Tâm lý đám đông trong đầu tư và cách mà tư duy ngược giúp bạn chiến thắng
Tâm lý và tư duy là hai yếu tố quyết định thành bại trong đầu tư. Bằng cách làm chủ cảm xúc, rèn luyện tư duy phản biện và dũng cảm đi ngược lại đám đông khi cần, bạn có thể tận dụng những cơ hội mà số đông bỏ lỡ để kiếm về lợi nhuận cho mình.
Đầu tư không chỉ là trò chơi của những con số, mà còn là cuộc chiến của tâm lý giữa kẻ mua người bán. Trong khi đám đông trên thị trường thường hành động dựa trên cảm xúc nhất thời, nhiều nhà đầu tư thành công lại biết tận dụng tư duy ngược để kiếm được lợi nhuận vượt trội.

Tâm Lý Đám Đông: Bẫy Cảm Xúc Trong Đầu Tư
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Daniel Kahneman (giải Nobel Kinh tế 2002), 90% quyết định đầu tư bị chi phối bởi cảm xúc hay tâm lý, dẫn đến hành vi phi lý trí. Trên thị trường, "Tâm lý đám đông" được dùng để chỉ việc một nhóm người bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc và hành động của đám đông mà không có chủ đích từ trước. Có thể thấy điều này trong một vài sự kiện quá khứ như:
❎ Bong bóng Dot-com (1997–2000): Các nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu công nghệ chỉ vì tên miền ".com", bất chấp nhiều công ty không có lợi nhuận. Hậu quả khi bong bóng vỡ, NASDAQ mất tới 78% giá trị và đưa nhiều người vào cảnh trắng tay.
❎ Khủng hoảng tài chính 2008: Phần lớn mọi người đều nói với nhau rằng "Bất động sản không bao giờ giảm" nên đã đua nhau mua nhà và đầu tư vào chứng khoán hóa (MBS). Khi thị trường bất động sản sụp đổ, đám đông nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo, hàng triệu người mất nhà và Lehman Brothers phá sản.

Tâm lý đám đông luôn tồn tại bất kể tại thời điểm nào trên thị trường. Nó được hình thành chủ yếu từ 4 nguyên nhân:
+ Thứ nhất, sự thiếu kiến thức: Nhà đầu tư chỉ nghe theo tin đồn và nhìn thấy bề nổi mọi người hô hào mà không hiểu được bản chất.
+ Thứ hai, áp lực xã hội: Không dám đi ngược lại số đông vì sợ bị đánh giá là kẻ ngốc.
+ Thứ ba, tâm lý FOMO: Là nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội tiềm năng, thường thấy ở những người mới yếu tay nhưng lại nghe quá nhiều người đang kiếm lời và làm giàu từ thị trường nên quyết định xuống tiền theo.
+ Thứ tư, tôi gọi đó là sự an ủi khi rủi ro: Suy nghĩ rằng nếu có rủi ro thì không chỉ mình mình mà là cả thị trường đều gánh chịu chung, còn nếu đi ngược số đông thì chỉ mình mình chịu lỗ.

