Tớ đang nghĩ, tớ là một phần của dòng hải lưu giữa đại dương mênh mang này.

Cũng đã được một thời gian kể từ khi mình chấp nhận một sự thật không mấy vui vẻ rằng bản thân không phải một điều gì đó quá đặc biệt.
- Hexpion 
Chúc mừng cậu bạn đã nhận ra sự thật rằng cậu không đặc biệt, từ đó có thể thấy rằng cậu đã đặc biệt thêm một tí. Điều này cũng chả có gì khiến cuộc sống cậu bớt thú vị cả, cậu bình thường, mà cũng chẳng bình thường. Cậu đáng ghét, mà cũng chẳng đáng ghét. Vì cậu là cậu, đơn giản như thế mà thôi. Cậu sẽ vẫn thay đổi theo thời gian, như cái cách tớ biết về cậu bây giờ và đọc lại mấy dòng của cậu cách đây hơn 2 năm. Tớ cách đây vài tháng mà gặp cậu cách đây 2 năm rưỡi thì cậu bị ăn đánh rồi đấy. Nhưng giờ cậu dễ thương hơn hẳn nè. (Và tớ cũng vậy).
Bỏ qua cậu Hexpion, tớ muốn nói chuyện một chút với các cậu - người đang đọc những dòng này (hoặc các anh/chị, nhưng em xin phép xưng hô là "tớ" và "cậu").
Tại sao tớ nghĩ tớ là một phần của dòng hải lưu à?
Vì, âu, tớ cũng chỉ là một người bình thường nè, tớ là một thành phần của xã hội. Có thể tớ sẽ là một ví dụ cho nhóm nào đấy, nhưng tớ sẽ không thể là đại diện của nó được.
Nhưng nếu thiếu tớ thì sao? Trước tớ hay tưởng tượng thế giới như một cái lưới mà mỗi mắt xích sẽ móc nối lẫn nhau. Có thể thiếu đi tớ, khi mà tớ đã được sinh ra rồi, cái lưới chung trông sẽ chẳng khác biệt gì, nhưng những mắt xích quanh tớ sẽ dao động. Trái Đất hơn 7 tỉ người sẽ vẫn thế thôi. Việt Nam vẫn vậy, chăng xuất hiện lên một ngọn sóng rồi chìm nghỉm xuống. Nhưng gia đình và bạn bè thì sao? Đấy sẽ là một lỗ hổng lớn. Tớ tưởng tượng phản ứng của bố mẹ tớ, rồi cái phương hướng mà em tớ sẽ phát triển, rồi luw, hay Tứ Sâu (trừ ai đấy), hay ai đấy nữa, nhiều lắm. Âu vì tớ đã được sinh ra rồi nên như vậy.
Nhưng tớ có khả năng làm một kẻ khổng lồ như Elon Musk hay Steve Jobs? Ờ thì xét IQ thì tỉ lệ rơi vào khoảng 0,000000003% chăng? (IQ tớ kiểm tra ngày 8/3/2016 ở Bệnh viện Bạch Mai đưa ra kết quả là 108). Vậy nếu tính theo quy tắc 80/20 về phần kinh tế để đầu tư, thì trên 4/5 thế giới giàu hơn nhà tớ, kể ra còn chưa được một nửa mức thu nhập trung bình của toàn cầu (theo trang How Rich Am I?). Còn mấy chỉ số CQ, PQ các thứ thì chịu, dù sao thì tớ vẫn chỉ là hạt cát giữa đại dương. Nghe tỉ lệ gần bằng 0 nhỉ? Ừ, tớ chẳng nghĩ mình có thể là một người khổng lồ hay làm nên Cách mạng.
Nhưng điều đó không đáng buồn.
Vì tớ là một phần của dòng hải lưu.
Tớ cho rằng, xã hội phát triển nhanh là nhờ sự đa dạng trong thành phần xã hội lẫn các mâu thuẫn ẩn mình trong nó. Có thể tớ nằm ở phần dưới, có thể tớ chẳng là những người đứng đầu, nhưng tớ là một phần của nó. Tớ góp phần bé nhỏ của mình vào nó, bên cạnh những người lớn hay bé khác.
Tớ nghĩ nè, tớ thích viết, hay vẽ, nhưng chẳng kì vọng mình được nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Tư, đạt giải lớn như Nguyễn Ngọc Thuần, hay như anh Nhật Phi, vẽ cũng chẳng là gì hết. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tớ sẽ không viết hay không vẽ nữa.
Vì tớ là một phần của dòng hải lưu.
Tớ sẽ vẫn viết, vẫn vẽ, vẫn cố gắng phát triển mình. Những bức tranh của tớ, những câu chữ của tớ có thể chẳng mấy ai biết đến. Nhưng chừng nào, vẫn còn người đọc nó, thích nó, thì tớ vẫn sẽ viết. (Nếu không thì tớ đi dạy tiếng Anh cũng được). Điều tớ hài lòng là ít nhất tớ đã "chày cối" với cuộc đời này. 
Cái lần tớ đi Nhà sách Cá Chép với bạn, tớ có ngó qua bên Văn học Việt Nam. Nó cũng đang phát triển rất mạnh, nhưng bạn bè tớ vẻ như khá ít đọc văn học Việt, họ thích những Vladimir Nabokov, những Conan Doyle, những Haruki Murakami hay Kafka,... Họ thích thì âu cũng điều dễ hiểu và bình thường thôi, nhưng định kiến với văn học Việt vẫn còn rất nhiều, nhưng tớ thấy những người "trẻ" đang đưa nó đi lên. Thực sự nhiều tác phẩm hay và giá trị, phần nữa vì ngôn ngữ Việt nên tớ thấy gần gũi hơn. Đấy, tớ đấu đâu lại. Nhưng tớ vẫn sẽ viết.
Vì tớ muốn mình là một phần của dòng hải lưu.
Tớ vừa đếm sơ thì có 36 dòng hải lưu trên 5 đại dương trên thế giới được liệt kê ra ở Wikipedia. Ừ thì tớ sẽ là một phần của một dòng hải lưu nào đấy. Như một mạch nước thật nhỏ trên núi chăng? Nhưng tớ nghĩ đấy mới chính là điều tạo nên thế giới. Nào là các thể chế xã hội, các chủ nghĩa triết học, các trường phái nghệ thuật,...
Nếu ai cũng trở nên đặc biệt thì chẳng có gì là đặc biệt cả. Đấy đấy, anh loveless viết vậy, âu cũng là thứ tớ "gào thét" bấy lâu. 
Nếu ai cũng chạy đi làm giàu thì ai nuôi gia đình, ai duy trì dân số? Nếu ai cũng đuổi theo nghệ thuật thì ai làm kinh tế nuôi sống thế giới? Nếu ai cũng ở mãi trong phòng thì còn ai sẽ ca về ánh dương kia? Những nếu ai cũng đổ xô ra ngoài trời thì cũng chẳng còn cái trang Spiderum này để tớ gửi những dòng chữ đến mọi người cả. Nếu ai cũng làm sếp thì ai làm nhân viên? Nếu ai cũng "không chấp nhận số phận" thì thế giới hẳn sẽ chiến đấu thật khắc nghiệt? Nếu ai cũng an phận thì thế giới cũng chóng lụi tàn? 
Trước tớ mượn những dòng của anh Fuyuko gửi lên đây, và có ý kiến rằng đây là những lời vuốt ve và làm chết tâm hồn người trẻ. Ừ, âu cũng may còn những người như vậy. Âu cũng may còn những người gay gắt trước phát ngôn của Shark Linh. Âu cũng may còn những người bức xúc dù có thể cũng chẳng làm ta vô can. Âu cũng may khi mình nói chốc thì bố mẹ cũng hiểu được chút, thay vì lúc nào cũng thất vọng về mình. Nhưng âu cũng may khi họ còn mắng mỏ để mình còn cái mà đè nén trong lòng. Âu cũng may khi Pi nhẹ nhàng, thì còn Te gay gắt, âu Ky bận bịu, thì mình giành phần lảm nhảm. Âu cũng may còn người thấy không hợp mình thì bỏ qua thì còn những người chiến đấu cho cái họ cho là đúng đắn. Âu cũng may khi không phải ai cũng nghĩ như mình và anh Fuyuko.
Nếu ai cũng giống nhau thì đâu còn là thế giới. Nếu ai cũng khác nhau thì chúng ta cũng chẳng thể chung tay phát triển. Chính sự đa dạng như hiện giờ này tạo nên "sinh thái" cho xã hội phát triển, hoặc ít ra ở Việt Nam thì thế.

