Trong quyển sách The Fry Chronicles xuất bản năm 2010, tác giả Stephen Fry kể về lần gặp gỡ phát thanh viên Alistair Cook. Sau khi buổi trò chuyện trên đài kết thúc, họ bắt tay nhau. Tác giả ghi trong sách:
"Khi buổi chiều kết thúc và Alistair Cook bắt chặt tay tạm biệt tôi và giữ nó rất chặt, nói rằng: "Bàn tay mà ông đang nắm là bàn tay đã bắt tay với Bertrand Russell (triết gia nổi tiếng, qua đời năm 1970).
'Wow,' tôi nói với giọng ấn tượng."
'Không, không,' Cook nói, 'nó không chỉ dừng ở đó. Bertrand Russell biết Robert Browning (nhà thơ nổi tiếng ở Vương Quốc Anh, qua đời năm 1899). Dì của Bertrand Russell đã từng khiêu vũ với Napoleon (qua đời năm 1821). Chúng ta gần với lịch sử như thế đấy. Chúng ta chỉ cách những con người trong lịch sử vài cái bắt tay.'"
Nếu bạn thấy cuộc đời mình vô nghĩa, đó không phải là vì cuộc đời của bạn vô nghĩa, đó là vì bạn chẳng làm được điều gì ý nghĩa cho cuộc đời mình. Và mỗi người thì tìm thấy một thứ mang lại ý nghĩa cho riêng họ. Đối với mình thì cuộc đời có ý nghĩa khi bạn có thể kết nối. Kết nối với cộng đồng. Kết nối với quá khứ. Kết nối với nơi mình sống. Kết nối với thế giới.
Có lẽ đó là thứ giúp con người tách biệt với phần còn lại của thế giới. Khác với nhiều người lầm tưởng, nếu con người do một đấng tối cao tạo nên thì có lẽ con người là bản thiết kế tệ nhất của đấng tối cao ấy. Giữa một hành tinh có 70% là nước, con người lại không có khả năng thở dưới nước. Họ không có khả năng xác định phương hướng trong đêm như loài dơi, không có thính giác tuyệt vời như loài chó để phát hiện mối nguy từ xa, hay là lớp da đủ dày để sống qua mùa đông khắc nghiệt. Nhưng bù đắp cho tất cả sự yếu đuối đấy của loài người là họ có một bộ não có sự nhận thức. Chính sự nhận thức đấy đã giúp chúng ta sống đến tận bây giờ.
Sự nhận thức đấy đặt ra những câu hỏi trừu tượng: chúng ta đến từ đâu và chúng ta sẽ đi về đâu? Tại sao chúng ta lại xuất hiện? Tại sao lại có một cái gì đó giữa vũ trụ bao la chứ không phải là không có gì.
Và nó là động lực khiến chúng ta muốn kết nối, nhưng không như những loài vật vốn cũng kết nối và sống theo đàn, chúng ta vượt lên thế.
Ông mình mất khi mình mới 1 tuổi và do đó mình không rõ ông là người như thế nào. Nhưng mình vẫn tìm hiểu qua câu chuyện của ba mẹ kể lại, của những người hàng xóm. Mình về quê, vốn cách nơi mình ở 1000km, và gặp những người mình không hề biết tên và họ gọi mình, nói rằng mình giống một người mà mình chưa gặp và cũng không còn tồn tại. Những câu chuyện đó nó giúp mình kết nối được với con người mình hiện tại, nó giúp mình hiểu rằng gia đình mình từ đâu đến, và người đi trước mình là người thế nào. Gặp những người đó giúp mình hiểu rằng mình không phải là một chấm đen xuất hiện ngẫu nhiên giữa một khoảng không mà là một mắt xích trong một sợi xích dài vô vàn, đan xen vào nhau và tạo nên thế giới này. Đó là một sự kết nối trong tưởng tượng, nhưng nó đủ mạnh để khiến mình cảm thấy là thật. Có lẽ đó là một lý do người ta nói rằng con người không bất tử nhưng DNA và những kí ức nó mang theo bên trong nó là bất tử, một người có thể mất nhưng những thứ quý giá cũng như tồi tệ của người đi trước đều được truyền cho người đó.
Chúng ta kết nối với cả những người hiện tại. Chúng ta yêu một ai đó và mong rằng người đó cũng hồi đáp lại, và như thế hai tâm hồn gắn kết với nhau. Khi chúng ta buồn, chúng ta viết ra những suy tư để mong có người hồi đáp và như thế chúng ta kết nối. Khi mình đang viết ra những dòng này tức là mình cũng đang muốn kết nối với những người cũng có cùng cảm nhận. Chúng ta luôn là những người nhỏ bé trong một khoảng không vô vàn và chúng ta luôn cố gắng kết nối mình với người khác, có thể đó là tâm trạng, đó là có thể là ý tưởng, có thể đó là vì sự an toàn.
Chúng ta không chỉ kết nối về quá khứ mà còn kết nối với tương lai. Đó là lý do các vua chúa muốn tên mình lưu lại trong sử sách cho con cháu sau này, còn ông bà thì luôn dặn con mình phải dặn con cháu sau này thế nào. Con người tồn tại cứ như là một môi trường trung gian để cho các ý tưởng, các câu truyện tồn tại, người này chết thì ý tưởng vẫn còn và vẫn tiếp tục lan ra hết người này đến người khác. Và mình cảm thấy đáng kinh ngạc về điều đó. Chính các ý tưởng là nguồn sống, là nguồn động lực cho rất nhiều người. Ví dụ như Thánh Đường Salisbury ở Wiltshire, Anh Quốc. 


