vừa khóc lóc, tủi khổ. Khóc hết nước mắt, kể hết chuyện buồn với người lạ thì lòng người ta chắc cũng thanh thản và nhẹ vơi đi phần nào. Con người mà, cũng có lúc có chuyện này chuyện kia, và những lúc như thế họ rất cần một ai đó ở bên để lắng nghe, tâm sự. Nhiều lúc tự hỏi: "Sao họ không kể chuyện này với người thân của mình đi, sao cứ kể với một người lạ như mình làm gì?" Nhưng lớn lên, có những câu chuyện mình muốn bí mật, sợ người thân lo lắng, chạnh lòng, sợ câu chuyện ấy bị kể ra và phát tán tới người này người nọ thì phiền hà, vì dù họ giữ lời hứa giữ kín bí mật nhưng chẳng được như họ nói đâu, thế là ta tâm sự cùng người lạ, tự dưng hàng loạt nỗi lòng bật ra không cần kiểm soát.

Càng về già càng thấy cô đơn, đó là lý do người già cứ kể mãi về những năm tháng tuổi trẻ của họ. Mỗi lần về quê, bà của mình lại hay kể chuyện nọ chuyện kia, hỏi han học hành ở Hà Nội ra sao, có những thứ nhỏ nhặt mà người trẻ như mình cảm thấy phiền hà, nhưng có đặt vào vị trí của họ, ta mới thông cảm được. Hôm nọ đi meetup của I Read, một bác gái tầm 50, 60 tuổi mới kể câu chuyện rằng bạn bè lúc nào cũng tìm gặp cô để tâm sự, bất kể chuyện vui hay buồn. Mà trong suốt những năm tháng đó, cô chỉ ngồi lắng nghe chứ chưa bao giờ kể về câu chuyện của chính mình, có thể cô lạc quan, yêu đời, không có nỗi niềm để tâm sự. Nghe xong, mình cảm thấy vô cùng đồng cảm. Mình nhớ lại những năm cấp 3, rồi lên Đại học, nhiều khi bạn bè cũng tìm mình ngồi trò chuyện, trong tất cả các trường hợp, mình chỉ lắng nghe chăm chú câu chuyện của họ, để họ thoải mái chia sẻ hết nỗi lòng của mình. Bản thân cũng không có câu chuyện buồn gì, cũng không có giận hờn hay thất bại chuyện chi, và mình cũng đã từng như thế với những người lạ qua đường. Có  một ai đó biết lắng nghe quả là điều ý nghĩa...

Nguồn: Blog Trang Ps