Ma Thuật và Tôn Giáo
Ma thuật hoàn toàn không được chấp nhận trong tôn giáo độc thần của người Do Thái cũng như trong Cơ-đốc Giáo. Sử dụng ma thuật để tạo bất cứ hiệu quả nào trong đời sống tôn giáo là đi ngược lại với ý chỉ Ðức Chúa Trời, khinh bỉ quyền năng Ngài và chống lại tôn giáo chân chính. Bản chất của ma thuật là nếu không liên hệ với quyền lực của sự tối tăm thì chỉ là lừa dối và mê tín dị đoan. Còn nếu xuất phát từ quyền lực của sự tối tăm thì ma thuật chính là các phép lạ của quỉ, hoàn toàn trái với mạc khải về Ðức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Một khi dung nạp ma thuật là Cơ-đốc Giáo đã suy đồi. Ma thuật chỉ có thể hiện diện trong các hình thức tà giáo suy thoái của Cơ-đốc Giáo chứ không thể nào hiện hữu trong Cơ-đốc Giáo thuần túy.
Trong khi đó các tôn giáo khác ngoài Cơ-đốc Giáo lại thường là đất dụng võ của đủ loại pháp môn tà thuật, vì đặc trưng trong các tôn giáo là thờ hình tượng và vi phạm nhiều giới răn liên quan đến luân lý của Ðức Chúa Trời. Vì thế sức mạnh trung tâm của các tôn giáo đó xuất phát từ ma quỉ, như Sứ đồ Phao-lô giải thích trong ICo 10:20 “những đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỉ chứ không phải là cúng tế Ðức Chúa Trời”. Vì ma thuật hoạt động dựa trên căn bản lừa dối với các phép lạ phát xuất từ ma quỉ nên Kinh Thánh lên án và nghiêm cấm. Ðối với người Hy-Bá các thần ngoại bang được các thầy phù thủy và pháp sư thờ cúng, đều là các tà linh. Liên hệ với các hoạt động thông linh là phạm vào giới răn đầu tiên nghiêm cấm thờ tà thần (Xu 20:1-6  Phu 18:9,10).
Dù lên án việc thực hành ma thuật nhưng Kinh Thánh minh thị xác nhận thực tại sức mạnh của ma thuật. Trong phần ký thuật các tai ách giáng trên đất Ai-cập, Kinh Thánh mặc nhiên coi các thuật sĩ Ai-cập có pháp thuật làm được những việc siêu nhiên (IITi 3:8). Các thuật sĩ Ba-by-lôn được đề cập trong Da ni ên 1:20  2:2,27  4:7,9 5:11, cũng hàm ý họ có thể dùng pháp thuật làm được những việc lạ lùng.
Xu 7:10-13 chép, “Vậy Môi-se và A-rôn đến cùng Pha-ra-ôn và làm như lời Ðức Giê-hô-va đã phán dặn. A-rôn liệng cây gậy mình trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, gậy liền hóa thành một con rắn. Còn Pha-ra-ôn cũng đòi các thuật sĩ và thầy phù chú là những thuật sĩ Ai-cập; phần họ cũng cậy phép phù chú mình mà làm giống in như vậy. Mỗi người liệng gậy mình, liền hóa thành rắn, nhưng gậy của A-rôn nuốt các gậy của họ. Thế mà lòng Pha-ra-ôn vẫn cứng cỏi, chẳng nghe Môi-se và A-rôn, y như lời Ðức Giê-hô-va đã phán”
Xu 7:20-22 chép, “Vậy Môi-se và A-rôn bèn làm y như lời Ðức Giê-hô-va đã dặn mình. Trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, A-rôn giơ gậy lên, đập nước sông, hết thảy nước sông bèn biến thành huyết. Cá dưới sông chết, nước sông hôi thúi, người Ai-cập không thể uống được; vậy huyết lan khắp cả xứ Ai-cập. Song các thuật sĩ cậy phù chú mình cũng làm được như vậy, lòng Pha-ra-ôn cứng cỏi không nghe Môi-se và A-rôn chút nào, y như lời Ðức Giê-hô-va đã phán”.
Sách Khải Huyền cho biết lịch sử nhân loại sẽ kết thúc với những nỗ lực cuồng nộ của ma quỉ với đủ mọi thứ pháp thuật, đủ thứ phép lạ, dấu kỳ. Nhưng đến cuối cùng Satan và các thuộc hạ đều bị đánh bại, bị xiềng lại và ném vào hồ lửa để chịu khổ nạn cho đến đời đời.
