Tại sao chúng ta không trân trọng những gì dễ dàng có được?
Rời đi hay từ bỏ cũng là cách tàn nhẫn nhưng hiệu quả nhất để một người học cách trưởng thành.
Tôi có vài người bạn luôn không biết trân trọng những gì đang có trước mắt. Họ đắm chìm vào những hoài bão mà chẳng thể với tới dù chỉ là một cánh tay, họ mê đắm những người họ không có được, và luôn khao khát tình bạn mà họ chưa bao giờ có.
Họ dường như chưa bao giờ dừng lại và nhìn vào những gì họ đang có ở hiện tại. Mọi thứ họ làm là luôn hối tiếc về một quá khứ đã qua và khao khát những gì mà tương lai còn chưa biết rõ.
Tôi đã thắc mắc tại sao họ lại có thể như vậy, và tại sao cả chúng ta cũng như vậy. Nếu có một thứ gì đó quá dễ dàng có được, chúng ta quên mất phải trân trọng nó. Từ việc đó mà chúng ta luôn có những bài học “làm giá” trong tình yêu. Nào là phải giữ bí mật cho riêng mình để đối phương tò mò, nào là phải chảnh lên một tí để đối phương có thể có cảm giác chinh phục. Lâu dần có những cuộc tình cứ ngỡ như một trò chơi đuổi bắt, anh bắt tôi thì tôi chạy, tôi quay lại thì anh bỏ đi. Cứ thế mà tình yêu trở thành một ván cờ hơn là tình yêu theo đúng nghĩa của nó.
Tôi luôn nghĩ hai người yêu nhau, tại sao không thẳng thắn thành thật tìm hiểu nhau bởi những gì chân thật nhất của nó. Nếu nhớ thì bảo nhớ, nếu muốn tìm hiểu thì cứ tìm hiểu, tại sao phải cứ giấu diếm? Và tôi chợt nhận ra là nếu theo khoa học thì vì những điều thú vị và bất ngờ luôn khiến não bộ của chúng ta sản sinh ra hocmoon nhiều hơn, và lượng dopamine cũng cao hơn. Nếu họ biết hết tất cả ngay từ lần gặp đầu tiên thì lượng hocmoon này sẽ khó để sản sinh ra ở những lần tiếp theo. Tương tự với việc đọc một quyển sách, hay coi một bộ phim. Nếu bạn đang xem dở ở tập 20 và bạn muốn ngừng lại thì chỉ cần xem cái kết, động lực xem phim hay đọc sách đến hết của bạn sẽ giảm xuống bằng 0 và bạn sẽ tự khắc ngừng lại. Giữa người và người cũng như thế.
Đôi khi những gì giữ lại không phải là bí mật, mà là cách để chúng ta tạo những bất ngờ và để đề phòng trước những gì có thể xảy ra. Tin tưởng một ai đó quá mức đều sẽ khiến chúng ta rơi vào vòng nguy hiểm.
Quay lại câu chuyện không biết trân trọng, tương tự với việc biết quá nhiều về một người, chúng ta sẽ có xu hướng nghĩ rằng người đó đã ở đó và sẽ không bao giờ rời đi. Nên việc quan tâm cũng sẽ ít dần đi, giống với việc chúng ta thường bảo tại sao con trai quen được rồi thì sẽ trở nên lạnh nhạt. Thật ra một trong số họ là vì nghĩ có được rồi, và họ cần sự yên bình sau khi quen. Đó là cốt lõi của một mối quan hệ mà chúng ta cần phải chấp nhận.
Nhưng hãy tỉnh táo lại một chút ở đoạn này nào. Lạnh nhạt một chút tức là không phải mỗi ngày gọi điện hay nhắn tin như lúc mới yêu, mà là những lần gọi đều tràn ngập sự quan tâm và yêu thương đến đối phương.
Lạnh nhạt có thể là không còn lúc nào cũng kề sát bên bạn, vì bạn và họ đã quen nhau rồi thì có thể dành thời gian của mình cho những người bạn hoặc công việc riêng. Ai cũng cần có một khoảng không riêng, nên điều này là tất yếu. Nhưng không kề sát không có nghĩa là không nhớ nhung và không muốn dành thời gian cho bạn. Yêu đương chính là tôi dành thời gian cho anh, thì anh cũng luôn mong muốn có thời gian bên cạnh tôi.
Lạnh nhạt có thể là sự săn đón ít đi, nhưng thay vào đó là sự thông cảm và sẻ chia.
Lúc cưa cẩm và tiến vào mối quan hệ sẽ có sự khác biệt, không thể nào chúng ta đòi hỏi cả sự nồng nhiệt và bình yên cùng một lúc ở hai giai đoạn khác nhau. Nhưng có được rồi không có nghĩa là sẽ không trân trọng, sự lạnh nhạt trong mối quan hệ là việc giảm bớt sự nồng nhiệt để đổi lấy sự bình yên. Và đương nhiên trong sự bình yên đó luôn phải có sự trân trọng.
Nhưng rất nhiều người sau khi có được người bên cạnh mình rồi thì lại có xu hướng không để tâm đến, và mặc sức quăng những cảm xúc tiêu cực cũng như những bất hạnh của đời mình vào người đó không thương tiếc. Sự quan tâm ít dần, sự ích kỉ và nhỏ nhen cũng dần xuất hiện.
Tôi đồng ý là người bạn đồng hành với mình thì cần phải có sự sẻ chia. Nhưng hãy hiểu rằng ai cũng đang có gánh nặng trên vai, nếu bạn đem toàn bộ sự tức giận của bạn trút xuống người bên cạnh mình, họ nhất định sẽ bị hủy hoại bởi chính bạn. Và mối quan hệ đó cũng sẽ đầy vết rạn nứt của sự đau khổ. Đó không gọi là tình yêu, đó là sự ích kỉ và không trân trọng. Đừng vì việc một ai đó yêu thương bạn và ở bên thì bạn có quyền làm tất cả mọi thứ với họ.
Hãy hiểu là người yêu bạn sẽ có thể chịu được sự tiêu cực của bạn, nhưng không đồng nghĩa là bạn cứ thế mà mãi không thay đổi và tùy tiện tổn thương người đó.
Có rất nhiều người có thói quen như vậy vì nghĩ rằng đối phương sẽ nhường nhịn, và vẫn sẽ luôn ở ngay đó. Mà bạn biết không, một người luôn có một mức độ giới hạn, khi chạm đến cực hạn rồi thì người hiền lành nhất lại là người tàn nhẫn nhất. Vì đó là cách duy nhất giúp họ xây dựng lại những bức tường thành tổn thương trong lòng họ, và vì họ đã chịu đựng quá nhiều những gì bạn gây ra cho họ. Nên rời đi, sẽ là lựa chọn tốt nhất cho chính họ, và cho cả bạn nữa. Khi mất đi một thứ gì đó rồi, ai cũng sẽ học cách trân trọng thôi.
Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ mãi có được những gì chúng ta đang có. Thậm chí mạng sống còn có thể mất đi trong tích tắc, một người đủ tổn thương tại sao lại không có quyền rời đi?
Nếu bạn đang rơi vào một trong những tình trạng như thế, vậy thì ngừng lại một chút nhé.
Hãy nghĩ thử xem, bạn đã làm ai tổn thương chưa? Nếu rồi, tại sao lại không xin lỗi họ nhỉ? Một lời xin lỗi không thể giải quyết vấn đề, nhưng nó là khởi đầu của việc nhận lỗi, còn lại thì bạn phải tùy cơ ứng biến với tình huống thôi. Tôi không thể cho bạn lời khuyên là bạn cần làm gì nếu là người gây ra lỗi, vì nó còn tùy vào trường hợp và hoàn cảnh riêng của bạn. Và một sự thật là mọi lời khuyên đều vô nghĩa vì đôi khi một phần sự thật luôn được cất giấu, và người đưa ra quyết định lại chỉ là chính bạn mà thôi. Nên đừng đi tìm một lời khuyên nào đó đáng giá, mà hãy dành thời gian để nhìn lại sự ích kỉ của bản thân và những người xung quanh.
Và nếu bạn đang chịu tổn thương, đừng mù quáng nữa, hãy nhìn lại bản thân và người đó xem, bạn có tốt lên không?
Nếu một mối quan hệ khiến bạn đang chết dần chết mòn, và không còn yêu bản thân mình nữa. Vậy thì, ngại gì mà không rời đi để bản thân có thể vui vẻ hơn.
Cuộc sống vốn ngắn ngủi, hãy chọn niềm vui thay vì sự đau khổ thì một ngày 24 giờ của bạn sẽ có thể vui vẻ hạnh phúc hơn hẳn. Mở mắt ra thức dậy là những điều tốt đẹp đáng để bạn mong chờ chứ không phải là nỗi đau dày vò bạn hằng ngày. Một người không trân trọng bạn có thể khiến bạn trở thành một cái xác không hồn đẫm nước mắt. Nhưng một người yêu thương và quan tâm đến bạn sẽ khiến cho mỗi ngày của bạn trở nên trọn vẹn hơn.
Ai cũng sẽ phạm phải sai lầm, và hối lỗi là điều cần thiết. Nhưng quá nhiều cơ hội cho một người là không đáng, vì đôi khi học được cách trưởng thành phải đến từ những nỗi đau. Và đôi khi tàn nhẫn lại là lựa chọn tốt nhất dành cho một mối quan hệ độc hại.
Rời đi hay từ bỏ cũng là cách tàn nhẫn nhưng hiệu quả nhất để một người học cách trưởng thành.
-Lâm Duệ Nghi-
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất