Nếu bạn cũng như mình, chắc bạn đã không ít lần được nghe “câu hò” của ba mẹ “dậy sớm đi con!” Mà ba mẹ mình dậy sớm thật. Ba mình trước đây trong quân ngũ nên ngày nghỉ cũng như ngày thường, cứ 5 giờ là ba dậy. Mẹ mình thì dậy muộn hơn nhưng cũng chỉ tầm 6 giờ, 6 giờ 30 là đã ra chợ rồi. 
Mình cũng biết những lợi ích của việc dậy sớm chứ. Những người thành công đều dậy sớm nữa. Nhìn lại thì mình không bao giờ trước được 8 9 giờ. Ba còn luôn nói mình nếu có việc dậy sớm không làm được thì làm gì được sau này. Bức xúc, mình nhất định tìm cách để dậy sớm như mọi người. 

1. Bị điều khiển bởi cảm xúc

Ngày đầu tiên thử dậy sớm. 6 giờ chuông reo re ré bên tai. Tắt phéng cái chuông đi, trong cơn lơ mơ chìm lại vào giấc ngủ, mình vừa bực cái báo thức, vừa bực bản thân. 
Vì sao dậy sớm lại khó khăn như thế? Câu trả lời là chúng ta là con người và con người thì hành động theo cảm xúc. Bất chấp việc chúng ta cho rằng mình lý trí đến đâu, cảm xúc vẫn là một động lực cực kì lớn định hướng hành động của con người. Ăn đồ ngọt, cảm thấy thích thú, ăn thêm. Chạm tay vào chảo nóng, sợ, lần sau không chạm nữa. 
Chúng ta đều có xu hướng lặp lại những hành động đem lại cảm giác dễ chịu cho mình và né tránh những hành động đem lại sự khó chịu. Aha, vậy là đúng rồi! Dậy sớm chẳng đem lại sự dễ chịu nào cho mình, nếu không muốn nói là còn khiến mình thấy khốn khổ. Vậy thì mình dậy sớm để làm gì cơ chứ? Liệu nếu tìm ra một lý do đủ lớn để bù đắp lại cho những khốn khổ của việc dậy sớm thì có giúp mình có động lực dậy sớm hơn không? Và lý do nào có thể đủ lớn? 

2. Hai dạng thức của động lực 

Những câu hỏi trên lại đưa mình vào hành trình chu du tìm hiểu về nguồn gốc của động lực (motivation). 
Theo các nhà tâm lý học thì tất cả các lý giải đều có thể được phân loại vào hai nhóm: động lực bên ngoài (extrinsic motivation) và động lực bên trong (động lực tự thân, intrinsic motivation) [1]. Theo đó, động lực bên ngoài là những kết quả mà việc thực hiện hành động đó sẽ đem lại. Chẳng hạn, nếu bạn cày bài vì sợ trượt môn, nỗi sợ trượt môn và những hậu quả kéo theo của việc trượt môn là động lực bên ngoài. Tương tự, nếu bạn đi làm để kiếm sống, thu nhập nhận được cũng là một động lực bên ngoài. Vậy động lực bên trong là gì? 
Nếu bạn biết câu ngạn ngữ “hãy chọn một công việc bạn yêu thích và bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong đời”, đó chính là định nghĩa cho động lực bên trong. Nói cách khác, động lực bên trong là niềm vui và sự thỏa mãn nảy sinh một cách tự nhiên trong chính quá trình thực hiện hành động. Một ví dụ minh họa sinh động và dễ hiểu cho động lực tự thân là hình ảnh một đứa trẻ lần đầu được đưa cho giấy và bút vẽ nguệch ngoạc mê mải hàng giờ mà không thấy chán.
Phát hiện này khiến mình nhận ra rằng tất cả những lý do mà mình có để thuyết phục bản thân dậy sớm đều là động lực bên ngoài! Và chúng còn cực kì mơ hồ nữa.
- Mình muốn dậy sớm vì tốt cho sức khỏe. Không chờ đã, không phải mình tin nó tốt cho sức khỏe mà là vì mọi người (bao gồm cả bố mẹ mình) nói rằng nó tốt cho sức khỏe. Như vậy, dậy sớm không phải điều mình thực sự muốn mà là điều người khác muốn ở mình. Tất nhiên, chúng ta luôn có xu hướng phản kháng lại những gì ép buộc lên mình. Và đó là lý do mình không dậy được dù mọi người nói nên làm thế. 
- Tương tự, mình muốn dậy sớm để thành công. Đó cũng là những gì người ta nói. Mình cũng không thực sự chắc thành công người ta nói đến là gì hay thành công mình muốn cho mình là gì và việc dậy sớm sẽ giúp đạt được thành công đó thế nào. Nói cách khác, đây là một mục tiêu mơ hồ mà kì vọng xã hội áp lên mình.
Vậy có phải động lực bên ngoài là xấu? Câu trả lời là không.

