Trong môn giao tiếp liên văn hóa ở trường tôi, chúng tôi có một bài thảo luận nhóm về chủ đề giao tiếp. Chính xác câu chuyện để đưa ra vấn đề nó như sau:
     “ có một vợ chồng là công chức nhà nước, phải đi làm suốt ngày nên không có thời gian chăm con. Họ giao con cho một người cô bị câm chăm sóc, cả ngày chỉ nhốt trong nhà. Cho đến tuổi đi học, đứa bé ấy không thể phản hồi lại bất kì điều gì từ cô giáo. Em hãy cho biết vai trò của gia đình và xã hội trong việc phát triển giao tiếp, tư duy, cảm xúc của trẻ”
Ngày nay, tự kỉ không còn là một cái gì đó quá hiếm, chúng ta bắt gặp nó mọi lúc, mọi nơi, từ nhẹ tới nặng. Điều đáng lo hơn là tự kỉ ngày càng đa dạng và trẻ hóa. Theo thông tin từ trang điện tử Quốc Hội, trên thế giới ước tính có đến 1% dân số mắc chứng tự kỉ. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động, thương bình và xã hội vào năm 2009, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỉ. Nhưng những năm gần đây, số trẻ tự kỉ tăng nhanh đến mức độ đáng báo động, theo ước tính của chuyên gia vào 2019, Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ tự kỉ và 8 triệu người ảnh hưởng trực tiếp.
Theo nghiên cứu của Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8%-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được sự hỗ trợ từ xã hội. Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông.
Nguyên nhân của các vấn đề nêu trên đa phần xuất phát từ các tổn thương tâm lý. Đáng quan ngại hơn khi những tổn thương đó xảy ra khi các em còn rất nhỏ, chưa có khả năng phòng vệ cho bản thân. Đặc biệt còn một lý do, đó là các em không thể hòa nhập với xã hội do cách nuôi dạy từ khi còn nhỏ.
Chúng ta thường nói, giáo dục trẻ em cần sự phối hợp từ cả 3 phía: gia đình - nhà trường - xã hội. Thế nhưng trong giai đoạn thơ ấu, cái thời điểm trẻ em học từ sự bắt chước lại chưa có sự tham gia từ nhà trường. Vậy nên trách nhiệm lúc này phần lớn đều thuộc về gia đình và xã hội.
Vậy gia đình và xã hội có vai trò như nào với sự hình thành và phát triển tư duy giao tiếp của trẻ?
Về phía gia đình
Cha mẹ là những người tiếp xúc nhiều nhất với con vào giai đoạn này, trẻ em có bản năng học theo những gì cha mẹ làm, cha mẹ nói. Chúng ta thấy khi người lớn chăm trẻ, họ hay bảo “gọi ba/má/bác/... đi con” “ba...má...bác....” và trẻ em chỉ nhắc những lại điều đó. Giai đoạn này trẻ chưa có cái gọi là nhận thức rõ ràng về ngôn ngữ. Dần dần thì đứa trẻ sẽ ghi nhớ đối tượng trước mặt gọi là  ba, đối tượng phía xa xa kia gọi là bác. Vậy nên vai trò đầu tiên của cha mẹ chính là tạo môi trường giao tiếp để trẻ tiếp cận ngôn ngữ và học hỏi, ghi nhớ ngôn ngữ. Trẻ cũng bắt chước các chúng ta nói chuyện hằng ngày, vậy nên những đứa trẻ sinh ra trong một môi trường không tử tế thì thường ăn nói không được dễ nghe. Đừng trách bọn trẻ, chỉ là chúng không có môi trường giao tiếp phù hợp thôi.
Gia đình còn là nơi trẻ em phát triển cảm xúc của mình. Chả có đứa trẻ nào lên 10 tuổi mới học khóc học cười cả, chúng ta biết khóc biết cười từ khi mới sinh ra rồi, và gia đình là nơi phát triển nó lên một bậc khác cao hơn - đó là thấu hiểu. Một đứa trẻ dễ dàng bày tỏ tình yêu của chúng với cha mẹ thì  khả năng giao tiếp, hòa đồng cũng cao hơn những đứa trẻ không bao giờ biểu lộ cảm xúc cả. Sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ cũng là một cơ chế bảo vệ chúng ta. Tại sao khi sinh ra chúng ta khóc rất nhiều, nhưng khi được ôm vào lòng thì chúng ta lại nín? Bởi chúng ta nhận thức rằng mình đang được bảo vệ, bản thân mình đang an toàn, đó là bản năng tự nhiên không chỉ của con người mà còn của rất nhiều loài động vật khác.
Trong cuốn sách Phi lý trí, tác giả Dan Ariely có nhắc tới một lý thuyết quan trọng về hành vi của con người:
“ con người ít khi đưa ra lựa chọn cái gì đó theo một tiêu chuẩn tuyệt đối. Chúng ta không có một chiếc đồng hồ đo giá trị bên trong để nói cho chúng ta biết mọi thứ có giá trị bao nhiêu. Thay vào đó, chúng ta tập trung vào ưu thế tương đối của vật này so với vật kia và ước tính giá trị của nó. “
Từ khi con người nguyên thủy xuất hiện, so sánh đã là bản năng để sinh tồn của con người. Chúng ta đánh giá vật này với vậy nọ, hành động này với hành động kia để đưa ra lựa chọn mang tới cơ hội sống sót cao nhất.