Tư duy ngược: Lợi nhuận đến từ sự khác biệt
Đi ngược lại với ý kiến và suy nghĩ của đám đông chính là tư duy ngược. Điều này không cố định, nghĩa là không phải lúc nào cũng sẽ làm trái ý với đám đông. Nó bắt nguồn từ việc phân tích kỹ lưỡng và sự dũng cảm dám hành động. Trong lịch sử đầu tư, nhiều nhà đầu tư đã điền tên mình vào ngôi đến của những huyền thoại nhờ vào việc tư duy ngược để nắm bắt cơ hội.
✅ Bong bóng Dot-com: Warrent Buffett đã từ chối đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ dù bị chỉ trích là lỗi thời, ông tuân thủ nguyên tắc "chỉ đầu tư vào thứ mình hiểu rõ" và tránh được khoản lỗ khi bong bóng vỡ. Hay Bill Miller (Quỹ Legg Mason) đã nhận thấy sự định giá quá cao so với giá trị thực và bán cổ phiếu công nghệ sớm, dù chúng vẫn đang tăng giá để tránh được thời điểm sụp đổ của thị trường.
✅ Khủng hoảng kinh tế 2008: Khi sự hoảng loạn của đám đông lên cao trào, Warrent Buffett đã mua vào cổ phiếu ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America với giá "rẻ như tặng", thu về hàng tỷ USD khi thị trường hồi phục. Một huyền thoại khác là Michael Burry đã mua CDS (hợp đồng bảo hiểm rủi ro) cho các khoản vay subprime, đánh cược rằng chúng sẽ vỡ nợ và thu về 489% lợi nhuận cho quỹ của mình trong khi hàng loạt nhà đầu tư khác phá sản.
✅ Một câu chuyện khác về gia tộc Rothschild trong bối cảnh trận chiến Waterloo quyết định số phận Châu Âu. Tận dụng mạng lưới thông tin của mình, tin tức quân Anh thắng trận đã được Nathan Rothschild nắm bắt sớm, và theo lẽ thường thì ông nên mua vào trái phiếu Anh để kiếm lợi nhuận từ việc tăng giá. Nhưng không, Nathan Rothschild quyết định bán tất cả trái phiếu của gia tộc, khiến đám đông bên ngoài tin rằng ông đã có được tin quân Anh bại trận và hoảng loạn bán tháo khiến cho giá trái phiếu Anh xuống mức cực thấp. Sau đó ông cho người âm thầm mua vào tất cả lượng trái phiếu khi thị trường chạm đáy và trở thành chủ nợ lớn nhất của Vương quốc Anh. Khi tin quân Anh thắng trận được công bố, giá trái phiếu tăng vọt và đặt nền móng tài chính vững mạnh cho một trong những gia tộc quyền lực nhất thế giới.

Nguyên tắc áp dụng và quản trị rủi ro
Tôi chia ra thành 3 nguyên tắc mà bạn có thể áp dụng tư duy ngược trong đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận. Cụ thể:
+ Nguyên tắc 1: Mua khi "máu chảy" và đám đông đã mất niềm tin. Điều này cho thấy điểm đảo chiều đang dần xuất hiện. Bạn hãy dũng cảm với quyết định của mình và cân nhắc về rủi ro để khoản đầu tư có thể sống sót tới thời điểm đó.
+ Nguyên tắc 2: Bán khi thị trường quá lạc quan, và ai cũng nghĩ tiền là dễ kiếm. Điều này là dấu hiệu đang lên hơi của một bong bóng, hãy chấp nhận sự chỉ trích của đám đông và thoát hàng sớm. Đừng bận tâm về chút lợi nhuận ngắn hạn còn lại.
+ Nguyên tắc 3: Tìm cơ hội tại những nơi mà đám đông bỏ quên. Ví dụ: Năm 2020, cổ phiếu hãng hàng không (AAL, Delta) giảm 70% do COVID-19 và mọi người coi đây là ngành "chết". Nhưng Bill Ackman (quỹ Pershing Square) đã quyết định mua nó với chiết khấu lớn và khi du lịch phục hồi (2022–2023), ông thu lời 2 tỷ USD.
Về quản trị rủi ro, để tránh thất bại trong con đường đi ngược đám đông, tôi khuyên bạn 2 điều:
+ Thứ nhất, hãy phân biệt "giá rẻ" và "bẫy giá rẻ". Cổ phiếu Wirecard (Đức) từng bị đám đông chê bai khi giảm 50% năm 2019, nhưng sau đó nó phá sản vì gian lận kế toán. Và nếu bạn tư duy ngược trong trường hợp này, bạn chết chắc.
+ Thứ hai, kiên nhẫn chờ thời cơ, không cần phải luôn đi ngược lại đám đông. George Soros đã mất 2 năm quan sát và chuẩn bị trước khi "đánh sập" đồng Bảng Anh năm 1992, kiếm lợi 1 tỷ USD.
+ Thứ ba, phân tích kỹ lưỡng và chấp nhận rủi ro có tính toán. Bạn không thể biết khi nào thị trường sẽ đảo chiều. Nếu bạn vào mua quá sớm trong một thị trường giảm, bạn cần tính toán được nguồn tiền của mình phải trụ được tới khi thị trường xoay chuyển.
Tâm lý và tư duy là hai yếu tố quyết định thành bại trong đầu tư. Bằng cách làm chủ cảm xúc, rèn luyện tư duy phản biện và dũng cảm đi ngược lại đám đông khi cần, bạn có thể tận dụng những cơ hội mà số đông bỏ lỡ để kiếm về lợi nhuận cho bản thân. Giống như câu nói rất hay của một nhà đầu tư huyền thoại:


Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này