Disclaimer: Vấn đề nào cũng có 2 mặt, và cách Tư Bản kiếm tiền cũng vậy. Nhưng trong bài viết này, mình sẽ tập trung và lấy ví dụ về một số mặt trái của Xã hội Tiêu dùng. Đó là hướng đi ngay từ đầu của bài viết, mong nhận được các tranh luận văn minh.
1.    Lười biếng - Khi cuộc sống là phải thuận tiện.
Nếu chúng ta không lười nấu ăn, hàng ngày mang cơm đi làm, tối về đi chợ nấu nướng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đúng vậy, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền. Và những lúc kẹt quá thì việc đầu tiền mình nghĩ cũng là cắt giảm các khoản chi tiêu từ ăn uống. Nhưng, các hàng quán thì chắc sẽ buồn vì điều này đấy.
Nếu chúng ta không lười đi ra tận cửa hàng mua sắm hay đặt đồ ăn thì chắc khái niệm “shipper” đã không trở nên quá đỗi quen thuộc như ngày nay. Mà thực lòng những trưa mùa Hè nắng 40 độ mình vẫn thầm cảm ơn các anh shipper nhiều lắm.
Nếu con người không lười vận động, hàng ngày dành thời gian chạy bộ và đạp xe, từ đó rèn luyện một cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh. Riêng thói quen tốt này thôi cũng đã cắt giảm không ít sản phẩm/dịch vụ mà bạn tiêu thụ rồi: tập gym, hiệu thuốc, bệnh viện... Phải không?
Đến đây, bạn có cảm nhận ra được Tư bản đang kiếm tiền bằng cách thỏa mãn cơn lười của con người như nào không? Còn ví dụ nào tương tự thì comment dưới bài nhé.
Tất nhiên, có nhiều sản phẩm mà mục đích ban đầu của chúng là giúp con người tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất cho việc cần thiết hơn. Nhưng con người mà, cái gì đem lại cảm giác thỏa mãn, dễ chịu, tiện lợi mà không kiểm soát mình tốt thì dễ bị lấn sang lạm dụng, phụ thuộc lắm.
Và như một vòng tuần hoàn, những thứ đó giúp tối đa hóa sự tiện lợi, khiến con người ngày càng trở nên lười hơn, con người càng lười, hàng hóa lại càng được tiêu thụ nhiều hơn.
2.    Nỗi sợ - Khi bạn hoang mang để người khác kiếm tiền
Nếu các bà mẹ không canh cánh trong lòng nỗi sợ con mình thấp bé, nhẹ cân, kém thông minh, thì không biết các thương hiệu sữa sẽ vin vào nội dung gì để quảng cáo? Trong khi sự thật là uống nhiều sữa sẽ không tốt cho tiêu hóa và trẻ em cũng không cần thiết phải uống sữa mỗi ngày cho trí tuệ và thể lực.
Nếu con người không có quá nhiều nỗi lo sợ về sức khỏe (trong khi vẫn cứ lười vận động và ngủ muộn...) thì mình đang thắc mắc các thực phẩm chức năng sẽ mọc lên như nấm kiểu gì.
Và một sản phẩm kinh doanh trên nỗi sợ của con người theo đúng nghĩa đen nhất, đó chính là bảo hiểm. Nếu không lo sợ về những rủi ro, bất chắc trong tương lai khó định đoạt, thì con người ta đã không mua bảo hiểm rồi đúng không?
Vậy thì, nỗi sợ của chúng ta đang mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho người khác.
Biết là cái gì cũng có 2 mặt, và đôi khi con người nên biết sợ để chuẩn bị trước cho một số tình huống xấu. Dù là spa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay bảo hiểm... cũng hoàn toàn có thể đem lại lợi ích cho mình, nếu phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với nhu cầu bản thân.
Nhưng nếu nỗi sợ của chúng ta lại là công cụ đắc lực để tư bản xoáy vào và lợi dụng nó bán càng nhiều hàng hóa càng tốt thì sao? Không ít các quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội chỉ để tiêm vào đầu chúng ta những nỗi lo lắng mà sản phẩm của họ có thể giải quyết được. Đó là lý do con người trong xã hội ngày nay sẽ luôn cảm thấy bất an và lo lắng.
3.     Chuẩn mực - Cách tạo ra những vấn đề mới
Bạn nghĩ là tư bản chỉ dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề hiện hữu của con người? Không, như vậy sao đủ. Vấn đề nhiều mấy thì một ngày cũng phải hết, vậy nên, họ quyết định tự tạo ra.
Bằng một cách nào đó, không biết cố tình hay cố ý, mà xã hội càng phát triển, l oàingười càng có nhiều chuẩn mực. Mà cái dễ thấy nhất là chuẩn mực về cái đẹp ở phụ nữ và chuẩn mực cho sự thành công ở đàn ông.
Từ khi nào mà vẻ đẹp của một người phụ nữ trung niên U50 lại phải thể hiện ở làn da láng mịn không tì vết như Song Hye Kio, thay vì nét đẹp trưởng thành với một chút nếp nhăn nơi khóe mắt? Rõ ràng đó là một vẻ đẹp mà một cơ thể tự nhiên khó có được nếu không nhờ sự can thiệp của công nghệ. Con gái mà, ai chả muốn đẹp, còn tư bản lại rất biết cách nhắc nhở chị em đến 25 tuổi phải lao vào dùng retinol đi nếu không muốn lão hóa. Các nhãn hàng được thể khuyến khích chị em dùng càng sớm càng tốt, phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Từ khi nào chuẩn mực của một người đàn ông thành công là 30 tuổi phải có nhà, có xe? Hình ảnh của một người đàn ông thành đạt là đeo những chiếc đồng hồ đắt tiền. Cơ thể của một người đàn ông khiến chị em “rụng trứng” là một body 6 múi với cơ bắp cuồn cuộn? Trong khi thời điểm thành công của con người là khác nhau, sao không phải 40, 50,... để 30 không còn là cái mốc cho một cuộc khủng hoảng. Và đàn ông thành đạt cũng có thể đi dép... tông lào chứ đúng không? Nhưng tư bản cần các chuẩn mực đó, họ cần nó để tăng doanh số cho các hãng ô tô, nhà đất, đồng hồ, phòng gym...
Chung quy lại thì nhiều chuẩn mực thế để làm gì?
Để rồi xã hội càng hiện đại, càng tiện lợi, càng văn mình, thì con người lại càng khó cảm thấy hạnh phúc hơn? Để mà tiêu dùng bao nhiêu cũng không đủ để thỏa mãn bền vững.
Thực ra các dịch vụ, hàng hoá bao quanh chúng ta hàng ngày, ở một mức độ nào đó, đều giúp cuộc sống của mình và các bạn trở nên tiện lợi hơn, dễ dàng hơn, còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người khác nữa.
Nhưng đừng quên tự hỏi bản thân mình cần gì, và nó có phù hợp với điều kiện cá nhân không, cố gắng bình tâm trước những chuẩn mực của xã hội.
Một trong những kỹ năng để sống hạnh phúc trong xã hội này là hãy trở thành một người tiêu dùng tỉnh táo.