3. Động lực tự thân hay động lực bên ngoài?

Trong rất nhiều trường hợp, bạn hoàn thành được nhiệm vụ cần làm là do có động lực bên ngoài; sợ trượt môn mất tiền nên ráng thức khuya cày bài, muốn có thưởng nên gắng sức chạy KPI. Bản thân mình đã nhiều lần dậy sớm thành công bởi phải chạy bài hoặc đi du lịch (đây là dạng động lực dựa trên phần thưởng nha mọi người). Thế nhưng, nếu chỉ có động lực bên ngoài thì hoặc nhiệm vụ phải làm đó trông khó khăn hơn gấp bội, hoặc sẽ không duy trì được lâu dài. Bằng chứng là mình cũng chỉ dậy sớm được lúc chạy bài hay đi du lịch và chưa bao giờ thành công với việc duy trì dậy sớm. 
Lý do là bởi mình chưa tìm được động lực tự thân, hay sự thỏa mãn với chính việc dậy sớm, mà không vì bất kì phần thưởng hay nỗi sợ nào đi kèm. Tới đây, mình lại gặp phải song đề “nhức óc” - vì không có động lực tự thân nên không muốn dậy sớm. Nhưng động lực tự thân lại chỉ có khả năng có được trong lúc mình dậy sớm. Mà mình lại đang không dậy sớm. Câu chuyện con gà - quả trứng, giải quyết sao đây? 
Chính lúc này, vũ trụ lại thả cho mình chìa khóa để giải câu đố. Thực tế thì mình không hẳn là không có động lực tự thân, chỉ là đang chưa nhận diện được nó. Theo các nhà nghiên cứu, động lực tự thân thường có ba dạng, tương đương với ba giá trị mà con người tìm kiếm [2]:
- CHINH PHỤC THỬ THÁCH. Theo lý thuyết của White (1959), con người luôn tìm kiếm những thử thách mới và khao khát làm chủ được các kĩ năng bởi cảm giác thỏa mãn khi đạt được thành tựu
- TÒ MÒ HAY TINH THẦN HAM KHÁM PHÁ. The Berlyn (1960), đây là một nhu cầu nội tại của con người để tìm hiểu về thế giới xung quanh mình và vì thế nó là một dạng động lực bên trong 
- NHU CẦU KIỂM SOÁT HAY LÀM CHỦ. Hunt (1961), người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “động lực tự thân” thì cho rằng động lực chính của con người là nắm quyền kiểm soát và làm chủ được môi trường mình sống 
Khi đối chiếu lại với chính mình, mình nhận ra mình đã có được dạng động lực tự thân thứ hai - mình tò mò và muốn khám phá xem vì sao mình đang không dậy được sớm. Đó là một điểm không tệ để khởi đầu. Mình cũng nhận ra mình có thể chuyển đổi từ những động lực bên ngoài mơ hồ kể trên sang các động lực tự thân rất cụ thể:
1. Thay vì nói “mình nên dậy sớm vì mọi người đều nói nó tốt cho sức khỏe”, mình nói “để lời khuyên cho sức khỏe của mọi người sang một bên, mình chỉ muốn thử dậy sớm như một thử nghiệm giúp mình hiểu rõ hơn bản thân”.
2. Thay vì nói “mình nên dậy sớm để thành công”, mình nói “chà, có lẽ thành công với mình lúc này là việc mình làm chủ được việc thức dậy sớm và có thể làm nó nếu mình muốn”.
Tada! Vậy là mình đã có động lực tự thân rồi! 
Thêm một chiêu “hack não” rất hay ho khác mà mình học được ấy là, khi động lực tự thân của bạn không cao lắm, bạn hoàn toàn có thể bổ sung thêm động lực bên ngoài để tăng khả năng bạn hành động. Vậy là mình quyết định thêm chút “phần thưởng” cho việc dậy sớm vào ngày hôm sau - mình sẽ dậy sớm để đi ăn bánh canh, món ăn mình rất thích. Và mình nhận ra mình còn có thể thêm một chút động lực bên ngoài rất đáng tin cậy khác bằng việc rủ ba mẹ cùng đi từ ngày hôm trước. Bằng cách này, nếu não mình quyết định “nổi dậy” và bỏ qua tất cả những lý tưởng cho việc dậy sớm thì ba mẹ cũng sẽ la mình dậy. 