Thánh đường mất 100 năm để xây dựng, từ năm 1220 đến năm 1320 và xét về tuổi thọ ngắn của người xưa, Thánh Đường đã trải qua ít nhất 3 đời người thợ xây (mỗi đời khoảng 30 năm) và vì nó là một trong những thánh đường lớn nhất vương quốc, mặc cho bao gian khó, bao nhiêu tai nạn lao động. Tại sao lại thế? Cái gì khiến cho con người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền bạc của cải, mặc cho bao gian khó, bao lần thảm hoạt để họ xây nên một thánh đường nguy nga nhưng không giúp gì thêm cho nền kinh tế? Đó chẳng phải là niềm tin mãnh liệt, một ý tưởng được truyền đi từ đời này qua đời khác rằng họ đang phụng sự cho Chúa Trời sao? Rằng họ sẽ được lên thiên đường nếu họ xây được Thánh Đường này. Họ muốn được kết nối với Chúa Trời. Suốt 100 năm, với từng đó sức người và của cải, những người dân vùng Wiltshire đã không chọn xây nên một thứ có ích về mặt kinh tế nhưng đã chọn xây nên một nơi nuôi dưỡng niềm tin của họ.
Càng lớn mình càng trân trọng việc đọc sách vì nó giúp tăng khả năng cảm nhận của mình. Bạn không thể cảm nhận sâu sắc một thứ gì đó nếu bạn không hề đọc một chút gì về nó. Bạn sẽ không cảm thấy sự cô đơn nó đau đớn thế nào nếu bạn không đọc những dòng trải lòng của người cô đơn. Bạn sẽ không cảm thấy. Và khi bạn đọc nhiều, sự kết nối của bạn vượt qua ngưỡng cảm xúc thường ngày, vượt qua những nhu cầu cá nhân và biên giới của mình. Bạn được đưa đến những cảm xúc mà bạn không ngờ rằng nó tồn tại trên đời này.
Đây là bức tranh Thiếu Nữ Đeo Khuyên Tai Ngọc Trai vô cùng nổi tiếng của danh họa Hà Lan, Johannes Vermeer, được mệnh danh là Mona Lisa của phương Bắc (vì nước Ý nằm ở Nam Âu). 

Điều gì khiến bức tranh này nổi tiếng như vậy? Khoan hãy tìm hiểu về điều đó, hãy tìm hiểu về đất nước Hà Lan thế kỷ 17. Vào thế kỷ 17, Hà Lan là một trong những quốc gia giàu có bậc nhất thế giới mặc dù không hề có một chút thuộc địa nào như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Đó là quốc gia có nền kinh tế phát triển cực kì mạnh nhờ vào những tiến bộ trong hệ thống tài chính: Hà Lan là quốc gia đầu tiên thành lập hệ thống Ngân hàng Trung Ương, họ cũng là người đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại với khái niệm công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ đông. Công ty Đông Ấn Hà Lan (Dutch East India), thành lập năm 1602, vào thời kì đỉnh cao có tổng số tài sản tính theo tỷ giá tiền hiện nay là 7.2 nghìn tỷ USD! Con số đó tương đương gần một nửa tổng GDP của Hoa Kỳ hiện nay, vượt xa Nhật Bản (5 nghìn tỷUSD)  lẫn Đức (4 nghìn tỷ USD). 

Như vậy vào thời điểm mà danh họa Vemeer đang sinh sống, Hà Lan không phải là quốc gia của những hoàng gia như  Anh, Pháp, Tây Ban Nha hay Áo, chính phủ của họ không chịu sự thống trị của nhà thờ. Đó là quốc gia của những thương gia. Do đó tranh của họ không vẽ về giới quý tộc vua chúa hay là về các đức cha cũng như những cảnh về thiên đường, địa ngục. Tranh của họ vẽ về cuộc sống của giới tư sản, của những người đi buôn xa xứ. Và bức tranh Thiếu Nữ Đeo Ngọc Trai phản ánh rõ những điều đó: cô ấy là một người bình thường trong tầng lớp tư sản, quần áo cô ấy mặc màu vàng phản ánh văn hóa phương Đông, tức nói lên giao thương giữa Hà Lan và phương Đông. Cô ấy còn đeo hoa tai ngọc trai, những thứ chỉ dành cho vua chúa và tầng lớp quý tộc ở những nơi khác, và điều đó phản ánh sự tự do của người Hà Lan, ở đấy mọi người đều có thể làm giàu thoải mái và có thể giàu hơn cả vua chúa.
Nhưng chỉ vậy thôi thì không khiến bức tranh đấy nổi tiếng. Hãy xem các bức tranh khác của Vermeer. Các bức tranh khác của Vermeer đều cho ta cảm giác rằng ta là một người quan sát một sự việc ở khoảng cách xa, nó có một chút gần gũi nhưng vừa phải. 