Nguồn Gốc và Mục Tiêu của Ma Thuật
Có thể nói nguồn gốc của ma thuật khởi đầu từ khi con người đầu tiên sa ngã. Trong khi Ðức Chúa Trời truyền lệnh cho con người làm đầy dẫy đất, quản trị đất trong tinh thần tùng phục và tùy thuộc Ngài thì Satan đã gợi ý cho con người thâu đạt tri thức cũng như quyền lực độc lập với Ngài, “sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Mong muốn có tri thức và quyền lực trái với ý muốn Chúa đã cấu thành yếu tính của ma thuật. Nghe theo lời Satan, con người đã chọn con đường bất tuân, chống lại Ðức Chúa Trời. Con người khởi sự có những con đường riêng, với lối suy nghĩ và hành động riêng khác với ý muốn Ðức Chúa Trời khi con người tự đặt mình vào vùng ảnh hưởng của Satan. Dần dà Satan đã nắm được con người và dùng con người làm công cụ để phá hoại chương trình của Ðức Chúa Trời trên đất.
Sử dụng ma thuật có thể coi là một hình thức nổi loạn khác khi con người quay lưng lại với Ðức Chúa Trời là Chân Thần để qui phục tà thần là ma quỉ. Con người không chỉ cúng thờ ma quỉ dưới nhiều hình thức mà còn đi xa hơn, tình nguyện tham gia vào hàng ngũ chúng tích cực hơn để tìm kiếm quyền lực siêu nhiên qua ma thuật. Một khi đã ở dưới sự khống chế của ma quỉ, con người trở nên đui mù về phương diện thuộc linh, không thấy được ánh sáng Phúc Âm và cũng không muốn từ bỏ con đường thờ cúng tà thần để quay trở về với Chân Thần. Mặt khác, ma quỉ cũng sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn trở một người ở dưới quyền lực của nó đến với Chúa. Nó sẽ nỗ lực điên cuồng để cột trói con người trong xiềng xích nô lệ qua những truyền thống thờ cúng, trá hình dưới những danh nghĩa đạo đức tốt đẹp như hiếu kính cha mẹ hoặc theo truyền thống dân tộc...
Trong ánh sáng của Lời Chúa, mục tiêu của ma thuật là tranh dành quyền lực và ảnh hưởng của Ðức Chúa Trời, như khuynh hướng cố hữu của ma quỉ tự nâng mình lên địa vị Ðức Chúa Trời, “làm ra mình bằng Ðấng Rất Cao” (E sai 14:4). Mục tiêu của ma thuật là lừa dối được càng nhiều người càng tốt để từ đó đưa họ vào trong vòng xiềng xích của ma quỉ. Trong những ngày cuối cùng, Kẻ Ðịch Lại Chúa Cứu Thế sẽ xuất hiện.
IITe 2:9-10  cf Kh 13:1-18, “kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Satan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả; dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của chân lý để được cứu rỗi”
Chuyển Giao Khả Năng Ma Thuật
Sự kiện một người thành thạo trong lãnh vực thông linh kết hợp với những khả năng thực hành ma thuật không phải là chuyện tình cờ. Thụ nhận sức mạnh ma thuật thường là kết quả của một số các yếu tố. Trước hết và quan trọng nhất là yếu tố di truyền. Yếu tố quan trọng kế tiếp là do tiếp xúc, liên hệ, qui phục tà linh và thử nghiệm các hoạt động thông linh.
Sức mạnh thông linh và khả năng ma thuật được truyền lại cho các đời sau, thường là bốn thế hệ. Ma thuật là một hình thức thờ hình tượng, giống như hoạt động thông linh của đồng bóng, vi phạm nghiêm trọng giới răn thứ nhất cho nên sẽ phải nhận án phạt như Lời Chúa công bố.
Xuất Ê díp tô ký 20:5 chép, “Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, tức là Ðức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời”.
Là Chân Thần duy nhất, Ðức Chúa Trời ghét sự thờ hình tượng vì đó là một xúc phạm nghiêm trọng hơn hết đến sự thánh khiết và đặc tính vô đối của Ngài. Chính vì vậy mà việc thờ lạy ma quỉ đưa đến hậu quả không tránh được là hình phạt của Ðức Chúa Trời cho đến đời thứ ba, thứ tư, đối với những ai coi thường Ðức Chúa Trời và giới răn Ngài.