Nhưng đương nhiên, mọi thứ không thể mãi hỗn độn được, mà chắc nó lại như hải lưu, như điện tâm đồ vậy. Vì tớ không hẳn muốn cổ súy cho cái xấu. Tớ chỉ nghĩ một thế giới như trong bài Imagine của John Lennon là gần như không thể. Tớ cảm thấy bất lực khi tưởng tượng sự phát triển của một thế giới như vậy.
Vậy nên, tớ chấp nhận sự xoay vần của những "dòng hải lưu" trong xã hội, và tớ xoay vần theo cách của mình. 
Tớ sẽ không bảo các cậu hãy nghĩ như tớ, vì như vậy thì chính tớ đang phản lại chính mình rồi. Tớ chỉ muốn ghi ra những thứ tớ nghĩ, hoặc tớ cho rằng tớ nghĩ vậy. 
Tớ chẳng cho rằng mình sẽ làm được điều gì đấy lớn lao, hay ít ra là điều tớ đang muốn bấy lâu. Tớ chẳng biết mình sẽ làm được gì, tiếp tục hướng tới con đường nghệ thuật hay sẽ bỏ dở để duy trì bánh mì cho cuộc sống, nhưng ít nhất, tớ nghĩ rằng mình vẫn đang đi, đang xoay vần, đến được với thứ tớ muốn thì tốt, âu thì ít nhất tớ đã đi.
Ngày xưa cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu không thể mang lại độc lập hoàn toàn cho đất nước, nhưng đấy cũng là những viên gạch nền tảng cho sự ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh sau này, tớ nghĩ vậy. Tớ nghĩ cần thời gian để diễn tiến. Bắt những đứa trẻ 5 tuổi nghĩ như người 55 tuổi cũng có vấn đề. Có thể tớ chẳng thể làm bông hoa đẹp nhất để nở rộ, nhưng tớ nguyện làm chiếc lá để làm bật bông hoa, tớ nguyện làm thân cành để nâng đỡ, tớ nguyện làm hạt đất để nuôi dưỡng, tớ nguyện làm giọt nước để tưới tiêu,... Tớ cũng nguyện làm viên gạch bé bé ẩn sau lớp sơn để dựng nên ngôi nhà.

Và tớ nguyện làm một phần của dòng hải lưu nào đấy giữa đại dương.


Và tớ "YOLO" lẫn "Let it be" theo cách đấy.