Bài viết là kết quả của một cuộc nghiên cứu, khảo sát của mình và các đồng sự (gồm hai người). Cũng như, đây là kỉ niệm cuối cùng trước khi rời mái trường cấp ba. Mình xin được vinh danh cô Quyến - giáo viên hướng dẫn, và em trai mình Lê Hưng Thịnh - đồng sự - đã giúp mình thực hiện việc thống kê, tính toán và giúp bài nghiên cứu, khảo sát này ra đời. Mình cũng xin được vinh danh giáo sư Daniel Kahneman (giải Nobel Kinh Tế Năm 2002) với quyển sách "Tư Duy Nhanh và Chậm" và khóa học miễn phí của đại học Yale: "Introduction to Psychology" (Nhập Môn Tâm Lý Học) được giảng dạy bởi giáo sư Paul Bloom và rất nhiều quyển sách tâm lý học khác đã ảnh hưởng đến nền tảng kiến thức khi mình thực hiện bài nghiên cứu này. Bài nghiên cứu này thực hiện trong phạm vi của trường THPT Chuyên Bạc Liêu với nhóm đối tượng học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 và chuyên đề đã được giải ba vòng trường - một giải thưởng không có giá trị nhiều về mặt vật chất nhưng mang lại rất nhiều giá trị về mặt tinh thần cho mình. Bài nghiên cứu được thực hiện như đã đề cập từ trước, là lời tri ân đến kỉ niệm cuối cùng cũng năm lớp 12, cũng như là giúp mình kiểm nghiệm các cơ sở lý thuyết mà mình đã tiếp nhận. Vậy nên, các bạn đọc trên Spiderum chỉ nên xem nó như một bài viết tham khảo và nếu muốn trích dẫn bài viết thì phải để lại nguồn như là sự tôn trọng của các bạn với công sức, nỗ lực mà mình cùng các đồng sự đã bỏ ra. Trân trọng, Bạc Liêu, ngày 17 tháng 7, năm 2024, Trưởng nhóm, Lộc Lê Tài Lộc Bút danh: Alice Ezza Brother.

ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU

I.PHẦN MỞ ĐẦU

1.Lí do chọn đề tài

Trên thế giới, tâm lý học được coi là một ngành khoa học cực kỳ quan trọng và được ứng dụng để nâng cao sức khỏe tinh thần con người từ rất sớm, các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này cũng cực kỳ phát triển. Ở Việt Nam, cho dù những năm trở lại đây khái niệm tâm lý học đã bắt đầu được quan tâm hơn nhưng vẫn chưa tiếp cận được đến quá nhiều người bởi vẫn còn nhiều vướng mắc trong cách hành động.
Dù vậy trong những năm gần đây, vai trò của tâm lý học trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục đang ngày càng bắt đầu được đề cao, đặc biệt khi các câu chuyện thương tâm về việc học sinh bị áp lực học tập dẫn tới tự tử diễn ra ngày càng nhiều. Việc ứng dụng sớm các biện pháp tâm lý trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần học đường đang là một trong những vấn đề ngày càng được chú trọng nhiều hơn hiện nay.
Trong đó, giáo dục là một yếu tố cơ bản quan trọng trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của con người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Do vậy, tiếp thu nền giáo dục đúng cách, văn minh trong những năm tháng đầu đời có tác động trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách, nhận thức hay sự phát triển của mỗi người. Thiết nghĩ, “Tâm lý học là gốc của giáo dục” bởi khi nắm bắt được quy luật của tâm lý con người chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào đó để định hướng sự phát triển, bồi đắp nhân tài, hoàn thiện được về mặt nhân cách của từng người. Có thể nói khám phá được thế giới quan sâu sắc của con người luôn là một lĩnh vực thú vị và đặc biệt cần thiết để bảo vệ họ tránh khỏi những điều tiêu cực xuất phát từ chính đời sống nội tâm bên trong.
Vai trò của tâm lý học trong giáo dục có thể tác động đến nhiều đối tượng bao gồm cả giáo viên, học sinh và gia đình. Đặc biệt trong giai đoạn mà tâm lý học đường đang trở nên cực kỳ nhạy cảm, mang nhiều màu sắc, ẩn chứa cả những điều tiêu cực mà chúng ta không bao giờ lường trước được. Vậy tâm lý học có thể mang đến lợi ích gì trong việc giải quyết những vấn đề này?
Ở tất cả mọi người đều có thể mắc phải sự thiên lệch về nhận thức, những thiên kiến. Thật dễ dàng để nhận ra điều đó ở người khác, nhưng cần biết rằng đó cũng là điều ảnh hưởng đến suy nghĩ của chính mỗi chúng ta. Và dưới sự tác động đó, có thể dẫn đến những nhận thức sai lệch và đưa đến hành vi vi phạm. Giới trẻ thường dễ chịu sự tác động của môi trường xung quanh và có thể dễ dàng bị thao túng, giật dây và điều hướng bởi các tập đoàn, công ty lớn như Meta, Tiktok, Alphabet, Shopee, Tiki,…
Khi đưa ra đánh giá hay quyết định về thế giới xung quanh, ta sẽ thích nghĩ rằng mình là một người khách quan, có lo-gíc và có khả năng tiếp thu và đánh giá tất cả thông tin có sẵn một cách đầy lý trí. Nhưng thật không may, những thành kiến đôi khi sẽ khiến ta đi lạc hướng, và rồi sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm và những phán đoán trật đường ray.
Chính vì vậy mà nhóm chúng tôi có cảm hứng nghiên cứu và chọn đề tài “Tâm lý học hành vi và các thiên kiến, bẫy tâm lý tác động đối với hành vi, nhận thức, hành động và quyết định của học sinh”, làm đề tài nghiên cứu năm nay.

2.Phạm vi đề tài

Đề tài tâm lí là một đề tài rộng, và diễn biến tâm lí rất đa dạng và phong phú. Nhưng trong đề tài này, nhóm chúng tôi chỉ tìm hiểu về những thiên kiến mà học sinh phổ thông hay mắc phải. Từ đó xác định xem khi mỗi học sinh bị mắc phải những thiên kiến này, thì họ thường rơi vào bẫy tâm lí dẫn đến có những nhận thức, hành động và quyết định ra sao.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

Học sinh Trung Học Phổ Thông Chuyên Bạc Liêu (lớp 9 đến lớp 12).

4. Phương pháp nghiên cứu:

Đề tài được hoàn thành dựa trên cơ sở của các phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh, khảo sát và thống kê với lượng mẫu lớn. (Có phiếu khảo sát).

II. TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU

A. CƠ SỞ LÍ LUẬN

Mỗi người trong chúng ta đều có thể đưa ra ý kiến về "dư luận xã hội" và chắc chắn sẽ gặp phải và thống nhất với nhau ở nhiều điểm. Ta dễ dàng thống nhất với nhau rằng: dư luận xã hội là ý kiến chung của nhiều người; dư luận xã hội thể hiện nhận thức, thái độ của các nhóm người nhất định trước các vấn đề, sự kiện,... có động chạm đến lợi ích, mối quan tâm của họ….Ngoài những điểm dễ dàng có sự thống nhất đó, ta thấy rằng, ta rất dễ để tâm đến nhận xét, đánh giá của những người xung quanh, và thậm chí ta có thể có những nhận thức sai lệch về một vấn đề nào đó khi “số đông không hẳn là đúng”. Sự khác nhau, trước hết, có liên quan đến vấn đề thiên kiến của tâm lý học. Ở nước ta hiện nay cũng có một số quan niệm chỉ có ý kiến của đa số mới được coi là dư luận xã hội, được coi là chuẩn mực, là chân lí, là đúng đắn,… Hầu hết cho rằng dư luận xã hội bao gồm các ý kiến không chỉ của đa số mà còn cả của thiểu số.
Về mặt lý luận, cũng không có cơ sở nào để coi trọng dư luận của đa số hơn dư luận của thiểu số, đến mức phải loại bỏ dư luận của thiểu số ra khỏi phạm trù "dư luận xã hội". Ví dụ dưới góc độ về khả năng phản ánh chân lý, dư luận của đa số không phải khi nào cũng đúng, dư luận của thiểu số, không nhất thiết khi nào cũng sai. Thực tế cho thấy, trước các vấn đề mới, dư luận của thiểu số, nhiều khi, đúng hơn dư luận của đa số. Giữa dư luận của đa số và dư luận của thiểu số cũng không tồn tại một hàng rào ngăn cách không thể vượt qua được. Dư luận ngày hôm nay là thiểu số, ngày mai có thể trở thành đa số hoặc ngược lại, dư luận ngày hôm nay là đa số, ngày mai có thể chỉ còn là thiểu số.
Về mặt thực tiễn, quan điểm thích theo đám đông chỉ là ý kiến của đa số lại càng không phù hợp. Những góc nhìn phiến diện, không phản ánh được đầy đủ các luồng ý kiến khác nhau trong xã hội trước một vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, không những ít có giá trị cho sự thật, sự đúng đắn trong nhận thức, mà ngược lại, có khi còn có hại, nhất là trong trường hợp vấn đề, sự kiện, hiện tượng là cái mới, bởi lẽ, đối với cái mới, dư luận của đa số lúc đầu thường không đúng, thường có tính "bảo thủ".
Từ sự nghiên cứu tâm lí của tuổi học sinh thường dễ bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, từ cách nhìn nhận, đánh giá bên ngoài cho đến những yếu tố tác động đến nhận thức, tinh thần. Nghiên cứu tuổi học sinh, ta không thể không đề cập đến những mặt trái của lứa tuổi này. Những hiện tượng hoang mang, lạc lõng hay mất phương hướng cũng là dấu hiệu trong sự thay đổi tâm lí, mà đôi khi không rõ nguyên nhân, nhưng nếu không có người tham vấn kịp thời để tháo gỡ thì các bạn sẽ rất dễ tìm đến hướng giải quyết tiêu cực.
Như vậy, sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố: nội lực và ngoại lực - gia đình, nhà trường và xã hội, là giải pháp tối ưu giúp tuổi học trò phát triển toàn diện theo hướng có ích cho cộng đồng và nhà trường nói chung, cho gia đình và bản thân nói riêng.

B. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Từ thực trạng những biến đổi tâm lí của học sinh hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, môi trường sống mà nói theo cách khác là cuộc sống của khoa học công nghệ số, bên cạnh những kiến thức rộng mở, dễ dàng tìm kiếm trên những trang web, từ những thông tin trên mạng xã hội, đề tài này nhóm chúng tôi chỉ nghiên cứu trên một số phạm vi tâm lí học chung cho hành vi, các thiên kiến, bẫy tâm lí đã tác động đến những hành vi, nhận thức và hành động, quyết định của học sinh trong một vấn đề hay góc nhìn mà thường gọi là “tính điều hướng” và “dư luận xã hội”.

1. Những thiên kiến trong tâm lí học phổ biến mà học sinh thường mắc phải.

Dù đã nghe nhắc qua rất nhiều lần nhưng không có quá nhiều người biết rõ thiên kiến là gì. Về cơ bản, thuật ngữ này dùng để chỉ cách tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đơn giản. Điều này có thể được giải thích một cách dễ hiểu như sau: với lượng thông tin lớn tiếp nhận mỗi ngày, bản thân người tiếp nhận không thể phân tích kỹ lưỡng tất cả, do vậy, họ thường phải đưa ra những quyết định nhanh chóng và những quyết định này đôi khi rất phản lo-gíc và phi lý trí. Như cách nhà tâm lý học đạt giải Nobel kinh tế năm 2002, Daniel Kahneman, đã phân loại thành: hệ thống 1 và hệ thống 2.
Thiên kiến có rất nhiều loại, tùy vào lĩnh vực mà người ta có thể có những thiên kiến khác nhau. Trong tâm lí học sinh, những thiên kiến mà học sinh có thể ảnh hưởng và chi phối đó là những thiên kiến thường gặp như:
* Thiên kiến xác nhận (hay còn gọi là Confirmation bias)
Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias) là một hiện tượng tâm lý mà bản thân mỗi người thường có khuynh hướng chỉ chú ý đến những thông tin phù hợp với quan điểm hay niềm tin của mình. Đặc biệt, ta thường bỏ qua hoặc giảm nhẹ những thông tin trái ngược với suy nghĩ mà ta đang có.
* Khuynh hướng lạc quan (hay còn gọi là Optimism bias)
Khuynh hướng lạc quan (Optimism bias) là một hiện tượng tâm lý mà con người thường có xu hướng lạc quan quá mức. Những người này thường đánh giá thấp khả năng gặp phải những điều không mong muốn. Họ thường cho rằng kết quả tích cực sẽ đến với mình.
Khuynh hướng lạc quan có thể ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của mỗi người, khiến ta bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn và không thể đưa ra những quyết định không khôn ngoan. Đó chính là lý do vì sao ta cần có sự điều chỉnh phù hợp. Khuynh hướng lạc quan là một tập con của lý thuyết triển vọng.
*Khuynh hướng tiêu cực (hay còn gọi là Pessimism bias)
Khuynh hướng tiêu cực (Pessimism bias) là một sai lầm trong nhận thức, nó khiến ta có xu hướng đánh giá cao xác suất xảy ra những điều không mong muốn và đánh giá thấp xác suất gặp phải những điều tốt đẹp.
Chính điều này có thể gây ra những quyết định không hợp lý. Ngoài ra, khuynh hướng tiêu cực quá mức còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của mỗi người.
Khuynh hướng tiêu cực cũng là một tập con của lý thuyết triển vọng.
*Hiệu ứng hào quang (hay còn gọi là Halo effect)
Hiệu ứng hào quang (Halo effect) sẽ xảy ra khi bạn có ấn tượng tốt về một người và mặc định rằng mọi thứ từ người ấy đều tốt đẹp và ngược lại.
*Thành kiến mỏ neo (Anchoring Effect)
Thành kiến mỏ neo, hay còn gọi là hiệu ứng mỏ neo (Anchoring bias): Đây là xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào phần thông tin đầu tiên mà bạn học được. Ví dụ, nếu bạn biết giá trung bình cho một chiếc ô tô là một giá trị nhất định, bạn sẽ nghĩ rằng bất cứ giá tiền nào thấp hơn so với mức giá trung bình đó đều là những món hời, và có lẽ cũng không phải tìm kiếm các giao dịch tốt hơn nữa. Bạn có thể dùng kiểu thành kiến này để đặt kỳ vọng cho người khác bằng cách đưa thông tin đầu tiên lên để xem xét.
*Hiệu ứng sở hữu (Endowment Effect)
Hiệu ứng sở hữu là hiện tượng một người thường định giá tài sản mà họ sở hữu cao hơn so với thị giá. Nói cách khác, người ta thường từ chối bán đi những gì họ đã sở hữu với giá thấp hơn so với mức giá họ sẵn lòng bỏ ra mua lúc đầu. Kết quả, giá bán món hàng thường cao hơn giá mua.
*Hiệu ứng góc nhìn (Framing effect)
Xảy ra khi quyết định của chúng ta bị ảnh hưởng bởi cách thông tin được trình bày. Thông qua cách diễn đạt, những thông tin tương tự nhau có thể trở nên thu hút hơn và có thể đưa đến những sự lựa chọn, quyết định hoàn toàn khác nhau với cùng một thông tin, ý nghĩa nhưng cách diễn đạt lại khác nhau.