4. Bạn vẫn sẽ có thể không dậy được sớm và điều đó không sao cả

Tính đến hôm nay thì đã là ngày thứ 21 kể từ khi mình thử dậy sớm. Như đâu đó có thể bạn cũng đọc được, có thông tin rằng nếu bạn duy trì được thói quen nào đó trong vòng 21 ngày, bạn sẽ không bao giờ mất đi thói quen ấy. Mình chưa từng kiểm tra lại thông tin này. 
Nhưng bạn biết gì không, trong vòng 21 ngày vừa qua, có những ngày mình không hoàn toàn dậy sớm được như kế hoạch. Một hai hôm thì là do mình bị dí deadlines thức đến hai, ba giờ sáng để làm, kết quả là mình ngủ nướng sáng hôm sau. Sau đó thì mình lại mất một vài hôm để điều chỉnh lại giờ ngủ. 
Mình nhận ra để mình cảm thấy thực sự tốt, mình phải ngủ ít nhất tám tiếng rưỡi đến chín tiếng, nhiều hơn con số trung bình tám tiếng một đêm vẫn thường được phổ biến. Điều này có nghĩa, để mình dậy được sớm, mình cũng sẽ phải đi ngủ sớm. Nếu không, cơ thể mình sẽ khó để thức dậy hơn do chưa ngủ đủ giấc. Và một điều hết sức thú vị là, người cho mình được insight này lại chính là ba của mình. 
Khi ba thấy mình ngáp ngắn ngáp dài và kêu cay mắt vào một buổi sáng, ba đã hỏi mình sao không ngủ thêm mà dậy sớm làm chi vậy. Câu hỏi đó khiến mình tròn mắt xét đến việc ba luôn dậy sớm và luôn muốn mình dậy sớm. Trước sự ngạc nhiên càng lớn hơn của mình, ba cười nhẹ và nói ba đâu muốn mình phải luôn dậy sớm đâu. Làm gì cũng cần linh hoạt chứ. Nếu đang mệt mà có thể ngủ thêm thì cứ ngủ, đâu chết ai đâu. 
Mình lại thẫn người ra suy nghĩ. Phải rồi, đó chính là thứ giúp ba mình duy trì việc dậy sớm đều đặn bao năm qua dù đã ra khỏi quân ngũ! Đó không hẳn là áp lực phải làm gì đó liên tục 21 ngày để từ đó không bao giờ “trật nhịp”. Đó là khả năng linh hoạt để lắng nghe cả cơ thể mình về điều nó cần nữa. Rút cuộc thì dậy sớm là vì sức khỏe nhưng nếu khi nào đó việc ngủ thêm giúp bạn khỏe khoắn hơn thì tại sao không? 
Bài viết: Carota
Hiệu đính: Keira Ngo
----

Giới thiệu một chút về chúng mình

Carota là nền tảng tham vấn tâm lý online chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Chúng mình hướng đến xây dựng những giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần đổi mới, giảm thiểu tối đa các rào cản về kì thị, hiểu lầm, chi phí và địa lý, để người trẻ Việt có thể dễ dàng tiếp cận những dịch vụ phù hợp. Mời bạn tìm hiểu thêm và ủng hộ chúng mình tại đây nhé!

Tham khảo thêm: