Trong một bài báo được đăng trên tạp chí SCIENCE, các tác giả từ đại học Chicago chỉ ra rằng thấu cảm, hay các hành vi mang tính xã hội, không phải là độc quyền của con người. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cố gắng làm sáng tỏ câu hỏi: liệu một con chuột có "cố công" cứu một con chuột khác đang kẹt trong điều kiện tồi tệ? Câu trả lời là có.
---
I. Thí nghiệm 

Một đôi chuột: 1 con tự do, 1 con bị nhốt chặt trong lồng, được theo dõi trong 12 ngày. Thanh lồng có thể được nâng lên hoặc trượt sang ngang. Thí nghiệm được lặp lại với các thay đổi khác nhau để kiểm chứng kết quả.
Kết quả của thí nghiệm như sau: Có 6/6 chuột cái và 17/24 chuột đực mở thành công cửa lồng. Thời gian mở thành công là xấp xỉ 7 ngày. Chuột cái mở lồng sớm hơn chuột đực, di chuyển tích cực hơn, điều này trùng với giả định về khác biệt giới tính, vốn cũng được ghi nhận ở nhiều loài linh trưởng khác [1,2,3]. 

Khi chuồng trống (empty) hoặc thay bằng búp bê hình chuột (object), chỉ có 12,5% trường hợp mở lồng thành công. Chuột được ghi nhận thụ động hơn và có xu hướng tránh xa lồng (ảnh bên). Trong hai trường hợp này, chuột cái di chuyển ít hơn và cách xa lồng hơn so với chuột đực.
Thí nghiệm cũng đặt thêm các máy đo siêu âm. Kết quả chỉ ra rằng phần lớn sóng âm phát ra từ con chuột đang bị giam giữ. Số lượng tín hiệu nhiều nhất được ghi nhận trong 3 ngày đầu tiên. Số lượng tín hiệu giảm dần theo thời gian tương ứng với nỗ lực của con chuột giải cứu.
Về phương pháp giải cứu, trong những ngày đầu tiên các con chuột được ghi nhận thử nhiều cách. Tuy nhiên ở ngày 6+, tất cả đều dùng cách đẩy thanh chắn lên bằng đầu. Đây có thể coi là hành vi tự học rất đáng kể.
Ở các thí nghiệm tiếp theo, tác giả sử dụng các đôi chuột từ thí nghiệm đầu để tìm hiểu mối liên kết giữa chúng. Ngoài ra để tìm hiểu động lực đằng sau hành động "giải cứu", họ tiến hành một thí nghiệm đáng chú ý: thí nghiệm socola.

Tương tự như trên, thí nghiệm này có thêm một cái lồng, bên trong là 5 viên socola. Một con chuột bình thường sẽ ăn hết 7+ viên trong 1 lần ăn. Tuy nhiên, những con chuột trong trường hợp giải cứu chỉ ăn trung bình 3.5  (cộng trừ) 1.5 viên. Chúng nhường con chuột còn lại ăn 1.5 (cộng trừ) 1.4 viên. Trong thí nghiệm lồng trống, tất cả chuột đều ăn sạch số socola. Sự khác biệt trong 2 trường hợp và biến số lớn trong trường hợp đầu (xp 37%) chỉ ra rằng, có vẻ như chuột cũng có chuột this, chuột that.
II. Vài quan sát
Ở đây, đối lập với những nghiên cứu cũ [4,5], trong đó lập luận rằng con chuột tự do đang phản ứng với trạng-thái-stress của con chuột bị mắc kẹt, thông qua sóng siêu âm, điều này làm chính con chuột tự do bị stress. Nỗ lực của con chuột tự do là nỗ lực tự thân nhằm thoát khỏi trạng-thái-stress kể trên, và đây là hình vi vị kỉ được lập trình, tương tự như xã hội côn trùng của kiến và ong. 
Tuy nhiên lập luận trên không giải thích được nhiều trường hợp, đặc biệt là thí nghiệm socola. Thí nghiệm này được thiết kế để tạo một môi trường độc đáo với một loại thức ăn được đánh giá như "thuốc phiện". Với tiềm thức loài chuột thì đây được coi là một trường hợp không có tiền lệ và không phải hành vi được tưởng thưởng. Việc lựa chọn chia sẻ cho thấy loài chuột có thể cảm nhận được tình trạng của đồng loại, và đây là khởi nguồn của thấu cảm.
Một lưu ý là các con chuột trong phòng thí nghiệm có đầy đủ thức ăn và không phải cạnh tranh lẫn nhau, nên chúng có thể phát triển những năng lực tâm lý cầu kì. Ví dụ chuột nhà kiếm ăn qua bữa, sống qua ngày, lúc nào cũng bị chửi và dọa giết, nhiều khả năng sẽ không được tình thương mến thương như đám chuột trong bài. 
Ngoài ra, khả năng cảm nhận tình trạng của người khác, hay thấu cảm, có phải là một yêu cầu tiên quyết của một xã hội thành công hay không, lại là một câu chuyện khác [6]. Đó là một câu chuyện dài. Tuy nhiên một xã hội mà ngành truyền thông nắm đầu, ngành giải trí sờ đuôi, thì chẳng bao giờ thành công [7].
Nguồn
1. D. J. Langford et al., Soc. Neurosci. 5, 163 (2010).
2. T. Romero, M. A. Castellanos, F. B. de Waal, Proc. Natl. Acad. Sci. U.S.A. 107, 12110 (2010).
3. C. Mohr, A. C. Rowe, O. Blanke, Br. J. Psychol. 101, 277 (2010).
4. R. M. Church, J. Comp. Physiol. Psychol. 52, 132 (1959)
5. J. F. Lucke, C. D. Baton, J. Exp. Soc. Psychol. 16, 214 (1980)
6. C. Bob, Civil and Uncivil Society, Oxf .Civ. Soc (2012)
7. This was once revealed to me in a dream.