Người Mỹ và người châu Âu khác biệt so với các dân tộc khác trên thế giới là do họ nhận thức về bản thân như những cá thể độc lập. Họ thích nghĩ rằng mình độc nhất, tự chủ, tự lực và tự lập. Như nhà nhân chủng học Clifford Geertz nhận định, đây là một tư tưởng khác thường.

Các dân tộc khác trên thế giới có xu hướng nhìn nhận bản thân họ trong mối liên kết với những người khác – phụ thuộc lẫn nhau, chứ không độc lập. Trong thế giới xã hội như vậy, mục tiêu của con người là hòa nhập và điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với những người khác, không để mình nổi bật. Họ tưởng tượng rằng bản thân họ như một phần của một tổng thể rộng lớn hơn, như là những sợi dây trong một mạng lưới, chứ không phải những kị sĩ cô độc ở biên giới. Ở Mỹ, có câu: “Bánh xe kêu cót két mới được tra dầu nhớt”. Trong khi ở Nhật, họ lại nói: “Móng tay nào dài quá thì dễ bị búa đập phải”.
Những ví dụ trên chỉ là vài nét phác thảo sơ qua về sự khác biệt của chủ nghĩa cá nhân ở hai nền văn hóa. Nhưng nghiên cứu đã chứng minh được rằng những khác biệt này vô cùng hiển nhiên, gây ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng. Nhà tâm lý học xã hội Richard E. Nisbett và đồng nghiệp nhận thấy các xu hướng khác nhau về tính độc lập và tính phụ thuộc ảnh hưởng đến quá trình nhận thức. Ví dụ như, người Mỹ xu hướng bỏ qua bối cảnh chung, trong khi người châu Á thì lại rất quan tâm. Nếu cho xem một bức ảnh một con cá lớn đang bơi giữa những con cá khác và những lùm rong biển, và người Mỹ sẽ ghi nhớ con cá lớn đơn độc ở trung tâm trước tiên. Đó là những gì đọng lại trong tâm trí họ. Những người xem Nhật Bản sẽ bắt đầu hồi tưởng về khung cảnh. Họ cũng nhớ nhiều hơn về rong biển và những vật khác trong khung cảnh.
Một nhà tâm lý học xã hội khác, Hazel Rose Markus, yêu cầu những người tới Sân bay Quốc tế San Francisco làm một bài khảo sát và đưa cho họ chọn một ít bút để dung, ví dụ bốn cây bút màu cam và một cây màu lục. Những người gốc châu Âu thường chọn cây bút nổi bật, trong khi những người châu Á lại chọn những cây bút có màu chiếm đa số.
Tiến sĩ Markus và đồng nghiệp của bà ấy nhận ra rằng sự những sự khác biệt này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Những ảnh hưởng tiêu cực – cảm giác bản thân tệ hại – có những hậu quả rất lớn và dai dẳng cho cơ thể của bạn nếu bạn là một người Phương Tây. Những ảnh hưởng này ít mạnh mẽ hơn hẳn nếu bạn là người Nhật, có thể bởi vì người Nhật có xu hướng gắn những cảm xúc này cho đại cục và không đổ lỗi cho bản thân.
Giả thuyết hiện đại hóa – nghĩa là khi thế giới xã hội trở nên giàu có hơn, họ cũng trở nên cá nhân hơn – cũng có phần đúng. Thế nhưng nó không giải thích được phong cách sống phụ thuộc lẫn nhau kéo dài của Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông.
Trong tháng 5/2014, tạp chí Science công bố một nghiên cứu, bởi nhà tâm lý học trẻ của đại học University of Virginia, Thomas Talhelm, nghiên cứu này cho rằng những sự nhận thức khác nhau của thế giới xã hội được tạo ra bởi công việc trồng lúa mì và trồng lúa gạo. Công việc trồng lúa gạo có một mùa vụ rất cầu kỳ. Bởi vì ruộng lúa gạo cần nước tù, chúng bắt buộc một hệ thống thủy lợi phức tạp phải được xây dựng và thoát lưu mỗi năm. Nước sử dụng của một nông dân còn ảnh hưởng đến thửa ruộng của hàng xóm anh ta. Một cộng đồng nông dân trồng lúa gạo cần làm việc cùng nhau theo những cách thức phối hợp chặt chẽ.
Trồng lúa mì thì khác, chỉ cần mưa, không cần hệ thống thủy lợi. Để trồng và thu hoạch lúa mì người ta chỉ mất nửa công sức so với lúa gạo và thực chất, họ ít phối hợp và hợp tác với nhau hơn. Và trong lịch sử thì châu Âu luôn là người trồng lúa mì còn châu Á luôn trồng lúa gạo.
Các tác giả của công trình khoa học lập luận rằng qua hàng ngàn năm như vậy các xã hội phương Tây và phương Đông đã tạo ra cho mình những nền văn hóa khác biệt. “Bạn không cần phải trực tiếp làm nông dân mới có thể thừa hưởng nền văn hóa ấy.”
Họ đã thử nghiệm trên đất nước Trung Hoa, nơi mà sông Trường Giang đã chia ra hai cộng đồng dân cư riêng biệt, trồng lúa mì ở phía bắc và trồng lúa nước ở phía nam. Các nhà nghiên cứu đã đưa một loạt nhiệm vụ cho người dân từ hai vùng đất khác biệt này. Ví dụ như là hỏi họ giữa một cái xe buýt, một tàu lửa và đường ray xe lửa thì hai cái nào trong ba cái trên cùng trường với nhau? Những người có tư duy phân tích và ít quan tâm đến bối cảnh hơn (những người trồng lúa mì) sẽ ghép xe buýt và tàu lửa, vì cả 2 đều thuộc vào cùng một loại hình trừu tượng. Những người tư duy toàn diện và chú ý đến bối cảnh hơn (những người trồng lúa nước) sẽ ghép xe lửa và đường ray xe lửa lại với nhau, bởi vì chúng phối hợp với nhau.
Khi được yêu cầu vẽ mạng lưới quan hệ xã hội của mình, người phương Tây sẽ vẽ bản thân lớn hơn bạn bè của họ; những người từ nền văn minh lúa nước lại vẽ những người bạn của mình lớn hơn chính bản thân họ. Và khi được yêu cầu miêu tả cách xử lí của họ nếu một người bạn khiến họ bị lỗ trong kinh doanh, các chủ thể từ vùng trồng lúa gạo ít đổ lỗi cho bạn bè hơn là những người trồng lúa mì. Nền văn hóa phương Tây có nhiều bằng sáng ché hơn, trong khi nền văn hóa phương Đông lại có tỉ lệ li hôn thấp hơn.
Tôi viết bài báo cáo này tại Thung lũng Silicon, nơi mà hầu như không có lúa gạo. Tuyên ngôn trí tuệ nơi đây là tất cả những gì bạn cần là một ga-ra, một ý tưởng hay và năng lượng dồi dào, thế là bạn có thể thành lập được nên một công ty có thể thay đổi cả thế giới. Tầm nhìn táo bạo được vẽ nên đẹp lung linh bởi các doanh nhân tràn đầy niềm lạc quan, nhưng họ lại để ý rất ít đến thế hệ đi trước, đến sự thể chế lâu đời, và cả cội nguồn sâu xa của cộng đồng và sự liên kết.
Phong trào Tiệc trà (1) ở Hoa Kỳ cũng không có tư tưởng “lúa gạo”. Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Đảng viên Đảng Cộng hòa của Texas hùng hồn tuyên bố rằng tất cả những gì mà một người đàn ông cần là một con ngựa, một cây súng và một vùng đất rộng mở, sau đó anh ta sẽ chinh phục cả thế giới.
Không phải ở đâu lúa mì cũng phát triển được. Start-up sẽ không thể giải quyết tất cả vấn đề của chúng ta. Một mình chàng cao bồi đơn độc cũng chẳng thể làm được gì sau một trận bão Katrina. Khi mà chúng ta đang bước vào thời kỳ mà những giá trị về chủ nghĩa cá nhân đang có xu hướng thống trị Quốc hội, xin hãy nhớ rằng lối tư duy đó có thể chỉ là sản phẩm từ cách làm nông nghiệp của ông cha ta, chứ không phải cốt lõi của sự phát triển loài người.
(1)   Phong trào Tiệc trà (tiếng Anh: Tea Party movement) là một phong trào chính trị phân quyền tại Hoa Kỳ nổi bật chủ yếu vì kêu gọi giảm nợ công quốc gia và ngân sách liên bang bằng cách giảm chi phí và thuế má. … Phong trào Tiệc trà không phải là một đảng chính trị quốc gia.
Translator: Chappie, nẤm
Editor: Nevange