2. Nguyên nhân và tác động của những thiên kiến mà học sinh thường mắc phải.

2.1 Nguyên nhân mắc phải các thiên kiến
Nếu ta phải suy nghĩ về mọi lựa chọn khả thi và đầy lý trí khi đưa ra quyết định, ta sẽ mất rất nhiều thời gian để đưa ra lựa chọn, dù là lựa chọn đơn giản nhất. Do sự phức tạp của thế giới xung quanh và lượng thông tin trong môi trường, đôi khi chỉ cần dựa vào một số lối tắt tinh thần cho đã cho phép ta quyết định và hành động nhanh chóng.
Vậy tại sao ta lại dễ mắc phải những thiên kiến đó? Đó là bởi vì ta sợ phải thừa nhận ý kiến của mình là sai và trông ta sẽ trở nên rất ngớ ngẩn nếu ta sai, cho nên ta mới có xu hướng luôn tìm kiếm những bằng chứng để củng cố thêm cho niềm tin sẵn có mà ta nghĩ là đúng. Thật dễ dàng hơn nhiều khi tiếp nhận những ý kiến trái chiều về một chủ đề mà ta không mấy quan tâm. Song, trong sâu thẳm tiềm thức, vẫn luôn tồn tại một niềm tin vững chắc ảnh hưởng tới nhận thức của ta, ví dụ: ta luôn tin mình là một người tốt, ta tin rằng góc nhìn của ta về chính trị là đúng đắn. Những bằng chứng nào phản lại niềm tin vững chắc ấy sẽ gây ra cảm giác căng thẳng và khó chịu về mặt tinh thần, nó được gọi là sự xung đột về nhận thức. Những thành kiến về nhận thức có thể được gây ra bởi một số nguyên nhân khác nhau, nhưng chính những lối tắt tinh thần này, còn được gọi là suy nghiệm (heuristics), đóng một vai trò quan trọng. Mặc dù chúng thường có thể chính xác một cách đáng ngạc nhiên, song le, chúng cũng có thể dẫn đến sai sót trong suy nghĩ và những quyết định, lựa chọn sai lầm. Do vậy, Daniel Kahneman đã gọi hệ thống tự động này bằng một cách tên rất thân mật và vui vẻ là hệ thống 1 hấp tấp và hệ thống đưa ra các quyết định lý trí và sáng suốt thì gọi là gã hệ thống 2 lười biếng.
Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có thể góp phần vào những thành kiến này bao gồm:
- Cảm xúc.
- Động cơ cá nhân.
- Giới hạn về khả năng xử lý thông tin của trí óc.
- Áp lực xã hội.
2.2 Thực trạng học sinh mắc phải những các thiên kiến  ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi và hành động dẫn đến đưa ra những quyết định bản thân
2.2.1  Các thiên kiến mà học sinh mắc phải.
Theo sự khảo sát của các học sinh đang học tại trường THPT Chuyên Bạc Liêu, cơ sở 1 ( từ lớp 9 đến 12), những thiên kiến học sinh mắc phải:
Theo khảo sát học sinh từ lớp 9 đến lớp 12, các bạn thường mắc phải thiên kiến các thiên kiến bao gồm:
1. Hiệu ứng góc nhìn (framing effects) và thiên kiến mất mát (loss aversion) chiếm hơn 50%.
2. Sự thiếu hiểu biết về tỉ lệ (Ignorance of “base rates”) và lỗi lầm về tính đại diện (representativeness) lần lượt chiếm 83,185% và 81,185%.
3. Thiên kiến sẵn có (Confirmation Bias) chiếm 51,755%.
4. Ảnh hưởng của yếu tố ngoại cảnh lên tính đúng đắn của câu trả lời lần lượt chiếm: 63,125% so với 59,783%, 87,4214% so với 91,208791%, 23,78048% so với 64,894%. Ở đây, ta nhận thấy rằng, chỉ với sự thay đổi phông chữ nhỏ hơn cũng như làm chữ mờ hơn mà đã khiến cho việc câu trả lời trở nên chính xác hơn so với để ở dạng bình thường. Điều này được lý giải trong lý thuyết rằng, khi phông chữ nhỏ hơn và chữ mờ hơn sẽ khiến nó khó đọc hơn, từ đó gây ra cảm giác cảnh giác cao hơn, qua đó, giúp giải quyết vấn đề tốt hơn và cẩn thận hơn so với nếu để phông chữ và kiểu chữ bình thường dễ đọc đối với các dạng đố mẹo, lách léo. Đồng thời, nếu như dạng đó là dạng toán bình thường được luyện tập rất nhiều lần như giải hệ phương trình trong câu 5 ở cả 2 mẫu thì không làm cho mẫu 2 - phông chữ và kiểu chữ khó đọc hơn, có tỉ trọng câu trả lời chính xác hơn với mẫu 1.
5. Hiệu ứng hào quang (halo effect) chiếm 53,557%.
6. Hiệu ứng mỏ neo (Anchoring bias) chiếm 83,2951%
7. Lý thuyết triển vọng (bao gồm khuynh hướng lạc quan (optimism bias) và khuynh hướng tiêu cực (pessimism bias) lần lượt chiếm 75,8621% và 76,97%.
8. Hiệu ứng của sự sở hữu (Endowment Effect) trong đó, tỉ trọng giá mua thấp và giá bán cao ở cả 2 mẫu lần lượt là: 49,275% và 86,7257%. Ở đây, ta nhận thấy một điều thú vị như sau: ở phương diện người mua, nếu ta không cảm thấy ta sở hữu nó thì ta đưa ra mức giá mua rất hợp lý, song nếu như ta cảm thấy món mà ta muốn mua thuộc sở hữu của mình hay món mà ta muốn bán thuộc sở hữu của mình thì ta sẽ bán hoặc mua nó với giá rất cao so với mức giá mà ta sẽ mua hoặc bán nếu như ta không sở hữu nó hoặc cảm giác rằng ta không sở hữu nó.  
2.2.2 Ảnh hưởng của các thiên kiến đến nhận thức, hành vi và từ đó dẫn đến những hành động, quyết định của học sinh.
Chúng ta thường hay cho rằng, suy nghĩ và nhận thức của mỗi người đều có thể kiểm soát và quản lý chính xác. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết rằng, bộ não của mỗi con người luôn hoạt động trong trạng thái vô thức đối với các phản ứng của thế giới xung quanh. Khi tiếp nhận một thông tin, vấn đề nào đó sẽ khiến cho não bộ thực hiện quá trình suy nghĩ, đưa ra nhận định và lựa chọn. Song, trong quá trình đó, não bộ sẽ xử lý rất nhiều các thông tin khác nhau, đôi lúc vượt xa tầm kiểm soát của ý thức. Dưới góc nhìn của tâm lí học, các thiên kiến này có thể dẫn đến nhận thức sai lầm và dẫn đến các hành động, quyết định trật đường ray. Dù vậy, thiên kiến không nhất thiết lúc nào cũng là xấu. Các nhà tâm lý học tin rằng có nhiều thiên kiến phục vụ cho các mục đích thích ứng: cho phép ta đưa ra quyết định một cách nhanh chóng. Điều này có thể rất quan trọng nếu chúng ta đang đối mặt với một tình huống nguy hiểm hoặc đe dọa. Ta có thể lấy ví dụ thế này: Nếu như không nhanh chóng quyết định nhanh liệu phía trước có phải là thú dữ hay mối nguy hiểm cần phải tránh né ngay lập tức hay không thì lúc này những người sống sót sẽ là người quyết định nhanh nhất chứ không phải là người quyết định đúng nhất và chính xác nhất. Do vậy, lúc này tốc độ phản ứng sẽ được ưu tiên và được di truyền lại cho thế hệ sau, còn những cá thể có quyết định đúng đắn nhất nhưng không nhanh chóng tránh được các tác nhân nguy hiểm nhất sẽ bị loại bỏ khỏi quần thể và tiêu tan dần đi.
Bây giờ, ta xét đến một số ảnh hưởng tiêu cực của các thiên kiến đến hành vi, nhận thức và hành động và quyết định:
*Hạn chế việc tiếp thu thông tin mới: Khi ta mắc phải thiên kiến xác nhận, ta có xu hướng chỉ tìm kiếm, lựa chọn và tiếp thu thông tin xác nhận niềm tin hoặc quan điểm hiện có. Điều này có thể dẫn đến việc chúng ta không đặt câu hỏi hay không chấp nhận thông tin mới.