Bà người hầu đang rót sữa nhưng là 
rót cho một người khác, không phải người nhìn.

Chúng ta như một người khách đi ngang qua, vô tình nhìn thấy người họa sĩ cùng người mẫu và bức rèm như là một bức tường bảo vệ sự riêng tư giữa người nhìn và hai người kia.
Nhưng bức tranh Thiếu Nữ Đeo Ngọc Trai thì khác, chúng ta không phải là người quan sát một sự kiện, chúng ta, người xem tranh, là người mà cô ấy nhìn vào. Và chúng ta cảm giác như cô ấy đang muốn nói gì đó với mình. Đó là điều gì? Cô ấy đang quay đầu đi hay quay lại? Đôi môi hé mở của cô ấy có phải là vì cô ấy đang định nói gì đó, hay là vì cô ấy quay lại và bất ngờ gặp người mình yêu? Và vì không có bất kì thông tin nào về cô gái này nên trí tưởng tượng của chúng ta càng bay xa hơn nữa. Càng nghĩ về cô gái trong tranh, chúng ta càng cảm thấy kết nối với cái khoảnh khắc đấy, một khoảng khắc bất chợt ở một thị trấn trong đất nước Hà Lan thịnh vượng ở thế kỷ 17. Cảm xúc của chúng ta khi ngắm nhìn cô gái có lẽ cũng là cảm xúc của Vermeer dành cho cô. Chúng ta và Vermeer như đã kết nối với nhau, dù chỉ là một chút, vượt thời gian và không gian. Và bạn chỉ có được sự kết nối ấy nếu bạn đọc về lịch sử Hà Lan, đọc về xã hội thời ấy.

Ngoài tranh vẽ thì âm nhạc là một thứ phổ biến thứ hai giúp kết nối con người. Những rung động của những tác giả, những nỗi niềm, cảm xúc, đau khổ của họ được thể hiện qua những nốt nhạc và, nhờ vào sự phát triển của công nghệ hiện nay, chúng ta may mắn cảm nhận được sự rung động đó.
Mời bạn nghe bài hát “Lời từ biệt của thiếu nữ Ukraine” (Farewell of Slavianka, còn đây là bản hòa âm phối khí). Đây là bài hát của nhạc sĩ người Nga, Vasily Agapkin sáng tác năm 1912 khi ông chứng kiến cảnh những người phụ nữ tiễn chồng hoặc người yêu ra trận mạc. Bài hát sau này đã vô cùng phổ biến ở nước Nga trong suốt Thế chiến Thứ Nhất và sau này được chính quyền Xô Viết cho phổ biến với lời phù hợp với định hướng chính trị của họ. Và mỗi khi nghe bài này, mình lại tự hỏi rằng liệu đây có phải là những cảm xúc đau khổ của những con người sống 105 năm trước?
Đây là cung điện mùa Đông ở Saint Petersburg, Thủ Đô của nước Nga đến năm 1917. 




Mỗi khi bài hát vang lên, mình lại như thấy những giai điệu này vang lên trong hành lang vắng, những công chúa, hoàng tử, vương công đang ngồi giữa những trưa hè buồn chán và tiếng nhạc thì cất lên từ máy nghe dĩa. Mình đọc sách về họ (và cũng đã viết một bài về họ) nên mình như muốn gắn kết với họ. Những cảm xúc của mình khi nghe bài này có thể là những cảm xúc của các công chúa, hoàng tử xưa của một triều đại không còn tồn tại nữa khi họ ngân nga hát theo bài này. Hoặc là của những người lính Nga đã đi chiến đấu và không quay về.

Có thể cuộc sống này là không có ý nghĩa, có lẽ rằng chúng ta may mắn khi Trái Đất có đủ điều kiện để giúp các loài sinh vật bậc cao có khả năng sinh trưởng và tồn tại, có lẽ mục đích của DNA không phải là để giúp chúng ta hoàn thành một số mệnh nào đó, DNA nó chỉ muốn tồn tại. Nhưng cuộc sống vẫn có ý nghĩa mình cố gắng làm cho nó có ý nghĩa, và đối với mình đó là gắn kết với thế giới, với cảm xúc và ý tưởng, vượt không gian và thời gian. Trong khoảnh khắc nào đó, mình và cuộc sống xung quanh đã hòa làm một.  
Chia sẻ với các bạn một số bản nhạc:
Caravansary - Kitaro