Nhìn chung, lịch sử ma thuật cho thấy những loại quyền lực trong thông linh có thể truy nguyên đến bốn đời. Thông thường người cha hấp hối truyền lại cho con trưởng những khả năng ma thuật của mình nhưng khi con cái không chịu thừa hưởng những khả năng ma thuật đó thì cái chết kia có thể trở thành một mối đe dọa, một nỗi kinh hoàng cho con cháu! Người hấp hối cho biết sẽ không được “yên nghỉ” cho đến khi tìm được người tiếp nối sự nghiệp ma thuật. Ðôi khi một người bà con xa nào đó phải đứng ra tiếp nhận sự chuyển giao quyền lực này. Thông thường việc truyền thụ được cử hành theo một nghi thức giống như lễ đặt tay trong Kinh Thánh (Cong 8:17  19:6  cf. Phu 34:9). Lịch sử thực hành ma thuật thường cho thấy một hay nhiều thuật sĩ, nhất là những người thực hành ma thuật đen hay quỉ thuật, chuyển giao khả năng ma thuật chữa bệnh hay bói toán bằng cách đặt tay lên đầu người thụ nhận và đọc thần chú.
Người ta cũng có thể thâu đoạt quyền lực ma thuật bằng cách ký kết một khế ước với Satan, thường là bằng chính máu mình. Ðây là một hiện tượng có từ ngàn xưa. Nhà tiên tri Ê-sai bảo đó là “kết ước với sự chết và giao ước cùng âm phủ” (Es 28:15). Những người thực hành ma thuật từng cam kết như vậy với ma quỉ thường được ban cho khả năng ma thuật rất lớn, tuy nhiên, đây cũng là những người bị cột trói trong xiềng xích của tà thuật, rất khó thoát ra. Việc thực hành trích máu cam kết với Satan không phải là chuyện mê tín xuất phát từ các tay phù thủy thời Trung Cổ, nhưng là hình thức phát triển tà thuật còn rất phổ biến trong các vùng làng quê ở Âu Châu là nơi các sách vở về ma thuật được phổ biến và lưu hành khá rộng rãi trong nhiều thế kỷ. Các quyền lực ma thuật vì thế cũng được lưu truyền trải qua nhiều đời.
Quyền lực ma thuật cũng được tiếp thu bằng con đường tập tành dính dấp đến các hoạt động thông linh. Một công nhân ở một thành phố Thụy-sĩ cảm thấy chán công việc đang làm và bắt đầu mơ đến việc kiếm tiền dễ dàng hơn của các thầy thôi miên và chữa bệnh bằng thông linh. Anh ta khởi sự mua các sách vở dạy ma thuật và bắt đầu học thần chú và phù phép, tham gia các cuộc cúng tế ma quỉ và thực tập chữa bệnh. Khả năng chữa bệnh bằng pháp thuật của anh ta tiến bộ rất nhanh và không bao lâu lợi nhuận kiếm được qua công việc này đã nhiều hơn gấp bội so với lương công nhân trước kia. Nhưng tất nhiên cũng bắt đầu từ đó xiềng xích của ma thuật cột trói anh ta ngày càng chặt hơn. Như vậy, ngoài phương thức chuyển giao các khả năng ma thuật qua con đường di truyền từ đời cha ông sang con cháu, cho đến bốn đời, quyền lực ma thuật cũng có thể thâu đoạt bằng việc giao kết với ma quỉ, thường là giao kết theo lối trích máu ăn thề, tập luyện và thực hành các hoạt động thông linh. Bây giờ chúng ta sẽ đề cập đến các hình thức ma thuật.
Ma Thuật Ðen
Từ thời Trung cổ cho đến nay, ma thuật dường như không thay đổi bao nhiêu. Người ta gọi là “ma thuật đen” vì các hoạt động ma thuật này có liên hệ trực tiếp với quyền lực của sự tối tăm là ma quỉ. Những người thực hành ma thuật đen thường là những người đã lấy máu mình cam kết đứng về phía Satan, bán linh hồn cho Satan để đổi lấy một số quyền lực, tà thuật siêu nhiên.
Vì ma thuật đen trực tiếp liên quan đến ma quỉ cho nên nó là hình thức ma thuật kinh khủng, dữ dằn hơn hết. Các thầy pháp trong ma thuật đen thường dùng bùa ngãi, thần chú hay các lời nguyền để bách hại, báo thù, hay ngược lại, để tự bảo vệ hay chữa bệnh. Các thầy phù thủy ở Papua Tân-ghi-nê thường dùng những lời nguyền để giết kẻ thù. Việc sử dụng thần chú hay các lời nguyền liên kết với quyền lực của ma quỉ để chữa bệnh hay hãm hại không chỉ là hình thức ma thuật đen của thời xưa, mà ngày nay vẫn còn được thực hành cả trong các nước phát triển nữa và bằng chứng cụ thể nhất là các sách báo về ma thuật đen hiện đang được lưu hành rộng rãi và công khai tại các nước Âu Mỹ.
Một nông gia Ðức chưa từng gặp rắc rối nào với ma thuật, một ngày kia, từ trại giam của Nga trở về, bỗng thường xuyên gặp ác mộng trong giấc ngủ. Anh thấy mình bị một bà hàng xóm, là mẹ một người bạn tù của anh nhưng mất tích, xiết cổ. Các cơn ác mộng cứ tái diễn thường xuyên, khiến người nông dân khốn khổ này phải đi tìm thầy pháp nhờ giúp đỡ. Thầy pháp cho biết anh bị người ta tấn công bằng ma thuật vì bà hàng xóm nghĩ rằng anh đã dành phần may mắn của con bà, anh trở về khiến cho con bà ta mất tích. Với sự giúp đỡ của thầy pháp, anh ta hết ác mộng. Nhưng chỉ ít lâu sau, rắc rối khác lại xuất hiện, đó là bầy súc vật của anh cứ từng con lăn ra chết. Lại tìm đến thầy pháp, anh được cho một số bùa giấy đem về trộn vào thức ăn cho súc vật thì tình trạng bệnh dịch chấm dứt. Cần lưu ý, ma thuật đen với bùa ngãi, phù chú không chỉ là mê tín dị đoan nhưng trong nhiều trường hợp là phương tiện thể hiện quyền lực của ma quỉ, tà linh, nói chung là quyền lực của sự tối tăm.
Tiến sĩ Kurt Koch cũng thuật lại một trường hợp sử dụng ma thuật đen để chữa bệnh ở thành phố Toggenburg, Thụy Sĩ như sau. Một nông dân ở Toggenberg tìm đến một thầy thuốc chữa bệnh bằng ma thuật để xin cứu giúp con trai ông bị sốt tê liệt từ nhỏ. Người nông dân muốn có một đứa con khỏe mạnh tiếp nối công việc nông trại nên đã tìm thầy chạy thuốc khắp nơi, mong sao cho con lành mạnh. Cuối cùng ông đến với một pháp sư có tiếng là Hugentobler ở Peterzell. Ông này dùng ma thuật đen chữa cho đứa bé hoàn toàn lành mạnh. Mọi sự diễn tiến tốt đẹp trong nhiều năm. Tuy nhiên vào năm đứa trẻ 16 tuổi, một ngày kia người cha thấy con nằm trên vũng máu trong một chuồng ngựa, cổ bị một vết thương cắt đứt động mạch. Thảm họa xảy ra quá bất ngờ. Trên thân thể đứa con hấp hối người nông dân tìm thấy một lá bùa của pháp sư Hugentobler để trong một túi da nhỏ có hàng chữ: “Linh hồn này thuộc quỉ”. Ðây là bằng chứng cho thấy vì sao qua ma thuật đen đứa trẻ này đã được chữa lành một cách thần kỳ!
Trong hầu hết các nước, có thể nói Tây Tạng là nước chống đối Phúc Âm của Chúa Giê-xu dai dẳng lâu dài nhất. Trên đất nước này người ta thấy quyền lực của ma quỉ được phô trương lộ liễu trong tôn giáo thông linh và trong các hoạt động ma thuật, quỉ thuật. Các giáo sĩ và các nhà nghiên cứu ở Tây Tạng đều công nhận rằng các pháp sư, thuật sĩ, tu sĩ Tây Tạng có khả năng pháp thuật rất lớn, đặc biệt là về các thuật thông linh như thuật viễn khiển (telekinesis), nâng bàn, chữa bệnh bằng ma thuật...
Những sự kiện trên nhắc cho chúng ta nhớ đến các pháp sư của thời Kinh Thánh, như Si-môn ở Sa-ma-ri “làm nghề phù phép” (Cong 8:9), như Ê-ly-ma, thuật sĩ ở Ba-phô, đảo Síp (Cong 13:8-10), như các thầy phù thủy Ai-cập là Gian-nét và Giam-be (IITi 3:8-10) là những kẻ chống cự Môi-se tôi tớ Ðức Chúa Trời, tất cả họ là những kẻ bị quở trách, rủa sả. Ðây là những công cụ trực tiếp trong tay ma quỉ cho nên họ có thể làm được nhiều điều phi thường, tạo nên những hiện tượng siêu nhiên, thậm chí có thể chữa được những bệnh nan y, nhưng chúng ta cần nhớ một điều, như C.S. Lewis đã nói: “Ma quỉ chữa cho con người bệnh ngoài da, nhưng rồi sẽ khiến con người mắc bệnh ung thư”. Hậu quả cuối cùng của tất cả những người sử dụng ma thuật hoặc nhờ cậy ma thuật phải chịu luôn luôn là đau đớn và hối tiếc...
còn tiếp
Bài trên không thuộc sở hữu của Trần Chí Quyền.
trích trong viet.bible. Quỷ Ám.