Đây là top 20 quốc gia/ vùng lãnh thổ có IQ trung bình cao nhất thế giới, và ta có thể thấy sự áp đảo của Đông Á trong top 10 với 6 quốc gia/ vùng lãnh thổ, dữ liệu từ trang worlddata.info. Vậy tại sao lại có sự vượt trội này?
Dưới đây là một số quan điểm của mình.

1. Nền văn hóa coi trọng sự “học”.

Ở các quốc gia Đông Á, thì việc học luôn là con đường ưu tiên nhất nếu muốn đạt được thành công, học không phải là con đường duy nhất nhưng là con đường dễ nhất và thông dụng nhất. Ngay từ thời phong kiến thì việc học luôn được đặt lên hàng đầu cho những đứa trẻ. Nên nhớ rằng các quốc gia Đông Á xưa bị ảnh hưởng cực lớn từ Nho giáo. Khổng Tử tin rằng giáo dục tốt sẽ thay đổi con người tốt hơn. Từ nông dân cho tới quý tộc, cứ có điều kiện thì sẽ cho con đi học, nông dân thì học ông giáo ở làng, quý tộc thì có thầy xịn kèm cặp. Học để đi thi, thi đậu để làm quan, làm quan là cuộc đời sang trang mới. Vợ sẵn sàng nuôi chồng ăn học suốt một năm hoặc vài năm với hy vọng đó. Trong bộ máy chính quyền thì chia thành quan văn với quan võ, thời chiến thì quan võ được trọng dụng, còn ngược lại ở thời bình thì quan văn đương nhiên được coi trọng hơn. Bởi vậy khi đất nước không có chiến tranh thì chọn đường quan văn sẽ ngon lành hơn, với lại không phải ai cũng có tố chất để đánh võ (ở đây không hề hạ thấp vai trò quan võ)
Ngay cả hiện tại thì câu chuyện áp lực học tập thi cử ở các nước như Trung, Nhật, Hàn vẫn tiếp diễn và ngày càng gay gắt hơn, nó được coi như nét văn hóa học đường ở các quốc gia này. Việc tỷ lệ chọi vào các trường cấp 3, đại học rất cao khiến sự cạnh tranh càng tăng và sự chuẩn bị càng sớm. Thậm chí sự chuẩn bị còn từ khi đang còn trong bụng mẹ với các chế độ dinh dưỡng mà họ cho rằng khiến đứa trẻ sinh ra thông minh hơn. Không bàn đến mặt hại thì việc coi trọng học hành rõ ràng là đã giúp trí lực của người dân Đông Á nổi trội hơn nơi khác.

2. Đặc điểm giáo dục.

Ở Nhật, đặc điểm của kỳ thi công khai hàng năm đó là:
(1) có một số câu hỏi nhất định cần trả lời trong một khoảng thời gian cụ thể
(2) tất cả các câu hỏi đều có nhiều lựa chọn.
Ví dụ, bài kiểm tra tiếng Anh yêu cầu thí sinh điền vào chỗ trống của một câu tiếng Anh cụ thể bằng giới từ, danh từ, động từ, thành ngữ hoặc mạo từ thích hợp nhất. Thí sinh cũng được yêu cầu chọn bản dịch tiếng Nhật phù hợp nhất cho một câu tiếng Anh cụ thể. Luôn luôn có năm hoặc sáu bản dịch có thể rất giống nhau. Các ứng viên phải chọn một.
Trong bài kiểm tra lịch sử, thí sinh có thể được yêu cầu cung cấp năm/ngày thích hợp nhất cho một sự kiện cụ thể của lịch sử. Vì vậy, thí sinh thường không cần phải suy nghĩ sâu sắc và phản biện để trả lời các câu hỏi (thực tế là không có đủ thời gian để làm điều đó). Điều quan trọng để làm tốt bài thi là phải trả lời càng nhiều câu hỏi càng nhanh và hoàn hảo càng tốt.
Ở đây, phong cách thi rất giống với hầu hết các bài kiểm tra IQ, điều đó cũng giải thích 1 phần vì sao họ làm tốt các bài kiểm tra IQ.
Ngoài ra, người ta nhận ra dân Đông Á có cảm quan về không gian tốt hơn dân khu vực khác, điều này giúp họ xử lý thông tin bên ngoài nhanh hơn, tốt hơn. Đặc điểm này khiến họ phù hợp với các ngành nghề như kiến trúc sư, kỹ sư, họa sĩ, . . .