*Gây ra sự bất đồng và xung đột: Thiên kiến có thể làm tăng sự bất đồng và xung đột trong xã hội. Khi mọi người giữ chặt quan điểm và thiên kiến của họ mà không chấp nhận thông tin từ nguồn khác, tranh luận trở nên khó khăn hơn.
*Ảnh hưởng đến quyết định: Thiên kiến có thể ảnh hưởng đến quyết định cá nhân và quyết định tập thể. Ta có thể ra quyết định dựa trên thông tin không đầy đủ hoặc thông tin thiên vị, điều này sẽ dẫn đến quyết định không công bằng.
*Tạo ra tình trạng bảo thủ: Thiên kiến có thể làm tăng sự bảo thủ đối với quan điểm và niềm tin của mình. Chúng ta có thể trở nên khó chấp nhận hoặc không muốn lắng nghe các ý kiến hoặc quan điểm khác, dẫn đến sự phân chia và hạn chế trao đổi thông tin trong cuộc sống.
*Gây ra sự kỳ thị và loại trừ: Thiên kiến có thể dẫn đến sự kỳ thị và loại trừ những người hoặc quan điểm khác. Khi ta không mở cửa để xem xét và thảo luận với những người có quan điểm khác, có thể xảy ra sự chia rẽ và căng thẳng trong xã hội.
*Đưa ra những quyết định không hợp lý: Thiên kiến có thể khiến ta đưa ra những quyết định không hợp lý và thiếu sáng suốt. Khi ta mắc các thiên kiến, ta có xu hướng trả giá món hàng cao hơn giá trị nội tại của nó hay ta dễ dàng đưa ra quyết định thiếu khôn ngoan khi phớt lờ các yếu tố thống kê, yếu tố xác suất, từ đó, phóng đại quá nhiều về khả năng xảy ra một hiện tượng tiêu cực hay có niềm tin thái quá về việc xảy ra một hiện tượng tích cực trong cuộc sống một cách phi lô-gíc.
3. Các biện pháp cơ bản để chúng ta ít mắc phải các thiên kiến
Thiên kiến là một xu hướng tự nhiên của con người, khi ta có khuynh hướng tìm kiếm thông tin và ý kiến chỉ để xác nhận, củng cố quan điểm của mình. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội học hỏi và hiểu biết sâu hơn về thế giới xung quanh. Việc ta tránh các thiên kiến có thể giúp ta sống chân thành hơn, cởi mở hơn trong tư duy và cả trong nhận thức.
Do vậy, nhóm chúng tôi đề xuất một số biện pháp cơ bản sau để hạn chế việc mắc phải các thiên kiến:
*Khám phá cuộc sống với tư duy tò mò thay vì cố chấp
Khi ta cố chấp trong việc chứng minh sự đúng đắn của mình trong mọi tình huống, ta sẽ rơi vào bẫy của thiên kiến xác nhận. Các nhà khoa học đã nghiên cứu hai nhóm học sinh nhỏ. Nhóm thứ nhất tránh làm các bài tập mới và làm lại các bài tập đã giải, vì chúng sợ mắc phải sai lầm. Nhóm thứ hai, ngược lại, chủ động làm các bài tập mới khó hơn và học cách giải quyết chúng, thậm chí có thể mắc lỗi. Kết quả là nhóm thứ hai luôn đạt thành tích học tập xuất sắc hơn nhóm thứ nhất.
Do vậy, thay vì tập trung vào việc chứng minh sự đúng đắn của mình, hãy tập trung hơn vào trải nghiệm cuộc sống với thái độ tò mò và sẵn sàng khám phá. Khi ta sẵn lòng thừa nhận sự sai lầm của mình, ta đã mở cửa cho sự tiếp thu những kiến thức mới mẻ hơn.
*Tìm hiểu và đón nhận sự đa dạng trong quan điểm
Hiểu rõ các quan điểm đa dạng có thể làm phong phú và tinh tế hơn quan điểm sống của ta. Theo các nhà nghiên cứu, niềm tin cố chấp có thể thay đổi. Nhưng bằng cách nào? Hãy để một loạt quan điểm đối lập vây quanh ta.

C. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Tâm lý học trong giáo dục có thể tác động đến nhiều đối tượng bao gồm cả giáo viên, học sinh và gia đình. Đặc biệt trong giai đoạn mà tâm lý học đường đang trở nên cực kỳ nhạy cảm, mang nhiều màu sắc, ẩn chứa cả những điều tiêu cực mà ta không bao giờ lường trước được.
Không thể phủ nhận rằng tỷ lệ học sinh gặp các vấn đề tâm lý hiện nay như trầm cảm, rối loạn lo âu,… đang ngày càng tăng cao, thậm chí đạt đến những con số đáng báo động. Nguyên nhân dẫn đến những vấn đề này có rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như áp lực học tập, bạo lực học đường, gia đình không hạnh phúc,… Và khi tâm trí tiêu cực thì nó dẫn đến các hệ lụy khác như học hành sa sút, tinh thần dễ kích động và có xu hướng nổi loạn nhiều hơn.
Trong môi trường học đường, tâm lý học sinh thường còn rất non nớt, chưa thể thích ứng được với những tình huống bất ngờ hay những căng thẳng trong cuộc sống, đồng thời cũng không thể tìm cách giải tỏa phù hợp.
Mặt khác do sự phát triển của nhân loại cùng với việc sử dụng Internet, mạng xã hội không thể kiểm soát, học sinh cũng dễ dàng tiếp cận với những thông tin tiêu cực, thiếu văn minh, không phù hợp với lứa tuổi hơn cũng như tính định hướng, thuật toán, kĩ thuật marketing, các thủ thuật thao túng tâm lý, giật dây của những “gã khổng lồ”.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tâm lý học sinh, sinh viên hiện nay có xu hướng nhạy cảm hơn so với thời đại trước đây, đồng thời chúng cũng thường áp dụng các biện pháp giải tỏa tiêu cực, chẳng hạn như dùng chất kích thích, rạch tay hay có các hành vi bốc đồng khác. Những học sinh quậy phá, thường xuyên đánh nhau hay có các hành vi công kích với bạn bè hay thầy cô giáo cũng được hình thành từ những nhận thức sai lệch được bắt nguồn từ các vấn đề khúc mắc trong tâm trí.
Vì vậy, trong các nguyên tắc để phát triển toàn diện cho các bạn, thì yếu tố tâm lý, cảm xúc cũng là một trong những khía cạnh quan trọng cần được quan tâm nhiều hơn. Bởi chỉ khi tinh thần thoải mái, lạc quan, nghĩ đến những điều tích cực thì mới có thể tiếp thu kiến thức tốt, mới có thể chất tốt nhất để tham gia vào các hoạt động vui chơi, sinh hoạt khác như cách ông bà ta thường truyền tai nhau mà dạy rằng: “Một tinh thần minh mẫn đi liền với một cơ thể tráng kiện”.
Việc phát hiện và hành động sớm đối với những học sinh có tâm lý tiêu cực đóng vai trò rất quan trọng để ngăn chặn các hành vi như tự sát đã và đang diễn ra cực kỳ nhiều hiện nay. Tâm lý học trong giáo dục đóng vai trò thiết yếu trong việc gỡ bỏ các khúc mắc, điều chỉnh các hành vi, nhận thức lệch lạc của học sinh theo hướng đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi hơn.
Mặt khác quan trọng hơn là việc giáo viên hiểu về tâm lý thì hoàn toàn có thể hỗ trợ quá trình hoàn thiện về mặt nhận thức, đạo đức, tư duy cũng như định hướng phát triển tốt nhất cho tương lai của trẻ. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc đưa các lý thuyết và các phương pháp tâm lý học vào môi trường giáo dục có thể nâng cao chất lượng giảng dạy, cũng như xây dựng một môi trường học tập văn minh hơn.
Chẳng hạn khi phát hiện ra trong lớp có một học sinh có tâm lý bất ổn do cha mẹ thường xuyên bạo lực dẫn tới học hành sa sút thì nếu thầy cô kịp thời phát hiện, ngăn chặn được bạo lực gia đình xảy ra với em, thì chắc chắn con đường học tập và phát triển của em sẽ rộng mở hơn rất nhiều. Hay việc phát hiện sớm được các hành vi bạo lực trong học đường và có cách xử lý thông minh sẽ giúp cho cuộc đời của cả hai học sinh chứ không chỉ cá nhân đối tượng bị bắt nạt.
Trong thực tế nhờ ứng dụng đúng các kỹ năng của tâm lý học trong giáo dục đã giúp giáo viên có thể thay đổi rất nhiều học sinh từ cá biệt trở nên có ý chí học hành, nhận thức được các hành vi sai trái và quyết tâm thay đổi để bắt đầu lại và điều này ngày càng khẳng định rõ nét hơn tầm quan trọng của lĩnh vực này. Nhà trường cần thành lập các phòng ban, hội nhóm tham vấn tâm lý học đường để làm nơi giúp các em có thể chia sẻ những tâm tư, khúc mắc về các vấn đề tâm lý và tìm được hướng giải quyết phù hợp. Đây cũng là một trong những nhu cầu cấp bách hiện nay, đặc biệt khi tỷ lệ học sinh bị trầm cảm và có xu hướng tự tử đang ngày càng tăng cao. Nhà trường cũng có thể tổ chức các chương trình giao lưu, trò chuyện với các chuyên gia tâm lý về các vấn đề tâm lý học đường để các em có thể được giải đáp các khúc mắc một cách có chuyên môn hơn.

Một Vài Cảm Nghĩ

Giờ nhìn lại phải nói là bây giờ phải nể mình ngày xưa cực kì luôn ý. Mình và đứa em ngồi tổng hợp lại mấy trăm phiếu khảo sát rồi cùng cô Quyến lên bản thảo, chỉnh sửa. Nghĩ lại, sau đợt này, món quà vật chất, thành tựu mình không có nhiều đâu vì giải ba mình được trao giấy khen vậy thôi nhưng không được phê vào học bạ vì cô chủ nhiệm mình nói là tối thiểu giải tỉnh mới được ghi vô. Nhưng mà á, mặc dù không có giá trị thành tựu nhiều, nhưng mà mình lại học được nhiều thứ lắm luôn ý. Từ toán thống kê, ngồi phân tích, áp dụng những kiến thức toán học vào thực tế, ngồi vẽ biểu đồ, lập đồ thị rồi chỉnh sửa lỗi chính tả, đánh máy, rồi khiến văn phong khoa học hơn, mượt hơn,... Rồi khúc oải nhất cũng vui nhất là lúc ngồi thống kê lại khảo sát. Vâng, mấy trăm phiếu khảo sát, từ lớp 9 đến lớp 12, ngồi đếm, thống kê lại với thằng em, tuy mệt nhưng mà vui và lúc mà thống kê lại, gặp nhiều yếu tố thú vị và đáng nhớ lắm các bạn ạ. Một số trường hợp vui vui có hai đáp án thôi mà các bạn, các em viết thêm đáp án thứ ba vào nữa. Rồi chưa kể á là nó còn khiến mình tự tin nhiều hơn nữa. Bạn thử nghĩ mà xem, mình phải gõ cửa từng lớp, vào giờ ra chơi đi từng lớp một. từng phòng một để phát phiếu khảo sát. Vui có, buồn có. Có lớp thì hào hứng, có lớp thì không quan tâm lắm. Nhưng mà á, nhiều khi vui lắm các bạn ạ. Có lần mình đi phát phiếu cho các em lớp 10A. Các em nhiệt tình lắm, và dễ thương lắm nha. Rồi lớp 35 học sinh mà mình phát cho có 20 phiếu thôi thì các em hỏi mình khi mà sao không cho các em đủ phiếu luôn để các em làm. Rồi một số lời động viên như: "Anh giỏi quá vậy." hay "Anh định vô ngành tâm lý hả? Hèn gì sặc mùi tâm lý luôn! Em và tụi bạn làm mà ngồi cãi lộn chí chóa luôn á!" Thật sự á các bạn, giá trị thành tựu mình nhận được ít lắm, nhưng giá trị tinh thần, bài học mình rút ra được nhiều lắm các bạn ạ^^
Sau bài nghiên cứu này, mình nhận ra nhiều thiếu sót lắm và lúc gõ lại mình cũng thấy có một số chỗ mình nên cụ thể hơn bằng việc trích dẫn nguồn cụ thể,... Nói chung là mình nhận ra nhiều điều mình phải còn cải thiện, rút tỉa lần này. Nhưng mà á, việc bắt tay vào làm bài nghiên cứu này là một trong những điều tuyệt vời nhất mà mình từng làm hồi cấp ba. Có lẽ, trong cả ba bài nghiên cứu (mỗi năm, mình thực hiện nghiên cứu một lần, lớp 10 với lớp 12 thì mình đạt giải ba, lớp 11 mình làm không kịp thời gian) thì bài này là bài mà tâm đắc nhất, và đổ nhiều xương máu, công sức nhất.
Xin được gửi tặng các bạn một thời sôi nổi, nồng nhiệt của mình.
Trân trọng.
Bạc Liêu, thứ tư, ngày 17 tháng 7, năm 2024.
Lộc.
Bút danh: Alice Ezza Borther.