Lý thuyết của Ariely cũng hoàn toàn đúng với trẻ em. Chúng ta khi nhỏ làm gì có khả năng phân biệt hành động nào đúng, hành động nào sai đâu. Chúng ta lựa chọn dựa trên sự so sánh.
Ví dụ như khi mẹ cho ăn kẹo vào buổi chiều và cấm ăn kẹo vào buổi tối. Ngay lập tức chúng ta hiểu rằng không được ăn kẹo vào buổi tối còn buổi chiều thì được. Ta rút ra kết luận đó dựa trên sự so sánh của 2 hành động “cho” và “cấm”. thậm chí chúng ta còn nhận ra việc nào nên làm việc nào không dựa vào cảm xúc vui buồn của cha mẹ.  
Vai trò của gia đình rõ ràng như vậy rồi, vậy còn xã hội thì sao?
Xã hội là môi trường giao tiếp cho trẻ cũng như tạo cho trẻ khả năng phản xạ ngôn ngữ. Không chỉ là giao tiếp với người lớn mà còn với bạn bè cùng lứa.
Các cụ có câu  “học thầy không tày học bạn” - ta thấy được tầm quan trọng của việc học từ người cùng lứa ra sao. Bởi những người cũng lứa thì đa phần đều phát triển ngang nhau, có một thế giới quan không quá khác nhau nên việc giao tiếp cũng dễ dàng hơn. Hơn hết bọn trẻ không chỉ giao tiếp qua âm thanh mà còn qua ngôn ngữ cơ thể. Đó là lý do vì sao mà trẻ con dễ chơi với nhau hơn.
Ví dụ như khi chúng ta học ngoại ngữ. Tiếng anh chẳng hạn. Sinh sống tại một đất nước sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng anh thì chúng ta phát triển nhiều mặt, không chỉ là ngữ pháp, từ vựng mà còn là cả cảm xúc trong từng câu chữ. Đó cũng là lý do tại sao ở Việt Nam, nhiều người nói tiếng anh rất cứng, bởi chúng ta chưa đưa được cảm xúc vào ngôn ngữ. Chúng ta học chúng trong vô thức, đó là tầm quan trọng của việc có môi trường phù hợp.
Việc nhốt trẻ trong nhà cả ngày đơn thuần xuất phát từ mong muốn bảo vệ trẻ khỏi những nguy hiểm ngoài kia. Nhưng mặt trái của nó chính là cách ly trẻ khỏi xã hội. Những đứa trẻ bị cách li như thế khi lớn lên chúng sẽ rất khó để làm quen với những đứa bạn cùng lứa khác. Đây cũng là lý do chính cho việc trẻ đi học nhưng không thể phản hồi lại với giáo viên.
Việc các li trẻ như vậy vẫn còn một mặt chả lợi, cũng chả hại. Đó là tập cho trẻ phản xạ với các tình huống trong giao tiếp xã hội. Tôi đứng về phía trung gian cho quan điểm này. Bởi nếu có sự giám sát và bảo hộ thì việc này là cần thiết, nếu không sẽ cực kì nguy hiểm.
Chúng ta hay nói với trẻ rằng “con cần đi chậm thôi”, “ không được nhận đồ của người lạ”, “không được trêu chó” .v.v.
Nhưng chúng ta đâu có cho chúng thực hành, học không đi đôi với hành thì không hiệu quả. Nhưng học mà không có quy chuẩn thì cực kì nguy hiểm. Vậy nên tôi không khuyến khích hành động này.
Quay lại câu chuyện kia. Đứa trẻ không có sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ nên rất khó khăn trong việc bắt chước giao tiếp cũng như định hình tư duy cơ bản ban đầu. Việc được nuôi dạy bởi bà cô bị câm và suốt ngày nhốt trong nhà không tạo ra cho trẻ được môi trường giao tiếp phù hợp. Điều đó gây ra tình trạng như đã nêu bên trên. Đứa trẻ sẽ rất khó hòa nhập với xã hội. Và với một đất nước chưa thực sự chú trọng vào tâm lý của trẻ nhỏ, sẽ rất dễ xảy ra chuyện đứa trẻ đó bị cô lập và bị chôn vùi trước khi được phát hiện và giúp đỡ.
Tôi vẫn còn ám ảnh hình ảnh đứa trẻ trèo lên lan can, rồi cả cuộc đời ngắn ngủi của nó lướt qua, kết thúc bằng tiếng khóc hối hận muộn màng của cha mẹ nó. Đừng để những hình ảnh ấy tiếp diễn và để lại một ấn tượng xấu, rằng mỗi khi nhắc tới, người ta lại nhớ tới một thế hệ bị tổn thương quá nhiều.